Thứ sáu, 29/03/2024 07:48 (GMT+7)

Thắp sáng hy vọng cho người khiếm thị trong thời đại 4.0

MTĐT -  Thứ năm, 18/04/2019 23:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Kỷ niệm 50 Hội Người mù Việt Nam, hàng nghìn chiếc điện thoại với nhiều phần mềm, tiện ích đã được dành tặng cho người khiếm thị để giúp người yếu thế không bị bỏ lại phía sau trong thời đại 4.0.

Ngày 17.4, tại Hà Nội, Hội Người mù Việt Nam kỷ niệm 50 năm ngày thành lập (17.4.1969 - 17.4.2019) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất - lần thứ hai.

Tham dự buổi lễ có bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và đại diện của nhiều cơ quan ban, ngành cũng như các tổ chức xã hội khác.

Đây là tổ chức của người khuyết tật nặng, ra đời trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra gay go, ác liệt. Trải qua 50 năm, các hội viên đã cùng nhau nỗ lực phấn đấu, kiên trì, bền bỉ trong học tập, lao động sản xuất, vượt lên số phận, tự khẳng định mình, chủ động hòa nhập với cộng đồng.

Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và đại diện các cơ quan ban, ngành tham dự lễ kỷ niệm.

Tính đến nay, Hội người mù Việt Nam đã có hệ thống tổ chức chặt chẽ từ trung ương tới địa phương với 56 tỉnh, thành Hội, 438 quận, huyện Hội, 454 Hội xã, phường, 3.312 chi Hội và hơn 74.000 hội viên.

Theo Chủ tịch Hội người mù Việt Nam Phạm Viết Thu, sau 50 năm xây dựng và phát triển, hiện nay Hội Người mù Việt Nam đã có tổ chức chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương, với 56 tỉnh, thành hội cùng với 15 Trung tâm giáo dục, dạy nghề và phục hồi chức năng, 357 cơ sở sản xuất, dịch vụ tập trung để hỗ trợ cho người mù.

Ông Phạm Viết Thu - Chủ tịch Hội người mù Việt Nam.

50 năm qua, Hội đã thực sự là mái nhà chung ấm áp, là chỗ dựa tin cậy của người khiếm thị cả nước. Nhiều người khiếm thị không chỉ nỗ lực vươn lên trong cuộc sống mà trở thành tấm gương, có nhiều đóng góp cho xã hội.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương khẳng định, 50 năm qua, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Tàn nhưng không phế”, người mù và người khuyết tật trong cả nước đã luôn kiên trì, bền bỉ phấn đấu, tích cực tham gia đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Để Hội Người mù Việt Nam tiếp tục phát triển, bà Trương Thị Mai đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các địa phương tiếp tục nhận thức sâu sắc về trách nhiệm đối với cuộc sống của người khuyết tật, tôn trọng quyền của người khuyết tật, nhận thức về năng lực và sự đóng góp của người khuyết tật để có những chính sách, hành động thiết thực đối với người khuyết tật.

Trong giai đoạn hiện nay, một số cơ chế chính sách đối với Hội và người mù chưa thật sự phù hợp. Trước những khó khăn đó đòi hỏi các cấp Hội cần tăng cường đoàn kết, nâng cao năng lực, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, sâu sát tình hình thực tế, hướng về cơ sở, về hội viên.

Mặt khác, cần gắn hoạt động Hội với các chương trình của Nhà nước, của địa phương, huy động nhiều nguồn lực để nâng cao hiệu quả hoạt động, thiết thực chăm lo đời sống người mù.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Hội Người mù Việt Nam, Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC đã trao tặng 1.000 điện thoại thông minh cài đặt ứng dụng “9999 Hy vọng” nhằm hỗ trợ người khiếm thị.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Tiến sỹ, Viện sỹ Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ (AIC Group) chia sẻ: "Ứng dụng 9999 hy vọng” đúng như tên gọi của nó, được thiết kế nhằm giúp người yếu thế tiếp cận đời sống một cách thuận lợi nhất. Chúng tôi đã dành nhiều tâm sức để nghiên cứu và đưa phần mềm vào ứng dụng, tặng miễn phí cho người khuyết tật với mong ứng dụng sẽ thay tiếng nói, thay đôi mắt, đôi tai để người yếu thế trong xã hội không bị bỏ lại phía sau, nhất là trong thời đại cách mạng 4.0.

Tiến sỹ, Viện sỹ Nguyễn Thị Thanh Nhàn phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Trước đó, ngày 8.4, AIC Group đã trao tặng 100 chiếc điện thoại 9999 hy vọng cho Hội Người mù tỉnh Yên Bái; ngày 12.4 đã trao tặng 320 chiếc điện thoại 9999 hy vọng cho Hội Người mù và Hội khuyết tật thành phố Hà Nội. Dự kiến, cuối tháng 4.2019 AIC Group sẽ trao tặng 300 chiếc điện thoại 9999 hy vọng cho Hội người mù TP.Hồ Chí Minh.

Nhiều dự án sẽ được tiếp nối "9999 Tết" và bước chuyển giao từ "9999 Tết" sang "9999 Việt Nam", dự án "9999 Hy vọng" đã được khởi động, với mục tiêu mang ứng dụng "9999 Tết" gần gũi hơn với cộng đồng người khiếm thính, khiếm thị ở Việt Nam.

Tiến sỹ, Viện sỹ Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ (AIC Group) trao quà cho Hội người mù Việt Nam.

Ứng dụng "9999 Việt Nam" sẽ duy trì và tiếp tục phát triển các nhóm chức năng mới để trở thành công cụ hữu ích giúp người khiếm thị, khiếm thính hoà nhập với cộng đồng và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Người khiếm thị có thể đọc báo, đọc truyện thông qua tính năng TalkBack và VoiceOver.

Tìm kiếm địa điểm sẽ giúp người khiếm thị định vị và được dẫn đường, tất cả những tương tác này đều dựa vào giọng nói, được hỗ trợ gửi tin nhắn bằng giọng nói, tra cứu thông tin ngày tháng, thời tiết.

Ứng dụng còn giúp người khiếm thị chủ động hoà nhập và tham gia nhiều hơn vào các hoạt động kinh tế, tiền tệ. Trợ lý ảo thông minh cũng được định hướng phát triển giúp người khiếm thị nắm bắt tỷ giá vàng, tỷ giá ngoại tệ hàng ngày.

Phần mềm rất dễ sử dụng, người dùng có thể điều lệnh đến bất kỳ một ứng dụng nào đang có trên điện thoại. Khi thao tác, là người dùng cầm một cục BLE nhỏ gọn, thiết bị này được kết nối với điện thoại, sau mỗi lần bấm vào thiết bị, người dùng ra lệnh bằng giọng nói, sau đó chú lợn thần kỳ Pigo thông minh sẽ cho kết quả tìm đến ứng dụng đang cần sử dụng.

Người dùng có thể gọi lệnh và giơ điện thoại lên soi vào văn bản pháp luật và văn bản này sẽ được chuyển tải thành giọng đọc cho người khiếm thị nghe sau ít giây hoặc là khi giao dịch mua bán, các tờ tiền cũng được soi và báo ngay mệnh giá trong tích tắc...

Còn đối với người khiếm thanh, khiếm thính thì có thể đánh nội dung cần nói vào máy điện thoại, rồi ứng dụng sẽ tự động chuyển qua giọng nói để phát to ra cho đối tượng đang giao tiếp cùng nghe.

Tính thiết thực của app được khẳng định khi chỉ trong một thời gian ngắn sau khi ra mắt, ứng dụng đã có gần 1 triệu người dùng, tải về và luôn đứng trong top các ứng dụng hấp dẫn nhất trong số các ứng dụng vui chơi giải trí trên cả 2 nền tảng IOS và Android.

Hiện ứng dụng đang tiếp tục được cập nhật, hoàn thiện để hướng tới trở thành một nền tảng, một hệ sinh thái tổng hợp, hướng tới một quốc gia thông minh và tiện ích để phục vụ miễn phí cho xã hội, giúp mọi người, mọi tầng lớp đều được trải nghiệm, được chạm tay vào giấc mơ 4.0.

Bạn đang đọc bài viết Thắp sáng hy vọng cho người khiếm thị trong thời đại 4.0. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.