Thứ ba, 16/04/2024 14:56 (GMT+7)

Tham vấn quốc tế về định hướng chính sách trong Luật BVMT

MTĐT -  Thứ sáu, 13/09/2019 13:58 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 12/9, tại Hà Nội, được sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB), Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, Bộ TN-MT đã tổ chức Hội thảo tham vấn đối tác quốc tế về các định hướng chính sách lớn.

Ngày 12/9, tại Hà Nội, được sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB), Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội thảo tham vấn đối tác quốc tế về các định hướng chính sách lớn trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT). Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Trần Văn Minh chủ trì buổi Hội thảo.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội thảo.

Cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Luật Bảo vệ môi trường Việt Nam được Quốc hội thông qua vào ngày 23/6/2014. Trải qua hơn 5 năm từ khi được thông qua và có hiệu lực đến nay, việc triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần to lớn vào việc quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều vấn đề về suy thoái, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng. Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế, cải thiện an sinh xã hội, công tác BVMT luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 622/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững bao gồm 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu cụ thể đặt ra cho Việt Nam giai đoạn từ nay đến năm 2030 trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường.

“Việt Nam trong giai đoạn vừa qua cũng đã tích cực và đẩy mạnh hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực, điển hình là hội nhập quốc tế về kinh tế. Việt Nam từng bước mở cửa, gắn nền kinh tế và thị trường trong nước với nền kinh tế và thị trường khu vực và thế giới. Hội nhập kinh tế quốc tế đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế của đất nước, giúp mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa và sản phẩm của Việt Nam, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh,…” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết thêm.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng trước những cơ hội và thách thức liên quan đến hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế - xã hội, công tác BVMT cần được nghiên cứu và điều chỉnh, cụ thể là trong Luật Bảo vệ môi trường 2014 hiện nay để phù hợp với tình hình và điều kiện hiện tại, đồng thời đáp ứng xu thế và tiến trình phát triển của đất nước trong tương lai.

Theo Bộ trưởng, việc sửa đổi Luật nhằm hướng đến các mục tiêu: Thiết lập một khung pháp lý dài hạn, phù hợp cho công tác BVMT và phát triển bền vững trong giai đoạn mới; đạt được các mục tiêu phát triển bền vững theo định hướng và chủ trương của Đảng và Nhà nước; đáp ứng yêu cầu và xu thế hội nhập quốc tế, đặc biệt là hội nhập quốc tế về kinh tế hiện nay và trong tương lai.

Ông Trần Văn Minh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Văn Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: Trong Kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết và đưa việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2020. Cơ quan chủ trì soạn thảo được Chính phủ giao là Bộ Tài nguyên và Môi trường. Qua theo dõi, Bộ đã rất nỗ lực để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và việc tổ chức hội thảo này cũng là minh chứng cho nỗ lực đó.

Theo ông Trần Văn Minh, được Quốc hội giao chủ trì thẩm tra việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã tổ chức rất nhiều cuộc giám sát về công tác BVMT. Riêng trong 2 năm 2018 và 2019 tiến hành thực hiện 2 cuộc giám sát toàn quốc về công tác BVMT đối với chủ doanh nghiệp, đối với cơ sở tiềm ẩn ô nhiễm môi trường cao, đối với các ngành kinh tế quan trọng như công nghiệp năng lượng, vật liệu xây dựng và chế biến thực phẩm.

Ngoài ra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng tham gia thực hiện sơ kết Nghị quyết số 24 -NQ/TW Hội nghị Trung Ương lần thứ 7 (khóa XI) về “Chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT”; thực hiện nhiệm vụ đánh giá việc thực hiện các mục tiêu về tài nguyên và môi trường, ứng phó với BĐKH trong 10 năm (2011 - 2020) và xác định mục tiêu mới cho giai đoạn 2021-2030.

Hội thảo có sự tham gia của đông đảo khách quốc tế và các nhà khoa học

“Ủy ban đã thực hiện nhiều đợt khảo sát, nhiều hội nghị, hội thảo về quản lý tài nguyên, BVMT và ứng phó với BĐKH. Vào khoảng đầu tháng 10/2019, chúng tôi sẽ phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức hội thảo hoàn thiện quy chế pháp luật về ứng phó với BĐKH tại Cần Thơ”- ông Trần Văn Minh cho biết.

Theo ông Trần Văn Minh, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội cũng đang tiến hành giám sát việc thực hiện hợp tác quốc tế trong ứng phó với BĐKH.

“Qua các hoạt động trên, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phát hiện nhiều vướng mắc trong tổ chức thực hiện và những bất cập không còn phù hợp của các quy định pháp luật. Đây là cơ sở dữ liệu hết sức quan trọng để phục vụ cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường hiện hành” - ông Trần Văn Minh nói.

Đề xuất định hướng chính sách sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Tài - Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng cần sửa đổi, bổ sung quy định về khung chính sách môi trường, các định hướng, tiếp cận BVMT. Cụ thể, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, quy chuẩn kỹ thuật, phân vùng môi trường, kiểm soát nguồn ô nhiễm, quản lý chất thải rắn, quản lý chất lượng môi trường, quản lý cảnh quan thiên nhiên, các hệ sinh thái tự nhiên, cải thiện chất lượng môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, ứng phó với BĐKH, các công cụ hành chính - kỹ thuật, các công cụ kinh tế, nguồn lực, trách nhiệm BVMT.

Ông Nguyễn Văn Tài – Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường phát biểu tại Hội thảo.

“Phân luồng các hoạt động phát triển theo mức độ phát sinh các chất ô nhiễm, chất thải rắn, chiếm dụng, xâm hại cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái tự nhiên để có các biện pháp quản lý, kiểm soát, giảm thiểu phù hợp, hiệu quả.” - ông Nguyễn Văn Tài định hướng.

Theo ông Nguyễn Văn Tài, cần phân vùng môi trường theo các vùng nhạy cảm cao, nhạy cảm và ít nhạy cảm để định hướng các hoạt động phát triển phù hợp với chức năng, mức độ nhạy cảm, khả năng chịu tải của môi trường…

Gợi ý về Kinh tế tuần hoàn trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), các đại biểu quốc tế đưa ra các vấn đề rà soát lại định nghĩa về chất thải, nhiều nước trên thế giới hiện đang sử dụng định nghĩa về chất thải của công ước Basel; đề xuất đưa ra tiêu chuẩn tối thiểu cho các loại chất thải khác nhau như giấy nên được tái chế; chất thải hữu cơ nên được ủ; chất thải hỗn hợp nên được đốt; đề nghị xem xét đưa nội dung về kinh tế tuần hoàn vào Luật và lồng ghép với quản lý chất thải; cấm sử dụng một số vật liệu trong các sản phẩm cụ thể;

Đại diện Đại sứ quán Hà Lan phát biểu tại Hội thảo.

Ông Nguyễn Văn Sơn - chuyên gia cao cấp về môi trường của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: Năm 2018, Ngân hàng Thế giới thực hiện đánh giá Khung hệ thống của quốc gia về đảm bảo môi trường và xã hội nhằm xác định những điểm tương đồng và khác biệt giữa: Khung Môi trường và Xã hội của Ngân hàng Thế giới (Khung MTXH) và Hệ thống quản lý môi trường và xã hội quốc gia liên quan đến đánh giá tác động môi trường của Việt Nam trong các dự án đầu tư. Đánh giá được thực hiện trên cả khung quy định và năng lực triển khai Khung MTXH mới.

Ông Nguyễn Văn Sơn – chuyên gia cao cấp về môi trường của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Trên cơ sở những phát hiện qua đánh giá, ông Nguyễn Văn Sơn đưa ra khuyến nghị nhằm cải thiện khung quy định của Việt Nam cũng như công tác triển khai quy định trong các dự án đầu tư. Cụ thể, ông đề xuất sử dụng Khung MTXH của Ngân hàng thế giới làm nền tảng để tăng cường năng lực triển khai đảm bảo môi trường và xã hội - thông qua các trung tâm đào tạo/tập huấn hiện hành ở Việt Nam; sử dụng phát hiện qua đánh giá Khung MTXH của quốc gia làm bài học rút ra - có thể áp dụng trong chuẩn bị và triển khai các dự án đầu tư của Ngân hàng thế giới trong thời gian tới, bao gồm cả các dự án trung gian tài chính; sử dụng phát hiện qua đánh giá Khung MTXH của quốc gia để khuyến nghị cụ thể cho sửa đổi hoặc ban hành mới các quy định về đánh giá môi trường và xã hội ở Việt Nam.

Tại Hội thảo tham vấn, đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới (WB), Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (Jica),…; các đại sứ quán; các chuyên gia trong nước và quốc tế đã trao đổi, chia sẻ nhiều kinh nghiệm liên quan đến các định hướng lớn trong Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi.

Bạn đang đọc bài viết Tham vấn quốc tế về định hướng chính sách trong Luật BVMT. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Tháng Tư...
Sao trời nỡ đem mưa về phố vắng//Để tháng Tư ướt đẫm những cung đường//Chân trần bước... đếm ngày trôi thầm lặng//Rẽ lối nào... sẽ gặp lại người thương?! 

Tin mới