Thứ năm, 25/04/2024 20:41 (GMT+7)

Sự cố nước sạch sông Đà: Người dân sẽ được bồi thường thế nào?

TIÊU DIỆP (thực hiện) -  Thứ năm, 17/10/2019 07:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đơn vị cấp nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng sử dụng nước do những sai sót trong quá trình cung cấp dịch vụ.

Người dân Hà Nội đang vô cùng khốn đốn sau sự cố môi trường của nước sạch sông Đà, hàng vạn hộ dân đứng ngồi không yên do thiếu nước. Tình trạng cấp bách là vậy thế nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa làm rõ được trách nhiệm của Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) trong vụ việc này.

Để làm rõ vấn đề này, Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có cuộc trao đổi với luật sư Vũ Văn Biên, Văn phòng luật An Phước.

Luật sư Vũ Văn Biên nhận định: "Khởi tố hình sự đối với hành vi của Viwasupco là rất khó, cần khởi tố những người đã đổ dầu thải vào đầu nguồn nước sông Đà về tội “gây ô nhiễm môi trường” theo quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự năm 2015"

PV:Thưa luật sư, việc Viwasupco sớm phát hiện nước đầu vào nhiễm dầu nhưng chỉ báo cáo với tỉnh Hòa Bình mà không thông tin tới UBND thành phố Hà Nội, việc làm này có vi phạm pháp luật không?

Luật sư Vũ Văn Biên: Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 142/2013/NĐ-CP, hành vi không thực hiện các biện pháp để kịp thời ứng phó, khắc phục sự cố do hành vi vi phạm gây ra gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng của Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà có thể bị phạt tiền đến 500.000.000 đồng.

PV: Viwasupco không tiến hành đo các chỉ số B, C mà căn cứ vào chỉ số A xác định chất lượng nước sau đó vẫn tiếp tục sản xuất, cấp nước về Hà Nội, hành vi này có được phép không?

Luật sư Vũ Văn Biên: Chất lượng nước sinh hoạt phải đảm bảo theo quy định tại Thông tư 41/2018/TT-BYT ban hành Quy chuẩn về chất lượng nước sạch sinh hoạt. Việc Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà chỉ căn cứ vào chỉ số A là sai quy định của pháp luật.

Điều 5 thông tư 41/2018/TT-BYT quy định Đơn vị cấp nước phải tiến hành thử nghiệm toàn bộ các thông số chất lượng nước sạch khi có sự cố về môi trường có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng nước sạch

PV: Khiến hàng vạn người dân ở Hà Nội phải sử dụng nước nồng nặc mùi clo, styren vượt ngưỡng 1,6 – 3,65 lần, theo luật Viwasupco sẽ bị xử lý như thế nào, thưa ông?

Luật sư Vũ Văn Biên: Theo quy định tại Điều 7, Thông tư 41/2018/TT-BYT, đơn vị cấp nước chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng nước sạch do đơn vị cung cấp; Lưu trữ và quản lý hồ sơ theo dõi về chất lượng nước sạch; Báo cáo biện pháp khắc phục các sự cố liên quan đến chất lượng nước sạch; Công khai thông tin về chất lượng nước sạch…

Trước hết, Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà phải bồi thường thiệt hại cho người dân. Theo quy định tại Điều 47 Nghị định 117/2007/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch quy định: “Đơn vị cấp nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng sử dụng nước do những sai sót trong quá trình cung cấp dịch vụ không đúng với các điều khoản ghi trong Hợp đồng dịch vụ cấp nước.

Khiếu nại của khách hàng sử dụng nước phải được gửi cho đơn vị cấp nước trong khoảng thời gian 10 ngày kể từ khi phát hiện sai sót. Đơn vị cấp nước có trách nhiệm xem xét, giải quyết khiếu nại trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại của khách hàng sử dụng nước”.

Điều 608 của Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định: “Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hoá, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường”.

Bên cạnh đó, tại Khoản 1 Điều 23 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng ghi nhận: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng”.

PV: Trường hợp sản xuất và cấp nước không đảm bảo Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà có bị khởi tố không?

Luật sư Vũ Văn Biên: Khởi tố hình sự đối với hành vi của Viwasupco là rất khó vì bản chất hợp đồng cung cấp nước giữa Viwasupco và người dân là Hợp đồng Kinh tế.

Trong trường hợp này cần khởi tố những người đã đổ dầu thải vào đầu nguồn nước sông Đà về tội “gây ô nhiễm môi trường” theo quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự năm 2015.

PV: Người dân Thủ đô đã ký hợp đồng sử dụng dịch vụ nước sạch đối với các đơn vị cấp nước Hà Nội lấy nguồn từ Viwasupco, theo ông trách nhiệm bồi thường Viwasupco ở đây là gì?

Luật sư Vũ Văn Biên: Như đã trình bày ở trên, Viwasupco phải bồi thường thiệt hại cho người sử dụng nước. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, xác định mức bồi thường bao nhiêu là rất khó.

Hiện nay chưa có điều kiện để thống kê chính xác về thiệt hại nhưng sự khủng hoảng về niềm tin, thiệt hại về sức khỏe là những gì người dân Thủ đô lúc này đang phải đối mặt.

Xin cảm ơn luật sư!

Bạn đang đọc bài viết Sự cố nước sạch sông Đà: Người dân sẽ được bồi thường thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng