Thứ tư, 24/04/2024 08:48 (GMT+7)

Rực rỡ sắc màu trong Lễ Kỷ niệm Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ 3

DIỆP HOÀNG - A LỰC -  Thứ ba, 10/12/2019 16:54 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tối 9/12, UBND tỉnh Gia Lai phối hợp cùng Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam tổ chức Lễ Kỷ niệm Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ 3 năm 2019 với chủ đề “Gia Lai với văn hóa thưởng thức cà phê”.

Tham dự Lễ Kỷ niệm có các ông: Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ Trưởng Bộ Nông Nghiệp và PTNT; Dương Văn Trang - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai; Hồ Văn Niên - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai; Võ Ngọc Thành - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai; Kpă Thuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ 3 năm 2019; Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam; đại diện lãnh đạo các Sở, Ban ngành, đoàn thể tỉnh Gia Lai; các địa phương có diện tích trồng cà phê lớn như Đak Lak, Đak Nông, Lâm Đồng, Kon Tum,TP. Hồ Chí Minh và nhiều doanh nghiệp trồng cà phê trong nước và quốc tế.

Lễ Kỷ niệm Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ 3 năm 2019 với chủ đề “Gia Lai với văn hóa thưởng thức cà phê”.

Lễ Kỷ niệm còn vinh dự đón các vị khách quốc tế đại diện của Tổ chức cà phê quốc tế (ICO); Tổng lãnh sự quán Nga tại Việt Nam; Đại sứ Indonesia tại Việt Nam; Ban Chấp hành Liên đoàn Cà phê Đông Nam Á; Chủ tịch Hiệp hội cà phê các nước: Ấn Độ, Châu Phi; Tham tán thương mại Lào tại Việt Nam; nhiều doanh nghiệp Thái Lan, Châu Phi, Singapore, Ấn Độ, Hàn Quốc.

Ông Kpă Thuyên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, Trưởng Ban tổ chức Lễ kỷ niệm ngày cà phê Việt Nam lần thứ 3.

Phát biểu tại buổi Lễ, ông Kpă Thuyên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, Trưởng Ban tổ chức Lễ kỷ niệm ngày cà phê Việt Nam lần thứ 3 cho biết: Gia Lai được xem là trung tâm của vùng tam giác phát triển Campuchia, Lào và Việt Nam, được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh quan tươi đẹp. Tỉnh Gia Lai hiện có hơn 70.000 tổ chức, hộ gia đình trồng cà phê với diện tích khoảng 97.000 ha, sản lượng đạt bình quân hằng năm đạt gần 220.000 tấn cà phê nhân. Phần lớn diện tích cà phê trồng tại cao nguyên đất đỏ bazan có độ cao trung bình từ 600m - 800m so với mực nước biển nên có hương vị đặc trưng riêng. Những năm gần đây, tình hình thương mại thế giới có nhiều biến động đã tác động không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh của ngành cà phê. Tuy nhiên được sự quan tâm sâu sát, quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, Ban ngành nên ngành sản xuất cà phê đã đạt được nhiều thành công mới. Thông qua sự kiện này, BTC mong muốn tạo nên một không gian văn hóa độc đáo là nơi hội tụ của các nhà sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê trong và ngoài nước. Đây cũng là dịp để các bên gặp gỡ, tìm hiểu hướng tới xây dựng các liên minh, liên kết tạo nên sức mạnh tổng hợp bền vững từ khâu sản xuất, chế biến đến kinh doanh mặt hàng cà phê góp phần nâng tầm thương hiệu của cà phê Việt Nam nói chung và cà phê Gia Lai nói riêng trên thị trường thế giới.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT phát biểu tại buổi Lễ.

Phát biểu tại buổi Lễ, ông Nguyễn Hoàng Hiệp – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết: Để tiếp tục thúc đẩy việc phát triển bền vững ngành cà phê trong thời gian tới, cần quan tâm tập trung triển khai một số giải pháp sau: Rà soát quy mô sản xuất cà phê, đáp ứng nhu cầu thị trường; Ổn định diện tích cà phê khoảng 600 nghìn ha vào năm 2025, trong đó phát triển một số vùng cà phê chất lượng cao gắn với quy hoạch chế biến và cơ sở hạ tầng.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh, phải đầu tư nghiên cứu chọn tạo giống cà phê năng suất, chất lượng cao, chống sâu bệnh hại, thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu. Nghiên cứu các giải pháp đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu chăm sóc và thu hái cà phê; nghiên cứu công nghệ và thiết kế, chế tạo các dây chuyền thiết bị chế biến cà phê nhân, chế biến phục vụ xuất khẩu. Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật: thâm canh, tưới tiên tiến tiết kiệm nước, trồng xen hợp lý, thiết kế cảnh quan, sơ chế, bảo quản cà phê ở nông hộ, khuyến khích sản xuất cà phê có truy xuất nguồn gốc. Khuyến khích các công ty chế biến xuất khẩu cà phê đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến hiện đại, thực hiện việc liên kết vùng nguyên liệu để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu và văn hóa cà phê Việt Nam.

Ông Gerardo Patacconi - Trưởng Ban Điều hành tổ chức cà phê thế giới (ICO) phát biểu.

Trưởng Ban Điều hành tổ chức cà phê thế giới (ICO), ông Gerardo Patacconi khẳng định, 30 năm qua, Việt Nam đã trở thành một thành viên hàng đầu của ICO và là nhà sản xuất, xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới. Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công nổi bật nhất trong lĩnh vực cà phê trong những năm gần đây. Theo ông, thách thức quan trọng nhất đối với chúng ta hiện nay là đảm bảo nông dân trồng cà phê được có thể đạt được thu nhập và tiền lương hợp lý, đây chính là điều mà ICO tập trung nỗ lực trong năm qua.

Vinh danh các cá nhân, tập thể có đóng góp tích cực trong xây dựng và phát triển ngành cà phê.

Ngày Cà phê Việt Nam được Hiệp Hội Cà Phê Ca Cao Việt Nam duy trì tổ chức thường niên nhằm ghi nhận những đóng góp của bà con nông dân và các doanh nhân, doanh nghiệp đối với ngành cà phê. Nhân dịp này, BTC đã vinh danh 15 gương mặt tiêu biểu, đại diện cho người trồng cà phê, các đơn vị kinh doanh, sản xuất cà phê trên cả nước đạt những thành tích lớn trong công cuộc phát triển ngành cà phê. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cũng tặng Bằng khen cho 11 tập thể và 7 cá nhân đã có những đóng góp tích cực trong xây dựng và phát triển ngành cà phê.

Tỉnh Gia Lai trao cờ đăng cai tổ chức Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ 4 năm 2020 cho TP. Hồ Chí Minh.

Tiếp nối chương trình kỷ niệm Ngày Cà phê Việt Nam hàng năm, Lễ Kỷ niệm Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ 4 năm 2020 sẽ do TP. Hồ Chí Minh đăng cai tổ chức.

Một số tiết mục văn nghệ đặc sắc trong chương trình Kỷ niệm:

Bạn đang đọc bài viết Rực rỡ sắc màu trong Lễ Kỷ niệm Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ 3. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới