Thứ bảy, 20/04/2024 18:20 (GMT+7)

Phóng viên Môi trường và Đô thị VN: Lắng nghe, phụng sự bạn đọc

PHAN NGÂN -  Thứ sáu, 21/06/2019 15:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trên hành trình phụng sự độc giả, nơi nào cũng có dấu chân phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam.

Nghề báo - Dễ mà khó!

Nhiều người cho rằng nghề báo là nghề cao quý, nghề đầy hào quang và người làm báo là người sung sướng. Thế nhưng mấy ai biết, để có những tác phẩm báo chí chất lượng, người làm báo phải đi qua cả một hành trình vất vả, có mồ hôi và có nước mắt, thậm chí có cả xương máu của mình.

Để đưa thông tin đến với bạn đọc, nhà báo - phóng viên phải xông pha đến các điểm nóng để khai thác câu chuyện và thu thập hình ảnh. Làm báo là không ngồi yên một chỗ. Dù địa điểm tác nghiệp có xa xôi, khó đi hay gặp bất cứ trở ngại nào thì người làm báo đều phải xoay sở, cốt để lấy được thông tin cần thiết. Với phóng viên mảng môi trường, nhiều trường hợp người dân ngại vạch trần những doanh nghiệp vi phạm, sợ lên mặt báo sẽ bị đe dọa và ảnh hưởng. Thế nên lấy được thông tin đem về đã là khó, đưa thông tin ấy lên công luận như thế nào lại là điều khó hơn.

Phóng viên Doãn Kiên, phòng Môi trường - Dân sinh thuộc tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử (áo kẻ xanh) trong một lần tác nghiệp.

Trong dòng chảy thông tin đa chiều mà báo chí đăng tải hàng ngày, có thể thấy đến 70% các thông tin đưa lên là giống nhau, chỉ khác nhau ở cách thức viết và thể hiện. Vì thế ai cũng có thể tham gia viết báo nếu có năng khiếu và đam mê. Không học các trường đào tạo về báo chí cũng có thể làm báo. Thậm chí đang học THCS, THPT vẫn có thể viết bài cộng tác với báo. Ngay cả bạn đọc cũng có thể tham gia làm báo không chuyên. Bởi thế, nghề báo ở Việt Nam chưa bao giờ thiếu nhân lực mặc dù số lượng trường đào tạo cử nhân báo chí chính thức trong cả nước không nhiều.

Nhà báo Phạm Dương - Trưởng Văn phòng đại diện khu vực Tây Bắc, Môi trường và Đô thị Việt Nam tác nghiệp tại vùng cao.

Tuy nhiên không phải ai cũng có thể trở thành một nhà báo chân chính, có thể trụ lại được trong nghề lâu dài, đồng thời xây dựng được thương hiệu của riêng mình, mang được hơi thở cuộc sống vào trong tác phẩm. Bởi nghề báo đôi khi trở thành một trào lưu được rất nhiều bạn trẻ yêu thích bởi khi tham gia bạn sẽ có được sự trải nghiệm cho bản thân. Nhưng khi dấn thân thực sự thì muôn vàn khó khăn, thậm chí cả cạm bẫy khiến nghề phải tự đào thải người làm nghề.

Làm báo là khó khăn chồng chất khó khăn, nhất là đối với các nữ phóng viên, nhà báo. Phụ nữ làm báo được coi là "đảm việc nước, giỏi việc nhà". Điều này không phải đơn giản, vì thế họ phải thật sự chia sẻ thời gian của gia đình cho công việc để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Khi cống hiến một cách trong sáng cho nghề, bạn sẽ nhận lại được giá trị mà xã hội trao tặng.

Nữ phóng viên Ngọc Anh - Phòng Kinh tế làm việc với Phó Chủ tịch UBND xã Trường Yên.

Khó khăn nhất của nghề là chọn lọc thông tin để đăng tải, nhà báo phải viết cái gì, viết cho ai, viết để làm gì, viết như thế nào? Như Bác Hồ đã nói, người làm báo phải có lập trường, tư tưởng vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân; luôn gắn bó với nhân dân và hết lòng phục vụ nhân dân; trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật; chịu khó rèn luyện, trau dồi kiến thức, học tập suốt đời; nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình. Trước những luồng thông tin, người làm báo phải sáng suốt nhận định, đánh giá để định hướng đúng đắn dư luận xã hội.

Phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam làm việc tại Vĩnh Phúc.

Không chùn bước trước khó khăn

Gánh vác trách nhiệm mà xã hội và nhân dân giao phó không dễ dàng, vì thế, mỗi phóng viên luôn phấn đấu để trở thành một nhà báo kiên cường, gan dạ và không chùn bước. Đối với những phóng viên môi trường, chúng tôi phải gần dân, lắng nghe dân và đi tìm sự thật cùng với nhân dân. 

Phóng viên Quốc Huy, Văn phòng Bắc Trung Bộ đang tác nghiệp cùng ngư dân xã Ngư Thủy Nam, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình.

Một cơ quan báo chí được nhiều người dân quan tâm, theo dõi, phản ánh những bức xúc, trăn trở, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của mình thì cơ quan báo chí đó thành công. Đường dây nóng của tòa soạn luôn lắng nghe các nguồn tin của người dân, độc giả, có mặt tức thời để ghi nhận, từ đó sàng lọc phân tích, đánh giá một cách khách quan sự việc. Điều này giúp người dân đến gần hơn với báo chí, và ngược lại. 

PV Môi trường và Đô thị Bắc Trung Bộ tìm hiểu sự phá rừng, xâm canh trong lưu vực lòng hồ thủy điện Nậm Pông( Quỳ Châu- Nghệ An).

Trong những chuyến đi, phóng viên, nhà báo được gặp rất nhiều người dân tộc thiểu số, ấn tượng đầu tiên với họ là lòng hiếu khách và sự thân thiện. Khi nhà báo gần dân, lắng nghe dân thì họ coi nhà báo là khách quý, thậm chí là người thân trong gia đình.

Nhà báo Nguyễn Tâm - Trưởng Văn phòng đại diện khu vực Tây Nguyên, Môi trường và Đô thị Việt Nam.

Càng đi nhiều, càng lắng nghe nhiều, cây bút của người làm báo càng sâu sắc hơn và trong sáng hơn. Đó không chỉ là niềm vui mà còn là sự vinh hạnh của chúng tôi khi được phục vụ nhân dân, phụng sự bạn đọc.

Bạn đang đọc bài viết Phóng viên Môi trường và Đô thị VN: Lắng nghe, phụng sự bạn đọc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chân dung được vẽ bằng lụa vụn.
Dự án "Những bức chân dung từ lụa vụn" đã khởi động, mục tiêu là hỗ trợ các nghệ nhân đằng sau các tác phẩm tranh lụa của Vụn Art.
Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất