Thứ sáu, 29/03/2024 07:24 (GMT+7)

“Phép màu” của cụ Quý!

MTĐT -  Thứ hai, 12/09/2016 08:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

(phapluatmoitruong.vn) - Đã mười năm nay, cứ như có “phép màu”, mỗi buổi sáng thức dậy, người dân tổ dân phố số 24, phường Tương Mai (Hoàng Mai) lại thấy đường ngõ mình đi qua sạch đẹp, thông thoáng, bất kể ngày mưa hay nắng. “Phép màu” ấy đến từ tấm lòng của cụ Đinh Thị Quý, một công dân của phường năm nay đã 78 tuổi.

“Chiếc đồng hồ” của tổ dân phố 24

Để làm nên điều kỳ diệu ấy, cụ Quý dùng thời gian công sức, nhiệt huyết và rất nhiều mồ hôi tạo ra... "phép màu". Mỗi ngày hai lần, người phụ nữ già nua, gầy gò ấy lại cầm cây chổi quét khắp lượt từ đầu đến cuối ngõ 35, phố Nguyễn An Ninh, nơi cụ sinh sống. Không chỉ quét rác, cụ còn thu gom rồi tự tay lôi từng bao tải rác to tướng đến khu đổ rác công cộng cách đó nửa cây số. “Sáng mùa hè, 5h tôi bắt đầu quét ngõ, chiều từ 15h. Mùa đông lạnh hơn nên 6h tôi mới bắt đầu làm, chiều sẽ quét dọn từ 14h30”.

Dù những ngày mùa hè 38, 40 độ, nắng như thiêu khắp ngõ, mùi xú uế từ rác bốc lên... cụ vẫn nhẫn nại làm việc. Mùa đông, khi những cơn gió mùa mang theo cái lạnh tái tê tràn về, trong chiếc áo trùm kín người, cụ vẫn mải miết quét dọn đường phố. Cụ bảo đông hay hè, cứ 3h chiều là các chị lao công đến gom rác, nếu sợ nắng mà đi làm muộn, rác sẽ không được dọn sạch. Hỏi cụ cớ gì hằng ngày không công quét sạch ngõ phố, cụ bảo: “Có phải bây giờ tôi mới làm đâu, làm đã hơn 10 năm nay rồi. Làm để sạch đường, sạch ngõ, cho ai nấy khỏe mạnh chứ chẳng vì cái gì cả!”.

12 năm trước, khi chưa có đôi bàn tay tỉ mẩn của cụ Quý, rác ở con ngõ 35 ngập đầy. Người dân đổ rác mỗi nhà một giờ, trong khi những công nhân môi trường chỉ dọn rác vào một giờ cố định. Con ngõ nhỏ như nhỏ hơn, mốc meo vì rác. Nhìn con đường bừa bộn, mùi hôi thối nồng nặc khắp nơi, cụ Quý chia sẻ ý tưởng tự tay dọn vệ sinh đường phố với vài người dân trong ngõ. Khi ấy, có người nói cụ nhiệt tình, chịu khó, có người cười cụ “già nên lú lẫn”, “khùng” hay “đẻ vào giờ nhặt rác”. Bỏ qua những khen, chê của mọi người, cụ bắt tay vào hành động.

Những ngày đầu thực hiện kế hoạch, cụ Quý gặp vô vàn khó khăn. Mỗi chiều sau khi quét, nhặt và mang rác đã thu gom đi đổ xong, cụ ngồi một mạch đến 10h khuya trước cửa nhà để canh chừng người vứt rác bừa bãi. “Bắt gặp ai, tôi cũng gọi lại, nhẹ nhàng nhắc nhở, khuyên nhủ. Có những người ngồi lên xe máy, quăng rác xong rồ ga bỏ đi, tôi không kịp nhắc, nhưng đa phần mọi người khi thấy tôi lúi cúi quét, dọn dẹp đường ngõ sạch tinh tươm rồi nhắc nhở thì đều sửa sai”, cụ Quý cười nói.

Sau hai năm ròng gắn bó với nghề quét rác không lương, bà lão “khùng” trở thành chiếc đồng hồ của tổ dân phố số 24. Cứ đúng giờ, ngày hai buổi sáng, chiều, cụ lại bắt tay vào công việc. Có hôm rác nhiều, sức không xách nổi lại chưa đến giờ lao công thu dọn, nhìn ngõ phố bộn bề cụ lại tự bỏ tiền thuê những người mua đồng nát chở đi giùm.

Không chỉ dọn rác, cụ còn là người bạn đồng hành của các chị công nhân môi trường làm việc tại ngõ 35, phố Nguyễn An Ninh. Cứ đúng 3h chiều mỗi ngày, cụ cầm kẻng đi rao khắp xóm, báo cho mọi người biết đã đến giờ đổ rác. Tiếng kẻng của cụ vang lên đến đâu, chị lao công đẩy xe đi đến đấy, người dân trong tổ khệ nệ mang rác ra chất lên xe. Cụ bảo: “Các chị lao công vất vả lắm, nhất là vào những ngày mùa hè, mùi hôi thối từ rác bốc lên rất mệt mỏi. Rác nhiều, người dân nếu đổ bừa ra đường họ lại mất công đi nhặt từng bọc một. Khi có kẻng họ đỡ vất vả hơn. Bây giờ, sau nhiều năm thấy tôi dọn rác, họ cũng có ý thức hơn, thường dồn rác lại thành đống, tại một điểm thôi chứ không bạ đâu bỏ đấy như ngày xưa”.

Vị "đại sứ môi trường"

Chúng tôi tìm đến ngõ 35, phố Nguyễn An Ninh trong một ngày Hà Nội mưa lất phất. Hỏi thăm cụ Đinh Thị Quý, ai cũng hồ hởi: “À, cụ Quý gầy” hay “cụ Quý đồng hồ”, “cụ Quý quét rác” rồi nhiệt tình, “giờ này cụ đang quét rác ở phía trong kia kìa”.

Đúng như chỉ dẫn, trên con đường nhỏ, chúng tôi bắt gặp cụ già, với chiếc chổi tre đang quét từng nhát xuống đường, nhẹ nhàng và nhẫn nại. Con ngõ nơi cụ đi qua dường như rộng hơn, mới và đẹp hơn, không một cọng rác dưới chân. Dáng người cao, gầy, khuôn mặt hằn lên những nếp nhăn nhưng ánh nhìn vẫn rất tinh anh. Nhanh nhẹn bước theo nhịp chổi rộn ràng, chốc chốc, cụ ngoái lại phía sau, nhìn ngắm con đường mình vừa dọn dẹp và mỉm cười vui vẻ. Cụ bảo: “Không chỉ quét rác, làm sạch phố phường, điều quan trọng hơn, tôi đã giúp bà con thay đổi ý thức, hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường”.

Cụ Quý được hầu hết mọi người yêu mến, cảm phục. Cụ đi đến đâu, mọi người đều chào hỏi vồn vã bằng nụ cười thân thiện và ánh mắt đầy trân trọng. Người dân tổ dân phố 24 bảo, bà lão là người bạn của tuổi già, tấm gương cho lớp trẻ và còn là một “Mạnh thường quân” của tổ. Mỗi khi trong tổ có cụ nào ốm đau, cụ Quý lại nấu bát canh hay bát cháo nóng khệ nệ mang đến tận nhà cho các cụ tẩm bổ. Cụ cũng là “chuyên gia gỡ rối tơ lòng”, chia sẻ với những người già neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi năm cụ Quý trích từ tiền trợ cấp ít ỏi của mình số tiền 1 triệu đồng để ủng hộ 5 hộ nghèo trong tổ, cụ mua thêm gạo biếu người khó khăn. Những ngày Tết Trung thu, Tết Thiếu nhi, cụ đều quyên góp tiền và tích cực vận động mọi người ủng hộ các cháu.

Chị Đoàn Thị Minh Lộc (35 tuổi), một người dân sống ở ngõ 35 cho biết: “Cụ Quý là một người vô cùng tốt bụng, nhiệt tình trong mọi hoạt động, từ công tác từ thiện đến việc bảo vệ môi trường. Cụ cũng là người dám đấu tranh với những điều chưa tốt, động viên mọi người sống tích cực. Là người trẻ, chúng tôi học được nhiều bài học quý báu từ cụ. Chúng tôi cũng ý thức mình phải sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng, với xã hội, khuyên dạy các con ngoan ngoãn, lễ phép với cụ, có ý thức bảo vệ môi trường”.

Ông Nguyễn Anh Quân, Tổ trưởng tổ dân phố số 24 tâm sự: “Nhiều hôm dưới mưa, thấy cụ chậm rãi kéo từng túi rác to tướng tập trung vào một góc, bản thân tôi cũng không khỏi suy nghĩ. Cụ thật sự là tấm gương lớn cho thế hệ trẻ, cho những người dân trong tổ”.

Theo ông Quân, không chỉ là “đại sứ môi trường” của tổ dân phố số 24, cụ Quý còn là một người hết sức năng động trong các hoạt động xã hội, hoạt động tập thể. “Cụ Quý vừa là thành viên Ban chấp hành Hội Người cao tuổi, Hội Chữ thập đỏ, vừa là cán bộ Hội Phụ nữ của tổ. Hoạt động, phong trào nào của tổ cụ cũng tích cực tham gia và có những đóng góp hết sức ý nghĩa. Ở tuổi của cụ đáng lẽ phải nghỉ ngơi, dưỡng già nhưng cụ vẫn luôn nỗ lực với các hoạt động tập thể, thật sự rất đáng kính, đáng trân trọng”, ông Quân nói. 
An Tâm
Bạn đang đọc bài viết “Phép màu” của cụ Quý!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.