Thứ ba, 19/03/2024 10:33 (GMT+7)

Nữ công nhân vệ sinh môi trường: Rác chính là cuộc sống!

PhamGiang -  Thứ năm, 24/05/2018 14:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Công nhân môi trường âm thầm, lặng lẽ không kể nắng mưa miệt mài làm việc trên mọi góc phố, nẻo đường. Bởi họ không chỉ làm việc vì nỗi lo mưu sinh cơm áo gạo tiền mà còn vì cả niềm đam mê với nghề.

Ý thức trách nhiệm với nghề

Thật không khó để bắt gặp những hình ảnh về người công nhân môi trường âm thầm, lặng lẽ không kể nắng mưa miệt mài làm việc trên mọi góc phố, nẻo đường. Bởi họ không chỉ làm việc vì nỗi lo mưu sinh cơm áo gạo tiền mà còn vì cả niềm đam mê với nghề.

Người ta thường ví công nhân vệ sinh môi trường như những chú ong thợ chăm chỉ hăng say làm sạch phố phường, để mỗi sáng thức dậy, chúng ta lại thấy phố xá gọn gàng hơn, đẹp đẽ hơn.

Hình ảnh công nhân vệ sinh HTX Môi trường Thành Công thu gom rác.

Công việc dọn vệ sinh tưởng chừng như đơn giản nhưng ẩn chứa trong nó là bao sự nhọc nhằn, vất vả và những mối nguy hiểm luôn kề cận. Nhiều người gắn bó với nghề là do cái duyên, bên cạnh đó chính ý thức trách nhiệm của họ đối với cộng đồng xã hội đã khiến họ nhận phần thiệt thòi về mình để làm công việc nặng nhọc này.

Công việc thu gom rác thải thực sự là một nghề vất vả và độc hại. Cũng đã không ít người phải bỏ nghề vì những khó khăn không phải ai cũng từng trải.

Đối với những công nhân vệ sinh thì rác chính là cuộc sống, họ phải tập quen với mùi hôi thối từ rác và chất thải, thứ mùi mà chẳng phương tiện bảo hộ lao động nào ngăn được. Nhiều người mới đi làm vẫn thường xuyên nôn ói bởi mùi hôi thối hỗn tạp xộc thẳng vào cánh mũi, lờ lợ trong cổ họng mỗi lúc tiến hành ép rác.

Và đương nhiên những điều đó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của công nhân vệ sinh môi trường, các căn bệnh về da, đường hô hấp hay nhiều căn bệnh truyền nhiễm khác luôn rình rập họ mỗi ngày.

Những chuyến xe rác vẫn tiếp tục dù đêm đã muộn.

 Mặc dù là nghề được đánh giá có mức độ ảnh hưởng cao đến sức khỏe nhưng công nhân ít được xã hội coi trọng như những ngành nghề khác.

Chị Nguyễn Thị Hạnh (công nhân vệ sinh môi trường thuộc HTX Môi trường Thành Công) chia sẻ: “Chị làm nghề này được hơn 10 năm rồi, ca làm của chị là ca tối (từ 4 giờ chiều đến 12 giờ đêm). Có hôm rác nhiều, xe cẩu rác không kịp thì công nhân lại phải chờ đến 1 - 2 giờ sáng mới được về.”

Chị Hạnh tâm sự: “Làm nghề này mệt lắm em ạ! Nhiều lúc đi làm chị tủi lắm, ý thức người dân còn kém, người ta khinh cái nghề của chi nữa. Ngày hè nắng nóng chẳng ai muốn ra đường, nhiều hôm chị đi thu gom rác mà người dân đứng trong nhà tung một bọc ra xe, trúng cả vào người mình rác bắn tung tóe, xong họ đóng cửa nhà luôn. Một mình đứng đấy lại phải quét dọn, ức chảy cả nước mắt".

 Phố Quan Nhân, 23h đêm công nhân vệ sinh môi trường thuộc HTX Thành Công vẫn miệt mài với công việc.

Quả thật, những công nhân vệ sinh môi trường muốn làm trọn trách nhiệm với nghề thì phải trải qua rất nhiều khó khăn, kể cả sức ép tâm lý, miễn sao thành phố được sạch đẹp, trang hoàng.

Rác chính là cuộc sống!

Không quá khi nói rằng rác chính là cuộc sống của công nhân vệ sinh môi trường. Họ ăn, ngủ cùng lịch trực thu gom rác, những phút nghỉ ngơi ít ỏi lại ngồi bên cạnh xe rác và rồi chi phí cuộc sống của họ cũng nhờ rác mà ra.

Nơi tập kết rác thuộc HTX Môi trường Thành Công

Hiện nay lượng rác thải, nước thải sinh hoạt hàng ngày của TP. Hà Nội ngày càng tăng, điều đó đồng nghĩa với việc khối lượng công việc vệ sinh môi trường đô thị nhiều hơn, nặng nhọc hơn.

Những người công nhân vệ sinh môi trường thường bắt đầu công việc từ sáng sớm, khi người dân còn chưa thức dậy thì họ đã phải quét dọn sạch sẽ đường phố trước khi mặt trời mọc. Công việc ấy lại bắt đầu khi chiều muộn, lúc mọi người đã mệt mỏi sau một ngày dài làm việc và về nhà với gia đình, thì họ - những người công nhân vệ sinh môi trường - lại cầm trên tay chiếc chổi tre đi khắp các con ngõ.

Công nhân môi trường quét dọn rác tại góc phố Quan Nhân.

Mặc dù vệ sinh môi trường là nghề mang tính công ích nhưng đây cũng được coi là một trong số những công việc “chân lấm tay bùn” giữa phồn hoa đô thị. Ngày ngày, bên ngọn đèn đường, những con người ấy vẫn đang miệt mài, cần mẫn làm việc mang lại môi trường xanh sạch cho thành phố.

Trò chuyện với chị Thúy (một công nhân của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội), chúng tôi mới thấm thía sự nguy hiểm của nghề vệ sinh môi trường. Chị kể: “Thỉnh thoảng cũng xảy ra tai nạn trong lúc làm việc, có hôm đang lúi húi dọn dẹp thì bất ngờ xe rác đổ vì người đi đường vô tình đụng vào xe. Có hôm đi thu gom rác còn bị bơm kim tiêm đâm phải vào tay, nguy hiểm lắm, sợ lắm nhưng cũng phải chịu thôi.”

Khổ nhất là những lúc mưa bão, đường ngập nước, ngập rác, nhiều xe đi qua vũng nước, bắn tung tóe, làm ướt sạch cả người. Khổ không nói hết! Thậm chí, nhiều đêm quét rác trên đường, có mấy thanh niên say rượu đi xe lạng lách đánh võng còn đâm cả vào người mình. Có ai làm nghề mới biết nghề vất vả lắm! Nhưng nói thật là vì học vấn thấp, tuổi cũng nhiều, đi làm nghề này quen rồi nên bảo chị bây giờ chuyển nghề khác thì chẳng biết làm gì cả”. Chị Thúy chia sẻ.

Hầu hết công nhân vệ sinh môi trường là người từ các tỉnh lên Hà Nội làm việc. Thu nhập bình quân của công nhân nghề vệ sinh chưa tới 200.000đ/ngày bao gồm cả bảo hiểm.

Đồng lương ít ỏi vừa phải trả tiền trọ hàng tháng, vừa trang trải sinh hoạt hàng ngày, lại phải tích góp gửi về quê phụ giúp gia đình, nên đa phần ai cũng khó khăn, chật vật. Nhiều công nhân nhà xa nhưng vẫn phải đi về trong ngày vì lo cho gia đình.

Chia sẻ về cuộc sống, chị Thúy tâm sự: “Nhà chị ở xa thành phố, mất cả tiếng đồng hồ mới về đến nhà, làm thì từ lúc trời còn chưa sáng, đến lúc đêm muộn. Ca ngày thì nắng như đổ lửa, ca đêm thì 2-3h sáng mới được về. Nhà xa, nhưng vì con cái thì mình vẫn đi đi về về như vậy thôi. Mặc dù thu nhập không cao và vất vả là thế nhưng công việc khá ổn định nên chị vẫn muốn gắn bó với nghề”.

Con đường đầy rác bẩn lại trở nên sạch sẽ hơn.

Những người công nhân ấy chỉ mong sau một ngày làm việc cực nhọc được về quây quần bên gia đình ăn bữa cơm tối, thậm chí có người làm ca đêm thì lâu lắm rồi không được ăn tối cùng gia đình. Những mong muốn đó tưởng chừng giản dị nhưng lại là niềm ao ước khó thực hiện.

Biết được khó khăn, vất vả của người công nhân vệ sinh môi trường, thiết nghĩ, mỗi chúng ta cần có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, phân loại rác thải và vứt rác nơi công cộng.

Cũng mong rằng mọi người hãy xem công việc của chúng tôi cũng như những công việc của họ, đừng thấy chúng tôi mà xua đuổi, bịt mũi và tránh xa như thế!”

Bạn đang đọc bài viết Nữ công nhân vệ sinh môi trường: Rác chính là cuộc sống!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nghệ An: Quỳ Châu có tân Chủ tịch UBND huyện
Sáng 18/3, Hội đồng Nhân dân huyện Quỳ Châu khóa XX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 khai mạc Kỳ họp thứ 14 (kỳ họp chuyên đề). Dự kỳ họp có đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lãnh đạo một số Sở, ban ngành.
MR WORLD 2024 sẽ được tổ chức tại Việt Nam
Sau thành công khi đăng cai Miss Grand International, vào tháng 9 tới đây, Công ty Sen Vàng tiếp tục là đơn vị đăng cai tổ chức một cuộc thi quốc tế khác đó là MR WORLD 2024 - Nam vương Thế giới 2024.

Tin mới

Nghệ An: Quỳ Châu có tân Chủ tịch UBND huyện
Sáng 18/3, Hội đồng Nhân dân huyện Quỳ Châu khóa XX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 khai mạc Kỳ họp thứ 14 (kỳ họp chuyên đề). Dự kỳ họp có đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lãnh đạo một số Sở, ban ngành.