Thứ sáu, 29/03/2024 21:19 (GMT+7)

Nhọc nhằn phận người 'bới rác tìm cơm' ở bãi rác lớn nhất Đà Nẵng

Nam Hà -  Thứ năm, 04/04/2019 13:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bất kể nắng mưa, hàng trăm phận người vẫn cặm cụi đào bới trên những "núi rác" nồng nặc mùi hôi thối, ruồi nhặng bu đen ở bãi rác lớn nhất Đà Nẵng để mưu sinh và kiếm từng đồng tiền nuôi con ăn học...

Bãi rác Khánh Sơn (P. Hòa Khánh Nam, Q. Liên Chiểu) là nơi tập kết rác thải sinh hoạt trên toàn TP Đà Nẵng từ nhiều năm nay.  Bình quân mỗi ngày bãi rác này tiếp nhận hơn 700 tấn rác thải...

Tại bãi rác này, trung bình mỗi ngày có hơn 300 người ra vào thường xuyên để nhặt rác kiếm sống. Đa số họ đến từ các địa phương gần bãi rác như khu vực Đà Sơn và Khánh Sơn (cùng thuộc phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) và thôn Đại La (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang)…

Quân số “cứng” thường trực tại đây đa số là phụ nữ ở nhiều lứa tuổi và có thân hình ốm yếu. Hàng trăm con người là hàng trăm số phận, cảnh đời khác nhau, nhưng họ có điểm chung là xuất thân nghèo khó và gắn bó với bãi rác lớn nhất Đà Nẵng này để mưu sinh.

Hằng ngày, họ có mặt ở đây từ lúc 4 giờ sáng và chỉ về nhà khi những chuyến xe rác cuối cùng vào bãi. Họ chạy tới chạy lui, hì hục đào bới khắp các "núi rác" để tìm "chiến lợi phẩm".

Trung bình một ngày lao động trên bãi rác, mỗi người có thu nhập từ 150.000 - 200.000 đồng, tùy vào sức lực.

Mặc dù được nhắc nhở phải đứng cách xa xe rác và chỉ được nhặt rác khi xe đã rời đi, thế nhưng khi xe môi trường vừa đổ rác xuống, hàng chục người đã vây lại, tay thoăn thoắt đào bới để hi vọng tìm thấy thứ gì đó có thể bán được.

Theo 1 lãnh đạo của Xí nghiệp Quản lý bãi và xử lý chất thải ở Đà Nẵng, về nguyên tắc là cấm người dân nhặt rác. Tuy nhiên, do những người này hầu hết là phụ nữ có sức khỏe ốm yếu, lại không có nghề nghiệp ổn định và "có cấm cũng không được" nên Xí nghiệp đành tạo điều kiện cho họ mưu sinh.

Được biết, chính quyền phường Hòa Khánh Nam cũng đã nhiều lần vận động người dân chuyển nghề khác để bảo đảm an toàn cho sức khỏe, tuy nhiên hầu hết những lao động ở Khánh Sơn vẫn muốn bám trụ với nghề bới rác, bởi nghề này cho họ thu nhập đều đặn mỗi ngày...

Công việc nhặt rác vất vả, tiếp xúc với nhiều yếu tố độc hại, dễ mắc nhiều bệnh hô hấp, da liễu... Thế nhưng, nhiều người vẫn kiên trì bám nghề. Công cụ để nhặt rác là những chiếc giỏ đan được đeo sau lưng, bao tải đựng rác và không thể thiếu chiếc bồ cào sắc nhọn, găng tay để bới rác.

Khi PV Môi trường và Đô thị Việt Nam có mặt tại bãi rác này, những người phụ nữ nhặt rác rất vui vẻ nói chuyện với chúng tôi, tuy nhiên hầu hết họ không muốn cho biết tên đầy đủ của mình, gương mặt lúc nào cũng bịt kín vì thẹn thùng bởi cái nghề nhặt rác.

"Khổ quá mới phải làm nghề này! Biết là cực, hít đủ mùi hôi rồi nguy cơ mắc đủ thứ bệnh, nhưng bù lại có tiền để lo cho con cái ăn học, để mai sau nó không khổ như mình. Hai đứa đầu của tôi đang học đại học, còn đứa con gái út năm học lớp 10 vừa rồi cũng đi thi học sinh giỏi của thành phố, cũng may chúng nó đều ngoan cả", một phụ nữ tâm sự và đề nghị giấu tên vì sợ bạn bè của con biết mẹ đi nhặt rác sẽ kỳ thị.

Một người phụ nữ tranh thủ chợt mắt giữa bãi rác khổng lồ, bốc mùi hôi thôi nồng nặc, sau 1 buổi sáng làm việc cật lực...

Bữa trưa đạm bạc như bánh, ngô luộc, khoai lang, sắn... được những "thân cò" này mang theo và ăn ngay giữa bãi rác. 

Ở đây, nhiều lần những người nhặt rác lượm được giấy tờ tùy thân, sổ đỏ và liên hệ với người bị mất để trả lại. Thỉnh thoảng, có trường hợp nhặt được xác của trẻ sơ sinh, nên họ đã cùng nhau góp tiền để lo chôn cất đàng hoàng cho các cháu bé.

Chiều muộn, những đôi tay bắt đầu mỏi nhừ, đôi chân cũng chừng như nhũn ra vì ngâm lâu trong rác, nhưng niềm vui với những người phụ này là những thúng ve chai nặng trĩu để gồng gánh nỗi lo "cơm áo gạo tiền" và "nuôi" cả những ước mơ đổi đời cho bầy con nhỏ.

Bạn đang đọc bài viết Nhọc nhằn phận người 'bới rác tìm cơm' ở bãi rác lớn nhất Đà Nẵng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới