Thứ sáu, 19/04/2024 07:28 (GMT+7)

Vụ phụ huynh bắt cô giáo quỳ: Cần quan tâm tới cảm xúc của trẻ

Anh Tuấn -  Thứ hai, 12/03/2018 10:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Câu chuyện nữ giáo viên trường Tiểu học Bình Chánh (Long An) áp dụng biện pháp xử phạt học sinh bằng cách quỳ gối cả lớp nhiều lần, khiến các em không dám tới trường.

“Tôi thật sự giật mình khi biết được thông tin con của ông Võ Hòa Thuận, (người ép cô giáo quỳ suốt 40 phút) mấy hôm nay phải nghỉ học. Dường như chúng ta đang quên cảm xúc của trẻ. Các cháu đang ở độ tuổi nhạy cảm, nhưng ký ức “khủng khiếp” như này sẽ theo bé suốt đời” - Đó là chia sẻ của chị Hoàng Điệp, phóng viên báo Tuổi trẻ. Theo chị, tuổi thơ chị cũng gặp phải tình trạng như các cháu và ám ảnh tới tận bây giờ.

Chúng ta đang “quên” những đứa trẻ

Câu chuyện nữ giáo viên trường Tiểu học Bình Chánh (Long An) áp dụng biện pháp xử phạt học sinh bằng cách quỳ gối cả lớp nhiều lần, khiến các em không dám tới trường. Đỉnh cao của vụ việc khi phụ huynh Võ Hòa Thuận đã vào tận trường bắt ép cô giáo “quỳ lại” suốt 40 phút gây xôn xao dư luận. Ông Thuận đã bị kỷ luật khai trừ khỏi Đảng, dư luận bức xúc, đủ yếu tố cấu thành tội làm nhục người khác. Cô giáo rồi đây cũng phải đối mặt với nhiều hình thức kỷ luật, mà không loại trừ khả năng bị đuổi việc.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện của người lớn – được trang bị tâm sinh lý, kỹ năng để đối diện với những khủng hoảng trong cuộc sống. Còn các em học sinh, những đứa trẻ nhiều lần phải quỳ gối và đối diện với dư luận, liệu rằng các em đã được quan tâm đúng mức?

Nhà báo Hoàng Điệp, phóng viên báo Tuổi trẻ

Theo chị Hoàng Điệp, nhà trường, các nhà tâm lý, phụ huynh học sinh cần quan tâm nhiều hơn đối với tâm lý của những đứa trẻ bị tổn thương này. Chính các em mới là đối tượng bị tổn thương nhiều nhất. Rồi đây, có thể cô giáo phải nghỉ việc hoặc ít nhất cũng bị điều chuyển công tác. Ông Thuận cũng đang phải đối mặt với những búa rìu dư luận, pháp luật. Riêng các em học sinh cần được quan tâm, nếu cần thiết phải được chuyên gia tư vấn tâm lý hỗ trợ. Tôi rất buồn và không thể tưởng tượng được cảm xúc của các em lúc này, nhất là con của ông Thuận. Liệu em còn dám đến trường, hay có ai đảm bảo em đến trường không bị bạn bè trêu đùa, chọc nghẹo, chửi này chửi kia khi có một ông bố như thế...

Tiến sỹ Tâm lý Nguyễn Thị Anh chia sẻ với báo chí: “Dường như chúng ta đang quên bẵng đi những đứa trẻ. Các em phải chịu đựng các hình thức hạ nhục như quỳ gối, “bị bêu” trước lớp… rồi lớn lên cũng lại có lúc đổ lỗi cho hoàn cảnh để đánh đổi lòng tự trọng, niềm kiêu hãnh làm người mà quỳ gối, bởi ngay trên ghế nhà trường, người ta đã không dạy chúng tôn trọng chính mình.”

Kỷ luật sư phạm, cần có nhưng không lạm dụng

Nhà báo Đoàn Quý Lâm,TGĐ Tập đoàn Truyền thông Mai A chia sẻ: Tôi là nhà báo xuất thân trong một gia đình có truyền thống nghề giáo. Bản thân tôi cũng từng đi dạy cấp 3 và đại học. Đối với môi trường học đường, cũng như nhiều môi trường khác, kỷ luật là hình thức cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho số đông.

Nhà báo Đoàn Quý Lâm,TGĐ Tập đoàn Truyền thông Mai A


Ở độ tuổi học sinh, tính hiếu động và khả năng nổi loạn để giải phóng năng lượng là điều dễ hiểu. Đó là lý do vì sao nhà trường cần có những tiết học ngoại khoá, thể thao, âm nhạc, dân vũ...
Khi học sinh có hành động quậy phá, gây mất trật tự, ảnh hưởng đến chất lượng lớp học, tất nhiên giáo viên phải có trách nhiệm và biện pháp xử lý thích hợp.
Với nhiều học sinh cá biệt, việc thuyết phục bằng ngôn từ để kéo các em về giới hạn tuân giữ trật tự là điều rất khó khăn và mất thời gian. Do đó, các giải pháp kỷ luật được thầy cô áp dụng như bắt đứng quay mặt vào tường, đứng trong vòng tròn hay quỳ ở một góc lớp...
Ở chừng mực nào đó, cách làm này sẽ giữ cho lớp học không bị hỗn loạn, buộc người phạm lỗi nhìn ra lỗi của mình và giúp các bạn khác tránh phạm lỗi tương tự.
Tuy nhiên, cũng không hiếm giáo viên lạm dụng hình thức kỷ luật, làm cho hình ảnh học đường trong mắt học sinh trở nên phản cảm, méo mó.
Dư luận đang có xu hướng bênh vực cô giáo bị phụ huynh bắt quỳ. Nhưng cũng có những thông tin cho thấy nhà giáo này đã quá lạm dụng hình phạt quỳ đối với học sinh. Điều này cho thấy có lẽ cô đã bất lực trong việc áp dụng các biện pháp sư phạm và quá đà trong cách thi hành kỷ luật.
Ai cũng có giới hạn chịu đựng của mình. Nếu cô giáo bắt quỳ nhiều quá khiến ảnh hưởng đến sức khoẻ và tâm lý, học sinh sẽ sợ hãi và bất bình. Đó là phản giáo dục.
Phản ứng của phụ huynh trước tình huống này là điều chưa từng thấy và không ai có thể ủng hộ. Tuy nhiên, sự kiện cũng dẫn đến một cảnh báo trong toàn xã hội về việc phá vỡ các chuẩn mực đạo đức rất đáng báo động trong môi trường giáo dục Việt Nam.
Người lớn chúng ta hãy học cách tránh làm tổn thương nhau và đặc biệt là tránh làm tổn thương thế hệ trẻ.
Sẽ là tuyệt vời nếu cả giáo viên và phụ huynh đều chung sức để giúp trẻ em học tập trong một môi trường văn hoá giàu lòng nhân ái.

Bạn đang đọc bài viết Vụ phụ huynh bắt cô giáo quỳ: Cần quan tâm tới cảm xúc của trẻ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.