Thứ sáu, 29/03/2024 21:17 (GMT+7)

Trách nhiệm và cái giá phải trả cho sự giáo dục tha hóa

MTĐT -  Thứ hai, 26/11/2018 16:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Gần đây, hàng loạt các trang báo mạng, đài, tivi đưa tin một cô giáo cho 23 em học sinh cùng lớp tát/vả vào mặt một bạn nam sinh cùng lớp chỉ vì nói bậy, chửi tục.

Qua tìm hiểu được biết, ngày 19/11/2018 một nam sinh lớp 6 có nói tục trong giờ giải lao (ra chơi) và bị Đội cờ ghi lại để trừ điểm thi đua, sau đó báo cáo với cô giáo chủ nhiệm của nam sinh. Ngay sau khi biết được hành vi đó của học sinh lớp mình, cô Nguyễn Thị Phương Thủy – sinh năm 1977 (cô giáo chủ nhiệm của nam sinh) đã yêu cầu 23 bạn cùng lớp tát vào má nam sinh vi phạm, mỗi người 10 cái; trong đó, chính cô cũng là người tham gia tát/vả vào má nam sinh cái cuối cùng, tổng nam sinh phải nhận lấy là 231 cái tát/vả vào má. Và điều gì đến cũng phải đến, nó giống như một giọt nước tràn ly, kết quả tất yếu và không ai mong muốn là nam sinh đó đã phải nhập viện vì hai má sưng tấy và đang trong tâm lý hoảng sợ.

Cô Nguyễn Thị Phương Thủy

Theo như lời tường trình của một số nam sinh, thì trước đây cũng đã có một số bạn bị tát/vả do nói tục, chửi bậy nên đây không phải đây là lần duy nhất cô giáo có hành động như vậy với học sinh. Mặt khác, trong sự việc lần này, cô Thủy còn yêu cầu các bạn học sinh phải tát/vả thật mạnh & đau, điều này là không thể chấp nhận với tư cách, đạo đức của một người có học thức nói chung, huống chi đây lại là người nhà giáo nói riêng, chỉ vì áp lực thi đua, muốn học sinh tốt lên mà có những hành vi tha hóa, bệnh hoạn, vô phép và vũ lực thì không một nền giáo dục nào chấp nhận được huống chi giáo dục của một nước xã hội chủ nghĩa như nước ta. Tôi cho rằng, việc bản thân cô Thủy đã đến xin lỗi nam sinh và gia đình là vẫn chưa đủ, cần phải khẩn trương bồi thường thiệt hại cả về vật chất & tinh thần; Không những thế phải động viên em và giúp em sớm trở lại với lớp học để đảm bảo về mặt kiến thức không trì trệ. Mặt khác, với tư cách là người làm công tác nghiên cứu pháp luật và áp dụng pháp luật tôi cũng cho rằng việc Công an huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) khởi tố hành vi của cô Nguyễn Thị Phương Thủy về tội: “Tội hành hạ người khác”được quy định tại Điều 140 của BLHS năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 là hợp lý.

Điều 140. Tội hành hạ người khác

  1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
  2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
  3. a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
  4. b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên;
  5. c) Đối với 02 người trở lên.

Về mặt khách quan hành vi của tội hành hạ người khác là có hành vi đối xử tàn ác hoặc làm nhục; Đối xử tàn ác được hiểu là hành vi gây ra sự đau đớn về thể xác (và tinh thần) đối với nạn nhân dưới các hình thức như đánh đập, bỏ đói, có hoặc không kèm theo việc chửi, mắng thậm tệ.

Về mặt chủ thể: Người có nặng lực trách nhiệm hình sự và có mối quan hệ lệ thuộc. Mối quan hệ lệ thuộc được hiểu là người bị hại phải là người có mối quan hệ lệ thuộc với người phạm tội về quan hệ xã hội, công tác hay tôn giáo.

Mặt chủ quan: Lỗi được xác định trong tội này là lỗi cố ý.

Khách thể của tội phạm: xâm phạm đến sức khoẻ thể chất và/hoặc tinh thần của người khác.

Rõ ràng trong trường hợp này giữa cô Thủy và nam sinh tồn tài mối quan hệ lệ thuộc giữa cô giáo & học sinh (lệ thuộc về quan hệ xã hội). Mặt khác, tôi cũng nhận định rằng hành vi của cô Thủy có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm c khoản 2 Điều 140 của BLHS năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017, tức mức hình phạt cao nhất mà cô Thủy có thể phải chịu là 03 năm tù giam.

Trước đó, không ít những vụ việc có tính chất tương tự giữa thầy, cô giáo với các học sinh của mình. Mọi thứ đều đưa đến một cái kết mà cả thầy, cô và trò không mong muốn và nhận lấy, phải chăng nền giáo dục chúng ta vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại không chỉ là lương tâm của bản thân người thầy nói riêng, cô mà còn ở công tác quản lý của ngành nói chung. Đây cũng là tiếng chuông cảnh báo một lần nữa tới những người làm công tác giáo dục và tới chính các bậc phụ huynh học sinh những người đang từng ngày, từng ngày xây đắp tương lai cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Luật gia: Lê Minh
Địa chỉ: Số 184, đường 19/5, phường Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội
Hotline: 0961.272.396
Email:[email protected]; [email protected]

Bạn đang đọc bài viết Trách nhiệm và cái giá phải trả cho sự giáo dục tha hóa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới