Thứ năm, 28/03/2024 22:11 (GMT+7)

Tin tức giáo dục 24h nóng nhất trong ngày hôm nay 13/8

MTĐT -  Thứ hai, 13/08/2018 20:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức giáo dục 24h nóng nhất trong ngày hôm nay 13/8, cập nhật tin tức giáo dục nóng nhất trong ngày do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

TPHCM dự kiến sẽ không thu học phí bậc THCS vào năm 2019

Báo Lao động đưa tin, chiều 13/8, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM (GD&ĐT) về công tác chuẩn bị năm học mới. Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, thành phố đang bàn hướng không thu học phí đối với cấp THCS, dự kiến sẽ triển khai từ năm 2019.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những nỗ lực của ngành GD&ĐT TP, một trong những địa phương có số lượng học sinh cao nhất cả nước, đảm bảo truyền thống chăm lo tốt cho học sinh, hiện đại hóa và xã hội hóa giáo dục mạnh mẽ…

Ngoài ra, Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, thành phố đang bàn hướng không thu học phí đối với cấp THCS, dự kiến sẽ triển khai từ năm 2019. Việc này đã được giao cho Sở Tài chính lên phương án để trình HĐND xem xét, thông qua vào cuối năm 2018.

"Quan điểm của thành phố là đảm bảo quyền được học, mọi người đều có quyền học, có trách nhiệm cho con em phải được đi học", Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Được biết, miễn học phí THCS là một trong những đề xuất của Bộ Giáo dục, nằm trong đề án Luật Giáo dục sửa đổi. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ, Tài chính không chấp thuận bởi cho rằng thời điểm này chưa phù hợp, làm tăng chi ngân sách nhà nước. Năm 2017, TPHCM thu được 351 tỷ đồng học phí bậc THCS.

Ngoài ra, về kế hoạch xây thêm trường tại các quận nội thành nhưng không còn quỹ đất, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã giao lãnh đạo Sở Xây dựng và Quy hoạch Kiến trúc nghiên cứu, triển khai đề xuất của ngành giáo dục là nâng cao tầng của các ngôi trường, phù hợp thực tế tại khu dân cư đông đúc...

Đại biểu tranh luận cùng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về tái mù chữ miền núi tăng

Sáng nay (13/8), chương trình làm việc phiên họp 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục diễn ra với hoạt động chất vấn. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên chất vấn buổi sáng. Liên quan tới vấn đề trách nhiệm và giải pháp về giáo dục khu vực miền núi, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) đặt câu hỏi và đề nghị Bộ trưởng GDĐT tạo làm rõ.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Ảnh Q.H.

Trả lời, Bộ trưởng GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết chính sách giáo dục miền núi được Đảng, Nhà nước rất quan tâm như ưu tiên xây dựng trường lớp, giáo viên, chính sách liên quan về chế độ giáo viên, học sinh...

Bộ trưởng GD-ĐT cũng thừa nhận có hiện tượng tái mù chữ. Hiện Bộ đang rà soát, tổ chức dạy song ngữ. Với cấp 1, tiếng Việt cần tăng cường, từ đó hạn chế bỏ học và tiếp cận học tốt hơn. Bộ kiến nghị chính cấp sách giáo khoa cho vùng khó khăn, biên soạn chương trình giáo dục địa phương.

Về dồn các điểm trường, Bộ hướng dẫn các tỉnh dồn điểm lẻ thành điểm chính, đảm bảo các cháu tiểu học gần nhà; khuyến khích trường phổ thông dân tộc nội trú hiệu quả. Học sinh nội trú có thể sống chung trong ký túc để chia sẻ, học tập với nhau.

Còn về chính sách cử tuyển: Giai đoạn trước phát huy cao, cử được người rất tốt, nhưng gần đây xem ra không hiệu quả. Khi học xong, người học về không bố trí được việc làm. Điều này chứng tỏ cử đi chưa trúng, chất lượng học của cán bộ đó chưa phải cao; khi cử đi và sử dụng không khớp với nhau nên về không có việc. Hiện nay, nhiều học sinh dân tộc không diện cử tuyển và giỏi nếu đi học về thì bình đẳng khi tìm việc. Do đó, cần cử người thực sự gắn với đầu ra; có thể liên tỉnh có trường để người đó ra thực sự là hạt giống về phục vụ cho địa phương.

Hà Nội: Tập trung giải quyết tình trạng quá tải ở cấp tiểu học

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 cấp tiểu học thành phố Hà Nội (theo hình thức trực tuyến), diễn ra chiều 13-8, bà Hoàng Thị Minh Hương, Phó Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) nhận định, một trong những vấn đề còn tồn tại của năm học 2017-2018 ở nhiều trường tiểu học trên địa bàn thành phố là quy mô trường, lớp quá đông.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến chủ trì hội nghị.

Toàn thành phố có gần 680.000 học sinh, theo học tại 745 trường tiểu học, tăng hơn 38.000 học sinh so với năm học 2016-2017. Tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày đạt 96,3%. Sĩ số trung bình một lớp ở các nhà trường đạt 40 học sinh, tuy nhiên một số trường có sĩ số lên đến 60 học sinh/lớp. Trong khi đó, Điều lệ trường tiểu học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định mỗi lớp có không quá 35 học sinh.

Để giải quyết tình trạng quá tải và chuẩn bị tốt cho việc triển khai chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới, năm học 2018-2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã tập trung tham mưu chính quyền địa phương có kế hoạch đầu tư mở rộng mạng lưới trường, lớp học và tăng cường mua sắm trang thiết bị dạy học.

Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kiến nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các địa phương, nhất là với các quận, khu đô thị và các khu chung cư trong việc tăng cường quỹ đất, đầu tư xây dựng thêm phòng học để giảm sĩ số học sinh mỗi lớp, bảo đảm không quá 45 học sinh một lớp. 

Trường đặt điểm chuẩn "ảo" để đánh trượt thí sinh 6/8 ngành

Vì số thí sinh đăng ký quá ít nên trường CĐ Sư phạm Gia Lai (TP. Pleiku, Gia Lai) đã nâng điểm chuẩn để đánh trượt thí sinh.

Mới đây, Trường CĐSP Gia Lai công bố điểm chuẩn vào các ngành hệ cao đẳng và trung cấp chính quy. Trong số các ngành đào tạo của trường, nổi bật nhất là ngành Sư phạm Ngữ văn có điểm trúng tuyển cao nhất lên đến 23.

Trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết trường đã "rất đau lòng" mới buộc phải sử dụng cách thức này. Nhà trường đưa làm vậy là do số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển quá thấp không đủ để mở lớp. Vì vậy, trường quyết định tăng điểm chuẩn cao hơn điểm thật của thí sinh để thí sinh không trúng tuyển vào trường.

Nghệ An: Dôi dư hơn 1.000 giáo viên trước năm học mới

Báo Nghệ An đưa tin, năm học 2018 - 2019, theo kế hoạch đã được phê duyệt, các trường học trên địa bàn Nghệ An phải giảm 180 lớp so với năm học trước.

Cộng thêm 203 lớp phải giảm so với năm học 2017 - 2018 sẽ kéo theo một số lượng lớn giáo viên rơi vào diện dư thừa; ước tính lên đến hàng trăm giáo viên.

Giảm lớp cũng là nguyên nhân khiến việc giải quyết bài toán dôi dư của Nghệ An càng thêm khó khăn. Vì thế, dù trong những năm qua, tỉnh đã có chủ trương điều giáo viên ở bậc THCS xuống dạy ở bậc mầm non, bồi dưỡng hoặc đào tạo lại để chuyển đổi bộ môn, bố trí lại nhiệm vụ công tác phù hợp nhưng dôi dư vẫn hoàn dôi dư.

Học sinh Trường THCS Tiến Thiết (Nghi Lộc). Ảnh: MH

Hiện, qua tổng hợp, toàn tỉnh vẫn còn 1.089 giáo viên thuộc diện dôi dư, tập trung ở bậc THCS và chủ yếu là ở hai môn Ngữ văn và Toán. Trong đó, địa phương có số lượng giáo viên dôi dư nhiều nhất là Diễn Châu với 219 giáo viên (chiếm tỷ lệ 21,6% so với tổng chỉ tiêu giao của cả huyện). Xếp sau Diễn Châu là Yên Thành với 165 giáo viên (15,83%), Thanh Chương với 132 giáo viên (14,23%), Đô Lương với 89 giáo viên, Anh Sơn với 69 giáo viên. Số giáo viên dôi dư còn lại tập trung ở các địa phương như Nam Đàn, Hưng Nguyên, Cửa Lò, Tân Kỳ, Hưng Lộc...

Đặc biệt, một số huyện miền núi, trước đây về cơ bản đã bố trí đủ giáo viên nhưng nay cũng đã dôi dư như Kỳ Sơn (34 giáo viên), Quế Phong (19 giáo viên), Con Cuông (9 giáo viên), Tương Dương (6 giáo viên) và Nghĩa Đàn (31 giáo viên).

Riêng 3 đơn vị là TP. Vinh, hai huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu không còn tình trạng dôi dư giáo viên.

Toàn tỉnh hiện cũng đang còn 370 giáo viên hợp đồng theo diện hợp đồng của huyện; có nhiều giáo viên đã công tác nhiều năm nhưng vẫn đang chấp nhận dạy học với mức lương cơ bản, không tăng lương trong nhiều năm, mức đóng bảo hiểm của họ cũng rất thấp, thấp nhất theo quy định của BHXH. Địa phương có nhiều giáo viên hợp đồng là huyện Đô Lương với 89 người.

Bạn đang đọc bài viết Tin tức giáo dục 24h nóng nhất trong ngày hôm nay 13/8. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

T.Anh (TH)

Cùng chuyên mục

Dạy triết ở Trường ĐH VinUni
Trong các tiết học Triết học, thay vì lý thuyết suông về các vấn đề vĩ mô, sinh viên VinUni sẽ được học cách nghi ngờ, cách phản biện, không tin lời người khác nói, thậm chí là không nghĩ lời giảng viên luôn đúng.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.