Thứ năm, 25/04/2024 19:08 (GMT+7)

Thiếu thực tiễn và sáng tạo, môn Văn sẽ… chết!

Trần Ngọc Tuấn -  Thứ hai, 29/10/2018 08:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Văn học là bộ môn vừa có tính nghệ thuật, khoa học vừa khơi gợi cảm thức thẩm mỹ lại vừa có tính ứng dụng thực tiễn.

Chính vì vậy, việc dạy và học văn tưởng dễ mà khó, và vấn đề hiệu quả của việc dạy học văn luôn là một câu chuyện dài không có hồi kết. Làm sao để dung hòa được từ phía người dạy và người học, giữa mục đích giáo dục thẩm mỹ và kỹ năng ứng dụng xã hội của bộ môn này là những câu hỏi muôn đời muôn thuở.

Một tiết học sáng tạo của học sinh (Nguồn Internet)

Mỗi người thầy đều là một nghệ sĩ, bục giảng là sân khấu. Điều này đúng nhất cho giáo viên dạy văn. Người dạy văn trước nhất phải có “máu” nghệ sĩ. Muốn có tiết học văn hay đòi hỏi người thầy phải “diễn” cho thật sâu, thật nhập tâm và phải có ngẫu hứng, sáng tạo. Thiên về cảm xúc, người dạy sẽ khơi gợi được sự rung động nhân ái tâm hồn của học sinh (HS), nhưng bài giảng quá “ước” nhiều khi sẽ mất chiều sâu lý trí, trí tuệ. Song, nếu quá thiên về lý trí và tính ứng dụng của nó, bài học sẽ trở nên máy móc, khô khan. Cho nên phải kết hợp cả hai yếu tố trên mới mong tạo được hứng thú cho HS và đạt được mục đích giáo dục của môn học.

 Người dạy văn quá chú trọng sách vở và giáo án có thể sẽ mang lại điểm số cao cho các em HS qua các bài thi. Song ra đời, nhiều khi các em HS dễ trở thành những “con mọt sách”, những “ông cụ triết lý non”. Liên hệ xã hội vào bài học, người thầy đã kéo cuộc sống gần hơn với trang sách của HS. Có thể trước mắt điểm số HS không cao, nhưng tương lai các em dễ thành người lịch lãm, “chín chắn”! Dung hòa giữa lý thuyết bài học sách vở và thực tế cuộc đời, những tiết học văn sẽ không còn nhàm chán, đơn điệu.

 Những bài kiểm tra điểm cao thường trung thành với kiến thức được “mớm” từ người thầy và thường như thế dễ khiến HS học “vẹt”. Người thầy phải chấp nhận những sáng tạo, phá cách, thậm chí những ý kiến có tính tranh luận của HS. Bản chất của môn văn là ở chỗ tranh luận, sáng tạo ấy.

Bốn kỹ năng “đọc, viết, nghe, nói” đều cần thiết trong việc dạy, học ngữ văn. Bấy lâu nay HS chủ yếu dừng lại ở việc “đọc” các văn bản giáo khoa (nghệ thuật, nghị luận, thông tin…) và “viết” các bài kiểm tra đáp ứng mục đích thi cử (phân tích thơ, truyện, nghị luận xã hội…), mà  ít được cọ sát với các văn bản khó đọc hơn, đa dạng hơn. HS cũng ít được tạo lập các văn bản có tính ứng dụng xã hội hơn như các văn bản giao tiếp hành chính, văn bản thuyết minh, văn bản sáng tác… Mặt khác, các kỹ năng về “nghe” và “nói” của HS hầu như ít được quan tâm, nên HS hiện nay rất yếu về hai kỹ năng này, vì vậy HS chưa có năng lực biết lắng nghe để thấu hiểu mà ứng xử cho đúng. HS yếu về kỹ năng nói, kỹ năng thuyết trình và tranh luận. Trong lớp thì thụ động, rụt rè. Ra ngoài xã hội thì khép nép thu mình vì sợ nói, sợ sai do thiếu tập rèn trong quá trình học. Việc môn văn bị cho thiếu tính thực tiễn là vì thế.

  Rõ ràng còn nhiều điều nữa để bàn về việc dạy và học văn hiện nay. Làm sao để kéo việc học văn về với ứng dụng thực tế. Làm sao để khi HS ra trường viết đúng một lá đơn xin việc, để sinh viên biết viết một bài nghiên cứu đúng quy cách, để bác sĩ kê đơn thuốc không sai chính tả, để đại biểu của một tổ chức xã hội nói năng lưu loát trước tập thể đám đông, để có nhiều hơn những sáng tác hay của những cây bút trẻ... đều là trách nhiệm của việc dạy học văn ở nhà trường phổ thông! 

 Một đồng nghiệp dạy hóa của tôi đưa ra nhận xét phi lý mà thấy có phần đúng: Thực ra chính những môn học tự nhiên mới ít sáng tạo, vì khi giải bài tập, HS làm theo những cách thức (cách giải) cho sẵn. Còn viết văn là một quá trình sáng tạo hoàn toàn. Sáng tạo về dùng từ, đặt câu, xây dựng bố cục lập luận, tạo sắc thái giọng điệu… Tất cả đều hướng đến mục đích: thuyết phục người nghe, người đọc và giao tiếp hiệu quả.

Vậy nên phải chú trọng tính thực tiễn và sáng tạo của môn văn!

Bạn đang đọc bài viết Thiếu thực tiễn và sáng tạo, môn Văn sẽ… chết!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.