Thứ sáu, 29/03/2024 03:45 (GMT+7)

Thi THPT Quốc gia 2019: Bí quyết đạt điểm cao Môn Văn (Bài 2)

Trần Ngọc Tuấn -  Thứ năm, 14/03/2019 08:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Để giúp thí sinh (TS) có cách ôn tập hiệu quả, chúng tôi chia sẻ những kinh nghiệm làm bài trên cơ sở tổng hợp tất cả các bài viết trước đây của chúng tôi về kỹ năng viết đoạn văn ngắn.

Bài 2: Các yêu cầu và cách viết đoạn văn ngắn

Đề thi minh họa môn văn năm 2019 của Bộ GĐ-ĐT vừa công bố không có sự thay đổi về yêu cầu của câu nghị luận xã hội. Để giúp thí sinh (TS) có cách ôn tập hiệu quả, chúng tôi chia sẻ những kinh nghiệm làm bài trên cơ sở tổng hợp tất cả các bài viết trước đây của chúng tôi về kỹ năng viết đoạn văn ngắn.

Trong đề thi THPT quốc gia môn văn, câu hỏi viết đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) được tính 2 điểm/ thang điểm 10 của tổng thể bài làm. Trước đây, với thời gian khá dài, câu hỏi này yêu cầu viết bài văn và tách riêng thành một câu độc lập chứ không có sự tích hợp với văn bản đọc hiểu. Với cấu trúc đề thi hiện nay, câu hỏi này đánh giá các mặt sau đây: kỹ năng đọc hiểu và vận dụng kiến thức, kỹ năng viết ngắn và tư duy xã hội của TS. Ở chương trình lớp 12, văn nghị luận xã hội được chia thành 2 loại: nghị luận về một tư tưởng, đạo lí và hiện tượng đời sống. Ở đây chúng tôi không tách riêng cách làm từng loại mà đem đến kinh nghiệm viết từ thực tế của tình hình đề thi. Muốn có bài làm hiệu quả, TS cần chú ý các điểm sau:

Các dạng yêu cầu và cách triển khai

Khảo sát với số lượng lớn đề thi, chúng tôi thấy câu hỏi viết đoạn văn ngắn có sự tích hợp với văn bản đọc hiểu ở các dạng sau đây. Từ các dạng tích hợp ấy, chúng tôi đề xuất cách triển khai thế nào cho hiệu quả.

Dạng 1: Nghị luận về một ý kiến/câu nói/một chủ đề ngoài văn bản đọc hiểu nhưng có liên quan đến nội dung văn bản đọc hiểu. Như đề thi minh họa năm 2019: “Từ nội dung đoạn trích phần đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về điều bản thân cần thay đổi để có thể thành công trong cuộc sống”. Cách làm: 1. Giới thiệu trực tiếp vấn đề (có/hoặc không có sự liên hệ với văn bản đọc hiểu); 2. Giải thích (có hoặc không); 3. Bàn bạc (chủ yếu là phân tích và bình luận, đây là bước trọng tâm. Bước này có thể trả lời trực tiếp vào các khía cạnh nội dung được hỏi. Cần trả lời cụ thể, rõ ràng, càng nhiều ý càng tốt. Ví dụ với đề minh họa trên, cần cho người đọc thấy được những điều bản thân cần thay đổi); 4. Mở rộng, liên hệ, phê phán; 5. Bài học nhận thức cho bản thân.

Kỳ thi THPT Quốc gia. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Dạng 2: Bày tỏ ý kiến có sự lựa chọn. Câu hỏi này gần giống với câu hỏi vận dụng thấp (câu 4) ở phần đọc hiểu văn bản, nhưng yêu cầu cao hơn. Cách hỏi thường là: “Anh/chị có đồng ý với ý kiến “…” (ba chấm là phần trích từ văn bản) không? Hãy bày tỏ ý kiến trong một đoạn văn (khoảng 200 chữ)”. Cách làm: 1. Nêu thẳng ý kiến đồng tình hay không (nên vừa đồng tình vừa không, vì vấn đề yêu cầu thường có hai mặt đúng/sai); 2. Giải thích vì sao đồng tình, vì sao không (phần này là trọng tâm nên phải cụ thể, rành mạch, nên kèm theo dẫn chứng để thuyết phục); 3. Bàn bạc, mở rộng vấn đề các mặt tốt/xấu, phải/trái, đúng/sai (như giải pháp nhân rộng mặt tốt/hạn chế mặt xấu; phê phán, bác bỏ…); 4. Bài học nhận thức, phương hướng hành động của bản thân.

Dạng 3: Trình bày suy nghĩ về ý nghĩa/tác dụng… của vấn đề trọng tâm được nói đến trong văn bản. Chẳng hạn “sự thấu cảm” (đề thi năm 2017), “sự trải nghiệm” (đề thi minh họa năm 2018). Hoặc có khi đề không nêu ra vấn đề trọng tâm là gì, mà để TS tự rút ra từ văn bản/câu chuyện. Cách hỏi này khó hơn, TS phải xác định đúng vấn đề thì mới nghị luận đúng hướng. Hoặc, đề trích một vài câu văn/câu thơ tiêu biểu trong văn bản, từ đó yêu cầu TS trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến/về câu thơ đó (như đề minh họa năm 2017). Cách làm: 1. Giới thiệu trực tiếp vấn đề (chẳng hạn: “Sự trải nghiệm có ý nghĩa/tác dụng/vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống của mỗi con người”); 2. Giải thích; Phân tích về ý nghĩa, tác dụng (cần cụ thể, rõ ràng, vì đây là yêu cầu trọng tâm); 3. Bàn bạc, mở rộng (giải pháp, phê phán, bác bỏ); 4. Ý nghĩa vấn đề và bài học nhận thức cho bản thân.

Trong các bước trên, TS cần chú ý triển khai kỹ bước trọng tâm, vì đây là cơ sở chính để cho điểm theo yêu cầu đáp án. Phần giới thiệu/mở đoạn được xem như là câu chủ đề, vì vậy cả đoạn văn nên viết theo cách tổng - phân - hợp.

Ba lời khuyên cần lưu ý
Một, không viết quá dài hoặc quá ngắn (khoảng một trang rưỡi giấy thi là vừa); không viết thành bài, mà phải viết một đoạn. Dành thời gian làm bài hợp lý.

Hai, Trong câu hỏi thường có hai vế: vế đầu là lời dẫn gắn với văn bản đọc hiểu, vế sau là yêu cầu của đề. Cho nên cần triển khai kỹ ở vế sau để làm nổi bật vấn đề trọng tâm. Không sa đà vào bình giải văn bản đọc hiểu. Nhiều khi đề cho có liến quan đến văn bản văn học, nhưng cần nhớ đây là kiểu làm văn xã hội để tránh lạc vào thao tác phân tích văn học.

Ba, nắm chắc 4 yêu cầu của đáp án chấm: 1. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn (diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp…); 2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (không lạc đề); 3. Chính tả, dùng từ, đặt câu; và 4. Sáng tạo (có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, dẫn chứng xã hội hay, phù hợp). Mỗi yêu cầu có 0,25 điểm.

Bạn đang đọc bài viết Thi THPT Quốc gia 2019: Bí quyết đạt điểm cao Môn Văn (Bài 2). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dạy triết ở Trường ĐH VinUni
Trong các tiết học Triết học, thay vì lý thuyết suông về các vấn đề vĩ mô, sinh viên VinUni sẽ được học cách nghi ngờ, cách phản biện, không tin lời người khác nói, thậm chí là không nghĩ lời giảng viên luôn đúng.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.