Thứ tư, 17/04/2024 03:22 (GMT+7)

Tại sao không công khai danh tính những người chạy điểm

MTĐT -  Thứ hai, 01/04/2019 08:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việc gian lận trong thi cử diễn ra đã lâu, kết quả điều tra đã có, nhưng dư luận chờ đợi mãi, chưa thấy công bố danh tính của các đối tượng chạy điểm.

Cơ quan chức năng đọc lệnh khởi tố bị can đối với đối tượng có sai phạm quy chế thi trong vụ gian lận thi cử ở Sơn La

Tôi còn nhớ trong những năm 50 thế kỷ XX, khi chúng tôi còn học ở trường cấp III Huỳnh Thúc Kháng – Nghệ An, hễ bạn nào quay cóp trong khi làm bài kiểm tra ở lớp, lập tức bị đưa ra kiểm điểm ở lớp và sau đó bị nhà trường cảnh cáo dưới cờ. Nhưng ngày nay, việc quay cóp và cao hơn là chạy mua điểm còn khá rộng rãi. Tôi cho rằng: vấn đề này xuất phát từ vấn đề giáo dục của Bộ. Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy ở các trường cấp I, các thầy cô giáo đều cho các học sinh các bài mẫu và yêu cầu học thuộc, không được bổ sung sửa chữa. Bài đó sẽ được dùng lúc thi. Nhiều ông bà biết đó là bất hợp lý, hạn chế sự sáng tạo của học sinh, nhưng không biết nói với ai, các hiệu trưởng đều yêu cầu Ban phụ huynh không để các ông bà đi họp thay, vì sợ nêu thiếu sót của ngành Giáo dục.

          Việc gian lận trong thi cử diễn ra đã lâu, kết quả điều tra đã có, nhưng dư luận chờ đợi mãi, chưa thấy công bố danh tính của các đối tượng chạy điểm.

          Theo ông, Mai Văn Trinh, Cục quản lý chất lượng Bộ GD – ĐT: “Tôi rất chia sẻ mong muốn của dư luận, nhưng chúng ta phải tính đến nhiều yếu tố tác động của việc này. Thứ nhất là phụ thuộc vào quá trình điều tra của cơ quan chức năng, thứ hai là phải thực hiện trong phạm vi khuôn khổ pháp luật cho phép, thứ ba là không thể không tính đến những tác động có thể rất cực đoan của các thí sinh liên quan”.

Gian lận thi cử tại Hòa Bình: Gần 20 trường Đại học có thí sinh “dính”

          Theo ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở GD-ĐT Hòa Bình cho biết, hôm 25/3, Sở đã hoàn tất các công việc mà Bộ GD-ĐT giao liên quan đến cập nhật lại điểm cho thí sinh sau kết quả chấm thẩm định. Ông Đắc cho biết, có khoảng gần 20 trường ĐH có thí sinh được nâng điểm của Hòa Bình theo học. Theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, đến thời điểm hiện tại, Sở GD-ĐT Hòa Bình đã cập nhật xong. Đồng thời đã gửi kết quả cập nhật về các trường ĐH, CĐ có thí sinh liên quan. Hôm 26/3/2019, Sở GD-ĐT Hòa Bình sẽ gửi báo cáo kết quả thực hiện về Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, ông khẳng định, cũng có nhiều thí sinh trong danh sách thẩm định lại kết quả không nhập học tại các trường trúng tuyển. Trước câu hỏi có bao nhiêu thí sinh trong danh sách trúng tuyển vào khối trường công an, quân đội, ông Đắc từ chối trả lời. Ông cũng vẫn giữ quan điểm không công khai danh sách các thí sinh. Trao đổi qua điện thoại, ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La, khẳng định Bộ GD-ĐT đã nói hết rồi, Sở làm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ, Bộ nói thế nào thì Sở nói thế và không cung cấp gì thêm.

Hàng chục người giàu và nhân vật nổi tiếng của Mỹ đã phải ra hầu tòa vì "chạy điểm" cho con vào trường đại học. Ảnh: Reuters

  Thầy Vũ Khắc Ngọc thầy dạy hóa Trung tâm học mãi nói: Tôi cho rằng cho đến thời điểm này, không thể không công khai danh sách thí sinh được chạy điểm. Việc công khai này cũng là một biện pháp để răn đe. Vì gian lận thi cử này rất nghiêm trọng. Nghiêm trọng cả về quy mô và mức độ. Quy mô ở đây là số lượng thí sinh, số lượng bài thi được sửa điểm lớn.

          Mức độ là số điểm được sửa rất trắng trợn. Gian lận thi cử thời nào cũng có, những chuyện như quay cóp, nhìn bài bạn là những cái thi thoảng vẫn gặp. Nhưng nâng điểm ở mức từ điểm liệt lên thủ khoa cả nước thì không thể chấp nhận được. Sự nghiêm trọng về tính chất ở đây còn thể hiện ở khía cạnh quyền lợi cá nhân.

          Sự che giấu đó lại làm phát sinh vấn đề. Có thể có những thí sinh điểm cao nhưng không phải do được nâng điểm, giờ không công khai, họ có thể bị thông tin giả vùi dập, có khi những thí sinh này còn bị tổn thương còn lớn hơn những thí sinh được chạy điểm. Đó còn chưa kể những kẻ xấu có thể chế ra một hình ảnh, một thông tin nào đó để thổi phồng sự việc lên. Do vậy, việc không công khai còn nguy hại hơn gây ra tổn thương còn lớn hơn.

          Ngay tại thời điểm này, ở Mỹ cũng phát hiện một đường dây phụ huynh “chạy” điểm cho con vào ĐH. Họ đã bị công khai danh tính và bị xử lý rất nghiêm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của chính những phụ huynh này. Nhưng họ vẫn làm. Đây là một tiền lệ để dư luận Việt Nam so sánh. Nếu viện lý do công khai sẽ gây tổn thương những thí sinh được chạy điểm thì đó là cách trả lời không công bằng với những thí sinh khác, họ lại bị thiệt thòi vì những sai phạm này một lần nữa.

Theo ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Phải công khai danh tính người lớn, những người phải chịu trách nhiệm chính. Các cơ quan chức năng, cơ quan điều tra cần làm rõ và công khai những người đã thò bàn tay xấu xí để mua điểm, chạy điểm cho con em. Nếu không công khai những người chạy điểm, mua điểm và lợi dụng “chức quyền” để nâng điểm cho người nhà, người thân thì chắc chắn dư luận sẽ không đồng tình. Bởi khi đó, không có người chạy thì làm sao có người nâng, có người can thiệp? Chẳng lẽ trong vụ việc nghiêm trọng này chỉ mấy ông cán bộ cấp phòng tự tìm cách nâng đỡ “trong sáng” cho những người xa lạ hay sao? Điều này là không phù hợp, có người chạy thì mới có người nhận tiếp tay… Cần phải công khai danh tính những người đã “chạy điểm” cho con và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, qua đó giáo dục, răn đe, phòng ngừa tái diễn các vi phạm trong các kỳ thi tới.

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: Điều mấu chốt chúng ta cần quan tâm là phải phát hiện, xử lý thật nghiêm khắc người trực tiếp tham gia vào việc gian lận thi cử. Cho dù bất cứ họ là ai, có tiền hay có quyền đến mức nào chăng nữa, nhưng nếu có chuyện “đi đêm”, chạy điểm thì phải xử lý nghiêm, không vùng cấm. Trong trường hợp này, chắc chắn phải có sự đi đêm, mặc cả.

Cũng có thể là người có chức có quyền ép cấp dưới phải làm; hay những đại gia có tiền dùng tiền để ngã giá mua bán, nâng điểm; rồi cũng có thể có trường hợp là chính con cháu của những người thực thi công vụ. Cả ba trường hợp này đều do người lớn làm cả.  Chính vì vậy, cơ quan chức năng cần phải làm nghiêm để đảm bảo sự công bằng cho các em, vì những trường hợp gian lận, được vào đại học lại tước đi cơ hội của từng ấy em khác. Đối với những sai phạm nghiêm trọng, cơ quan điều tra phải vào cuộc, làm rõ và đưa ra ánh sáng các trường hợp vi phạm.

Trước việc Bộ GD- ĐT kiên định nói không với việc công khai danh tính các thí sinh vi phạm, danh tính các vị phụ huynh mua điểm đến nay vẫn “kín như bưng” trước công luận, các thầy cô giáo nói gì. Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong về vấn đề này.

Thạc sĩ Trần Trung Hiếu, giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An): “Cần công khai cả thí sinh lẫn phụ huynh vi phạm”. Tôi ủng hộ phương án công bố danh tính các thí sinh vi phạm. Thủ phạm dẫn đến sự gian lận đó là phụ huynh và học sinh là tòng phạm. Không thể có chuyện các học sinh vô can, vô tình trước các sai phạm. Cá nhân tôi cho rằng, đã xử lý người vi phạm theo pháp luật mà không công khai danh tính là một việc làm không minh bạch. Cần tôn trọng tính nghiêm minh của pháp luật. Sẽ không công bằng khi phụ huynh của các vụ gian lận đó là vô can.

Tôi đề nghị xử lý các phụ huynh và xét về bản chất sự việc thì đó là hành vi cố tình và chủ động hối lộ, thậm chí là lừa đảo. Pháp luật bất vị thân, tất cả đều bình đẳng trước pháp luật nếu sai phạm. Đừng vì các vị phụ huynh đó là quan chức địa phương (nếu có) mà lại bỏ qua sai phạm. Cố tình sai phạm càng phải xử lý sòng phẳng hơn. Cần rà soát lại các văn bản luật xem, liệu đã xử vi phạm công khai nhưng lại không công bố công khai tên người vi phạm, liệu có phạm luật không?

Cần công khai danh tính của các phụ huynh và cả các thí sinh vi phạm quy chế thi, bởi các hành vi gian lận dẫn đến thay đổi hoàn toàn kết quả thi gây quá nhiều sự hệ lụy tai hại. Thứ nhất, người ta lý giải rằng làm như vậy sẽ dễ gây “tổn thương” về tâm lý cho c ác sinh viên, học viên. Còn tôi thì không cho rằng như vậy. Đa số ai cũng biết hầu hết các thí sinh vi phạm quy chế thi, vi phạm pháp luật đó không phải là dân thường. Sợ thí sinh “tổn thương” hay sợ phụ huynh sẽ bị kỷ luật, mất chức?

Thứ hai, các thí sinh khi tham gia dự thi và sau đó là trúng tuyển vào các trường đại học đều đã đạt tuổi 18 tuổi trưởng thành để nhận thức được sai trái trong thi cử, đủ tuổi để hiểu ra hậu quả của gian lận khi bị phát hiện. Đừng biện hộ cho cái gọi là sự “tổn thương”. Hãy để các em làm quen với kỷ cương phép nước và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Thứ ba, nếu đã phát hiện sai phạm nghiêm trọng mà mức độ xử lý trước pháp luật không sòng phẳng, không tương ứng với hành vi vi phạm sẽ tạo ra sự gian dối mang tính “dây chuyển”. Gian lận khi thi, gian lận khi học đại học và gian lận khi đi làm. Hậu quả là tạo ra những “mẻ sản phẩm” gian dối vì quyền lực và tiền bạc. Và cách hành xử xem thường kỷ cương, pháp luật nhưng trọng tiền và quyền mà cha mẹ đã “dạy” từ thuở học sinh.

Cô Đ.N.A giáo viên dạy môn Ngữ văn, một trường THPT tại Hà Nội: “Đánh cắp tương lai của người khác cho con mình là tội ác”. Theo tôi, việc gian lận thi cử tại Hòa Bình, Sơn La vừa qua cần công bố tên, địa chỉ của bố/mẹ thí sinh được gian lận điểm vì họ mới là người chạy điểm cho con. Đồng thời, cần công bố danh sách các thí sinh được tuyển bổ sung vào trường đại học do trước đây các em bị trượt oan. Không nên thông tin trên các phương tiện đại chúng tên tuổi, địa chỉ của các sinh viên gian lận điểm nhưng phải cho thôi học các em này. Phải cho các em trượt oan được học vào năm sau (nếu các em có nguyện vọng). Thực ra các em thừa biết mình được nâng điểm, nhưng sẽ có những em bị động phải nhập học theo ý muốn của bố mẹ. Do mưu đồ của bố mẹ chứ không phải do các em thúc giục bố mẹ chạy điểm. Do đó cần công bố trước toàn trường tại nơi những em này theo học.

Nhưng tôi đề nghị cần xử lý nghiêm cả kẻ bán điểm và kẻ mua điểm. Dư luận chẳng, những người mua điểm chủ yếu là một số vị cha mẹ học sinh “tai to mặt lớn” ở các địa phương và các đại gia quen mua đủ thứ bằng tiền. Nếu chỉ là kỳ thi vượt rào, không hạn chế số lượng thì việc gian lận đã là đáng phạt, đây lại là kỳ thi đấu loại, càng không thể tha thứ. Vị nào là quan chức thì phải kỷ luật, phải cách chức chứ không thể chỉ khiển trách.

Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa – Hà Nội: “Nhà trường khó giáo dục, nếu bố mẹ lo chạy điểm”.

Trước hết, tôi cho rằng Sở GD-ĐT cần có danh sách thí sinh trong diện được nâng điểm bằng hành vi gian lận, những em đó hiện đang học ở trường nào, mức điểm trước và sau khi nâng điểm, gửi cho các trường, học viện liên quan. Việc xét lại tốt nghiệp và xét tuyển sinh với các trường hợp này phải được kiểm soát chặt chẽ đảm bảo việc này được thực hiện nghiêm túc.

Bên cạnh đó, cần công khai những người đã giúp các thí sinh nhờ vả hoặc mua điểm là ai và những người này phải bị xử lý, tùy theo mức độ và quy định của pháp luật. Có như vậy thì mới đủ để cảnh báo, ngăn ngừa tiêu cực khác có thể nảy sinh.

Vụ gian lận thi cử năm trước tác động không nhỏ đến tâm lý của các bậc phụ huynh và học sinh. Vì thế, tôi nghĩ, những vụ gian lận nghiêm trọng xảy ra được điều tra rõ ràng nhưng nếu không giải quyết thấu đáo đến cùng, yêu cầu những người liên đới chịu trách nhiệm, thì kỷ cương của kỳ thi, của ngành giáo dục sẽ khó giữ. Rất nhiều phụ huynh, học sinh Hà Nội đang có tâm lý, mình kiểm soát nghiêm quá chỉ thiệt thòi cho con em mình trong khi nơi khác lơ là, làm sai cũng không sao cả.

Nhìn vào vụ gian lận thi cử năm 2018 ở các tỉnh phía Bắc thì thấy, cho dù nhà trường có nhắc nhở thế nào nhưng giáo dục gia đình mới là gốc rễ và quan trọng hơn cả. Nếu bố mẹ dùng quyền, dùng tiền chạy điểm cho con thì học sinh sẽ không cần nỗ lực, cố gắng, sẽ làm quen với việc được nâng đỡ, làm quen với sự gian dối.

Công khai để sòng phẳng

          Theo PGS Chu Cẩm Thơ, chuyên gia giáo dục, việc ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, dẫn luật Dân sự năm 2016 để nói về căn cứ xử lý gian lận thi ở Hòa Bình là không chính xác, mà cần phải dẫn luật Hình sự được Quốc hội thông qua năm 2015.

          Theo luật Hình sự và các quy định khác của pháp luật thì kỳ thi THPT quốc gia thuộc lĩnh vực an ninh, xã hội phạm vi quốc gia. Những vi phạm tại cuộc thi này có thể bị xem xét theo các điều 337 (tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước), 340 (tội sửa chữa và sử dụng giấy chứng nhận, các tài liệu của cơ quan, tổ chức và một số điều khác…).

          PGS.TS Chu Cẩm Thơ cũng cho rằng công văn của Sở GD-ĐT Hòa Bình gửi các trường Đại học, trong công văn có nội dung: Sở cung cấp tới quý trường kết quả chấm thẩm định của Bộ GD-ĐT đối với các thí sinh trúng tuyển vào trường ĐH, CĐ có danh sách kèm theo thì đó là đã công khai rồi. Vì thế công khai danh tính thí sinh phải là chuyện đương nhiên, chỉ có điều chưa công khai trên các phương tiện truyền thông.

          “Vấn đề mà dư luận lo ngại ở đây là liệu đang có sự né tránh, không truy đến tận cùng là những ai đã làm ra cái việc gian lận đó không? Cơ quan chức năng có trách nhiệm điều tra triệt để, xử lý nghiêm minh những hành vi sai trí, vi phạm quy chế thi, gây ra gian lận trong kết quả. Cần công khai những người có hành vi sai trái, mức độ phạm tội vừa đảm bảo pháp luật, quyền và trách nhiệm của các bên liên quan, vừa để cảnh tỉnh, răn đen, làm bài học sâu sắc cho cộng đồng. Việc thực thi pháp luật, sự nghiêm minh để đảm bảo chất lượng, uy tín của ngành giáo dục, quyền được biết sự thật, công bằng đòi hỏi chúng ta không nhân nhượng với những hành vi sai trái”, PGS Thơ nói.

          PGS Nguyễn Thị Bình, cựu giảng viên khoa Ngữ văn, trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng bà rất bất bình khi có lãnh đạo Sở GD-ĐT nói rằng không công khai danh tính thí sinh có điểm thi gian lận là vì “nhân đạo”.

          “Vấn đề là nhân đạo với ai? Chúng ta nhân đạo với số ít, vậy chúng ta coi số rất đông còn lại là cái gì? Có nên không chỉ cần phải công khai danh tính của những thí sinh vừa được trả về điểm thật, cả phụ huynh mà còn công khai việc khắc phục xử lý đến đâu”, PGS Bình nói.

          PGS Bình cũng phân tích thêm: “Công khai là để xã hội biết rõ các em là nạn nhân của những ai và hiện nay sự việc được làm sáng tỏ thế nào, các cơ quan chức năng đã xử lý thế nào. Cái biết đây không chỉ là thảo mãn sự tò mò của đám đông mà là thể hiện sự sòng phẳng của pháp luật. Chính các ý kiến cho rằng không nên công khai, sợ các em tổn thương là có ý coi thường học sinh”.

          Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp, cũng ủng hộ việc công khai danh tính thí sinh có điểm thi gian lận. “Mọi thứ sẽ trở nên hoàn thiện khi được ánh sáng mặt trời chiếu rọi”.

Có bàn tay quyền lực “chạy điểm” hay không”?

          “Đâu phải tự nhiên người ta lại đi sửa điểm, mà phải có ai đó đưa tiền, hoặc nhờ giúp đỡ, hoặc dùng quyền lực ép người ta làm. Cũng giống như đã có người nhận hối lộ thì phải có người đưa hối lộ chứ?” GS. Đào Trọng Thi, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu quan điểm.

          Số trường hợp vi phạm sửa điểm ở các tỉnh vừa được công bố. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết phải công bố cụ thể những trường hợp vi phạm. Quan điểm của GS Thi là: Trước tiên cần phải xác định, dù công bố hay không thì danh sách những trường hợp vi phạm này không phải là bí mật. Đương nhiên muốn xử lý được vấn đề thì phải công bố rồi, nhưng vấn đề ở đây là công bố ở mức độ nào. Danh sách này phải được thông báo đến những nơi có liên quan mới xử lý được. Chẳng hạn, với nhà trường khi xử lý, buộc thôi học trường hợp vi phạm, thì phải được công bố danh sách đó để đưa ra lý do, nếu không sẽ càng làm mọi người khó hiểu.

Nhiều cán bộ ngành giáo dục đã bị khởi tố bị can vì nâng bài, sửa điểm thi. Tuy nhiên vẫn cần công khai và xử lý cả những phụ huynh dùng tiền và dùng quyền "chạy điểm" cho con.

          Còn công bố công khai ở mức độ nào thì phải cân nhắc rất kỹ, cũng không nhất thiết phải công bố rộng rãi trên báo đài. Một mặt những vi phạm phải xử lý nghiêm minh, nhưng mặt khác cũng phải cố gắng tối đa để không gây tác động xấu đến tâm lý các em học sinh.

          Nhưng nếu ý kiến cho rằng, cần công bố công khai như vậy vừa để răn đe, ngăn chặn các vi phạm tương tự có thể xảy ra, cũng là cách để xử lý nghiêm minh, triệt để những vi phạm?

          Mục đích công bố như vậy cũng có thể được, nhưng cũng không nhất thiết phải làm vậy. Tuy nhiên, nếu mình làm kỹ thì cũng phải làm rõ, xem chính hoc sinh ấy đi xin điểm hay phụ huynh của họ? Vụ việc tương tự ở Mỹ vừa qua, nhiều học sinh không hề biết gia đình làm chuyện đó. Nếu nói đến việc công bố, thì phải làm rõ ai là người vi phạm. Cần phải công bố người vi phạm tội mới là cái chính, còn một người có thể không liên quan, hoặc cũng có thể là nạn nhân thôi thì không cần thiết.

          Nhưng muốn như vậy anh phải điều tra thêm, xem những em học sinh này có chạy điểm hay không. Mà nếu có hiện tượng chạy điểm, thì việc xử lý không chỉ dừng lại ở chỗ hủy kết quả, cho nghỉ học đâu. Vấn đề ở chỗ có cần thiết làm đến như thế không, hay chỉ dừng lại ở chỗ em nào được thay đổi điểm thi thì đưa trở lại điểm thực, nếu không đủ điều kiện thì không được học ở trường đó.

          Hiện cơ quan công an mới chỉ dừng lại ở mức xử lý mấy ông chữa điểm. Nhưng nếu quy người ta phạm tội chạy điểm thì phải chứng minh được có người mua, người chạy. Hiện cũng chưa ai nói có việc chạy hay không, phụ huynh hay học sinh có chạy điểm hay không? Nếu có trường hợp đó thì có thể quy vào tội đưa nhận hối lộ.

          Với những dấu hiệu bất thường như vậy, theo quan điểm GS Thi: Về việc này, cơ quan điều tra có thể làm sáng tỏ một số trường hợp nghiêm trọng để xử lý, đặc biệt đối với những cán bộ có chức quyền. Nhưng tôi chưa thấy nơi nào đề cập đến chuyện đó, không biết có khó khăn gì không. Ở đây có thể không phải toàn bộ phụ huynh, nhưng dư luận hoàn toàn có thể đặt ra nghi vấn, liệu có bàn tay quyền lực, dùng uy tín, chức vị của mình ép người khác phạm tội để làm lợi cho mình hay không?

          Bởi không bao giờ tự nhiên người ta lại đi sửa điểm cả, mà phải có ai đó đưa tiền, hoặc nhờ giúp đỡ, hoặc dùng quyền lực ép người ta phải làm. Cũng gióng như đã có người nhận hối lộ thì phải có người đưa hối lộ chứ. Mà giữa người đưa và người nhận hối lộ đều phải xử lý công bằng như nhau. Anh nhận bị xử lý, còn anh đưa không sao cả thì không được.

          Tôi cho rằng, nếu làm kỹ, làm sáng tỏ sự việc được như vậy sẽ tốt hơn, việc xử lý sẽ triệt để, toàn diện hơn và xã hội sẽ hoan nghênh hơn.

Người mua điểm là đồng phạm sao không công khai?

          Vụ gian lận điểm thi xảy ra tại Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang khiến nhiều cán bộ công an và giáo dục địa phương bị khởi tố, bắt tạm giam. Tuy nhiên, dư luận băn khoăn về việc phụ huynh, người thân của học sinh thông đồng với cán bộ “mua” điểm có bị công bố danh tính? Trao đổi với Tiền Phong về vấn đề này, luật sư Nguyễn Anh Tuấn – Công ty Luật TNHH Trường Lộc cho rằng, theo quy định của pháp luật phải công khai người “mua” điểm vì họ là đồng phạm.

          Luật sư Nguyễn Anh Tuấn phân tích: Theo dõi thông tin từ báo chí được biết ít nhất đến thời điểm hiện nay đã có 3 cán bộ trong ngành công an bị khởi tố, nhiều cán bộ ngành giáo dục bị bắt giam. Đáng nói, 2 tỉnh Sơn La và Hòa Bình có tới 108 thí sinh được nâng điểm, trong đó Hòa Bình là 64 thí sinh và Sơn La là 44 thí sinh.

          Điều đó chứng tỏ sẽ còn rất nhiều người liên đới trong việc thông đòng với cán bộ ngành giáo dục và công an để xin xỏ, “mua điểm”. Về việc này, cơ quan điều tra cần tiếp tục làm rõ mối liên hệ giữa phụ huynh, người thân cảu thí sinh được nâng điểm khống với cán bộ ngành giáo dục, công an để xác định hành vi đồng phạm, luật sư Tuấn nói.

          Luật sư Tuấn trích dẫn, căn cứ Điều 17, tội đồng phạm, Bộ luật Hình sự năm 2015, theo đó, tội phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một hành vi tội phạm. Tiếp đó là phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Ngoài ra, người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp việc.

          Chính vì thế luật sư Tuấn cho rằng, khi xác định được họ là tội phạm thì đương nhiên phải xử lý công khai danh tính theo quy định của pháp luật.

          Đối với học sinh, Luật sư Nguyễn Anh Tuấn cũng cho rằng, vụ việc gian lận điểm thi xảy ra trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua không phải do các thí sinh thực hiện mà do một số cán bộ sửa điểm thi. Các thí sinh được sửa điểm thi không thực hành vi sửa điểm thi, không thực hiện hành vi gian lận trong thi cử. Do đó không vi phạm các quy định của pháp luật và không phải chịu trách nhiệm pháp luật. Chỉ cần gạt khỏi danh sách trúng tuyển tại các trường dự thi là đủ./.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển

Nguyên Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Tại sao không công khai danh tính những người chạy điểm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bình Thuận: Mô hình "Thư viện xanh" khơi nguồn cảm hứng đọc
Mô hình "thư viện xanh" đang là điểm đến lý tưởng sau mỗi giờ học của học sinh. Thông qua những góc không gian tự nhiên cùng với sự phong phú về các đầu sách, giúp các em có nguồn cảm hứng đọc mới, từ đó hình thành nên văn hóa đọc trong mỗi nhà trường.

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.