Thứ sáu, 29/03/2024 13:07 (GMT+7)

Những hợp lý và bất cập của dự thảo chương trình môn ngữ văn mới

Trần Ngọc Tuấn -  Thứ tư, 14/03/2018 14:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tháng 1/2018 vừa qua, Bộ GD-ĐT đã công bố bản dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn mới.

Trong lúc bản dự thảo đang lấy ý kiến của xã hội trước khi chính thức đưa vào áp dụng, chúng tôi có thêm mấy góp ý về mặt hợp lý và bất cập sau đây.


Nhiều tiện lợi cho người soạn sách giáo khoa và giáo viên giảng dạy
Bản dự thảo trình bày khoa học, hệ thống, rõ ràng về 8 đề mục lớn, từ đặc điểm môn học, quan điểm xây dựng chương trình, mục tiêu chương trình, yêu cầu cần đạt, nội dung giáo dục (cụ thể từ lớp 1 đến lớp 12), phương pháp giáo dục, đánh giá kết quả giáo dục, giải thích và hướng dẫn thực hiện chương trình. Ngoài ra, bản dự thảo còn kèm theo phần tài liệu tham khảo và phụ lục về danh mục các văn bản (ngữ liệu) bắt buộc và gợi ý (tự chọn) của 12 lớp. Rõ ràng, cụ thể nhất là ở phần nội dung giáo dục (phần V), với các ma trận về nội dung (kiến thức, ngữ liệu), kỹ năng giao tiếp (đọc, viết, nghe, nói) và bảng triển khai cụ thể từng lớp.


Điểm mới tích cực nhất của bản dự thảo, theo chúng tôi, là cách xây dựng chương trình theo hướng mở (chỉ có 6 tác phẩm bắt buộc, còn lại là tự chọn); phát huy những kỹ năng thiết yếu của người học; hướng đến việc ứng dụng của môn ngữ văn trong việc tạo lập các văn bản thông tin, văn bản ứng dụng hàng ngày; cập nhật thêm nhiều văn bản của các tác giả mới (như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Tư…), thêm các tác phẩm đương đại được người trẻ yêu thích (như Một lít nước mắt…), dành thời lượng chương trình cho việc thực hiện chuyên đề dạy học ( gồm 35 tiết/mỗi lớp học ở THPT)…
Bản dự thảo về Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn chỉ gồm 124 trang cho 12 năm học. Tuy thế, có thể giúp cho người soạn sách giáo khoa và giáo viên giảng dạy dễ dàng áp dụng, thực hiện.


8 điểm bất cập cần trao đổi thêm


Theo thiển kiến của chúng tôi, có 8 điểm cần bàn thêm sau đây:
Một, việc đưa các tác phẩm hiện hành ở những lớp cao xuống các lớp dưới (như Tuyên ngôn Độc lập - Hồ Chí Minh, Hồn Trương Ba, da hàng thịt - Lưu Quang Vũ…) liệu có quá sức cho học sinh THCS, nếu không muốn làm mất đi giá trị nội dung và nghệ thuật đặc sắc của nó?


Hai, các ngữ liệu gợi ý chưa cụ thể từng lớp, mà còn gộp chung các lớp 6,7; lớp 8,9; lớp 10 - 12. Ở các lớp, dự thảo chỉ mới dừng lại ở chỗ gợi ý theo nhóm thể loại và xáo trộn ngẫu nhiên chứ chưa có sự sắp xếp khoa học. Phần này chúng tôi nghĩ nên chia ra cụ thể từng lớp, thậm chí từng học kỳ để giáo viên có sự đồng bộ trong việc lựa chọn ngữ liệu và dễ dàng thống nhất về kiểm tra đánh giá. Nếu hiệu quả hơn, nên chia các ngữ liệu này (một cách tương đối) theo các thời kỳ lịch sử văn học, trào lưu văn học, hoặc các cụm đề tài, chủ đề, kể cả văn học nước ngoài… Như vậy sẽ giúp người dạy và người học dễ dàng hệ thống kiến thức.


Ba, theo chương trình mới thì không có những bài khái quát văn học, khái quát lịch sử văn học như hiện hành. Mà thay vào đó là những bài học theo dạng đọc hiểu văn bản, được bố trí học ở lớp 9 và lớp 12, và được tìm hiểu với những kiến thức rất sơ giản. Theo quan sát của chúng tôi từ nhiều năm dạy phổ thông, những học sinh vững về kiến thức môn văn thường nắm rất rõ trước về lịch sử văn học. Vì thế, thiết nghĩ, nên đưa những bài học này lên đầu cấp (lớp 6 và 10), có thêm bài đọc hiểu về hệ thống, khái quát, trào lưu văn học…


Bốn, chủ trương của chúng ta là xây dựng một nền giáo dục tiên tiến vừa đậm đà tính dân tộc. Vì thế cần đưa thêm nhiều văn bản về văn hóa, phong tục, đạo đức truyền thống để giáo dục tuổi trẻ.


Năm, đưa thêm những tác phẩm đậm đà sắc thái vùng miền để giúp học sinh vừa có hiểu biết thêm về địa phương và bồi đắp tình yêu quê hương đất nước.


Sáu, chương trình “mở” nhưng cần “mở” trong một giới hạn “đóng” như thế nào cho hợp lý. Vì vậy không thể không khống chế trong việc tùy tiện lựa chọn ngữ liệu từ phía giáo viên, nhất là từ học sinh, để nhằm tránh sự chồng chéo lựa chọn văn bản. Hoặc chiều theo sở thích người học, giới trẻ mà mất đi tính định hướng của giáo dục, “bỏ rơi” những tác phẩm có giá trị, những tác phẩm đậm chất sử thi, thấm đẫm “hơi thở” lịch sử, thời đại.


Bảy, việc kiểm tra đánh giá cũng cần phải có sự thống nhất, cụ thể theo tình hình của ngữ liệu mở như thế nào để không bị “trật khớp”?


Bấy lâu nay giáo viên vẫn băn khoăn về việc đổi mới phương pháp, nhất là khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhưng theo bản dự thảo môn văn, chỉ thêm phương pháp dạy học chuyên đề là đáng chú ý. Như vậy chương trình giáo dục phổ thông mới môn văn chưa thật sự lột xác về phương pháp dạy học. Đây chính là điểm bất cập thứ tám vậy

Bạn đang đọc bài viết Những hợp lý và bất cập của dự thảo chương trình môn ngữ văn mới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới