Thứ năm, 28/03/2024 20:53 (GMT+7)

Ngành sư phạm đào tạo ồ ạt, lấy đâu chất lượng

MTĐT -  Thứ năm, 24/08/2017 10:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mục tiêu tuyển sinh các trường sư phạm hiện nay chỉ là để có thu nhập, công ăn việc làm cho giảng viên của trường đó chứ không tính đến nhu cầu nhà giáo của địa phương đó cần đào tạo hay không, đó là vấn đề lớn. Ngành sư phạm đào tạo ồ ạt thì làm sao có chất lượng?, GS Phạm Minh Hạc – Nguyên Bộ trưởng Bộ giáo dục nêu quan điểm.

Câu chuyện 3 điểm/môn đỗ ngành sư phạm trở nên "nóng" hơn trong những ngày qua khi Bộ GD&ĐT làm việc với lãnh đạo các trường sư phạm trên cả nước.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã làm việc với Bộ GD&ĐT, còn Bộ GD&ĐT cũng họp bàn với các hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm để tìm lời giải cho vấn đề này.

GS Phạm Minh Hạc

Dừng tuyển sinh các trường sư phạm có điểm chuẩn thấp

GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng GD&ĐT cho biết, nên dừng ngay việc đào tạo của các trường sư phạm có điểm chuẩn thấp.

GS Hạc cho rằng, việc xã hội quan tâm, lo lắng và cả bức xúc khi ngành sư phạm có điểm chuẩn quá thấp là dấu hiệu tốt. Bản thân ông cũng rất hoang mang, lo lắng, bởi nền giáo dục không tốt sẽ gây ra nhiều vấn đề hệ lụy trong xã hội.

“Khi thấy nhiều trường đại học lấy điểm thấp, trường cao đẳng chỉ lấy 9-10 điểm, thậm chí đạt 1,5 điểm Toán đỗ sư phạm Toán. Đấy là điều bất thường mà xã hội phải nhìn thấy được”- Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.

Cũng theo GS Hạc, chân lý đơn giản, muốn có nền giáo dục tốt, có học trò giỏi thì phải có thầy cô giỏi. Trừ trường hợp đặc biệt em tự học nhưng đó là phần nghìn, phần trăm chiếm tỉ lệ rất ít.

“Vì sao sư phạm điểm thấp? theo tôi nhiều lí do, trước hết nhiều thí sinh họ muốn học ngành nào có trình độ nghề nghiệp ra có lương, dù lương thấp nhưng đảm bảo tối thiểu để sống, còn lương giáo viên thấp. Đó là lẽ thường tình”- GS Hạc chỉ ra.

GS Hạc cho rằng, tình hình điểm thấp này trước đây đã xảy ra. Có hai trường trọng điểm là ĐH Sư phạm HN và ĐH Sư phạm TP.HCM  điểm đầu vào khi đó lấy cao, có trường từ 26-27 nhưng lúc đó mức cao nhất không bao giờ lên 30 điểm như năm nay.

“Theo đó, ngành sư phạm chỉ được 10 năm điểm cao còn thấp dần thấp dần. Năm nay, hai trường trọng điểm trên vẫn giữ được điểm vào loại khá, có một số khoa xuống 20 điểm, nhiều khoa lấy 24 đến 26 điểm tôi đã là mừng”- GS Hạc nhận định.

Trước thực trạng nhiều trường ĐH, CĐ đang “chết lâm sàng”, GS Hạc cho rằng, những trường sư phạm không xứng đáng thì nên giải tán. “Tình hình này không ổn. Các trường giờ hoạt động lộn xộn. Theo tôi, khi nào có yêu cầu thì các trường đại học hãy được thành lập, nhưng khi nào không còn đáp ứng yêu cầu nữa thì phải sắp xếp lại”- GS Hạc nhận định.

Đào tạo ồ ạt làm sao có chất lượng được

Cũng theo GS Hạc, việc đào tạo ngành sư phạm như hiện nay ồ ạt như vậy không thể có chất lượng được. Những nơi không đủ điều kiện, sau tồn tại 3-5 năm thì nên sát nhập, hoặc giải thể.

Cũng theo GS Hạc, chúng ta nên học tập đất nước nhỏ nhưng rất quan tâm đến giáo dục như Phần Lan. Các trường đại học Phần Lan chỉ chọn 10% thí sinh giỏi nhất, điểm cao nhất đăng ký ngành sư phạm.

Cũng theo GS Hạc, riêng ngành sư phạm cần có đầu vào cao, vì đây là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng đào tạo.

Ngành sư phạm ngoài lương không có thu nhập thêm. Trường hợp giáo viên ở thành phố lớn có thu nhập cao chỉ là con số quá ít trong tổng số giáo viên trên cả nước.

Hiện tại, nhiều tỉnh không tuyển giáo viên, có tỉnh chỉ tuyển từ THCS hay tiểu học thôi. Như thế, hiện nay tình hình không rõ ràng. Việc thừa giáo viên ở nơi này thiếu ở những nơi kia, tỉnh nào thừa, tỉnh nào thiếu, có tỉnh thừa môn này nhưng lại thiếu môn khác. Trong khi đó, tình hình đội ngũ thầy cô giáo nhiều quá không nắm vững được chỗ này.

“Tóm lại tình hình thừa- thiếu không rõ. Các trường sư phạm mở ra nhiều mà thực tế có cần đến như thế không.  Các trường cao đẳng sư phạm chỉ phục vụ trong tỉnh mình nhưng hiện tại chỉ lấy mục tiêu tuyển sinh.

“Mục tiêu tuyển sinh các trường sư phạm hiện nay chỉ là có thu nhập, công ăn việc làm cho giảng viên của trường đó chứ không tính đến nhu cầu nhà giáo của địa phương đó cần đào tạo hay không, đó là vấn đề lớn. Tôi nghĩ việc này Bộ GD&ĐT có trách nhiệm chính. Phải biết chỗ này cần bao nhiêu, chỗ kia cần bao nhiêu; chỗ nào thừa, chỗ nào thiếu, cần điều chỗ này sang chỗ khác để không có giáo viên thất nghiệp. Chỗ nào đủ rồi thì thôi. Chứ làm một cách “hành chính” trình chỉ tiêu lên duyệt, thì tình hình không ổn”- GS Hạc nhấn mạnh.

Thiếu hấp dẫn vì lương thấp

Cũng theo GS Hạc, sở dĩ ngành Sư phạm không hấp dẫn, điểm chuẩn thấp vì Ngành sư phạm lương quá thấp, hệ thống lương vẫn nằm trong hệ thống lương chung của nhà nước.

“Lương không đủ sống thì giáo viên phải lấy gì để sống, đi ăn cắp à?. Lương là điều kiện tối thiểu, có những giáo viên có thu nhập thêm nhưng chỉ có ở các thành phố lớn, ít lắm, có phải người nào dạy thêm được đâu”- GS Hạc cho hay.

“Vậy giáo viên cần một cơ chế như ngành công an, quân đội không?”, GS Hạc cho rằng: “ Nếu chính phủ quyết định làm thì được hết. Cần bao nhiêu giáo viên thì tuyển bấy nhiêu thôi. Tôi nghĩ Bộ trưởng không làm gì được mà điều này cần quyết định từ Chính phủ, quốc hội.”- GS Hạc nhấn mạnh.

Cũng theo GS Hạc, việc cần làm lúc này là xem lại hệ thống các trường sư phạm. Tôi thấy, trong 9  nhiệm vụ trong năm học mới này có việc xem lại hệ thống các trường này. Không biết Bộ có làm điều đó ngay không”- GS Hạc đặt vấn đề.

 Bộ trưởng giáo dục:  Ngành nào dư thừa dứt khoát phải dừng đào tạo

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, cần phải có các giải pháp quyết liệt để nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm, trong đó có chất lượng đầu vào.

Bộ trưởng yêu cầu đào tạo phải gắn với nhu cầu sử dụng, ngành nào dư thừa dứt khoát phải dừng đào tạo, không để xảy ra tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ như thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, những ngành đang đào tạo nhưng không đáp ứng được các điều kiện đảm bảo chất lượng, không đảm bảo chuẩn đầu ra theo quy định cũng sẽ kiên quyết cho dừng.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng đầu vào, từ sang năm Bộ sẽ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) riêng đối với các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm và các ngành đào tạo giáo viên.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu Cục Quản lý chất lượng đẩy mạnh kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng của các ngành đào tạo sư phạm đã mở, nếu không đủ điều kiện thì không được tuyển sinh; những ngành đủ điểu kiện, các địa phương còn nhu cầu tuyển dụng, cần ưu tiên đầu tư để nâng cao chất lượng.

Đẩy mạnh kiểm định chất lượng các trường và chương trình đào tạo; đẩy nhanh việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, theo đó, các trường có chất lượng cao, có uy tín sẽ được chọn làm trung tâm, các trường khác sẽ chuyển đổi hoạt động để trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trung tâm để trước mắt tập trung vào nhiệm vụ đào tạo lại đội ngũ giáo viên.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh sẽ nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội có những chính sách đãi ngộ tốt hơn, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo và tạo sức hấp dẫn người học đối với ngành sư phạm.

Theo Tienphong
Bạn đang đọc bài viết Ngành sư phạm đào tạo ồ ạt, lấy đâu chất lượng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dạy triết ở Trường ĐH VinUni
Trong các tiết học Triết học, thay vì lý thuyết suông về các vấn đề vĩ mô, sinh viên VinUni sẽ được học cách nghi ngờ, cách phản biện, không tin lời người khác nói, thậm chí là không nghĩ lời giảng viên luôn đúng.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.