Thứ bảy, 20/04/2024 03:53 (GMT+7)

Năm học mới với nhiều nhiệm vụ trọng tâm

Trần Ngọc Tuấn -  Thứ năm, 05/09/2019 10:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 13.8.2019, Bộ GD-ĐT ban hành Chỉ thị về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2019 - 2020 của ngành Giáo dục.

Chỉ thị nêu rõ 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản thực hiện trong năm học 2019 - 2020. Trước thềm năm học mới, ngành giáo dục đang đứng trước nhiều cơ hội, song gặp không ít những thử thách, khó khăn…

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, các nhóm nhiệm vụ trọng tâm đó là: Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Rà soát, sắp xếp các trường sư phạm, các cơ sở giáo dục đại học. Giải quyết vấn đề thừa/thiếu giáo viên (GV), chuẩn bị đội ngũ GV thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý các trường mầm non, phổ thông, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu tăng năng suất lao động và hội nhập quốc tế. Và đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh (HS), sinh viên.

Trả lời báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định năm học này là năm 'bản lề' chuẩn bị đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) , trong đó ngành GD-ĐT sẽ tập trung  vào các nội dung cơ bản:  Đảm bảo sĩ số theo chuẩn, tối đa 35HS/lớp, học 2 buổi /ngày; Xây dựng và coi trọng vai trò nòng cốt của  đội ngũ GV, chú trọng bồi dưỡng GV dạy chương trình mới; Chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống cho HS. Nhà giáo phải là tấm gương cho HS, phải quan tâm đến giáo dục đạo đức, phương pháp sư phạm; Chuyển từ quản lý mệnh lệnh sang quản lý cộng tác. Tiếp thu ý kiến để hoàn thiện kỳ thi THPT quốc gia 2020.

 Đảm bảo đầy đủ về cơ sơ vật chất

Đây là bài toán khó cho ngành giáo dục. Nếu tính từ năm 2014, tỷ lệ kiên cố hóa cả nước là hơn 70%, thì năm 2018 nâng lên hơn 80%. Mặc dù sĩ số trung bình học sinh trong một lớp ở cấp tiểu học ở một số vùng là đủ điều kiện. Chẳng hạn tỷ lệ này ở vùng Tây Bắc là 23, Tây nguyên là 27 học sinh trong 1 lớp. Tuy nhiên, một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, sĩ số bị vượt quá quy định vẫn còn là một bài toán cực kỳ nan giải.

Chỉ tính riêng tại TP.HCM, theo thống kê của Sở GD-ĐT, năm học 2019 - 2020, dự kiến TP tăng khoảng 75.434 HS. Trong đó, mầm non tăng 7.293, tiểu học tăng 21.711, THCS tăng 26.435 và THPT tăng 19.995. Để chuẩn bị cho năm học mới, TP sẽ đưa vào sử dụng 1.476 phòng học mới với tổng kinh phí gần 5.000 tỉ đồng, tính trung bình, mỗi năm TP xây thêm gần 1.500 phòng học mới. Tuy nhiên, con số trên không giải quyết được vấn đề với số HS tăng cao “chóng mặt”. Vì vậy khó có thể đáp ứng yêu cầu mục tiêu đặt ra, như tỷ lệ HS tham gia học 2 buổi, điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện...

 Xây dựng đội ngũgiáo viên vững mạnh

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, trước tình hình nhiều địa phương đang thừa - thiếu GV cục bộ, Bộ Nội vụ đã yêu cầu các địa phương rà soát lại đội ngũ GV, đề xuất nhu cầu của các địa phương để tổng hợp báo cáo Chính phủ. Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ đã làm việc với Bộ Chính trị để báo cáo và xin chủ trương về việc cho phép tuyển dụng thêm 23.000 GV. Quan tâm thỏa đáng về chính sách cho GV là rất cần thiết khi mà giáo dục có những yêu cầu cao hơn, dạy học phát triển năng lực HS đòi hỏi GV phải có sự chuẩn bị rất kỹ trước khi lên lớp. Đối tượng và mục tiêu thay đổi thì GV sẽ phải thay đổi, họ phải rất tâm huyết, thậm chí là “lao tâm khổ tứ” để thực hiện yêu cầu mới.

Tin tưởng về việc đào tạo GV cốt cán, về đầu tư bồi dưỡng hơn về công nghệ thông tin. Và Bộ cũng tính đến vấn đề thừa thiếu GV và giao cho các đơn vị về việc tuyển dụng và định mức công việc để có thể đáp ứng chương trình. Tuy nhiên, chúng ta không thể không băn khoăn về sự thiếu đồng bộ của GV từ các địa phương, về đội ngũ khá mỏng của nhà giáo đạt chuẩn, về khiếm khuyết của sự kế thừa, về chiến lược, tầm nhìn của các trường sư phạm. Nhất là tình trạng bạo hành học đường diễn ra nhức nhối gần đây.

“Hiện thực hóa” SGK và chương trình giáo dục phổ thông mới

Nhìn tổng thể, Chương trình giáo dục phổ thông mới chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản, gồm cấp học tiểu học và THCS; Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp là bậc học THPT. Trong đó đưa thêm nhiều môn học mới như hoạt động trải nghiệm, giáo dục địa phương… Lộ trình thực hiện theo hình thức cuốn chiếu là: Từ năm 2020 - 2021áp dụng cho lớp 1; Năm 2021 - 2022 áp dụng cho lớp 2 và 6; Năm 2022 - 2023 áp dụng cho lớp 3, 7, 10; Năm 2023 - 2024 áp dụng cho lớp 4, 8, 11; Và năm 2024 - 2025 áp dụng cho lớp 5, 9, 12. Song hành với chương trình tổng thể, chương trình các phân môn học cũng đã xây dựng xong. Chỉ chờ còn khâu SGK, viết xong là đánh giá và đưa vào lựa chọn, sử dụng…

 Để chương trình giáo dục phổ thông đi vào hiện thực, Bộ phải tập huấn cho tất cả GV được tham gia, hiểu về chương trình. Hiện đã hoàn tất việc xây dựng tài liệu tập huấn, bồi dưỡng GV. Bộ chủ trương biến quá trình bồi dưỡng thành quá trình tự bồi dưỡng của GV, tất cả tài liệu và các bài giảng minh họa sẽ được đưa lên mạng để các GV có thể tự học, học qua mạng trong khoảng 1 tháng. Sau đó sẽ gặp gỡ trực tiếp các giảng viên cốt cán để được giải đáp những vướng mắc, khó khăn mà GV gặp phải.

UBND các tỉnh, thành có quyền chọn SGK cho HS địa phương mình. Bộ GD-ĐT sẽ ban hành thông tư về việc thành lập hội đồng lựa chọn SGK, mỗi tỉnh sẽ có một hội đồng tham vấn cho lãnh đạo tỉnh trong việc lựa chọn. Tinh thần là trong thành phần của hội đồng này phải có GV trực tiếp tham gia giảng dạy và chiếm 1/3 số lượng. Đây là những người thực dạy, hiểu HS để chọn những cuốn SGK phù hợp nhất. Đội ngũ GV này sẽ phải đại diện cho cả vùng thuận lợi và khó khăn để thảo luận và tìm được tiếng nói chung trong việc chọn SGK sát với thực tế, tránh trường hợp vùng thuận lợi chọn SGK cho HS vùng khó khăn và ngược lại.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lo lắng về việc đổi mới giáo dục trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là việc đưa giáo dục STEM vào chương trình giáo dục phổ thông mới. Ngoài ra, còn phải kể thêm nhiều lo lắng khác như: chương trình giáo dục địa phương áp dụng thế nào cho hiệu quả, hoạt động trải nghiệm tổ chức ra sao để không đơn điệu, nhàm chán. Và dạy học theo dự án, theo chuyên đề… phải sáng tạo ra sao để không lặp lại lối mòn, hình thức.

Bạn đang đọc bài viết Năm học mới với nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...