Thứ sáu, 29/03/2024 13:16 (GMT+7)

Hạnh phúc của nghề dạy học?

Trần Ngọc Tuấn -  Thứ bảy, 07/12/2019 14:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hạnh phúc của nghề dạy học là gì? Câu hỏi tưởng chừng đã cũ nhưng lại còn nóng hổi thời sự.

Bởi lẽ, một khi xã hội đã thay đổi từng ngày, thì dưới cái nhìn mọi người và của cả giáo viên, nghề giáo cũng dần khác xa trước đây.

Ngày trước, đa số giáo viên chọn nghề dạy học vì niềm đam mê, yêu thích công việc, vì lý tưởng. Khi ấy, kinh tế đất nước dù khó khăn nhưng đời sống vật chất ít chi phối đến việc chọn nghề dạy học. Nhiều giáo viên chọn nghề này vì muốn có cuộc sống ổn định. Cũng vì thế nữ chọn nghề này nhiều hơn nam và trong trường học tỷ lệ cô giáo nhiều hơn thầy giáo. Ngày nay ít giáo viên theo nghề bằng đam mê, lý tưởng mà chủ yếu trên cơ sở năng lực của mình. Khảo sát học sinh chọn nghề hiện nay, tôi thấy đa số các em đưa tiêu chí thu nhập sau khi ra trường lên hàng đầu. Ít em chọn nghề dạy học, càng hiếm em chọn nghề này vì lý tưởng.

Ngày trước lương ít nhưng nghề giáo sống khá nhàn nhã, không  phải tất bật mưu sinh thêm bằng nhiều công việc phụ như hiện nay. Không dạy thêm, mà thầy cô xưa chủ yếu “tăng gia sản xuất” bằng chăn nuôi, trồng trọt. Hạnh phúc tinh thần chịu sự chi phối bởi vật chất. Ngày nay dù mức lương của nhà giáo luôn được Chính phủ ý thức cải thiện nhưng vẫn không bù đắp để đuổi kịp nhu cầu đời sống vật chất bủa vây. Chính đồng tiền lương làm héo hon niềm hạnh phúc của nghề dạy học.

 Ngày trước nhiều người chọn nghề làm thầy vì địa vị xã hội, người thầy luôn được xem trọng. Bây giờ ra đời người ta coi trọng vật chất hơn tinh thần, ai nhiều tiền, đóng góp nhiều về vật chất người ấy được coi trọng. Nhà giáo có một “thân phận tội nghiệp” trong bức tranh tổng thể về lòng người hiện nay. Tôi đã có cảm nhận này trong các buổi họp lớp, khi mà đa số bạn bè đều kiếm được nhiều tiền còn mình thì làm nghề dạy học. Nhà giáo bây giờ mất dần niềm vui vì “thiên chức” công việc của mình bị xã hội hạ thấp. 

Làm nghề dạy học bây giờ luôn rình rập nhiều rủi ro. Chỉ cần một lời nói thiếu kiềm chế, một hành động bộc phát không làm chủ bản thân, một lời phê không cân nhắc… là xem như bị vi phạm đạo đức nhà giáo. Sự ràng buộc của các điều lệ, quy tắc, dân chủ học đường, can thiệp của phụ huynh… đã kìm hãm sự thể hiện cá tính của giáo viên. Thay vì bộc lộ cá tính để có những đột phá trong giáo dục, nhiều giáo viên hiện nay chọn giải pháp an toàn. Đó là điều làm giáo viên mất đi niềm vui được thể hiện. 

 Mạng xã hội ngày nay dễ dàng gắn kết thầy trò nhưng cũng chính nó làm mất đi sự trong sáng, làm thui chột những tình cảm chất phác, hồn nhiên như trước đây. Nó giúp gần nhau bằng không gian ảo, nhưng lại làm cách xa bằng tình nghĩa thực, và nhiều lúc gây ra nhiều phiền toái giữa giáo viên và học sinh. Giáo viên ngày nay không còn “cơ hội” được đọc một bức thư tay của một cậu học trò xa xưa nào đó. Chương trình, thi cử thay đổi liên tục, cùng với đó là họp hành triền miên, sổ sách nặng nề làm mất niềm vui nghề giáo!

Khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” của ngành giáo dục hiện nay phải được hiểu là dùng cho cả học sinh và giáo viên. Bởi vì, chính niềm vui của thầy cô sẽ làm lan tỏa niềm vui đến các em học sinh. Chỉ cần thầy cô có mái tóc vừa cắt, một chiếc áo đẹp mới may… cũng đem đến niềm vui cho các em trong mỗi tiết học.

Hiện nay nhiều người đang nói về việc xây dựng trường học hạnh phúc. Chúng ta phải chờ đến bao giờ…!                                                                   

Bạn đang đọc bài viết Hạnh phúc của nghề dạy học?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới