Thứ sáu, 29/03/2024 17:16 (GMT+7)

Hà Nội: Trường Tiểu học Yên Nghĩa có đảm bảo môi trường học tập?

Nhóm PV -  Thứ sáu, 07/12/2018 09:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Số học sinh đầu vào lớp 1 năm nay tăng đột biến, mới đây buộc trường phải tăng thêm lớp nhưng vẫn ở con số cao trên 50 HS/lớp. Điều này đặt ra vấn đề liệu môi trường học tập của các cháu có đảm bảo?!

Đều vượt chuẩn

Nếu như năm học 2016-2017 tổng số lớp chỉ là 28, thì đến năm học 2018-2019 tổng số lớp học đã tăng lên 33 lớp. Đầu năm học riêng học sinh vào lớp 1 đều ở mức 60hs/lớp. Do số lượng học sinh quá đông, cực chẳng đã nhà trường đã phải tách thêm 1 lớp 1 nhưng con số vẫn ở mức cao.

Chị Nguyễn Thị T, phụ huynh học sinh chia sẻ với PV: “Những ngày đầu năm học vào đón con nhìn thấy lớp cả 60 em chen chúc nhau, cô giáo thì khản giọng mà thương cô trò”.

Học sinh trường Tiểu học Yên Nghĩa đông đúc trong ngày khai giảng (Ảnh: internet)

Như vậy để đạt chuẩn theo cấp độ 1 thì tiêu chí của trường đã vượt ngưỡng. Cụ thể quy định tại khoản 1 điều 17 Điều lệ trường Tiểu học và khoản 2 điều 14 Thông tư 59 (quy định tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia) ngày 28 tháng 11 năm 2018 của Bộ giáo dục đào tạo thì mỗi lớp học không quá 35 học sinh/lớp, mỗi trường tối đa không quá 30 lớp.

Khi trao đổi với PV Môi trường và đô thị Việt Nam điện tử, chính bà Trần Thị Quyên - Hiệu trưởng nhà trường cũng thừa nhận điều này: “Với trường mình, để nhằm giảm sĩ số trên một lớp thì cô phó hiệu trưởng nhà trường tình nguyện xung phong để dạy các con. Chúng tôi đã tách được một lớp để nhằm giảm sĩ số xuống, để tạo môi trường học tập cho các con.

Có những lớp hơn 50, có  những lớp hơn 40 và đang tiếp tục vận động tuyên truyền để những lớp hơn 50 tiếp tục sang lớp mà chị san ra. Do có sự tách lớp nên sĩ số mới giảm xuống được còn gần 50 cháu, còn trước đó là gần 60 cháu”.

Trong buổi làm việc với PV, bà Quyên nhắc nhiều tới tình trạng thiếu giáo viên. Đó có phải nguyên nhân khiến nhà trường bố trí quá nhiều công việc cho cô Nguyễn Thị Doàn - Chủ tịch công đoàn nhà trường, thủ quỹ, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A1, giáo viên trông bán trú.

Điều này khiến cho phụ huynh học sinh đặt ra câu hỏi: việc thủ quỹ của trường kiêm nhiệm nhiều công việc chuyên môn có ảnh hưởng gì đến các công tác giảng dạy hay không?

Thấy gì từ suất ăn mẫu?

Ngoài vấn đề môi trường học tập cho các con có đảm bảo khi số lượng học sinh, lớp đều vượt chuẩn thì vấn đề phụ huynh học sinh quan tâm nữa là nhà cung cấp xuất ăn cho các cháu ăn bán trú có đảm bảo đủ năng lực cũng như các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nhất là khi tình trạng ngộ độc thực phẩm đã và đang xảy ra ở nhiều địa phương, mới đây nhất là vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại trường Mầm non Xuân Nộn (Đông Anh, Hà Nội) khiến 144 trẻ phải nhập viện điều trị.

Về vấn đề này bà Quyên cho biết: “Mặc dù đây không phải là nhiệm vụ chính nhưng chúng tôi vẫn giám sát để đảm bảo an toàn cho các con, không giao cho bất kỳ nhân viên nào, đích thân hiệu trưởng cùng 2 phó hiệu trưởng và chủ tịch công đoàn nhà trường sáng nào cũng 6h30 có mặt để giám sát việc giao nhận thực phẩm.

Vấn đề bữa ăn nhà trường hợp đồng với công ty suất ăn công nghiệp Hà Nội. Công ty phải có đầy đủ tư cách pháp nhân thì chúng tôi mới làm việc.”

Tuy nhiên, khi PV đề nghị nhà trường cung cấp các giấy tờ pháp lý cũng như hợp đồng với công ty nhằm xác minh năng lực của đơn vị cung cấp suất ăn bán trú cho học sinh thì bà Quyên một mực từ chối với lí do “hồ sơ năng lực của các đối tác liên quan đến nhà trường, nhà trường chỉ xuất trình trước cơ quan chức năng có đủ thẩm quyền”. Vì sao bà Hiệu trưởng lại từ chối cung cấp hồ sơ cho PV?

Mặt khác, theo phản ánh của các phụ huynh học sinh thì đầu năm học nhà cung cấp có mời đại diện phụ huynh học sinh đến để ăn cùng các con. Theo quan sát thì khay mẫu mà nhà cung cấp suất ăn cho nhà trường với giá 22 nghìn đồng tương đối đầy đủ về lượng và chất.

Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mà đột nhiên suất ăn được tăng lên 25 nghìn đồng. Việc này cô Quyên lí giải là do nhà trường đề xuất lên và được sự đồng ý của phụ huynh học sinh.

Tuy nhiên, khi PV đặt ra vấn đề tất cả 100% phụ huynh đồng ý hay không thì bà Quyên vòng vo không trả lời được. 

Khay mẫu mà nhà cung cấp suất ăn cho nhà trường với giá 22 nghìn đồng tương đối đầy đủ về lượng và chất nhưng vẫn tăng lên 25 nghìn. (Ảnh: phụ huynh cung cấp)

 Trao đổi với PV ông Bạch Hồng Lợi – Phó trưởng phòng Giáo dục quận Hà Đông cho biết: Quận Hà Đông có những năm tăng đến 4-5000 HS. Riêng tiểu học tăng 5.998 HS so với năm học trước. Quận Hà Đông là một quận phát triển, số lượng chung cư đang mọc lên rất lớn, sĩ số cơ học rất lớn. Cho dù số trường lớp đều tăng, tuy nhiên vẫn có những trường sỹ số trên 60hs/lớp.

Ông Lợi cũng cho biết thêm: “Trên địa bàn quận Hà Đông có 2 Công ty Suất ăn công nghiệp và Công ty Hoa Sữa, họ nấu ăn tại trường, theo nhu cầu đăng kí tự nguyện của phụ huynh học sinh.

Công ty cung ứng về suất ăn từ đầu vào cho đến khâu chế biến tại trường. Hiện nay các trường liên kết với 2 công ty để thực hiện bữa ăn bán trú”.

Với những tồn tại của trường Tiểu học Yên Nghĩa về số lượng HS/lớp, tổng số lớp đều vượt chuẩn, thiếu giáo viên, câu hỏi đặt ra liệu môi trường học tập của các cháu có đảm bảo? Bên cạnh đó, việc đảm bảo VSATTP và năng lực của đơn vị cung cấp suất ăn cho các cháu vẫn là dấu hỏi lớn, bởi thông tin này cần phải được công khai để cơ quan có thẩm quyền và phụ huynh học sinh có thể giám sát, kiểm tra. Và như vậy, việc để trường Tiểu học Yên Nghĩa đạt chuẩn theo quy định vẫn còn nhiều gian nan.

Môi trường và đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Trường Tiểu học Yên Nghĩa có đảm bảo môi trường học tập?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.