Thứ ba, 16/04/2024 14:33 (GMT+7)

Gia Lai: Theo bước hành trình gieo chữ

MỘNG THƯỜNG -  Thứ ba, 20/11/2018 15:43 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Từng lớp cát bụi dày đặc như sương sớm, từng con dốc từ khúc khuỷu cho đến thẳng đứng,… đó là “đặc sản” mà những người thầy cô phải luôn gánh gồng trên đôi vai gầy để mang đến cho BYầu “con chữ”.

Hành trìnhđưa đòthầm lặng

Từ khi thành lập đến nay, hơn 30 năm, nhiều thế hệ giáo viên của trường Tiểu học Pơ Lang (xã Pơ Lang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) vẫn miệt mài “cõng chữ lên non” để đến điểm trường Làng BYầu. Trao đi tri thức, nhận lại những nhọc nhằn, thế nhưng, với những người thầy, người cô ở đây, nụ cười vẫn cứ thường trực trên môi, ánh lên trong mắt… về cái nghiệp đang mang.

Làng BYầu - một trong những làng xa nhất xã Pơ Lang.

Từ 6h sáng, chúng tôi theo chân những người thầy, người cô “lặn lội” lên đỉnh BYầu. Bắt đầu từ trường Tiểu học Pơ Lang, chiếc xe máy “cà tàng” êm đềm bon bon trên đoạn đường nhựa khoảng hơn 3km. Từ đây, rẽ vào chân núi làng BYầu, cô Nguyễn Thị Hoà, giáo viên Mầm non Điểm trường làng BYầu nhắc nhở: “Các anh chị hãy chuẩn bị cho mình tâm thế đối mặt nhé! Hành trình “bươn rừng” giờ mới bắt đầu!”

Thay vì diện cho mình những bộ quần áo xinh xắn, tươm tất như giáo viên vùng xuôi, các thầy cô tại Điểm trường BYầu lại ngậm ngùi xếp chúng vào một góc ba lô, chọn cho mình những bộ quần áo “bụi” nhất cùng đôi ủng và một số dụng cụ sửa xe. Leo lên một chiếc xe gắn máy, có hai bánh được đầu tư kỹ lưỡng cho mục tiêu “chinh phục đỉnh núi”, các thầy, cô giáo điểm trường BYầu chật vật xuyên rừng để mang con chữ đến với các em học sinh nơi đây.

Điểm trường làng BYầu.

Đoạn đường rừng chỉ 16km, thế nhưng, liên tiếp là những con dốc dựng đứng, gập ghềnh như thử thách lòng can đảm của chúng tôi cũng như “thử lửa” các thầy cô trong hành trình lên non “gieo chữ”. Nhưng dường như đã quen với cung đường hiểm trở ấy, các thầy cô vẫn không có gì lo sợ, có nhiều đoạn xe không chạy được, phải xuống dẫn bộ nhưng họ vẫn cười, vẫn nói chuyện như động viên nhau để xua đi cái mệt.

Phải mất đến gần 2 tiếng đồng hồ chúng tôi mới có thể đến được với điểm trường Làng BYầu. Cô Nguyễn Thị Hòa tâm sự: “Mùa nắng thì vẫn còn may, chứ đến mùa mưa, ít gì cũng phải ngã vài lần thì mới nênđến được nơi. Có những lúc mưa gió, đường trơn, chúng tôi chỉ dám gài số rồi dắtxe hơn 16km chứ không lên xe mà đi nổi đâu… Nhưng, nếu đến nơi mà các em học sinh trong làng BYầu đứng đợi thì những khó nhọc cũng trở nên bình thường. Vui hay không là những lúc đấy chứ cõng chữ đã khó mà không ai muốn học nữa thì chắc chúng tôi “nản thôi rồi!”.

Làng BYầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) nằm cách trung tâm xã khoảng 18km. Ngôi làng này là nơi sinh sống của vài chục hộ dân người Bahnar nằm tách biệt trên một ngọn núi. Muốn đến được đây phải vượt hơn 16km đường rừng với những con dốc như chạm đến đỉnh trời, những vách núi cheo leo, những đoạn đường rừng ngày nắng thì bụi mù mịt, ngày mưa thì đường trơn như mỡ chảy. Nhưng, hơn 30 năm nay, các thầy cô giáo vẫn thầm lặng làm người đưa đò chở bao thế hệ con em đồng bào Bahnar trưởng thành.

Gian nan con chữ vùng cao

Điểm trường BYầu có 4 lớp học (3 lớp ghép thuộc trường tiểu học Lơ Pang và 1 lớp mẫu giáo Lơ Pang) với hơn 100 em học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số Bahnar. Vì giao thông đi lại khó khăn nên hầu như các nhu yếu phẩm của bà con trong làng BYầu đều thiếu thốn, cuộc sống chủ yếu là tự cung, tự cấp. Chính vì vậy, việc học của con em cũng không được bố mẹ quan tâm.

Mặc dù đường đường xa hiểm trở, gian nan nhưng cũng không làm chùn bước các thầy cô cõng chữ lên cho các em.

Bên cạnh việc đứng lớp, những thầy cô tại Điểm trường BYầu phải rất vất vả để đi tuyên truyền, vận động các em đến trường. “Ở đây vận động các em đi học khó lắm, bà con cứ đi làm nương làm rẫy là mang con theo. Đầu năm học là các học sinh thưa thớt lắm. Nên mỗi tối, các thầy cô phải đến nhà phụ huynh tuyên truyền, vận động nói lên những ích lợi khi biết chữ để bà con hiểu mới cho con mình đi học…Giờ con đi học, biết đọc cái thư, đọc đơn từ cho bố mẹ nên bà con cũng ý thức được rồi… Bà con thương thầy cô vượt đèo đến dạy chữ cho con mình nên khi đi rừng về có rau hay măng là ghé vào trường chia cho thầy cô một ít…”, một thầy giáo trăn trở.

Già Krơih chia sẻ, nơi đây bốn bề là rừng núi, bà con ở vùng này cũng khó khăn, đời sống lạc hậu lắm…Tuy nhiên, cuộc sống trên đỉnh BYầu đã có sự thay đổi đáng kể từ khi có điện, có ti vi, nước sạch, trường học. Từ khi có cái chữ về, đời sống bà con được nâng lên, bà con biết đọc sách, biết trồng lúa nước và các cây hoa màu khác để phục vụ vào bữa ăn… BYầu giờ không thiếu gì hết, chỉ thiếu sóng điện thoại, phải đi khoảng 2km mới có được sóng điện thoại.

Thầy Chhơr (GV dạy lớp 3, Điểm trường Làng BYầu) cho biết: Vì ở tách biệt với cuộc sống xung quanh nên các em học sinh rất nhát, ít nói chuyện và các ngôn từ tiếng Việt rất hạn chế. Những thầy cô vào dạy, thì phải học tiếng Bahnar trước để nói chuyện với các em cho các em hiểu rồi mới dần dần dạy tiếng Việt. Không những thế, các thầy cô điểm trường phải tự góp tiền mua sách để phát cho các em, chứ gia đình bà con thì làm gì có tiền mua. Lên các lớp sau thì nhà trường cũng vận động để xin sách giáo khoa để cho điểm trường…

Vì điểm trường nằm tách biệt, nên các thầy cô đa số ở lại cuối tuần mới về,  có cô đang có con nhỏ nhưng vì yêu nghề vẫn bám lớp, bám trường, mọi gánh nặng gia đình đều đặt hết lên lên vai người chồng. Biết công việc đặc thù của vợ nên chồng cũng cảm thông, chia sẻ để cô yên tâm công tác. Tuy khó khăn là vậy, nhưng lên đây các em học sinh đều chăm ngoan, rất nghe lời thầy cô nên cũng tạo các cô có thêm động lực và niềm cảm hứng để dạy.

Theo thầy Nguyễn Văn Đắc, Hiệu trưởng trường tiểu học Lơ Pang cho biết: “BYầu là điểm trường xa nhất của xã Lơ Pang. Các thầy cô lên đó đa số phải chọn những thầy cô trẻ tuổi, nhiệt huyết với công việc, cái tâm với nghề thì mới vượt rừng để lên đó dạy. Đường đi vào thì hiểm trở, đã có nhiều thầy cô ngã gãy tay, nhiều người cũng đã nghỉ việc. Chính vì vậy, chúng tôi cũng thường động viên, khích lệ để các thầy cô yên tâm công tác…”.

Không phải vô cớ mà nghề giáo được cả xã hội tôn vinh là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Và để xứng đáng với sự tôn vinh ấy, các thầy cô giáo đã cống hiến trọn vẹn cả trí tuệ và tâm hồn, đặc biệt là tình yêu thương và sự sẻ chia đến tận cùng với những lớp học trò thân yêu. Đặc biệt với những giáo viên đang ngày đêm bám lớp bám trường ở những địa phương vùng khó, sự nỗ lực ấy dường như càng nhân lên gấp bội....

Một số hình ảnh về Điểm trường làng BYầu:

Bạn đang đọc bài viết Gia Lai: Theo bước hành trình gieo chữ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bình Thuận: Mô hình "Thư viện xanh" khơi nguồn cảm hứng đọc
Mô hình "thư viện xanh" đang là điểm đến lý tưởng sau mỗi giờ học của học sinh. Thông qua những góc không gian tự nhiên cùng với sự phong phú về các đầu sách, giúp các em có nguồn cảm hứng đọc mới, từ đó hình thành nên văn hóa đọc trong mỗi nhà trường.

Tin mới