Thứ bảy, 20/04/2024 06:20 (GMT+7)

Để trường nghề không còn cảnh “đầu voi, đuôi chuột”!

Trần Ngọc Tuấn -  Thứ hai, 01/10/2018 14:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việc học sinh (HS) ít tha thiết vào học trường nghề, và HS trường nghề ngán học văn hóa là một hiện tượng phổ biến hiện nay trong các trường học.

Sở dĩ có tình trạng này là do sự bất cập về việc đào tạo của các trường nghề, hệ trung cấp chuyên nghiệp của ta hiện nay.

Là những người tham gia trực tiếp giảng dạy cho đối tượng này nhiều năm, chúng tôi không khỏi chạnh lòng, bởi có nhiều trường tuyển đầu vào với số lượng hàng trăm, nhưng khi học xong ra trường thì chỉ còn vài chục. Từ năm đầu vào là “voi”, nhưng khi ra trường chỉ còn là “chuột”. Người học rơi rụng rất nhiều trong suốt quá trình học.

Giờ thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng nghề Thành phố Hồ Chí Minh

Trong dự thảo về những điểm đổi mới giáo dục trung học phổ thông, gắn liền với việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa từ năm 2018 mà Bộ GD-ĐT ban hành có một điểm đặc biệt lưu ý. Đó là học HS sau khi học xong THCS có thể có nhiều con đường để lựa chọn: học tiếp lên THPT, học nghề, hay ra đời vừa học vừa làm. Chỉ riêng tại TP.HCM, trong "Đề án phân luồng HS sau THCS tại TP.HCM giai đoạn 2016-2020" đưa ra chỉ tiêu  30% HS xong THCS theo học nghề.

Theo số liệu của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, năm 2017, bậc CĐ tại TP.HCM có 15.609 sinh viên và bậc trung cấp có 13.148 HS tốt nghiệp, chỉ đạt hơn 50% so với số lượng đầu vào; Nhất là những trường trung cấp có tuyển sinh HS tốt nghiệp bậc THCS, HS phải vừa học văn hóa vừa học nghề, sau một học kỳ có trường đã mất đi 30 - 40% HS khóa mới.

Bỏ “cuộc chơi” vì… 1001 lý do!

Nhìn vào thực tế, việc đào tạo nghề có quá nhiều bất cập như trang thiết bị lạc hậu, chương trình còn nặng về lý thuyết, nghề đào tạo thiếu tính ứng dụng xã hội, thiếu sức hấp dẫn đối với người học và thất nghiệp sau khi học xong. Một phó hiệu trưởng trường nghề nhìn nhận: “Hầu hết do các em không theo kịp tiến độ cũng như nội dung chương trình học tập, bị điểm kém nên nghỉ học. Một số ít do hoàn cảnh gia đình, hoặc do chọn sai ngành, chán nên nghỉ. Các trường CĐ tuyển đã khó, mà rơi rụng nhiều vậy nên chúng tôi rất xót”. Đa số HS nghỉ giữa chừng là do chưa xác định được nghề nghiệp mà mình theo đuổi, lại thêm tâm lý học trung cấp dễ khiến các em chán nản. Việc HS, sinh viên bỏ học gây ra lãng phí tiền của, thời gian, ảnh hưởng đến tổng thể các kế hoạch phát triển chung và bền vững của nhà trường, của xã hội.

Người học trường nghề cần được “giải cứu”

Để cứu nguy cho tình cảnh này, đòi hỏi phải có một cái nhìn ở tầm vĩ mô, toàn diện và những giải pháp tích cực, trong đó gồm cả những có các quy chế hợp lý hơn, đặc trưng riêng cho loại hình đào tạo đặc thù này.

Ngoài việc cần có những giải pháp để khắc phục những nguyên nhân trên, theo chúng tôi phải có biện pháp tác động tích cực đến thái độ, nhận thức của người học. Cần có công tác tư vấn việc học nghề một cách "chuyên nghiệp" ngay trong nhà trường THCS, xây dựng một đội ngũ giáo viên chuyên làm công tác tư vấn cho HS và phụ huynh. Khi làm công tác tuyển sinh 10, nhà trường cần tư vấn và giới thiệu nhiều hơn về trường nghề, trường TCCN, xem như đó là một hướng đi cho HS. Và cuối cùng, nên đưa thêm vào hồ sơ tuyển sinh lớp 10 mục lựa chọn nghề để HS đăng ký...

Giờ thực hành của học viên Khoa Cơ điện tử, Trường Trung cấp nghề kỹ thuật công nghiệp Hùng Vương (TP.HCM)

Phải nói rằng HS học trường nghề là đối tượng có lực học rất hạn chế, phần lớn học yếu. Họ chọn theo học hệ này là không có điều kiện vào học các trường có yêu cầu năng lực cao hơn. Mục đích học của họ là muốn có một nghề ổn định cho mình. Nhưng nhìn vào yêu cầu của việc học văn hóa, thì có thể thấy chương trình học của đối tượng này là quá nặng. Có trường liên kết đào tạo với một trung tâm GDTX để dạy văn hóa. Nếu nhìn vào nội dung chương trình học thì không khác gì một HS bình thường học ở hệ GDTX. Thậm chí khi học xong chương trình lớp lớp 12, học sinh phải tham dự kỳ thi chung THPT quốc gia để có điều kiện tốt nghiệp. Vì thế trong quá trình học và thi cử, người học đuối sức. Từ đuối sức việc học dẫn đến chán nản, rồi vi phạm kỷ luật. Có người tự nghỉ học, một số không nhỏ bị buộc thôi học sớm. Nhiều người lại phải tìm nghề khác để theo học lại từ đầu. Cần phát huy vai trò của giáo viên chủ nhiệm được xem là rất quan trọng, bởi giáo viên chủ nhiệm chính là người cố vấn học tập, tư vấn định hướng nghề nghiệp cho sinh viên, học sinh.

Theo các chuyên gia, nên đưa nhiều hoạt động hỗ trợ như đi tham quan doanh nghiệp đúng chuyên ngành để được biết về những công việc mà mình có thể làm sau khi ra trường, từ đó có động lực học tập và có thể lập kế hoạch nghề nghiệp cho bản thân. Trường cũng xây dựng các khu tự học khang trang, thư viện được trang bị nhiều đầu sách mới, tăng số lượng máy tính có kết nối mạng để SV nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức. Đồng thời, nhà trường phối hợp với gia đình để cùng hỗ trợ các em được tốt hơn, tạo tâm lý thoải mái, tự tin, lạc quan cho người học cho người học.

 Vì thế, nếu không muốn bị lãng phí thời gian và tiền bạc, muốn hoạch định trên dự thảo trở thành hiện thực hiệu quả, thì ngay bây giờ cần có một sự quy định chung, thống nhất, tránh mỗi nơi một kiểu. Cần giảm nhẹ yêu cầu về việc học văn hóa, tăng cường học kiến thức tay nghề chuyên môn cho người học.

Bạn đang đọc bài viết Để trường nghề không còn cảnh “đầu voi, đuôi chuột”!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...