Thứ sáu, 19/04/2024 17:44 (GMT+7)

Dạy “học sinh hòa nhập”, cần cái tâm của giáo viên!

Trần Ngọc Tuấn -  Thứ hai, 12/08/2019 16:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

HS hòa nhập khiếm khuyết nhiều mặt về trí tuệ và hành vi nhưng được bố trí chung với lớp học bình thường. Điều này khiến các giáo viên lúng túng trong phương pháp giảng dạy.

Học sinh (HS) hòa nhập là gì? Theo Thông tư 03/2018/TT-BGDĐT ban hành ngày 29/1/2018 của Bộ GD-ĐT về quy định giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật có nêu rõ: Các cơ sở giáo dục thực hiện giáo dục hòa nhập sắp xếp, bố trí các lớp học phù hợp với người khuyết tật, đảm bảo mỗi lớp học hòa nhập không quá 2 người khuyết tật. Như vậy, nếu trước năm 2018, học sinh (HS) khuyết tật được bố trí học riêng ở những lớp, trường chuyên biệt, thì từ năm 2018, người khuyết tật được học chung với HS bình thường ở các trường phổ thông. Nên diện HS này được gọi theo cách mới là “HS hòa nhập”.

Những năm gần đây, tỷ lệ HS hòa nhập không hề giảm xuống, mà ngược lại có phần tăng lên. Đáng chú ý, số em bị khuyết tật về thân thể giảm nhưng những học sinh bị khiếm khuyết về tinh thần lại tăng. Trong đó chủ yếu trẻ mắc các bệnh như tự kỷ, trầm cảm, rối loạn hành vi tâm lý… Lý giải cho điều này, một chuyên gia tâm lý học đường cho rằng do ngày nay trẻ có quá nhiều sự tác động bên ngoài từ gia đình, xã hội và từ sự tự hình thành nhân cách bản thân. Trên “hành trình” phát triển ấy, chỉ cần trẻ “đi chệch đường ray” là sẽ dễ phát sinh tiêu cực về tâm sinh lý, về nhân cách.

Ảnh minh họa

Nhiều bất cập trong giảng dạy

Nhiều giáo viên sau khi chấm bài kiểm tra học kỳ diện HS này đã phải thở ngắn than dài trước thực tế bài làm rất kém của các HS hòa nhập. Chẳng hạn như môn văn, một giáo viên dạy văn ở một trường phổ thông tại TP.HCM cho biết đa số các em diện này chỉ được 1 đến 1.5 điểm trên mặt bằng chung là thang điểm 10. HS mắc hầu hết các lỗi từ kỹ năng đến kiến thức, thậm chí không viết được, không biết viết gì cả. Đáng nói là, với đối tượng hòa nhập này, đáng lẽ phải có một dạng đề kiểm tra với mức yêu cầu riêng cho họ nên cách làm “cào bằng” như trên là chưa hợp lý.

HS hòa nhập bị khiếm khuyết rất nhiều mặt về trí tuệ cũng như hành vi nhưng được bố trí chung với lớp học bình thường, trong đó có nhiều HS khá giỏi. Điều này khiến giáo viên lúng túng trong phương pháp giảng dạy. Nếu quá quan tâm đến họ thì sẽ mất quyền lợi cho số đông còn lại. Nhưng nếu “bỏ rơi” họ thì họ sẽ bị thiệt thòi. Đa số các trường phổ thông hiện nay chọn theo cách ứng xử thứ hai. Việc này làm cho mục đích việc học hòa nhập của người học hòa nhập càng xa hơn với mục tiêu đề ra ban đầu. HS hòa nhập khiếm khuyết về tâm sinh lý, để giáo dục họ phải là những người thật sự am hiểu. Trong khi đó hầu hết giáo viên phổ thông hiện nay chưa được bồi dưỡng, hướng dẫn để giáo dục thật hiệu quả diện học sinh này.

Cần cái “tâm” của giáo viên

Từ thực tế trên, thiết nghĩ, để cho việc giáo dục HS hòa nhập được hòa nhập ở nhà trường phổ thông, các địa phương cần có những giải pháp cụ thể, hiệu quả về chương trình, kiểm tra đánh giá; phương pháp; mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và địa phương; kể cả chế độ thù lao cho giáo viên… Làm sao để các em có được sự quan tâm đặc biệt.

Chia sẻ kinh nghiệm về giáo dục HS hòa nhập, nhiều giáo viên cho rằng cần có sự kiên trì, nhẫn nại, nhất là phương pháp giáo dục mới mong có hiệu quả. Trước hết phải tìm hiểu kỹ đối tượng. Tìm hiểu kỹ nhu cầu, khả năng của người học để xây dựng kế hoạch giáo dục riêng cho từng em và có các hoạt động giáo dục hỗ trợ kèm theo khác, từ đó lựa chọn phương pháp giảng dạy cho phù hợp. Quan trọng nhất là trên cơ sở “đặc thù” của từng em, người dạy cần đưa ra phương hướng, mục tiêu riêng trên cơ sở mục tiêu chung của cả lớp dạy. Nếu không, các em sẽ dễ bị “bỏ rơi” vì HS hòa nhập cùng học chung với HS phổ thông bình thường khác trong lớp. 

Hiệu trưởng một trường THPT tại TP.HCM cho rằng: “Phải coi việc giáo dục HS hòa nhập là một hoạt động nhân đạo của nhà trường. Nhà trường và giáo viên không nên quá áp lực, nặng nề về thành tích thi đua. Phải có sự nhiệt tâm, sự đồng cảm, chia sẻ, dành tình thương yêu cho các em như cha mẹ, anh chị các em… Có như vậy mới mong mục tiêu giáo dục HS hòa nhập đạt được kết quả!”.

Bạn đang đọc bài viết Dạy “học sinh hòa nhập”, cần cái tâm của giáo viên!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...