Thứ sáu, 19/04/2024 11:44 (GMT+7)

‘Cơn khát’ bài hát dành cho thiếu nhi bao giờ mới được ‘giải tỏa’?

Thu Trà -  Thứ năm, 30/05/2019 15:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hằng năm, có biết bao cuộc thi âm nhạc dành cho lứa tuổi thiếu nhi được tổ chức trên truyền hình, cứ như “nấm mọc sau mưa”.

Tết thiếu nhi (1/6) đang đến rất gần, nhiều hoạt động sôi nổi được diễn ra nhằm chào đón ngày đặc biệt của những mầm non tương lai đất nước. Tuy nhiên, đến hẹn lại lên, chuyện cũ được đem ra bàn luận nhưng chưa bao giờ hết nóng: “cơn khát” về bài hát thiếu nhi đến bao giờ mới được “giải tỏa” đây?

Xã hội hiện đại luôn nêu cao “nâng cao đời sống tinh thần” cho trẻ nhỏ, nhưng thực tế cho thấy, âm nhạc – thứ thiết thực nhất để nuôi dưỡng tâm hồn, tạo nên nhịp điệu tuổi thơ dành cho các em thì đang ngày càng nghèo nàn, thưa thớt.


Có thể thấy được rằng, đa số những ca khúc thiếu nhi được nhiều em nhỏ đón nhận đều là những bài hát đã có từ nhiều thập kỷ trước. Trên thực tế, thì vẫn có những sáng tác mới dành cho thiếu nhi trong những năm gần đây, tuy nhiên số lượng thì rất nhỏ giọt và chưa đủ sức lan tỏa.

Thực tế đời sống âm nhạc đã phản ảnh tất cả, đưa ra 1 trường hợp cụ thể như Sơn Tùng M-TP – hiện tượng âm nhạc trong nhiều năm qua của Vpop. Fans hâm mộ của chàng ca sĩ này ở mọi lứa tuổi, thậm chí những em nhỏ 5 – 7 tuổi cũng thích thú với những bản hít bắt tai của giọng ca đến từ Thái Bình. Các bạn nhỏ hiện nay được tiếp xúc khá sớm với các phương tiện truyền thông đại chúng, có thể tìm kiếm những bài hát mà mình yêu thích trên mạng Internet. Những bài hát mới dành cho lứa tuổi thiếu nhi một năm có thể đếm được mấy bài? Nhưng với nhạc trẻ tạm gọi là nhạc thị trường thì đừng tính theo năm, bởi bạn sẽ dành hết 3 ngày tròn mới ngồi kể ra nổi.

Hiện nay, để tìm ra 1 nhạc sĩ sáng tác ca khúc thiếu nhi thì rất hiếm. Những nhạc sĩ được gọi là “cây đa, cây đề” trong sáng tác nhạc thiếu nhi như Phạm Tuyên, Hoàng Long, Hoàng Lân do điều kiện tuổi tác và sức khỏe nên không thể có nhiều ca khúc đều đặn như trước. Còn nhạc sĩ trẻ thì chạy theo xu hướng của thị trường bởi đây là mảnh đất màu mỡ để họ “kiếm cơm” và “tìm đất” sống.


Nói về xu hướng chung hiện nay của người cầm bút sáng tác nhạc, Hoàng Lân – nhạc sĩ gắn liền với bao thế hệ tuổi thơ từng ngậm ngùi chia sẻ: “Sáng tác nhạc thiếu nhi rất ít được ưu đãi vật chất. Tôi từng sáng tác nhiều bài hát thiếu nhi được đưa vào tuyển tập nhưng mỗi bài hát được in, tôi chỉ nhận 50 nghìn tiền nhuận bút. Vì vậy chả trách các nhạc sĩ trẻ không mặn mà với việc sáng tác ca khúc nhà trường. Hội Nhạc sĩ hằng năm vẫn trao giải cho bài hát thiếu nhi nhưng không ai có trách nhiệm phổ biến. Còn tác giả thì làm sao phổ biến được. Đài phát thanh là nơi chuyển tải ca khúc mới 1 cách nhanh chóng nhất cũng không giúp gì nhiều cho nhạc sĩ. Hiện có tình trạng, nếu tác giả gửi ca khúc dạng bản nhạc đến thì việc phát là điều hy hữu. Còn muốn nhanh, ngoài chất lượng, tốt nhất là tác giả hãy tự bỏ 5 triệu đồng thu đĩa rồi hẵng gửi” – lời tâm sự chất chứa nỗi niềm của nhạc sĩ Hoàng Lân.

Hằng năm, có biết bao cuộc thi âm nhạc dành cho lứa tuổi thiếu nhi được tổ chức trên truyền hình, cứ như “nấm mọc sau mưa”. Nhưng thực tế, thông điệp truyền đi chẳng thấy đâu mà việc rõ ràng nhất là phục vụ cho mục đích thương mại hóa của các nhà sản xuất. Sự vô tư, hồn nhiên của các em dưới bàn tay nhào nặn của người lớn buộc phải “chín” trước tuổi, từ phong cách trình diễn đến việc chọn lựa ca khúc. Để phô diễn hết giọng hát của mình, buộc các em phải gồng mình thể hiện những ca khúc khó nhằn của các “diva, divo”, thậm chí nói tiếng Việt còn “ngọng líu ngọng lô” mà đã hát tiếng Anh để đáp ứng thị hiếu khán giả.


Phải công nhận rằng, các cuộc thi âm nhạc được tổ chức là nơi để các em thể hiện niềm đam mê ca hát, là khu vườn ươm mầm tài năng cho các em sau này. Nhưng giá như, ai cũng nhìn nhận 1 thực tế rằng, chúng ta đang thiếu trầm trọng những ca khúc thiếu nhi và có thể truyền đi thông điệp nhân văn này thì thật ý nghĩa. Nhưng có lẽ, điều quan trọng nhất sau cuộc vận động không phải là sẽ có bao nhiêu bài hát mới, mà là các sáng tác được “thai nghén” cho ra đời có cảm xúc và đủ sức lan tỏa đến các em hay không?

Bạn đang đọc bài viết ‘Cơn khát’ bài hát dành cho thiếu nhi bao giờ mới được ‘giải tỏa’?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?