Thứ năm, 25/04/2024 07:44 (GMT+7)

Các trường đồng loạt “trảm” cây phượng là cực đoan

MTĐT -  Thứ tư, 03/06/2020 16:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều ý kiến cho rằng, việc đảm bảo an toàn cho học sinh trong nhà trường là cần thiết, tuy nhiên phải xem xét tình trạng cây xanh như thế nào để tránh đốn bỏ hàng loạt mảng xanh trong trường.

Sau vụ tai nạn thương tâm do cây phượng bật gốc tại Trường THCS Bạch Đằng (Quận 3, TP HCM) làm một học sinh tử vong và nhiều học sinh bị thương cũng như sự cố cây phượng cổ thụ ở một số địa phương bật gốc, khiến nhiều trường học tại TP HCM lo ngại cho sự an toàn của học sinh.

Chính vì vậy mà trong những ngày ngày qua, nhất là 2 ngày nghỉ cuối tuần, nhiều trường tại TP HCM đã chặt bỏ hàng loạt cây phượng, nhiều loại cây xanh khác cũng được cắt tỉa trơ cành.

Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến cho rằng, việc đảm bảo an toàn cho học sinh trong nhà trường là cần thiết, tuy nhiên phải xem xét tình trạng cây xanh như thế nào để tránh đốn bỏ hàng loạt mảng xanh trong trường. Các trường nên phối hợp với cơ quan chuyên môn để kiểm định chất lượng cây xanh trước khi đốn hạ, cắt tỉa. Bởi chặt bỏ đốn hạ thì rất nhanh, nhưng trồng và chăm sóc cây xanh để cho bóng mát cho học sinh phải tốn thời gian dài.

Hình ảnh các cây phượng trơ trụi trong 1 trường học ở TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) - Ảnh: Báo Dân trí.

Chia sẻ với VOV, ông Nguyễn Hữu Phước (ngụ quận Thủ Đức) đề nghị: “Môi trường trường học phức tạp vì toàn trẻ con, tôi hy vọng, làm sao có giải pháp nào vừa giữ cây xanh, vừa bảo vệ trẻ con được. Các trường nên khảo sát cây nào thì cưa, cây nào an toàn thì nên giữ lại”.

Trao đổi với Zing, bà Đỗ Thị Thanh Huyền, cho rằng các mảng xanh trong trường học, đặc biệt tại thành phố lớn, góp phần khích lệ và duy trì tương tác của học sinh với thiên nhiên, tạo sự cân bằng trong quá trình phát triển thể chất và tinh thần, khích lệ tính sáng tạo và tư duy tích cực của các em.

"Tôi rất lo lắng và sẽ rất đáng tiếc nếu các trường đốn bỏ toàn bộ cây phượng", bà Huyền nói.

Một trường học niêm phong cây phượng. Ảnh: FB.

Với những ý kiến cho rằng cây phượng không thích hợp trồng trong trường học, bà Huyền nói đây là ý kiến cực đoan, một chiều. Khi trồng phượng hoặc bất cứ loại cây nào khác, mọi người nên hiểu về đặc tính của chúng.

Theo giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia, cây phượng tồn tại từ 30-50 năm, thân cây dễ mục, rỗng và dễ bị sâu bệnh tấn công. Cây trồng khoảng 25-30 năm, nên thay thế. Loại cây này cần được trồng trên diện tích đất đủ rộng, rễ bám vào đất.

"Vấn đề là các trường đem cây phượng về trồng khi nó đã lớn, đường kính 20-30 cm, để cây nhanh kết tán và có bóng mát. Chính vì thế, rễ cây thường ít phát triển, không bám sâu vào lòng đất và rất dễ bị mục.

Hơn nữa, ở thành phố, mức độ bê tông hóa cao, cây không có không gian để phát triển bộ rễ. Một cây phượng ngoài tự nhiên, bộ rễ có thể to ít nhất gấp 2 lần tán lá của nó. Nhưng ở trường học hoặc trong thành phố, do không có không gian, bộ rễ chỉ bám nông trên mặt đất nên rất dễ đổ", bà Huyền phân tích.

Bà khuyến khích các trường rà soát tuổi đời, vấn đề sâu bệnh của cây phượng trồng trong trường. Nếu cây có tuổi đời khoảng 25 năm, trường nên chủ động thay cây mới, chứ không nên đốn hạ theo kiểu "vô tội vạ" một cách cảm tính.

Minh Tuệ(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Các trường đồng loạt “trảm” cây phượng là cực đoan. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành