Thứ năm, 28/03/2024 23:52 (GMT+7)

Bộ trưởng GD-ĐT lý giải đổi “học phí” thành “giá dịch vụ đào tạo”

MTĐT -  Thứ tư, 30/05/2018 14:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng: “Học phí là khái niệm nghe quen tai, giờ chuyển sang tự chủ thì có rất nhiều chương trình đào tạo phải tính đến chi phí dịch vụ theo Luật giá... Đó là giá dịch vụ đào tạo”

Theo Người lao động đưa tin, sáng nay (30/5), trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH).

Trong báo cáo thẩm tra, về tài chính, tài sản, đa số ý kiến thành viên uỷ ban cơ bản nhất trí với các quy định về việc đa dạng hóa các nguồn tài chính của cơ sở GDĐH (Điều 64); việc chuyển đổi từ cơ chế thu học phí sang giá dịch vụ đào tạo theo hướng tính đúng, tính đủ các chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo (Điều 65); về quyền tự chủ trong quản lý tài chính (Điều 66) và quản lý, sử dụng tài sản của cơ sở GDĐH (Điều 67) và cho rằng dự thảo luật đã có nhiều cố gắng trong việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng trong Nghị quyết 29 và Nghị quyết 19 về đổi mới chính sách, cơ chế tài chính trong GDĐH.

Về giá dịch vụ đào tạo, đa số thành viên ủy ban tán thành việc tính đúng, tính đủ chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo theo cơ chế giá dịch vụ; tuy nhiên không nhất trí việc thay thuật ngữ học phí bằng giá dịch vụ đào tạo như thể hiện trong dự thảo luật.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ. 

“Việc sử dụng khái niệm học phí (cũng đã được quy định trong dự thảo Luật Sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục) vừa thể hiện quan điểm coi giáo dục là lĩnh vực đặc thù, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế và vừa tránh cách tiếp cận theo hướng thương mại trong giáo dục” - báo cáo thẩm tra lưu ý và đề nghị cân nhắc sử dụng khái niệm học phí như quy định trong dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định rõ nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo cần thiết làm căn cứ để xây dựng khung giá, mức giá cụ thể đối với các khoản thu dịch vụ đào tạo đối với các dịch vụ do Nhà nước đặt hàng và cấp kinh phí thực hiện.

Ngoài ra, cần quy định cơ chế giám sát, công khai, minh bạch trong tài chính đại học để kiểm soát việc thu phí tương xứng với chất lượng dịch vụ đào tạo; quy định chính sách hỗ trợ người học để có thể tiếp cận với giáo dục đại học khi tăng mức học phí.

“Học phí là khái niệm nghe quen tai”

Liên quan đến vấn đề này, theo Pháp luật TP. HCM đưa tin, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng nay (30/5), Bộ trưởng GDĐT Phùng Xuân Nhạ giải thích: “Học phí là khái niệm nghe quen tai, giờ chuyển sang tự chủ thì có rất nhiều chương trình đào tạo phải tính đến chi phí dịch vụ theo Luật giá... Đó là giá dịch vụ đào tạo”.

Đồng thời, tư lệnh ngành giáo dục cũng khẳng định đây không phải là việc đổi tên giống như từ “trạm thu phí” thành trạm thu giá” mà là thực hiện theo Luật. Tức “học phí” có nội hàm khác và “giá dịch vụ đào tạo” có nội hàm khác, và đây là hai vấn đề khác nhau.

Nhiều người tỏ ra bất bình với để xuất đổi tên “học phí” thành “giá dịch vụ và đào tạo”.

“Tên học phí quen tai truyền thống, nó có nội hàm và không phải tất cả các chi phí tạo ra dịch vụ đào tạo. Trong thực tế nếu dựa vào học phí thì có rất nhiều các khoản thu hợp pháp để phát triển nhà trường. Giá dịch vụ đào tạo và học phí là 2 vấn đề không phải là một” – ông Nhạ nói.

Giáo dục đại học đang biến thành thương trường?

Đáng chú ý, ngay sau phát ngôn của Bộ trưởng bộ GD&ĐT, nhiều người đã tỏ ra khá bất bình về việc đề xuất đổi tên “học phí” thành “giá dịch vụ và đào tạo”.

Thầy Lê Đức Vĩnh – nguyên Trưởng bộ môn Toán Học viện Nông nghiệp Việt Nam trao đổi với Infonet cho hay: “Khi nghe Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trình bày luật giáo dục sửa đổi trong đó có điều khoản thay thuật ngữ “học phí” thành cụm từ “giá dịch vụ đào tạo” thì thấy môi trường giáo dục đại học Việt Nam đang được biến thành thương trường, có mua, có bán.

Không hiểu việc tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo đại học rồi quy ra giá để bắt người học phải trả có nâng tầm nền giáo dục đại học nước nhà hay lại biến các trường đại học cả công lẫn tư chạy theo lợi nhuận mà quên mất tầm quan trọng của chất lượng đào tạo.

Cách suy nghĩ của những người soạn luật giáo dục sửa đổi phải chăng định biến mỗi trường đại học hoặc cao đẳng thành mỗi công ty đặt lợi nhuận lên trên tất cả? Mỗi chúng ta, ai cũng hiểu rằng thay từ “phí” bằng từ “giá” là hình thức lách luật, có hại cho nền giáo dục đại học, biến các trường đại học thành các công ty, là thương mại hoá nền giáo dục đại học”.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Bộ trưởng GD-ĐT lý giải đổi “học phí” thành “giá dịch vụ đào tạo”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dạy triết ở Trường ĐH VinUni
Trong các tiết học Triết học, thay vì lý thuyết suông về các vấn đề vĩ mô, sinh viên VinUni sẽ được học cách nghi ngờ, cách phản biện, không tin lời người khác nói, thậm chí là không nghĩ lời giảng viên luôn đúng.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.