Thứ sáu, 19/04/2024 15:18 (GMT+7)

Gia Lai: Cần sớm có giải pháp để cứu người dân trồng tiêu

A LỰC -  Thứ tư, 04/09/2019 05:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Giá tiêu xuống thấp, tiêu bị bệnh chết hàng loạt là một trong những nguyên nhân khiến nhiều hộ dân ở vùng chuyên canh tiêu là Chư Sê và Chư Pưh nhổ cả trụ tiêu để bán.

Bán tháo trụ tiêu để trả nợ

Dọc theo tuyến QL14 trên địa bàn tỉnh Gia Lai, dễ dàng bắt gặp hàng ngàn trụ tiêu được chất thành đống, bày bán dọc hai bên đường từ huyện Chư Pưh đến huyện Chư Prông.

Trụ tiêu chất thành đống bên QL14 chờ bán với giá từ 20.000 đến 50.000 đồng.

Ông Vũ Đức Tuynh ở thôn Phú Tân, xã Ia Băng, huyện Chư Prông, Gia Lai cho biết: Gia đình trồng tiêu từ những năm 1999 nhưng chưa thu được bao nhiêu thì đã khốn khổ vì tiêu. Lúc đầu trồng thì đạt năng suất thu được một ít lợi nhuận đủ để trang trải cuộc sống và đầu tư mở rộng, sau đó tiêu bị bệnh chết hàng loạt. Giờ vườn tiêu hơn 1.000 trụ chết cả nên đành nhổ trụ tiêu đưa ra ngoài đường chất thành đống để bán.

“Lúc trước tôi mua trụ tiêu với giá gần 150.000 đồng, đến bây giờ bán với giá 40.000 đồng mà không ai mua, nhìn trụ tiêu trước nhà đem bán tôi xót vô cùng” ông Tuynh chia sẻ.

Trụ tiêu của ông Vũ Đức Tuynh ở thôn Phú Tân, xã Ia Băng, huyện Chư Prông chất trước nhà để bán.

Bà Trần Thị Liên ở thôn Tao Kó, xã Ia Roong, huyện Chư Pưh cho biết: Nhà có hơn 3.000 trụ gỗ trồng tiêu, nhưng bây giờ chết sạch. Phải đem ra tận đường hoặc gọi thương lái tới vườn và thuê nhân công nhổ lên để thương lái chọn. Bà Liên cho biết bản thân gia đình còn nợ ngân hàng hơn 1,2 tỷ đồng mỗi quý đóng lãi vài chục triệu đồng nên đành phải bán để kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình.

“Nhìn hàng trăm trụ tiêu lúc trước mua với giá gần 200.000 đồng mà bây giờ bị ép giá rẻ mạt mà xót quá. Nhưng gia đình tôi còn may mắn được quây quần với nhau làm cà phê để kiếm sống và trả nợ. Nhiều gia đình ly tán, bỏ cả nhà tiền tỷ đi làm ăn xa càng thảm hơn” bà Liên chia sẻ.

Hàng trăm trụ tiêu bằng gỗ của bà Trần Thị Liên ở thôn Tao Kó, xã Ia Roong, huyện Chư Pưh chờ xếp đống trước nhà để bán nhưng rất ít người hỏi mua.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai tính đến hết tháng 12/2018, khu vực Tây Nguyên đã có gần 10.200 ha hồ tiêu bị chết. Riêng Gia Lai là tỉnh có diện tích hồ tiêu chết nhiều nhất toàn vùng Tây Nguyên với diện tích là 5.547 ha, trong đó diện tích tiêu chết do thời tiết mưa nhiều là 4.532 ha.

Anh Lê Xuân Hân ở thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê cho biết: Không chỉ có các trụ gỗ, trụ bê tông mà nhiều người còn chặt cả một số loại cây như keo, muồng, cao su… khi tiêu chết. Số cây này được nhiều người phơi khô, sau đó đem bán như củi để kiếm tiền trang trải cuộc sống.

“Lúc cao điểm, mỗi trụ tiêu gỗ cà chít, căm xe và các trụ bê tông được mua với giá từ 150.000 đến 250.000 đồng, nay nhổ lên chất đống để trước nhà bán với giá rẻ mạt từ 20.000 đến 50.000 đồng một trụ nhưng cũng kén người mua. Thương lái chỉ chọn những trụ đẹp, chắc chắn mua và chở đi các tỉnh miền Trung, Tây nguyên để trồng thanh long, chanh dây, làm tường rào…” anh Hân chia sẻ.

Một số trụ tiêu được anh Lê Xuân Hân ở thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê đem bán cho thương lái số còn lại phơi để bán như củi khô.

Anh Nguyễn Văn Trường ở xã Ia Pếch, huyện Ia Grai cho biết: Gia đình trồng tiêu từ những năm 2011, với gần 9 ha đất và khoảng 14.000 trụ bằng bê tông. Tiêu bắt đầu chết từ tháng 7/2018, đến nay diện tích tiêu chết là hơn 95% trên toàn diện tích. Sau khi thu hoạch số tiêu còn sót lại vào tháng 11 tới đây, gia đình cũng sẽ kêu thương lái tới rẫy để nhổ số trụ tiêu này, số trụ này được bán với giá từ 15.000 đến 30.000 đồng. Anh Trường cho biết thêm lúc trước mua những trụ tiêu này có giá từ 150.000 đến 200.000 đồng, như vậy với gần 14.000 trụ bê tông tương ứng với gần 1 tỷ đồng đầu tư tiền trụ, thế nhưng bây giờ phải bán hết cho thương lái với giá rẻ bèo. Lúc trước khi trồng tiêu gia đình có vay ngân hàng với số tiền lớn, giờ đây hằng tháng phải trả khoảng 15 triệu đồng tiền lãi nên đành phải bán để lấy tiền trang trải các khoảng khác.

Trụ tiêu của anh Nguyễn Văn Trường ở xã Ia Pếch, huyện Ia Grai chất thành đống tại vườn để bán cho thương lái.

“Sau khi bán hết số trụ tiêu này, gia đình tôi sẽ chuyển sang trồng các loại cây khác như cà phê, bơ, sầu riêng... chứ không dám đầu tư trồng tiêu nữa vì một phần không đủ sức để chăm sóc và phần lớn không đủ tiền để đầu tư tái canh trồng tiêu, một lần khốn khổ vì nó là đủ rồi.” Anh Trường chia sẻ.

Gần 14.000 trụ tiêu của anh Nguyễn Văn Trường giờ chỉ còn trơ trọi lại trụ.

“Tận cùng của khó khăn”

Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, ông Hoàng Phước Bính – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu huyện Chư Sê, Gia Lai cho biết: Việc tiêu chết hàng loạt trên địa bàn huyện đến mức người dân phải bán cả trụ tiêu để trang trải cuộc sống là đến bước tận cùng của khó khăn. “Tôi vô cùng mong muốn nhà nước cần có giải pháp, chính sách giúp người dân trồng tiêu hiện nay ổn định được đời sống, từ đó có những chính sách riêng để giúp người dân vực lại việc trồng cây hồ tiêu.” Ông Hoàng Phước Bính – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu huyện Chư Sê chia sẻ.

Những năm trước trụ tiêu có giá từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng 1 trụ nhưng giờ đây được người dân sử dụng để làm hàng rào.

Ông Nguyễn Văn Hợp – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Chư Sê, Gia Lai cho biết: Tính đến tháng 1/2019 tổng diện tích trồng tiêu toàn huyện Chư Sê có 3.649,3 ha, diện tích tiêu bị chết là 1.741 ha. Trong đó, diện tích tiêu bị chết do thời tiết là 1.237 ha. Nguyên nhân của việc tiêu chết hàng loạt trên địa bàn huyện một phần là do giá tiêu xuống thấp kéo dài từ năm 2017 – 2018 nhưng phần chính là trong năm 2018 mưa liên tục kéo dài nhiều tháng dẫn tới nhiều diện tích tiêu bị chết do thối rễ, sâu bệnh. Sau khi nhận thấy việc tiêu chết hàng loạt trên địa bàn huyện thì Phòng NN&PTNT đã cử cán bộ xuống từng vườn tiêu bị chết để hướng dẫn người dân thu gom, tiêu hủy toàn bộ số cây bị chết và hướng dẫn người dân trồng tiêu chuyển đổi diện tích đất này sang trồng các loại cây khác như cà phê, chanh dây, bơ... Ngoài ra, Phòng NN&PTNT còn tăng cường các công tác tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất hồ tiêu bền vững cho người dân. Bênh cạnh đó, Phòng NN&PTNT tham mưu cho UBND huyện Chư Sê cùng phối hợp với các ngân hàng đứng chân trên địa bàn huyện tạo điều kiện thuận lợi và triển khai rộng rãi cho nông dân tiếp cận được nguồn vốn vay và các chính sách khác cho nông nghiệp, để nông dân khôi phục và phát triển sản xuất.

Ông Hợp cho biết thêm sau khi tiêu chết hàng loạt trên địa bàn huyện thì UBND huyện Chư Sê có báo cáo gửi lên UBND tỉnh Gia Lai về việc chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện đồng bộ các giải pháp khoanh nợ và cho vay mới các hộ dân trồng tiêu từ đó giúp người dân trồng hồ tiêu ổn định sản xuất.

“ Nhìn hàng ngàn trụ tiêu lúc trước mua vài trăm triệu cho đến hàng tỷ đồng mà giờ đây bán với giá rẻ bèo để kiếm tiền trang trải cuộc sống ai mà không xót cho được. Mong các cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp để cứu người dân trồng tiêu.” ông Nguyễn Văn Hợp – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Chư Sê, Gia Lai chia sẻ.

Bạn đang đọc bài viết Gia Lai: Cần sớm có giải pháp để cứu người dân trồng tiêu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Khai mạc Hội Sách Hải Phòng năm 2024
Năm 2024, là năm thứ ba thành phố Hải Phòng tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, đồng thời cũng là năm thứ 10 hưởng ứng các hoạt động về Ngày Sách trên địa bàn thành phố.

Tin mới

Khai mạc Hội Sách Hải Phòng năm 2024
Năm 2024, là năm thứ ba thành phố Hải Phòng tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, đồng thời cũng là năm thứ 10 hưởng ứng các hoạt động về Ngày Sách trên địa bàn thành phố.