Thứ tư, 24/04/2024 18:53 (GMT+7)

Gặp người đàn ông cất giữ bộ sách cổ hơn 400 tuổi của người Bru – Vân Kiều

QUỐC HUY -  Thứ sáu, 30/03/2018 16:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Từ bao đời nay, người Khùa (thuộc dân tộc Bru - Vân Kiều) ở huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình luôn coi bộ sách cổ hơn 400 tuổi do ông bà tổ tiên để lại là một bấu vật vô giá.

Bộ sách này hiện được ông Hồ Thoong (SN 1962), Trưởng bản Hà Vi, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình cất giữ và bảo quản rất cẩn thận như báu vật vô giá.

Theo ông Thoong, bộ sách quý này được tổ tiên truyền lại qua rất nhiều đời, hiện đã hơn 400 năm tuổi. Nó được làm từ lá cây tàn, một loại cây trên rừng giống với lá cây dừa, cây cọ.

Sách có chiều dài khoảng 30 – 50cm gồm 150 trang, mỗi trang rộng khoảng 5cm, trên 2 mặt của mỗi trang có viết 4 hàng chữ, theo ông Thoong là chữ Lào cổ. Bìa sách được làm bằng hai thanh gỗ hình mái nhà và được trang trí công phu, ở bên trong các trang được nối với nhau bằng 2 sợi dây bện từ vỏ cây rừng.

Ông Hồ Thoong bên báu vật hơn 400 tuổi của người Khùa.

Ông Hồ Thoong cho biết, để làm ra bộ sách này phải trải qua nhiều công đoạn rất công phu. Nguồn lá tan để làm ra sách phải vào tận rừng già kiếm mới có, khi cây mới ra lá non thì buộc chúng lại với nhau trong vòng 1 năm không cho lá bung ra. Sau đó, đem về phơi khô để cho lá cứng lại mới có thể khắc chữ được.

Muốn khắc được những văn tự lên lá cũng kì công không kém, người xưa đã dùng loại mực đặc biệt và trộn với mật của 1 loại cá sống ở khe suối. Sau đó, dùng thanh sắt được mài nhọn khắc lên lá. Viết xong, họ dùng loại mực đặc biệt này để phết lên.

Vì được chế tác công phu nên những bộ sách bằng lá này rất khó bị mối mọt, dù trải qua hơn 400 năm nhưng chữ viết vẫn còn rất sáng màu.

“Mặc dù không thể đọc được các kí tự trong sách cổ nhưng khi được các già làng trong vùng kể lại mình cũng hiểu chút ít được nguồn cội của sách này. Tuy nhiên do đã bị thất truyền từ lâu nên giờ không còn ai biết cách chế tác sách nữa”, ông Thoong tiếc nuối.

Văn tự trên sách có thể được viết bằng các kí tự của người Lào hoặc Kmer cổ.

Cũng theo nhiều vị cao niên trong vùng, sách lá của người Khùa có thể được viết bằng các kí tự của người Lào hoặc Kmer cổ. Do ngày trước ở vùng này có một ngôi chùa cổ của các nhà sư người Lào nhưng vì chiến tranh loạn lạc, các nhà sư này đã bỏ đi. 

“Sách lá thường được chia làm 3 bộ gồm bộ văn thơ, bộ gia phả và bộ võ thuật. Nội dung của bộ văn thơ viết về những bài văn, những câu thơ của người Khùa hồi xưa sáng tác hay sưu tầm trong dân gian. Văn thơ trong sách thể hiện tình yêu đôi lứa, tình yêu cuộc sống, thiên nhiên, đất nước.

Bộ võ thuật thì ghi lại cách học học võ nhằm rèn luyện sức khoẻ để chống lại các bệnh tật, thú rừng và kẻ thù. Bộ gia phả ghi lại dòng tộc, tổ tiên và cách giáo dục con cháu, khuyên răn con cháu trong nhà làm những điều lành, tránh điều ác, sống thuỷ chung”, ông Thoong cho biết thêm.

Các bộ sách lá của người Khùa rất quý hiếm bởi chúng thường là độc bản và được làm rất công phu. Vì vậy đồng bào luôn coi đây là một báu vật và cất giữ rất cẩn thận.

Trong những năm tháng kháng chiến, bom đạn giặc tàn phá cả ngôi làng, người Khùa phải đem cất giấu những bộ sách quý này vào hang đá, gốc cây trong rừng sâu. Hết bom đạn, làm lại được nhà ở thì mới vào rừng tìm và đem báu vật trở về.

Theo các vị cao niên trong làng, trước đây nhiều dòng họ của người Khùa cũng có những bộ sách lá tương tự như của ông Hồ Thoong. Trải qua nhiều biến cố lịch sử,  bộ sách đã hư hỏng hoặc thất lạc gần hết.

Ông Đinh Thanh Dự - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian ở Minh Hóa cho biết: “Sách lá của người Khùa là một kho sách dân gian được truyền qua nhiều đời, đây được xem  là những cổ vật của di sản văn hoá vật thể bản địa vô giá quý hiếm cần được bảo tồn và lữu giữ”.

Bạn đang đọc bài viết Gặp người đàn ông cất giữ bộ sách cổ hơn 400 tuổi của người Bru – Vân Kiều. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.