Thứ năm, 25/04/2024 20:12 (GMT+7)

Xôi Phú Thượng đi sâu vào tâm khảm của người Hà Nội.

Văn Mạnh -  Thứ hai, 09/03/2020 10:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hương xôi lan tỏa bốn mùa, hàng trăm năm qua, xôi Phú Thượng đã làm nên hương sắc trong hương vị ẩm thực nơi Hà Thành. Vị thơm ngon của xôi và tình người trở thành chất keo bền chặt hấp dẫn thực khách

Với người Hà Nội, xôi làng Gạ (Kẻ Gạ, tức làng Phú Gia nằm bên bờ Nam sông Hồng, nay thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội), đã trở nên thân quen. Chỉ cần nhìn hạt xôi căng mọng, dẻo thơm, những người sành ăn sẽ nhận ra ngay nguồn gốc của món xôi nức tiếng thơm ngon này.

Ẩm thực Hà Nội nổi tiếng là tinh, sành, do đó, một món ăn dân dã như món xôi được xếp vào danh sách đặc sản thì không phải là chuyện dễ. Để có một chõ xôi ngon đậm chất xôi Phú Thượng, người làng Gạ phải bỏ ra nhiều công để làm nên.

Gạo là thứ đầu tiên phải chọn, với những hạt nếp cái hoa vàng tròn, mẩy, không được để lẫn gạo tẻ đem ngâm khoảng 4, 5 giờ, sau đó vo sạch để ráo nước.

Đồ xôi khác với nấu cơm nếp, xôi muốn ngon cần đồ hai lần lửa. Xôi đồ lần thứ nhất từ chiều hôm trước, đạt độ chín khoảng 80% rồi dỡ ra giá cho nguội và ráo nước. Đến độ 3h sáng hôm sau, đem đồ lần thứ hai cho chín tới, hạt xôi vừa săn vừa dẻo. Khi đồ phải giữ cho lửa đều, hơi nhiều, hạt gạo lúc chín phải bóng và no tròn như bôi dầu mỡ.

Ngày xưa, người Kẻ Gạ chỉ đồ xôi đậu xanh và xôi gấc. Ngày nay đã phong phú hơn với những loại xôi mới như: Xôi vừng dừa, xôi ruốc, xôi xéo, xôi lạc, xôi vò, xôi lúa (xôi ngô)…

Mỗi món xôi có một cách đồ riêng rất tỉ mỉ. Với xôi đỗ xanh, người làm phải chọn những hạt đỗ mẩy, tròn, sau đó đem ngâm đủ thời gian và trộn với gạo đã ráo nước, trộn đỗ – gạo thật đều, có như vậy xôi đồ lên mới ngon, tơi và không bị nát.

Với xôi xéo, đỗ xanh được cho vào vải màn để hấp cách thủy. Món đỗ đạt yêu cầu là sau khi chín, nắm lại thật chặt là có thể dùng dao cắt được thành từng lát mỏng.

Với xôi gấc, người làm phải bóp nhuyễn bột gấc với rượu trắng rồi trộn đều vào gạo, nêm đường, muối.

Gạo nếp, đỗ xanh nấu xôi vò phải chọn thật kĩ, là nếp cái hoa vàng, hạt gạo đều, đỗ xanh còn nguyên vỏ ngâm qua đêm. Xôi và đỗ xanh đồ chín, đỗ xanh được bóp cho tơi, trộn thêm chút muối rồi mới trộn vào xôi.

Xôi vò ngon nhất là khi đỗ xanh bám vào từng hạt nếp, cả chõ xôi không bị vón cục và thơm lừng mùi đỗ xanh.

Xôi lúa là xôi nấu từ ngô nếp bung nhừ cùng ít gạo nếp, cũng rắc đậu, hành khô và rưới thêm mỡ…

Nắm xôi thường gói bằng lá sen hoặc lá dong bánh tẻ. Mùi xôi thơm hòa cùng với mùi lá mới làm cho người ta muốn ăn ngay. Lá được lau rửa sạch sẽ mang tính đồng quê dân dã, gợi cảm hứng cho người ăn – bảo vệ môi trường.

Hầu như ai trong làng cũng đều biết làm xôi, bánh dày, bánh dậm, rượu nếp. Đủ các loại xôi, xôi ăn quà sáng, xôi nấu theo đơn đặt hàng cho đám giỗ, liên hoan, tiệc tùng, thậm chí còn được vào những khách sạn, nhà hàng lớn…

Bà Hồ Thị Thủy (tổ 28, cụm 4, phường Phú Thượng) - một người phụ nữ tần tảo, đồ xôi đi bán từ năm 1976 chia sẻ: “Đồ xôi không quá khó, nhưng cần người cẩn thận, nhanh nhẹn. Khi đã làm quen tay, mỗi người lại có những bí quyết riêng”.

Năm 2016, UBND TP. Hà Nội đã có quyết định công nhận Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng. Có được kết quả này là nhờ sự gìn giữ bảo tồn và phát triển nghề nấu xôi của người dân Phú Thượng. Đặc biệt là sự ra đời và hoạt động tích cực của “Hội làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng” được thành lập ngày 13/9/2018.

Theo ông Hoàng Gia Lượng, Chủ tịch Hội Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng , từ rất lâu, người dân Phú Thượng đã có nhiều sản phẩm được chế biến từ gạo nếp cái hoa vàng như các loại bánh, chè, xôi… Tuy nhiên, chỉ có xôi là có sức sống lâu bền hơn cả bởi quá trình chế biến không quá phức tạp, cầu kỳ và khách hàng cũng dễ cảm nhận hương vị thật thơm, dẻo của gạo nếp, giá thành hợp lý nên được đông đảo các tầng lớp người tiêu dùng chấp nhận. Đây là những điều kiện cần và đủ để làng nghề tồn tại và phát triển bền vững, như sự nối dài của truyền thuyết Lang Liêu vọng về đất Tổ.

Cùng với sự thăng trầm của lịch sử, mỗi làng nghề cũng trải qua những giai đoạn khó khăn. Nhưng thực tế đã khẳng định dù trong hoàn cảnh nào thì người dân ở làng nghề nấu xôi Phú Thượng vẫn luôn biết vượt qua mọi khó khăn trở ngại, tự tin tìm ra những con đường đi phù hợp. Tổ tiên đã nuôi dưỡng và truyền lại ngọn lửa nghề “nấu xôi” cho bao lớp người dân ở Phú Thượng để hàng ngày, người Hà Nội vẫn luôn được thưởng thức món quà quê thân quen.

Đặc biệt, quá trình đô thị hóa đã chuyển dần ruộng đất của Phú Thượng thành những ngôi nhà cao tầng, sản xuất nông nghiệp cũng không còn nữa thì nghề “nấu xôi” giúp người dân nơi đây tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình và làm giàu.

Nghề nấu xôi ở Phú Thượng đã được công nhận là “Làng nghề truyền thống” và cấp thương hiệu - đó là niềm tự hào và vinh dự cho người dân nơi đây. Bên cạnh đó cũng đặt ra trách nhiệm bảo tồn và phát huy cho những thế hệ đã và đang “giữ lửa” làng nghề, để thương hiệu xôi Phú Thượng là địa chỉ tin cậy không những chỉ ở Thủ đô mà còn trên khắp đất nước Việt Nam và vươn xa đến bạn bè quốc tế.

Hội thi nấu xôi lần thứ 3, Xuân Canh Tý ở làng nghề Phú Thượng

Ông Hoàng Gia Lượng cũng cho biết thêm, hiện nay Hội làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng có 329 thành viên, được hỗ trợ tạo điều kiện về nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, áp dụng khoa học kỹ thuật phát triển sản phẩm làng nghề. Hội còn hỗ trợ giúp đỡ cho 215 hội viên được sử dụng điện một giá để sản xuất.

Để xây dựng thương hiệu xôi Phú Thượng, các thành viên trong BCH Hội đã tìm hiểu gặp gỡ các cơ quan chức năng, chuyên môn để tư vấn, xây dựng thương hiệu sản phẩm như về nhãn mác, túi đựng sản phẩm, chỉ dẫn địa lý… Công tác quảng bá giới thiệu sản phẩm đã được quan tâm, thông qua việc tham gia các hội chợ, triển lãm, du lịch, tổ chức nhiều sự kiện lớn với quy mô ngày càng tăng về số lượng và chất lượng …

Mặc dù được cấp thương hiệu, nhưng nghề nấu xôi ở Phú Thượng vẫn còn nhiều khó khăn như cách sản xuất, tiêu thụ còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, chưa có cửa hàng, cửa hiệu, chỉ được quảng bá chủ yếu qua truyền miệng là chính. Để sản phẩm của địa phương có điều kiện phát triển theo hướng trở thành làng nghề du lịch, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền và người dân Phú Thượng – ông Hoàng Gia Lượng cho biết thêm.

Cũng theo ông Lượng, thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục triển khai các chủ trương của chính quyền các cấp về việc xây dựng làng nghề trở thành ngành kinh tế của địa phương, nâng cao chất lượng, công tác xúc tiến quảng bá làng nghề và thu hút khách hàng, tạo thêm nhiều sản phẩm đa dạng. Thường xuyên kiểm soát chất lượng sản phẩm tại các hộ gia đình nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động làng nghề, kiểm tra nhắc nhở các hội viên chú trọng đảm bảo vệ sinh môi trường…

Năm 2019, Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng đã được Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Xôi Phú Thượng”. Đây là cơ hội để sản phẩm của làng nghề ngày càng phát triển đa dạng, chất lượng dịch vụ được củng cố và nâng cao, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng cũng đang khẳng định được giá trị, thương hiệu, là một trong những địa chỉ tin cậy của người tiêu dùng.

Tiếng rao của người bán xôi làng Phú Thượng ở các vỉa hè, ngõ phố đã và đang tiếp tục đi vào tâm khảm của nhiều thế hệ người Hà Nội./.

Bạn đang đọc bài viết Xôi Phú Thượng đi sâu vào tâm khảm của người Hà Nội.. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng