Thứ sáu, 29/03/2024 21:03 (GMT+7)

Thông tin Phú Quốc ngập toàn bộ là thiếu khách quan

MTĐT -  Thứ bảy, 17/08/2019 15:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vừa qua, việc đưa tin mưa bão gây ngập toàn đảo Phú Quốc không chỉ thiếu khách quan, gây hoang mang cho người dân, du khách, mà còn tác động tiêu cực đến việc kêu gọi đầu tư vào Phú Quốc.

Không đúng sự thật, chưa chính xác và thiếu khách quan

Đó là nhận định của ông Mai Văn Huỳnh - Bí thư, Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quốc về thông tin truyền thông đề cập vấn đề ngập lụt ở huyện đảo Phú Quốc trong thời gian qua. Ông Huỳnh khẳng định, không phải toàn bộ huyện đảo Phú Quốc bị ngập nước như một số thông tin lan truyền trên mạng, mà chỉ ngập cục bộ tại một số khu vực như: Tuyến đường Cách mạng Tháng Tám ở thị trấn Dương Đông, ấp Bến Tràm (vùng trũng nhất), Cây Thông Trong, đường dọc Bãi Trường (xã Dương Tơ)… gây ngập 63 km đường với độ sâu trung bình từ 0,7 m, có nơi ngập tới 2 m.

Bộ đội giúp dân tránh lũ, thắm tình nghĩa quân dân.

Đồng quan điểm, nhận định công tác truyền thông về ngập lụt ở huyện đảo Phú Quốc trong thời gian qua, ông Phạm Công Khâm - Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy khẳng định, mưa lớn gây ngập lụt là điều không mong muốn và một số thông tin về vấn đề này không đúng sự thật, chưa làm rõ vì sao Phú Quốc bị ngập, chưa tập trung đề ra các biện pháp khắc phục. Theo thống kê sơ bộ có hơn 200 tin, bài báo chí đăng tải từ ngày 3 đến ngày 13/8, nhưng trong đó chỉ có ¼ tin bài nói về biện pháp khắc phục, còn đa phần chỉ nói về tình hình, rồi để đó cho xã hội và người đọc bình luận. Thậm chí, có những bình luận chưa chính xác, phủ nhận quá trình xây dựng, phát triển của Phú Quốc trước đây. Cần thấy rằng, Phú Quốc là một hòn đảo đẹp, rất thu hút khách du lịch và nhiều nhà đầu tư, vì vậy, những thông tin chưa chính xác trên đã làm rất nhiều người hoang mang, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư ở Phú Quốc.

Ông Mai Văn Huỳnh - Bí thư, Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quốc, khẳng định vấn đề thông tin ngập lụt toàn diện ở huyện đảo Phú Quốc trong thời gian qua chưa thật sự chính xác.

Ông cũng cho rằng, sự kiện ngập lụt ở Phú Quốc vừa qua là lời cảnh tỉnh cho người dân và các cơ quan chức năng không được lơ là, chủ quan trước những diễn biến thất thường của thời tiết; đồng thời là tình huống để các cấp, các ngành có những tính toán căn cơ trước mắt và lâu dài trước sự thay đổi của thiên nhiên tác động đến đời sống của người dân và sự phát triển kinh tế xã hội của hòn đảo ngọc Phú Quốc trong tương lai.

Trong thời gian từ ngày 01 đến ngày 09/08, tổng lượng mưa trên địa bàn đạt 1.170 mm, trong khi lượng mưa trung bình nhiều năm tại Phú Quốc là 2.800 mm. Có những ngày, lượng mưa ở Phú Quốc rất cao, như ngày 06 và 07/08, lượng mưa đạt 500 mm, ngày 9/8 lượng mưa giảm xuống còn 335 mm, nhưng cao hơn lượng mưa lịch sử tại Phú Quốc năm 1997 (327 mm). Theo thống kê, đợt mưa lớn liên tục và kéo dài đã làm hơn 8.424 căn nhà bị ngập, thiệt hại 82 tỷ đồng; có 23 căn nhà bị sập và tốc mái, thiệt hại 980 triệu đồng; nhiều tài sản vật dụng của người dân bị ngập nước, hư hỏng, thiệt hại khoảng 22,3 tỷ đồng; 30 chuyến bay bị hủy, ngừng hoạt động 6 tiếng. Tổng thiệt hại do ngập lụt gây ra là hơn 107 tỷ đồng.

Theo ông Phạm Công Khâm - Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, những thông tin chưa chính xác đã làm rất nhiều người hoang mang, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư ở Phú Quốc.

Trước những khó khăn của đồng bào bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, với tinh thần tương thân tương ái, nhường cơm sẻ áo, nhiều cá nhân, doanh nghiệp, nhà hàng đã mở cửa cho người dân bị ảnh hưởng tá túc và cung cấp thêm lương thực, thực phẩm cho họ.

Điều chỉnh lại quy hoạch để tránh thiệt hại ở mức thấp nhất

Vậy, những  nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng ngập lụt lịch sử ở huyện đảo Phú Quốc trong thời gian qua? Giải đáp vấn đề này, ông Mai Văn Huỳnh cho biết, với thời tiết cực đoan, nước biển đang dâng cao (1 - 1,6 m), gió mùa Tây Nam thổi mạnh khác thường nên việc thoát nước từ sông, suối ra biển chậm. Trong khi đó, hệ thống thoát nước nội ô thị trấn Dương Đông được đầu tư xây dựng từ năm 2003 khi mật độ dân cư sinh sống còn thưa thớt nay trở nên quá tải đã gây ngập nặng cục bộ trên đảo Phú Quốc.

Bộ đội giúp dân tránh lũ, thắm tình nghĩa quân dân.

Ngoài ra, phần lớn những hộ dân có nhà bị ngập sâu đều thuộc diện di dân từ nhiều nơi khác đến Phú Quốc làm ăn trong khoảng 10 năm trở lại đây, chủ yếu họ chọn những chỗ ở có giá rẻ, vùng sâu, vùng xa để tạm cư. Đồng thời,  Phú Quốc có đến 63% diện tích đất là khu vực rừng, núi và phần còn lại thuộc đất đồng bằng với 4 bề là biển rộng bao la, cộng với hiện tượng gió mùa Tây Nam ập đến làm triều cường dâng cao, làm cho lượng nước từ các sông, suối bị dội ngược lại ở các cửa biển.

Ngoài diễn biến bất thường của thời tiết thì công tác quản lý xây dựng, đô thị cũng bộc lộ yếu kém, không xử lý kịp thời, dứt điểm những trường hợp người dân, doanh nghiệp tự ý bao chiếm, xây dựng công trình lấn sông, suối, tôn nền…, ít nhiều cũng làm cản trở dòng chảy; trong khi đó, hệ thống thoát nước hiện hữu đã bị vô hiệu hóa trước sự phát triển của nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, du lịch. Một số địa phương báo cáo cáo chưa kịp thời, quản lý thông tin truyền thông còn hạn chế. Định hướng phát triển dân cư, du lịch, khách sạn kinh doanh chưa kịp thời….

Để giải quyết thực trạng ngập lụt lịch sử ở huyện đảo Phú Quốc, ông Huỳnh cho biết, trong thời gian tới, các ngành chức năng sẽ cùng địa phương thực hiện việc rà soát, khơi thông dòng chảy, động viên người dân tự giác tháo gỡ và tích cực cưỡng chế những công trình xây cất trái phép. Đồng thời điều chỉnh, cập nhật, bổ sung quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ; Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh mời các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến tìm hiểu, đánh giá tình hình, đưa ra dự báo về nước biển dâng, khí hậu cực đoan, áp dụng công nghệ cao để địa phương có kế hoạch điều chỉnh lại quy hoạch nhằm tránh thiệt hại đến mức thấp nhất do lũ lụt gây ra; Triển khai, quản lý tốt quy hoạch theo quy định, kiểm tra nghiêm ngặt về xây dựng, công trình thi công vi phạm quy hoạch; Đẩy nhanh triển khai lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 khu đô thị Dương Đông và An Thới; Phê duyệt chương trình phát triển đô thị làm cơ sở để đề xuất giải pháp tổng thể, đồng bộ cho hạ tầng đô thị của Phú Quốc… 

Bạn đang đọc bài viết Thông tin Phú Quốc ngập toàn bộ là thiếu khách quan. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Trương Anh Sán

Cùng chuyên mục

Tin mới