Thứ sáu, 29/03/2024 05:30 (GMT+7)

Thị trường Rằm tháng 7: “Chợ âm phủ” vẫn vắng người mua

MTĐT -  Thứ tư, 22/08/2018 10:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dịp này hằng năm, phố Hàng Mã – “thủ phủ” đồ cho người cõi âm tại Hà Nội đang bước vào dịp kinh doanh sôi động nhất. Nhưng năm nay không khí mua bán rất ảm đạm.

Theo quan sát, ngoài những mặt hàng truyền thống như tiền âm phủ, mũ, nón,... đã xuất hiện thêm rất nhiều mặt hàng được làm rất giống đồ thật khiến nhiều người đặc biệt quan tâm như những bộ pijama, giày dép hàng hiệu, tã trẻ em và đặc biệt bao gồm cả đồ nội y với đủ các kích cỡ, màu sắc…

Nhiều gian hàng tại phố Hàng Mã thời điểm này vẫn vắng khách. Ảnh: Phùng Nguyên

Giá cả các mặt hàng này năm nay cũng không có nhiều thay đổi. Ví như quần áo ông bà tiền chủ có giá 70.000 – 80.000 đồng/bộ, các loại quần áo, giày dép, đồ dùng cá nhân khác dao động từ 30.000 - 80.000 đồng/bộ, đồ nội y 120.000 đồng/bộ…

Riêng các mặt hàng cao cấp như nhà lầu, xe hơi, xe máy, tủ lạnh, máy giặt… có giá trên dưới 200.000 đồng/mặt hàng tùy cửa hàng.

Chị M.T.H, nhân viên bán hàng tại đây cho biết: “Những năm trước, thời điểm này là người dân mua bán hàng vàng mã đã tấp nập lắm rồi, nhưng năm nay lượng khách ít hơn và cũng chủ yếu mua quần áo, giày dép… còn hàng độc, lạ như: siêu xe, nhà lầu, ti vi, ô tô… thì khách đặt cũng ít”.

Theo chị M.T.H, lượng hàng năm nay bán ra ít so với những năm trước là do dân tình hạn chế đốt vàng mã.

Tương tự, tại một cửa hàng bán vàng mã khác, chị Hạnh (chủ cửa hàng) cho hay, khách hàng năm nay vắng hơn nhiều so với mọi năm. Và các mặt hàng khách lựa chọn cũng chỉ là hàng bày sẵn chứ không đặt như những năm trước.

“Năm ngoái có những khách hàng đặt mua biệt thự, ô tô… trị giá cả chục triệu đồng nhưng năm nay khách chỉ mua lẻ tẻ vài trăm nghìn đồng. Ế ẩm lắm!”, chị Hạnh than vãn.

Trước đây, chạy theo quan niệm "trần sao âm vậy" và tâm lý đám đông, không ít người đã bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua đồ về đốt cho người đã khuất các mặt hàng xa xỉ như: nhà lầu, xe hơi, ti-vi, tủ lạnh, ipad, iphone, người giúp việc, ô tô, lái xe… nhằm cầu xin bình an, tài lộc. Sự thái quá này không chỉ trở thành hành vi mê tín dị đoan mà còn gây lãng phí, tốn kém, ô nhiễm môi trường và nhất là nguy cơ mất an toàn do cháy nổ.

Chị Kim Thư ở Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, năm nay gia đình chị cũng chỉ mua một ít đồ vàng mã như tiền, vàng và quần áo đốt cho ông bà, người thân đã khuất thôi, chứ chị không quan niệm cứ phải mua thật nhiều, đốt thật nhiều thì mới là có lòng biết ơn tổ tiên, ông bà, “chủ yếu là hiếu nghĩa từ tâm”.

Cùng quan điểm trên, anh Minh Quang, nhân viên kinh doanh tại một công ty bất động sản khu vực Hai Bà Trưng chia sẻ: “Việc đốt vàng mã quá nhiều trong ngày rằm không những tiêu tốn về tiền bạc mà còn ảnh hưởng tới môi trường xung quanh, ‘nhà nhà, người người’ đốt vàng mã. Giá trị quy bằng tiền của số vàng mã đốt đi đó có thể xây được nhiều căn nhà thật, mua được nhiều những bộ quần áo thật để giúp những người nghèo, những trẻ em không nơi nương tựa”.

Dây chuyền, iphone, ipad... được làm rất tinh xảo nhưng lượng hàng bán ra cũng không nhiều. Ảnh: Phùng Nguyên.

Từ lâu, nhận thấy những vấn đề bất cập, hệ lụy tới môi trường, hiểm họa cháy nổ cũng như tín ngưỡng lệch lạc trong việc đốt vàng mã tràn lan, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai đồng bộ rất nhiều giải pháp để hạn chế, từ việc hoàn thiện các thể chế luật pháp - chính sách đến tuyên truyền người dân, chính quyền các cấp, các ngành cùng toàn xã hội.

Cụ thể, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có Thông tư số 04/2011/TT-BVHTTDL hướng dẫn thực hiện Nghị định 103/2009/NĐ-CP của Chính phủ “Ban hành Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng” đã quy định: “Cấm đốt đồ mã ở nơi công cộng”.

Trong Điều 15, Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo” cũng nêu: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa”.

Nhận thức được điều này, nhiều người dân đã thay đổi quan niệm trong việc đốt vàng mã. Dù vậy, để những chính sách, quy định đi sâu vào cuộc sống, cũng như để thay đổi nhận thức của người dân về những hệ lụy của việc đốt vàng mã sẽ phải cần thêm thời gian. Nhưng có thể thấy rằng những chính sách của nhà nước, những cố gắng của các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc quản lý hoạt động đốt vàng mã đến thời điểm này đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Theo Phùng Nguyên

Báo Tổ quốc

Bạn đang đọc bài viết Thị trường Rằm tháng 7: “Chợ âm phủ” vẫn vắng người mua. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.