Thứ năm, 28/03/2024 21:26 (GMT+7)

Nước mắt nghề dệt dưới chân núi Langbiang

HOÀNG BÌNH -  Thứ ba, 16/10/2018 10:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nghề dệt thổ cẩm của buôn làng B’ner C (dưới chân núi Langbiang, tỉnh Lâm Đồng) nổi tiếng từ bao đời nay. Thế nhưng, hiện nay làng nghề này đang dần mai một.

Vào những ngày giữa tháng 10, khi cơn mưa cuối mùa còn lác đác trút xuống núi rừng Tây Nguyên, trên các con dốc, triền đồi, hoa dã quỳ bắt đầu nở. Thời điểm thu hoạch cà phê chưa đến cũng là lúc người phụ nữ của buôn làng B’ner C (TT Lạc Dương, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) tranh thủ khi đang nông nhàn để bắt tay vào dệt thổ cẩm.

Tinh hoa thổ cẩm người Cil

Người Cil sinh sống tại TT Lạc Dương (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) là một nhánh của dân tộc K’ho. Theo tập tục truyền thống, các cô gái K’ho khi lớn lên đều được người mẹ truyền dạy lại cách dệt vải, để dệt cho mình những bộ váy đẹp thu hút ánh mắt các chàng trai. Và đồ sính lễ không thể thiếu khi sang nhà trai là sản phẩm được dệt từ chính tay của cô gái.

Nghệ nhân K’Cheel đang bên khung dệt.

Nghề dệt thổ cẩm của bà con dân tộc Cil có từ ngàn xưa. Những người cao niên trong làng cũng không biết có từ bao giờ, họ chỉ biết khi lớn lên đã thấy các mẹ các chị chăm chỉ bên những khung dệt.

Người Cil ưa chuộng màu nền màu tối, đặc biệt là hai màu xanh và xanh đen. Trên một khổ vải, phụ nữ Cil thường tạo hai dải hoa văn ở hai bên mép vải. Để tạo được họa tiết bắt mắt, người dệt phải tiếp thu những kiến thức do người đi trước để lại như bố cục, cách sắp xếp sợi ngang sợi dọc, phải trải bao nhiêu sợi màu này, màu kia mới tạo ra hoa văn vừa ý.

Chăm chút tỉ mỉ từng đường chỉ.

Bằng sự khéo léo của đôi tay, sự tinh anh của đôi mắt, người phụ nữ Cil đã gửi gắm tâm hồn cũng như sự cảm nhận thế giới tự nhiên vào những tấm vải dệt, thông qua họa tiết chủ yếu là các hình kỷ hà, các loài muông thú, các vật dụng gần gũi trong đời sống sinh hoạt và mỗi hình đều mang ý nghĩa riêng.

Điều đặc biệt, khung dệt của người Cil khá là đơn giản, có thể tháo rời, khác biệt khung cửi đồ sộ thường được đặt cố định một chỗ của nhiều dân tộc khác. Với người Cil, khung dệt không đặt cố định, được làm bằng thanh tre nứa bào nhẵn, khoan lỗ và móc nối với các sợi chỉ, giữ bằng chân, dệt bằng tay. Khi dệt, người dệt phải ngồi trên nền đất, hai chân duỗi thẳng đạp lên một thanh gỗ nằm ngang để căng mặt sợi trên khung dệt.

Buôn làng B’ner C cách trung tâm thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) chưa đến 20km nên được nhiều người biết đến. Từng đường chỉ được chăm chút tỉ mỉ, du khách không khỏi cuốn hút bởi đôi bàn tay tài hoa đang dệt nên những sản phẩm thổ cẩm tinh tú. Mọi người đến đây, vì yêu mến sản phẩm làng B’ner C nên đã mua những bộ váy, túi xách, vòng buộc tay, dây buộc đầu,.. về làm kỷ niệm, góp phần mang những tinh hoa của người dân dưới chân núi Langbiang giới thiệu với mọi người.

Tinh hoa đứng trước nguy cơ mai một

Cơn bão thị trường quét qua cao nguyên lộng gió, sản phẩm được làm bằng cả trái tim chân chất của người phụ nữ Cil ở buôn B’ner C không thể cạnh tranh trước sự tấn công khốc liệt của ngành may mặc công nghiệp.

Sản phẩm được dệt bằng thủ công của người dân buôn làng B’ner C.

Đôi tay vẫn miệt mài, mắt vẫn không rời khung dệt, bà K’Cheel (55 tuổi, buôn B’ner C, TT Lạc Dương) nói: “Ngày mình mới lớn, con gái tập đi phải ngồi trong khung dệt rồi. Bây giờ, con gái cái bụng nó không ưng nữa. Trước đây, 1 tháng có khoảng 2- 3 đoàn du lịch đến đây tham quan, họ khen đẹp rồi họ mua. Còn bây giờ họ không mua nữa họ mua thổ cẩm làm bằng bằng máy bán ngoài đường nhưng không phải của dân tộc mình, giá rẻ hơn.”

Để dệt nên một chiếc khăn quàng cổ có chiều dài khoảng 150cm, chiều rộng khoảng 25cm, người phụ nữ Cil phải ngồi chăm chỉ từ lúc mặt trời mới mọc đến lúc mặt trời đi ngủ, 3 ngày liền như vậy mới xong, có giá bán khoảng 200 ngàn đồng. Làm ra một tấm thổ cẩm dài khoảng 200 cm, rộng 100cm, phải chăm chỉ 1 tuần liền đến khi bán ra thị trường giá chỉ 700 ngàn đồng, nhưng lâu lâu mới bán được.

Bán không được, mình không còn lấy nghề này để kiếm sống nữa, chỉ khi nào rảnh rỗi mình mới ngồi bên khung dệt cho đỡ nhớ nghề thôi”, bà K’Cheel tâm sự.

Chị Aryen (24 tuổi, buôn B’ner C, TT Lạc Dương, huyện Lạc Dương) cho biết: “Mình biết dệt vải từ lúc đi học lớp 2 cơ, bạn mình có đứa biết dệt có đứa không biết. Bây giờ mọi người bỏ nghề đi làm cà phê, hay đi làm vườn hết rồi. Chứ không ai ngồi dệt nữa. Đầu ra sản phẩm không có, dệt ra ai mua. Mình cũng muốn giữ nghề tổ tiên để lại lắm nhưng không có tiền cũng chịu”.

Du khách thích thú chụp hình lưu niệm với sản phẩm thổ cẩm của buôn làng B’ner C.

Hiện nay, thanh niên không còn mặn mà với nghề dệt. Sản phẩm thổ cẩm của người Cill, không còn phong phú như xưa. Mặt hàng làm ra cầm chừng chủ yếu sử dụng trong gia đình như là túi xách nhỏ, ví, vòng tay…những sản phẩm lớn, kỳ công như áo, ui váy, khăn,...hầu như không còn ai làm vì không thể cạnh tranh lại với may mặc công nghiệp.

Đáng tiếc thay, những khó khăn về việc tìm đầu ra cho sản phẩm cũng như thị trường biến động khôn lường, khiến cho nghề dệt của người Cil chênh vênh hơn bao giờ hết. Thế hệ trẻ kế cận ở buôn B’ner C không tiếp nhận những tinh hoa ông bà để lại thì làng nghề dệt đứng trước bờ vực lụi tàn, dần biến mất có nguy cơ xóa sổ trên bản đồ làng nghề truyền thống ở Việt Nam.

Bạn đang đọc bài viết Nước mắt nghề dệt dưới chân núi Langbiang. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.