Thứ bảy, 20/04/2024 06:09 (GMT+7)

Nhật ký tìm trầm (Kỳ 2)

Nguyễn Hoài Nhơn -  Thứ ba, 01/10/2019 11:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cả khu rừng ầm ầm tiếng cây đổ, tiếng đục đẽo, tiếng hú gọi nhau…Cái công trường khai thác không giấy phép nhưng đầy phí phạm và khẩn trương, vô thời gian ...

* Cuộc lui binh ngoài ý muốn

Tôi bàn với Hán ngày mai “biến” kẻo chết đói nhăn răng, Hán gật đầu đồng ý. Ba kí trầm loại 5 được nâng niu như một báu vật. Chúng tôi lao xuống núi bằng cuộc chạy đua maraton trên mọi địa hình hiểm trở với một tốc độ chóng mặt. Trước mắt còn chín ngày đường, nếu rút ngắn được ngày nào thì tuyệt vời ngày đó. Hết lương thực giữa chừng là bỏ mẹ cả lũ. Những lèn đá chọc trời bạc thếch dưới nắng mưa là chướng ngại khó vượt. Có lúc phải bíu vào dây tời đu lửng lơ song song vách đá rồi lần lượt thả nhau xuống một thung núi khác. Đá lăn, cành khô gãy suýt đập vào đầu. Ngày đi, tối nổi lửa nấu cháo với môn thục ăn cầm hơi rồi nằm xoài trên thảm lá ngủ vùi như chết.

Trên những con đường tắt mà Hán dẫn tôi về, ở đâu cũng có cây dó, chúng mọc nhiều vô kể, mật độ dày đặc, chứng tỏ các vùng núi miền trung có điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng tuyệt vời để chúng phát sinh phát triển. Tôi kinh ngạc đến mức thán phục và không tin nổi vào mắt mình nữa. Chỉ trong vòng chưa tới chục năm thôi, thứ cây có hương liệu trầm quí giá vô ngần mọc tràn lan suốt đông-tây Trường Sơn thuộc địa phận Quảng Bình-Hà Tĩnh và các cánh rừng Lào mênh mông đều bị con người truy lùng đốn tiệt không còn một mống. Hết cây tươi họ lại nhặt xái trầm từ các gốc khô bằng cách dùng búa phăm ngấu nghiến ra từng mảnh để kiếm nhựa. Những lán trầm rộng hàng chục héc ta kéo dài vài cây số. Dọc sườn núi có hàng triệu cây dó lớn nhỏ khác nhau bị đốn hạ la liệt. Các toán trầm thi nhau xí phần khai thác, hoạch định thành những lãnh địa riêng biệt, có cột mốc ranh giới hẳn hoi. Ai tìm đến chậm chân thì chịu thiệt thòi và tự nguyện biến thành kẻ làm công hưởng phần trăm trên giá trị trầm khai thác được. Ai xâm phạm “lãnh địa” đã có luật giang hồ xử hộ. Cả khu rừng ầm ầm tiếng cây đổ, tiếng đục đẽo, tiếng hú gọi nhau…Cái công trường khai thác không giấy phép nhưng đầy phí phạm và khẩn trương, vô thời gian và cũng chưa nơi nào hội đủ dân tứ chiếng nhiều đến thế ? Có lẽ khắp cả mọi miền Nam Bắc. Năm 1980 là năm mở đầu cho thập kỉ “ngậm ngãi tìm trầm”, thập kỉ thảm hại nhất của sự thảm sát cây dó. Và giờ đây nó đang có nguy cơ tuyệt giống. Tôi đánh liều đi tìm trầm vì kế sinh nhai nhưng trong lòng vẫn tiếc ngẩn tiếc ngơ, thế là đất nước mình đang dần dần mất đi một nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quí giá. “Cuộc chiến trầm” bùng nổ để lại di hại khá nặng nề cho thân thể rừng là quá sức tưởng tượng. Ai đã từng đói khổ hoặc tham làm giàu mà lao đầu vào cái nghề này mới biết được qui mô của sự tàn phá. Để có được ba kí trầm loại 5 mà Hán đeo khư khư sau lưng như là thần giữ của , chúng tôi đã đốn 21 cây dó từ bốn vòng tay ôm trở lên. Nếu như không bị lũ khỉ ăn cắp mất lương thực phẩm thì số lượng cây dó bị đốn hạ trong một chuyến đi lên cả trăm. Theo các tài liệu khoa học, một cây dó cho nhựa đến tuổi khai thác phải mất từ hai mươi năm lên cả trăm năm. Có cây vài lạng nhưng cũng có cây vài chục kí. Phúc tổ cho những ai gặp phải cây dó có trữ lượng nhựa kết tinh thành lõi đậm đặc đen như sừng trâu ấy. Tôi đã từng bị cuốn say vào cơn lốc trầm mà quên hết sự đời. Luôn mồm lạy chúa và khấn vái cầu may hết sức thành kính mọi đấng thần linh như một niềm an ủi tinh thần, dẫu biết rằng quanh đây chẳng có một thế lực siêu nhiên nào. Không phải riêng tôi, đa số dân trầm đều mê tín. Hầu hết các chuyến đi của họ đều vấp phải tai họa, nếu không chết người thì cũng thương tật, không bị cướp giật thì lại bị công an biên phòng truy đuổi bỏ chạy thục mạng. Tôi gặp nhiều xác chết nằm co quắp khắp mọi nẻo đường rừng. Người thì chết ngồi bên gốc cây vì kiệt sức, mối đùn lên tận đỉnh đầu. Người thì chết nằm tòong teng trên võng vì sốt rét ác tính. Người thì bị lũ cuốn trôi xác tất lên một phiến đá bèo nhèo tanh tưởi. Có rất nhiều kiểu chết oái oăm khác, nằm ngồi đủ tư thế mà tôi không rõ lí do. Cả năm thằng chỉ biết quì xuống thắp nhang bên những nắm xương đã thối rữa đầy cảm thương. Tên tuổi, quê hương của họ ở đâu ? Khó lòng biết được, có lẽ cha mẹ, vợ con đang chờ họ trở về trong niềm tuyệt vọng khốn cùng như thế này đây. Tự dưng nước mắt tôi cứ chảy ròng ròng mà không biết mình đang khóc. Những vong linh bất hạnh không hình hài tuổi tên ấy đã ấm lên nhờ những nén nhang mà bạn bè tôi thắp buốt cháy cả một khoảng rừng hoang vắng. Năm anh em lần ấy trở về không mắc phải tai họa gì, mà cũng không chết đói dọc đường. Ba kí trầm bán được giá chóng vánh. Hán chia đều cho mỗi thằng được bảy trăm ngàn đồng. Cầm nắm tiền dày cộp thấm đẫm mồ hôi, tôi lặng người đi trong nhiều giây. Thế là mình vẫn may mắn trở về mạnh khỏe, đôi chân đã dẻo dai hơn, cứng cáp hơn. Không những thế còn đủ sức đủ vốn cho một chuyến đi xa dài ngày hơn.

Người đi địu ở Vạn Ninh đổ xô vào rừng Gộp Ngà ở huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) tìm kỳ nam năm 2012. Ảnh: Thành Nguyễn

Đêm ở một quán trọ không đèn

Hăng máu, Hán lại giục tôi đi thêm một chuyến nữa. Tôi gật đầu ngay lập tức. Kinh nghiệm đầy mình còn sợ quái gì mà không xuất chiêu. Đối với những kẻ vô nghề nghiệp, đấy cũng là một thượng sách. Trên đường đi tôi lại có dịp ghé qua thị trấn ĐL, nơi tụ tập dân trầm đông như kiến cỏ. Tụi thương lái từ Sài Gòn tuôn ra, Hà Nội dồn vào, dân kẻ trầm khắp mọi miền núi non đổ về chạm trán nhau lủng củng. Cái chợ trời vô định ấy nhóm họp với món hàng độc nhất vô nhị: trầm hương. Ai trúng mánh, ai thất bại chỉ nhìn vào thần thái sắc mặt là hiểu ngay. Mọi dịch vụ bắt đầu mọc lên như nấm sau mưa, nó không qui mô bài bản như ở các đô thị nhưng cũng không kém phần náo nhiệt xôm tụ. Nổi bật nhất là quán nước của cô Lệ Hoa. Ban đêm thường tối om, thỉnh thoảng chỉ có ánh đèn pin nhì nhằng lóe lên rồi tắt ngấm như lửa ma trơi. Thế mà đêm nào cũng chật ních người đến uống nước chè xanh bằng bát sứ hoặc rượu nấu bằng củ mì. Cô có một vẻ đẹp tự nhiên rừng núi không chải chuốt tô điểm. Nước da trắng, tóc dài, đôi mắt đen to tròn pha chút mơ màng khó hiểu. “Cuộc chiến trầm” bùng nổ, tận dụng cái cơ hội hiếm hoi này để làm giàu. Cô đã biến cái quán nước chè xanh dân dã phục vụ khách qua đường thành cái quán trọ không đúng nghĩa. Từ thương lái giàu có đến dân kẻ trầm đủ mọi lứa tuổi đã từng đắm đuối hàng đêm vì cô trong ngôi nhà tranh xiêu vẹo nằm bên cạnh thượng nguồn con sông Gianh đầy vẻ thơ mộng này. Dân đi trầm quên hết mọi kiêng cử, được gần gũi cô một đêm thôi, sáng ra cô chỉ hướng núi cho mà đi, thế nào cũng trúng. Quả thật thời kì đó có nhiều người trúng đậm. Tin hấp dẫn đồn xa. Cái chỉ tay vu vơ của cô Lệ Hoa bắt đầu hái ra tiền, nó trở thành “thánh chỉ” của dân kẻ trầm một thời. Họ hỏi nhau ùn ùn tìm đến như một sự cầu may đầy mê tín. Hán từng cấm ngặt lũ em phải kiêng cử đàn bà trước khi đi một tuần, nay cũng đến “thử vận” trong quán trọ tồi tàn chật hẹp của cô. Sáng ra Hán nhìn mê hoặc vào cánh tay trắng nõn chỉ về hướng núi Hà Tĩnh cao ngất ngưỡng rồi gật đầu lia lịa. Có nhiều đêm dân kẻ trầm phải xếp hàng dài dài mới được hưởng vài chục phút “đặc ân” này mà không được bao cấp. Tiền trao cháo múc sòng phẳng hoặc phải vui lòng kí nợ một lạng trầm trên cái giường tre ọp ẹp ấy.
Mười năm sau, khi từ biệt cái thị trấn u ám đặc sệt núi non và không điện đóm ấy vì “cuộc chiến trầm” lụi tàn một cách lặng lẽ, dân kẻ trầm lui binh trở về an phận với ruộng đồng cày cuốc. Cô cũng vào thị xã xây hẳn ngôi nhà ba tầng khang trang, thì trong cuốn sổ tay ghi nợ của cô cũng lên đến con số vài nghìn người. Dấu tẩy xóa, gạch chéo (x), cộng (+) , trừ (-) phía sau dòng tên như một kí hiệu riêng. Mãi sau này đến xóa nợ cho Hán, tôi mới biết. Gạch chéo coi như xong nợ, dấu cộng hi vọng còn đòi được, dấu trừ là một đi không trở lại. Tôi chẳng thể đếm hết những dấu trừ kia. Thế là cả người sống lẫn người chết đều mắc nợ người đẹp thị trấn cái món “dù” đặc ân cầu may ấy.

Săn trầm trong rừng sâu. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Những ngả đường chết chóc

Tôi lại theo Hán băng rừng vượt suối đi về hướng núi Hà Tĩnh với một niềm khao khát mãnh liệt - lần này trúng đậm là cái chắc, Hán bảo thế. Riêng tôi thì nửa tin nửa ngờ, chỉ vu vơ thế kia ai mà chẳng chỉ được, vì mọi hướng núi miền Trung đều có trầm, đi là gặp đó thôi. Cô Lệ Hoa bỗng dưng trở thành “thánh sống” thời đó. Bất cứ ai đi trầm đều phải tìm tới cống nộp khoản lệ phí cầu may khá nặng nề nhưng lại phấn khởi một cách kì lạ trước khi rời quán trọ.

Hai thằng cứ thế ngược núi bò lên như hai cán bộ địa chất say mê nghiên cứu khoáng sản của đất nước y hệt trong cuốn tiểu thuyết “Bí mật một khu rừng”của nhà văn Hoàng Bình Trọng vậy. Thiên nhiên thật là hùng vĩ, đẹp như một bức tranh thủy mạc mà tạo hóa đã kiến tạc từ thuở khai thiên lập địa cho đến bây giờ vẫn còn nguyên sắc màu. Trước mặt tôi biển đông sóng vỗ rì rào, sau lưng rừng núi điệp trùng, đại thụ mọc chen chúc ngút ngàn cao vút thả lá vào trời xanh phóng khoáng, nắng không xuyên thấu mặt đất. Suối trong veo như lọc, chảy róc rách dịu êm, ong mật bay rù rì, chim hót rộn ràng. Tất cả hòa thành bản đại hợp xướng vừa du dương trầm bỗng, vừa dâng trào mãnh liệt. Tôi tận hưởng mọi lạc thú của thiên nhiên trong buổi sớm mai bình yên này quên hết mọi cay cực ở đời. Giá mà tôi là thi sỹ, ngẫu hứng vừa rồi chắc chắn sẽ kết tủa cho nhân loại một bài thơ trứ danh về thiên nhiên vừa có tính đặc tả lại vừa lãng mạn bay bổng. Nhưng khốn thay cái dây quai ba lô cứ riết róng tì xiết bỏng rát vai đánh thức tôi trở về với thân phận của dân kẻ trầm thứ thiệt. Tự dưng tôi cảm thấy xấu hổ với cái ý nghĩ hâm hấp man man đầy chất thi sĩ ấy.

Tưởng đùa ai dè cuộc đi này lại trúng đậm. Ngày đầu tiên “khai mộc”, tôi đụng ngay một gốc trầm rụi (cây dó khô mục) chỉ cần gõ búa đánh cộc đã thấy lòi ra một lõi trầm to bằng bắp chuối sứ láng đen như sừng trâu cui. Đào tiếp xuống lòng đất còn khẻ được vài chục mảnh nhỏ. Cộng tất cả ước chừng có đến bảy kí. Hán bảo đúng trầm loại một mà không cần thử. Mừng như đứa trẻ con, Hán nhảy cẩng lên ôm ghì lấy tôi hôn chùn chụt:
- Lần này chắc ăn, mỗi thằng bỏ túi vài chục triệu ngon xơi !
Tâm trạng tôi bấn loạn lên vì sung sướng, giấc mơ triệu phú hôm nào giờ ứng nghiệm tuyệt vời. Nào xây nhà, nào xóa nợ, nào mua thuốc chữa bệnh cho mẹ, nào là cưới vợ…một viễn cảnh thần tiên cho cả hai đứa. Bây giờ chỉ còn cách làm sao khéo léo luồn lách đưa cho bằng được số vật báu kia về thị xã Đồng Hới an toàn. Hán cười khà khà như lệnh vỡ :
- Tao về thưởng cho con bé kia hai lạng !
Tôi bốc lên :
- Tao thưởng một lạng nữa !
Lúc này tôi mới tin hoàn toàn ở ngón tay nõn nà kia là có phép màu. Chỉ đâu trúng đó.
Hai đứa bàn nhau phải luồn rừng trở về ngay trong đêm nay để tránh sự cảnh giới gắt gao của công an biên phòng. Đêm ở rừng sâu tối như ai lấy băng đen bịt mắt. Hán bình tĩnh dẫn tôi đi mà không hề lạc hướng. Tôi phục Hán sát đất về kinh nghiệm đi rừng, rồi cứ thế bước thấp bước cao hụt hẩng bám sau lưng Hán như thằng say rượu. Tảng sáng đã thấy biển đông trước mặt, thế mà vẫn chưa đi qua khỏi đường biên giới Việt-Lào. Hán dặn tôi phải tuyệt đối thận trọng từng đường đi nước bước, thường xuyên quan sát nghe ngóng. Nếu không may chạm trán với công an Biên phòng là coi như đi đứt. Tôi hồi hộp đến nghẹt thở, cành khô rơi cũng làm tôi giật bắn mình. Bỗng nghe tiếng chó sủa ăng ẳng rất gần. Hán thì thầm vào tai tôi :
- Chó bẹc giê của đội tuần tra biên giới !
Tôi tái mét mặt. Rồi tiếng chân dày truy đuổi lộp cộp loạn xạ sau lưng, lá khô vỡ bấn loạn, cành quất ràn rạt. Chắc chắn tôi và Hán bị lọt vào vòng vây của công an Biên phòng. Hai đứa chạy thục mạng về hai hướng. Đến bờ con suối khá lớn, lởm chởm đá ngầm, nước chảy xiết như lũ cuốn, tôi liều mạng lao ầm xuống như một con rái cá, phải hụt hơi mấy lần mới bơi qua được bên kia bờ. Áo quần ngấm nước nặng như bộ giáp trụ, cứ thế tôi cúi đầu chạy miết, chạy miết cho tới trưa. Xa dần tiếng hù dọa và tiếng chó sủa. An toàn rồi tôi lại lo thắt cả ruột gan khi nghĩ đến Hán đang trong cảnh lâm chung. Rất may là ba lô trầm tôi mang. Hán chạy một mình nhẹ nhàng, nếu khôn khéo luồn lách thì có thể tẩu thoát.
Đêm đó tôi ở một mình giữa rừng mất cả phương hướng, hoang mang cực độ, vừa sợ thú dữ, vừa sợ đủ mọi thứ. Trên những thân cây khô mục, đen đúa, từng đám lân tinh chấp chới phát sáng giống như mắt quỉ nhìn vào tôi đỏ đòng đọc. Cú rúc liên hồi làm tôi phát hoảng. Tiếng thú ăn đêm cắn đuổi nhau hồng hộc, voi bước thậm thình. Mỏ nhím rung lốc cốc. Ngồi trên chạc hai cây lim xoẹt cao đến chục thước, tay nắm khư khư con dao rựa sắc ngọt mà tôi chẳng tự tin chút nào. Tôi thầm gọi Hán ơi như một niềm an ủi, cứu cánh. Bảy kí trầm đung đưa bên mình đối với tôi lúc này vô nghĩa tất. Sương rơi lạnh thấu cật, tôi ngồi run bần bật như sắp sửa lên đồng, lảng vảng đâu đó tiếng chim từ qui gọi tìm nhau nghe thật thê lương, chúng báo hiệu trời sắp sáng. Một ý nghĩ đốt cháy tâm can tôi, phải đi tìm Hán cho bằng được.
Mất ba ngày ròng rã dò dẫm từng gốc cây phiến đá vẫn không thấy bóng dáng Hán đâu. Tôi mạnh dạn bò lên chỗ ban đầu bị truy đuổi, chẳng ăn nhằm gì, bỗng nhớ ra là Hán chạy về hướng tây, tôi chậm rãi lần theo từng dấu lá, mất một ngày nữa mới tìm thấy xác Hán nằm còng queo sắp sửa trương phình ở sát chân núi đá, khắp mình mẩy Hán không bị vết thương nào, chỉ có chân phải sưng to như cột nhà, tụ máu bầm đen, ở đầu ngón chân trái có một vệt xước sâu dài, nhiều dấu nhọn li ti cắm ngập xung quanh thâm xỉn. Tôi đoán chắc, Hán bị rắn độc cắn, hai bên chỗ Hán nằm, cỏ bị chà xát tơi tã, đất đá tróc lở, chứng tỏ Hán quẫy đạp vì đau đớn, vật vã lâu lắm mới tắt thở. Tôi ngồi rũ rượi bên Hán cả tiếng đồng hồ, thân thể tê dại, mất hết sinh lực. Nỗi đau mất Hán cào cứa tâm hồn tôi như dao cắt. Tôi gắn bó với Hán bắt đầu từ buổi sa cơ lỡ vận cho đến bây giờ, sự tuyệt vọng sụt lở trong tôi thật khó bù đắp, con đường trở về hun hút xa. Không có Hán tôi mất hết phương hướng, mất cả tự chủ, bốn bề điệp trùng núi non hiểm trở, công an, thú dữ, rắn độc, ma cô…vây bủa khắp nơi. Bước về của tôi làm sao có thể tránh khỏi tai họa ? Nhìn Hán nhất cử nhất động, trở thành kẻ không hồn, tôi chẳng dám lay thức. Đêm đó tôi chặt cành khô đốt lửa sáng rực chân núi, lấy dao đào huyệt chảy cả máu tay để chôn Hán. Tôi không quên vác đá xếp vuông thành đống cao ngang người đề phòng hổ đánh hơi móc mất xác, sau này còn quay trở lại bốc mộ. Tôi khắc ghi ngày tháng chôn Hán vào vách núi rồi khật khưởng ra đi như kẻ mất hồn.

Cuộc độc hành thảm bại

Vất vả lắm tôi mới tìm được cây lim xoẹt, nơi có ba lô trầm treo lơ lửng ở đó. Cách tốt nhất đối với tôi bây giờ là leo lên đỉnh núi cao, nhằm hướng biển Đông, cắt rừng mà kiếm đường về. Gập ghềnh trắc trở không kể xiết, sức lực suy kiệt. Tôi lục đáy ba lô lận lưng quả lựu đạn tấn công kiểu Hung mở nắp sẵn, đề phòng nguy biến hoặc bị cướp giật dọc đường. Bây giờ chỉ còn một sống một chết, cán cân nghiêng bên nào là do tôi định đoạt. Sự bất cần pha chút liều lĩnh khiến tôi vững tâm hẳn. Cuộc độc hành trở về đầy cam go, khốc liệt đang từng giờ phát sinh. Trước mắt tôi lại một lèn đá cao vút, dựng đứng không thang bậc, lối mòn, quan sát mãi chẳng thấy có đường đi. Tôi loay hoay tìm cách tụt xuống cho bằng được thì bất ngờ thấy hai bộ xương người nằm song song bên nhau cách chỗ để ba lô năm mét. Ở gốc cây khế rừng lại thấy buộc một sợi dây dù to bằng ngón tay thòng xuống tận chân núi. Tôi phấn chấn hẳn. Hai hộp sọ trống rỗng đầy hốc mắt cắm hờ hửng vào hai bộ xương gầy khẳng khiu như trong phòng thí nghiệm sinh học ấy, có vẻ đang lằm lằm nhìn tôi’ rồi nhe răng cười giểu cợt. Không hiểu sao họ lại chết một cách kì lạ như thế ? Mặc dù rờn rợn nhưng vì sự tò mò lấn át, thúc bách, tôi tiến lại gần hơn. Chẳng phải nhận diện. Phía sau hai bộ xương là hai chiếc ba lô đã mục nát, những thỏi trầm đen nhánh có số lượng bằng nhau, khoảng bốn kilôgam. Tôi đoán chừng hai gã này dọc đường về luôn có ý đồ hãm hại nhau, người này có ý đồ đoạt số trầm của người kia nhưng chưa có cơ hội nào ngon lành. Nên khi dòng dây chẳng ai dám đu xuống trước, gã này sợ gã kia chặt dây. Vì thế cả hai đều chịu chết đói rũ xương mà không có cơ hội trừ khử nhau. Sợi dây dù kia là bằng chứng tố cáo tội ác của họ. Xin phép hai vị quá cố, tôi nhặt luôn tám kí trầm sung vào ba lô của mình kẻo uổng phí, rồi đu dây xuống chân núi dũng cảm như một nghệ sỹ xiếc lành nghề.
Mười lăm kí trầm xọc xạch phía sau lưng thành một khối tai ương. Nếu qui đổi ra tiền thì không thể nào tính xuể. Tôi vừa mừng lại vừa sợ. Giá mà Hán còn sống, cùng tôi áp tải ba lô vật báu này về tới quê nhà thì tự tin biết mấy. Vừa độc hành xuống núi vừa ngẫm ngợi mông lung, lại vừa ngó nhìn sau trước như một thằng ăn trộm. Nếu có người phải lẫn tránh ngay lập tức. Độ chừng mười cây số nữa ra tới chân đèo ngang. Có lẽ không ai ngoài bà Huyện Thanh Quan đang chờ tôi ở đó. Con đường quốc lộ 01 đen láng uốn lượn sát biển như không thật trước mặt tôi nữa. Nỗi bấn loạn vì sợ lạc trong mấy ngày qua làm chai lì cả giác quan nhận biết. Dù sao tôi cũng sắp sửa tới đích rồi, mừng ứa nước mắt, sự giàu sang chưa hình dung nổi nhưng sự hiểm nguy dần dần bỏ lại phía sau lưng. Tôi cứ thế lần theo lối mòn của dân Kì Anh đi hái củi mà ra khỏi rừng. Bỗng đâu một toán thanh niên mặt mày nhăn nhở, tay cầm lăm lăm dao rựa, câu liêm xuất hiện nhanh như quỉ bao vây lấy tôi kín mít. Kinh hồn bạt vía, tôi không kịp mở chốt quả lựu đạn để hù dọa và nếu cần thì quyết tử với chúng. Đau đớn vì thất bại, tôi mất hết khả năng tự vệ. Một cú đánh bằng cán rựa bất ngờ từ phía sau làm tôi khụy hẳn xuống và không còn biết gì trời đất nữa. Khuya, sương rơi thấm lạnh tôi tỉnh hẳn, đầu đau như búa bổ. Chỗ bị đánh sưng bằng củ hành tây, sờ vào cứ rọp rẹp như sắp vỡ cả hộp sọ. Ba lô trầm bị chúng cướp mất, tiếc quay tiếc quắt, Hán và tôi đánh đổi với cái giá cực đắt. Máu của Hán, mồ hôi nước mắt của tôi trộn chan hòa trong màu đen lóng lánh ấy.
Tôi dùng chút tàn hơi cuối cùng bò lê lết ra quốc lộ 01 phía nam chân đèo Ngang vẫy nhờ xe tải trở vô thị xã Đồng Hới. Lúc này tôi vừa giống người rừng lại vừa giống một thằng điên. Mấy năm sau, nỗi khiếp đảm của cái lần đi trầm thứ hai ấy cứ đeo đẳng tôi suốt trong từng giấc ngủ.

Bức tranh toàn cảnh

“Cuộc chiến trầm” lụi tàn là kết cục không thể nào tránh khỏi. Riêng ở Quảng Bình chưa ai thống kê hết bao nhiêu người chết, bao nhiêu người mất tích, bao nhiêu người tàn phế suốt đời vì trầm ???... Cũng chính nhờ trầm, một tầng lớp giàu có bắt đầu xuất hiện. Nhà lầu, xe máy, tiện nghi…tiêu xài phô phang theo kiểu quí tộc gốc nông dân, thoạt trông vừa tưng tức con mắt lại vừa khôi hài. Thôi thì mặc kệ. Đau lòng hơn cả là rừng tự nhiên Việt Nam mất đứt thứ hương liệu quí giá vô ngần: trầm hương.
Thập kỉ tám mươi của thế kỉ hai mươi là thập kỉ đầy máu và nước mắt, thập kỉ của sự chia lìa buồn thương vô vọng, thập kỉ của lương tâm con người dễ dàng xiêu đổ cùng với sự lung lay bật gốc của cây dó trầm ở rừng đại ngàn. Cảnh chém giết nhau rùng rợn để tước đoạt thứ “vàng đen” xẩy ra triền miên. Các oan hồn của kẻ trầm cho đến hôm nay vẫn còn lưu lạc khắp mọi nẻo rừng xứ miền Trung huyền bí. Trên các chuyến tàu chợ vẫn còn truyền miệng nhau hai câu hát xẩm ai nghe cũng xót xa, ai oán :
Vàng đen, xương trắng con ơi
Mẹ đau lòng mẹ biết đời nào khuây !
Tôi có dịp đi lang thang nhiều vùng nông thôn của huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Tuyên Hóa, Lệ Thủy và thị xã Đồng Hới, đâu đâu cũng có người tử nạn vì trầm. Nhiều câu chuyện kể đầy đau thương, phẫn uất của người thân kéo dài bất tận. Chồng con, anh em của họ lao vào “cuộc chiến trầm” như những con thiêu thân. Biết bao ước mơ bừng lóe rồi bỗng chốc tắt ngấm, màn đêm của sự cay đắng, khổ não, muộn phiền…đè nặng cả một đời.

Tai ách tinh thần thật là khó vứt bỏ. Ám ảnh trầm chưa tan, nó đóng đinh vào trái tim của mỗi người đang sống như một lời nguyền – Hãy đừng dại dột ! 

Bạn đang đọc bài viết Nhật ký tìm trầm (Kỳ 2). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...