Thứ ba, 16/04/2024 22:06 (GMT+7)

Nhật ký tìm trầm

Nguyễn Hoài Nhơn -  Thứ hai, 30/09/2019 13:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Một là bỏ mạng tại rừng xanh núi đỏ, hai là trở về vinh quang trong ngan ngát hương trầm và rủng rẻng tiền bạc.

Những ý nghĩ điên rồ

Vào thập niên 80 của thế kỉ XX là những năm thất nghiệp dài dài của mấy anh lính chiến chống Mỹ, chống Pôn-pốt. Tôi may mắn được phục viên về quê trong cái đoàn quân ngu ngơ ấy, lưng lận mấy trăm ngàn tiền còm xương máu, chưa kịp nghĩ suy gì, tôi liền đầu tư ngay vào cái công trình kinh tế VAC, vì thiếu kinh nghiệm, thiếu hẳn đầu ra mà không biết, làm cho cái đồng vốn mong manh của tôi mất trắng. Chỉ cần sai một li đã trở thành sa cơ đói khổ. Làng quê những năm sau chiến tranh xơ xác tiêu điều. Mẹ tôi bị thổ huyết vì bệnh lao hoành hành không có tiền mua thuốc thang chữa trị. Cha tôi thì mắc bệnh khùng khùng ương ương do rượu hành, đồ đạc, trâu bò, nhà cửa ông bán tất để uống rượu. Tôi chẳng nhờ vả được gì trong đoạn đời thất bát, đói kém này. Biết làm sao hở trời?! Cái ý nghĩ nung nấu bấy lâu trong đầu, nay mới được bộc phát ra. Chỉ có cách đi tìm trầm là phương sách tối ưu, đầy liều lĩnh mạo hiểm. Một là bỏ mạng tại rừng xanh núi đỏ, hai là trở về vinh quang trong ngan ngát hương trầm và rủng rẻng tiền bạc. Tôi hưng phấn dào dạt như một thằng sắp vớ phải của đến nơi. Tuần sau tôi quyết định gia nhập hội của những người truy tìm vàng đen. Gọi tắt là HỘI VÀNG ĐEN (HVĐ chứ tuyệt nhiên không phải VAC). Mạo hiểm đấy nhưng cũng đầy sự tò mò hấp dẫn.

"Cuộc chiến trầm" bùng nổ

Vùng núi phía Tây tỉnh Quảng Bình là xứ sở nổi tiếng có nhiều trầm hương. Tôi là thằng con trai của núi chính gốc. Mười tuổi đã “nếm mật nằm gai” khắp các lưng đèo lủng suối để gài bẫy, săn thú, kiếm cái ăn từ củ quả rừng. Suốt thời thơ ấu nhờ rừng mà tôi lớn lên được, tuy còi cọc. Ấy thế mà chưa một lần “ngậm ngãi” để săn lùng thứ vàng đen đầy thô kệch nhưng lại có giá nhất nhì trong tất cả các loại hương liệu mà loài người đã từng biết đến.

“Cuộc chiến trầm” bùng nổ. Hàng vạn người trong nước đổ xô về miền Trung háo hức như đi trẩy hội, các chuyến tàu chợ đen đúa bẩn thỉu Huế - Đồng Hới, Đồng Hới - Vinh nêm cứng dân trầm. Trên nóc toa đầy đặc người. Tôi là “chiến sỹ” gần như cuối cùng của cái đơn vị khổng lồ không phiên hiệu ấy. Thời kì trầm rộ đi “ăn”trúng. Cao Mại là cái xã vắng vẻ nhất của vùng núi Tuyên Hóa, Quảng Bình cũng cơ man người. Đạo tặc, đại ca bắt đầu xuất hiện. Các anh hùng sơn cước gầm ghè, cạnh tranh, trừng phạt nhau bằng luật rừng nơi cái thung lũng từ lâu vốn bình yên như thiếp ngủ được trầm hương đánh thức bật dậy. Thanh niên ở đây buổi đầu thì nhớn nhác, dại dột, về sau cũng “cáo” không kém gì kẻ trầm có bề dày kinh nghiệm. Tôi nhanh chóng lĩnh hội được điều ấy, cộng với sự liều liều lĩnh kiên gan của một thằng lính chiến thời chống Mỹ dạy cho, nên khi nhìn sang mặt kẻ trầm đen xạm đầy sắc khí dao búa rồi nhìn ngược lên lèn đá cao vút chạm mây trời kia chẳng nhằm nhò gì lắm đối với tôi. Cây cối, hang hốc và bao hình thù kì quái của những khối đá dựa dẫm vào nhau, chồng chéo chênh vênh như chực rơi, nếu ai yếu bóng vía trông sẽ phát hoảng. Gió hú, cây vặn mình răng rắc, lá vàng từ trên cao liệng xuống, cành khô bất chợt rơi…khiến tôi đi qua cứ rờn rợn sống lưng. Chắc chắn vài ngày nữa thôi, tôi phải leo cho bằng được ngọn núi ấy, ngọn núi sinh tử của một cái nghề mới : Tìm trầm.

Phần màu sẫm là phần chứa trầm hương trên cây dó bầu. (Ảnh minh họa)

Ảnh minh họa. Nguồn: ST

* Trầm hương phiêu lưu kí....

Không ngờ tôi lại được kết nạp vào HỘI VÀNG ĐEN nhanh chóng đến thế mà chẳng cần tuyên thệ thề thốt gì. Tên trùm toán trầm lùn tịt nhưng chắc nịch như súc gõ gật đầu ngay. Sau đó hắn mỉm cười thách tôi vật tay, cả ba keo hắn đều đại bại. Nhờ cái nghề bóng chuyền chuyên nghiệp, có đẳng cấp hẳn hoi, được dịp luyện tập thường xuyên, đấm đập tơi bời trên sân cỏ nên cánh tay phải của tôi cứng như sắt. Vật thắng đúng ba keo là chuyện đương nhiên. Chưa ráo mồ hôi hắn đã ra tiếp vài chiêu võ, tôi phản ứng đỡ đòn nhanh như chớp quên cả việc tấn công lại đối phương. Tên trùm lùn và cả HỘI VÀNG ĐEN đều vỗ tay thán phục. Đêm đó chúng rủ nhau làm thịt con chó khao mừng tôi xứng đáng trở thành hội viên thứ năm, tất cả đều say túy lúy. Riêng tôi thì tự tin hẳn, cũng từ đấy bọn chúng bắt đầu nể sợ tôi hơn. Sau một chuyến trầm trở về tôi mới biết tại sao chúng tìm cách ra đòn nhử tôi như vậy. Vật tay khỏe thì mới nắm dây đu cây lên xuống những ngọn núi hiểm trở dựng đứng được. Còn giỏi võ thì cực kì cần thiết để đối phó với những toán khác ở trong rừng và ngay cả với công an biên phòng để chạy thoát thân. Ở rừng sâu toán này “bụp” toán kia để đoạt trầm là chuyện cơm bữa. Tôi được chứng kiến cuộc ẩu đả hết sức thảm khốc, không ai chết nhưng cuối cùng chẳng ai thắng ai. Cả hai đều sức tàn lực kiệt vì bị thương, vì đói, để cuối cùng tạo điều kiện cho toán khác chiếm đoạt vơ vét sạch sành sanh trầm. Mở mắt thấy đó nhưng không ai còn sức lực chống đỡ để giành giật lại. Thật là bi thương nhưng cũng thật nực cười.
Tên trùm lùn có tên là Hán thông báo cho tôi biết đúng năm hôm nữa chờ rằm tháng Ba là xuất kích. Hắn nói ông ổng trước mặt vợ:
- Từ hôm nay trở đi tao cấm tiệt chúng bay không được gần đàn bà, không được tiết lộ cho ai biết ngày đi.
Riêng hắn cũng ngậm tăm luôn hướng đi và nơi đến. Đúng ngày giờ thì bám đuôi hắn nhìn hướng núi nào đó mà “thăng”, đi rồi sẽ biết. Tôi vội vàng chuẩn bị lương thực, thực phẩm đúng 30 ngày và không quên mua thuốc sốt rét, tiêu chảy phòng khi bệnh tật. Lại còn bí mật thủ hai quả lựu đạn Hung dưới đáy ba lô con cóc, gặp gốc trầm nào khó xơi bằng cuốc chim, xà beng thì ụp bằng trái phá. Một cuộc chuẩn bị khá kĩ lưỡng. Xong đâu vào đấy tôi lại thấy bồn chồn lo lắng. Thế rồi cái đêm rằm ấy cũng đến. Cả bọn bốn đứa theo hắn bí mật rời làng không gây một tiếng chó sủa. Gần sáng mới đến chân núi đá cao vút như trời dựng, Đây là cái mốc đầu tiên của sự nhọc nhằn và hiểm nguy.
Ba lô lương thực và đồ đạc nặng gần bốn mươi kí như là một cái gông cứ tì xiết sau lưng. Vì không quen mang vác, lưng tôi đau như giần cong gập xuống, hai vai phồng rộp đỏ bầm máu. Tôi cứ ngược núi mà leo như một cái máy, tai ù, mắt nổ đom đóm, mồ hôi chảy ròng ròng. Những gờ đá tai mèo xanh lè, sắc lẻm hình dao phay đang chờ chực sấn vào da thịt tôi không thương xót, nếu lỡ trượt tay, sa chân. Mệt đứt hơi, mệt không còn sức lực nữa. Thế mà bốn tay kia vẫn nói chuyện vui vẻ như thường bởi họ đã quen vượt núi hàng chục lần kia mà, còn tôi tò te lính mới.
Mất trọn một ngày ròng mới lên đỉnh núi, gió đại ngàn mát rượi thơm nồng nàn hương lá hương hoa, tôi hồi phục sức khỏe rất nhanh. Cúi nhìn xuống chân đèo rợn tóc gáy, con người vĩ đại ở chỗ biết vượt lên trên tất cả sự gồ ghề của bề mặt trái đất, đó là đỉnh núi. Tôi ngồi chểm chệ trên chóp cao của dãy Trường Sơn hùng vĩ. Dưới chân núi là làng Cao Mại nghèo xác nghèo xơ, rách rưới giống tôi bây giờ. Phía xa kia, cuối nguồn sông Gianh là thị trấn Ba Đồn sầm uất của huyện Quảng Trạch, Hán đập vai tôi, chỉ :
- Cả chục căn nhà hai tầng quét vôi trắng hếu kia là nhà của tụi buôn trầm. Mọc nhanh như nấm, chúng nó ăn chặn trên xương máu của anh em mình đấy!
- Tụi đi lấy trầm như mình có ai xây được nhà như thế chưa ?
- Còn lâu! Chết vì đâm chém nhau, chết do bệnh tật, chết đói vì lạc đường, chết vì rắn độc cắn, chết do ăn phải nấm dại, vì thú dữ, hoặc sạt nghiệp bán vợ đợ con vì trầm, tương lai chưa có gì sáng sủa! Giọng Hán chùng hẳn xuống buồn rượi.
- Liệu mình đi lần này có khắc mệnh nghiệt ngã đến như thế không ? Tôi lo lắng hỏi. Hán bóp cứng họng tôi không cho nói tiếp. Mặt Hán xanh như tàu lá vì sợ ma rú nghe. Tôi hoảng hồn vì lỡ miệng, vô tình tôi đã phạm vào điều kiêng kị mê tín bấy lâu của hội tìm trầm. Nếu tất cả đều bỏ về do câu hỏi vô tình của tôi thì mất công tốn kém không kể xiết, mà đi tiếp thì chẳng mấy hi vọng. Biết đâu còn gặp vô vàn tai ương trên đường xuất chinh.
Càng về chiều mây sà xuống tận vai, gió núi lành lạnh. Hán quyết định nghỉ lại tối nay. Cả tốp đem cơm vắt ra bày lên một phiến đá cùng mấy miếng thịt gà dính lông khô quắt. Trước khi ăn, Hán thắp nhang cúi gập đầu vái lạy bốn phương núi. Miệng lầm bầm khấn cầu cho cả năm người đều trúng. Tôi bỗng thấy thương Hán, kể từ giờ phút ấy trở đi tôi không còn ý nghĩ mỉa mai, thầm gọi Hán là tên trùm lùn nữa. Trăng sau rằm sáng rợn cả da thịt, ở trên đỉnh núi này tôi có cảm giác cung trăng rất gần, với tay là có thể sờ được thân thể chị Hằng Nga. Xế khuya, mấy chú sơn dương vàng mượt đi kiếm ăn, chúng nhảy liến thoắng trên các mõm đá chênh vênh ở độ cao cả ngàn thước như làm xiếc. Thứ động vật bốn chân giống hệt nai leo núi quả thực là tài. Tôi thiếp đi lúc nào không hay, giấc ngủ đầy mộng mị kinh hãi. Phải đây là quả báo đầu tiên cho câu nói lỡ miệng của tôi hồi chiều mà Hán phải vội vã khép miệng tôi lại không ? Giờ cứ hiện hình lởn vởn đầy ma quái mỗi khi tôi nhắm mắt lại. Những con cú mặt người nhìn tôi trừng trừng, hàng chục con đười ươi xương xẩu múa may thác loạn…Tôi lại thấy mình rơi từ một đỉnh núi cao bồng bềnh không trọng lượng, thấy Tự bị voi chà, thấy Hán bụng trương phình đang trôi trên một dòng sông đỏ ngầu bọt máu. Tôi toát cả mồ hôi hột vì sợ. Sự huyền bí kì quái của giấc mơ thật khó giải mã. Tỉnh trí, rồi ngẫm mà xót thương cho thân phận nghèo khó của mình. Ai đời đem vận mạng đi xóa nợ vặt? Nếu sự thật trong mấy ngày tới ứng nghiệm giấc mơ kinh hãi kia thì cả năm anh em chúng tôi thua cuộc một cách đau đớn, tội trọng chính là tôi, hay bép xép cái lỗ miệng.
Mở mắt, vươn vai lại thấy chập chùng núi non hiểm trở ẩn hiện mờ ảo trong sương sớm. Thêm một ngày mới cho sự đọa đày xác thân, con đường đi kiếm tìm “vàng đen” xa hun hút đèo mây, đầy vất vả cam go, nhiều tai biến hơn cả Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh ở Tây Trúc. Món “vàng đen” quả thực là khó xơi. Biết đâu, mai kia trong cái màu nhựa nâu đen ấy còn trộn lẫn cả nước mắt và máu của năm anh em chúng tôi. Ngước mắt lên trời tôi rên rỉ đau đớn :
- Trầm ơi là trầm !...Cả toán nhìn tôi ngơ ngác tưởng đấy là một thằng điên. Đi gần hai ngày thì tới đồn Cha Lo, đơn vị công an biên phòng của tỉnh Quảng Bình làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới Việt-Lào. Tôi ngạc nhiên khi đi qua Cổng Trời để sang đất bạn mà họ chẳng kiểm tra giấy tờ gì. Hán buông thõng một câu :
- Đi dễ khó về !
Đến đoạn kết tôi mới hiểu câu nói vừa mỉa mai, vừa xót xa của Hán. Họ căn từng ngày chờ chúng tôi trở lại mới truy lùng ráo riết. Nếu vớ đuợc trầm thì họ ăn chặn giữ của tha người. Cương thì đem về đồn nhốt, tội nghiệp cho những ai không may sa chân vào mạng lưới tuần tra gắt gao này. Cả chuyến đi đầy tốn kém cực nhọc, cuối cùng thành xôi hỏng bỏng không.
Luồn rừng leo núi mất ròng rã chín ngày nữa mới tìm thấy những lán cây dó hàng mấy vòng tay ôm, mãi tít tận rừng Lào. Mệt nhưng mừng rơn cả người, có thể gặp vận may nếu cây dó nào có lõi. Lõi càng đen thì giá trị càng lớn, có thể về thị xã Đồng Hới chuyển đổi nhanh chóng thành vàng theo lạng cân cho tụi thương lái. Tôi kính cẩn nghiêng mình trước những cây dó khổng lồ thân xanh trắng vươn đuổn mình lên trời cao như một niềm kiêu hãnh. Nó định đoạt sự giàu có và cả nỗi thống khổ của tôi. Bây giờ tôi mới thật sự mê tín, tôi cúi đầu thấp hơn cả Hán, van lạy Thần Rừng phù hộ cho năm anh em chúng tôi gặp nhiều may mắn.
Theo lệnh Hán, tất cả đều đi chặt cây làm chòi ngay cạnh bờ suối để tiện việc lấy nước sinh hoạt. Mặt chòi hướng vào đống lửa để tránh thú dữ tấn công. Hán phân chia giờ giấc cho cả năm người thay phiên nhau canh gác. Chưa thấy thú dữ đâu nhưng dấu chân voi dọc ngang chi chít. Có những cụm giang, cụm lồ ồ rất lớn bị voi quật nát tơi để ăn măng. Vào tháng ba măng giang, măng lồ ồ non bợt, ngọt lịm và nhiều vô kể. Chúng đội đất ngoi lên thẳng vút như những lưỡi giáo. Rắn rết khá nhiều, thỉnh thoảng tôi lại nhảy cẩng lên vì chúng trườn qua chân ram ráp, nhơn nhớt. Tất cả đều may chưa ai bị rắn độc cắn. Sự bảo toàn tính mạng của mấy thằng khốn khổ chúng tôi hết sức bấp bênh. Phải cảnh giác trong mọi lúc mọi nơi.
Ổn định xong “đại bản doanh”, sáng hôm sau là bắt tay ngay vào công việc. Một chục cây dó khổng lồ ba bốn vòng ôm bị đốn ngã chổng kềnh mà không có nhựa trầm kết. Tôi bắt đầu buồn nhưng vẫn còn nôn nao hi vọng. Cây dó thứ mười một đổ vật ngang suối lúc bốn giờ chiều. Mặt cắt có khá nhiều vệt đen như gân máu, lia tia chảy ngược lên phía ngọn. Chuyên gia trầm Hán kết luận một câu chắc nịch :
- Loại 5, kiếm được vài kí !
Tôi bảo :
- Được, may rồi !
Tất cả lao vào bổ thân, đẽo, gọt, gạn, xoi, đánh bóng…giống hệt các nghệ nhân khắc gỗ. Mất hai ngày cât lực mới tách được độ ba kí cả giác lẫn trầm. Hán xếp gọn gàng từng miếng một rồi cho vào bọc ni lông để giữ màu. Sung sướng vì kết quả đầu tiên. Đêm đó tôi ngủ say như chết, không biết đến mộng mị là gì.
Thằng Tự dậy rất sớm nấu cơm cho cả nhóm ăn để đi tìm cây dó nơi khác. Tối quay về ngủ, Hán bảo tôi :
- Cây dó có nhiều trầm thường mọc ở lưng chừng núi hoặc tít tận đỉnh cao!
Nói xong, Hán ngước nhìn lên rặng núi xa kia, nơi có những cây cổ thụ khổng lồ hàng trăm tuổi, chìa tán ra xung quanh trùm che lên rất nhiều cây khác.
- Ta hãy lên đó xem, Hán bảo thế, cả mấy thằng đều răm rắp tuân theo. Tới nơi, mỗi thằng chia đều mỗi cánh, tôi cũng là một cánh sao tỏa đi lùng sục với cả sự say mê ham muốn tột cùng. Sắp hết ngày rồi mà vẫn không phát hiện được cây dó nào, thỉnh thoảng tôi gặp những gốc cũ ai đã đốn tiệt từ thời tám hoánh. Ở xa thế mà con người vẫn dẫm đạp lên chân nhau để kiếm tìm cho bằng được cái thứ nhựa màu nâu đen không mùi nhưng khi đốt lên lại thơm ngất ngư cả cõi phật lẫn cõi trần thế. Chao ôi, quí giá vô ngần…tôi đã dùng hết chút tàn hơi của ngày hôm nay, mong nhìn thấy nó. “Ngậm ngãi”để tìm trầm – cha ông từng bảo thế, tôi không ngậm ngãi nhưng tôi đã ngậm cả nỗi đắng cay của đời mình để hầu mong đổi thay. Mồ hôi tôi đã đổ dọc Trường Sơn, cả mênh mông rừng Lào khô khát. Tay phồng rộp vì cạy đá, xeo cây. Cay cực là thế nhưng câu trả lời cho sự may mắn còn u mê ấm ớ. Hán, Sơn, Tự, Hoàng cũng gầy tọp hẳn. Đi rừng dài dài, sốt rét triền miên đái ra cả máu, tóc rụng, da thịt lỡ loét, áo quần rách rưới, ăn ngủ thất thường… Phải căng thẳng đối phó với nhiều thế lực vô hình, tâm tính luôn luôn thay đổi theo sự được, mất của trầm. Khi ra đi thì lo lắng, lúc về có trầm lại sợ sệt lẫn tránh. Số mạng bị đánh đổi lúc nào không hay nếu dưới đáy ba lô có vài lạng trầm hương loại một. Trước cửa rừng hay tại nhà ở của chúng tôi, đánh hơi thấy trầm về là thương lái vào ra nhặng xị, công an xét nét, ngoại thương nhà nước thu mua theo lối cưỡng bức, ép giá. Xe gắn máy đủ loại lượn lờ vòng trong vòng ngoài, máy nẹt điếc tai, chó không dám sủa. Sự tranh mua tranh bán, cãi lộn, chửi rũa nhau tục tỉu đầy miệng diễn ra từng phút, ồn ào cả làng bản. Màn kịch bán đấu giá trầm diễn ra không kém hồi hộp, gay cấn, kẻ mua người bán ai cũng thủ sẵn dao nhọn dắt lưng. Khi cần là dí nhau chí tử để giữ trầm. Tiền, vàng tung ra chấp chới chứng tỏ ta đây dân xịn đủ sức mua hết số trầm kia. Sôi nổi, căng thẳng và đầy hài hước. Các ông anh thương lái khoa diễn nhiều phong cách khác nhau của kẻ cầu mua, còn chủ trầm thì lạnh tanh máu cá, kiên nhẫn chờ giá trầm nhúc nhích từng chặp thấy leo thang tột đỉnh, rồi từ từ khựng lại thì khui bán ngay tại nhà. Sau đó hội trầm họp nhau chia chác, lời nhiều thì lao vào nhậu nhẹt, bài bạc, chơi gái…lời ít thì nín nhịn xả hơi vài tuần rồi lại hẹn hò cù rũ nhau đi rừng. Nỗi đời cứ thường nhật quay vòng, không ai chịu thấu nỗi thống khổ dày vò triền miên hết ngày lại đêm, hết tháng lại năm, rồi hết một đời…

* SỰ CỐ THỨ NHẤT
Lúc nhập cuộc tôi rất ác cảm với HỘI VÀNG ĐEN, họ là dân dao búa thứ thiệt, còn Hán thì ghê gớm hơn vì Hán đã từng làm trùm toán trầm gần mười năm nay. Đến bây giờ tôi mới thấy Hán hoàn toàn khác hẳn ý nghĩ ban đầu của tôi. Hán hiền lành chịu khó, nhanh nhẹn và quả quyết, dày dạn kinh nghiệm tìm trầm. Vì đói nghèo mà Hán bấu víu vào cái nghề sinh tử truân chuyên này. Khi bán mua chia chác, Hán trung thực, sòng phẳng. Hán giúp đỡ bày vẽ cho tôi rất nhiều trong chuyến đi trầm đầu tiên này. Khi Hán chết vì một tai nạn cách chân đèo Ngang về hướng Tây 30 km, tôi đau buồn vô hạn, mất Hán là mất hết sự cứu cánh cho cả HỘI VÀNG ĐEN. Không đem được xác Hán về chôn cất tại quê nhà, tôi ân hận suốt đời, cũng do cái chết bất đắc kì tử của Hán mà tôi đã bỏ hẳn nghề tìm trầm.
Thêm một ngày thất bại, cả nhóm buồn thiu, tơi tã, lầm lũi trở về “đại bản doanh” trong ánh hoàng hôn đã nhạt màu. Từ xa vài trăm mét, Hán phát hiện có dấu hiệu khang khác vừa xẩy ra ở khu chòi. Mấy ngọn lá cọ tươi che mưa bị bóc khỏi mái, những thanh củi cháy dở vụt bay tung tóe , căn chòi của Hoàng, Sơn bốc lửa. Cả nhóm hốt hoảng lao ầm ầm xuống dốc, tay lăm lăm rìu búa, mặt đằng đằng sát khí, tôi thót cả ruột, trống ngực đập thùng thùng như trống trận vì không hiểu sự thể ra sao. Luống cuống chân vấp vào đá bay mất hai móng, máu tươi chảy đầm đìa trên lá mà vẫn không thấy đau đớn gì. Hán hét vang thung núi :

- Mất hết lương thực rồi chúng bay ơi !...
Tôi tò mò đế theo:
- Ai, ai ăn cắp ?...Không ai trả lời câu hỏi ngớ ngẩn của tôi. Vì ở đây chẳng có người để mà ăn cắp. Thì ai ???... Tôi cà nhắc đến “đại bản doanh”, gạo rơi trắng vung vãi từ chòi ra suối. Ba lô rỗng tuếch, soong nồi bị đập méo mó, mắm muối đổ tung, bết nhòe nhoẹt vào sàn cây hôi hám, lợm mửa. Hán ngồi ủ rũ tựa lưng vào cây dẻ gai thở dài ngao ngán. Quan sát hết lượt, tôi mới biết lũ khỉ đông cả trăm con vừa mới tập kích “đại bản doanh” lựa lúc vắng người. Trên cây vẫn còn vài con, chúng nghiêng ngó xuống đất quan sát rồi móm mém nhai gạo trông vừa tí tởn vừa đắc thắng. Mất bữa tức lộn ruột, thằng Sơn vác đá ném vào bầy khỉ tới tấp. Hoảng hồn, chúng la hét om sòm rồi nháy nhau biến đi nơi khác.
Trong sự không may lại có niềm an ủi nho nhỏ, ba lô gạo của tôi vẫn còn nguyên. Số là vì sợ cọp xơi khi ngủ quên nên chòi của tôi đóng nguyên cả một cánh cửa bằng gỗ nặng chịch. Khi ngủ thì cài then lại, trước lúc đi làm tôi cẩn thận lấy sợi dây mây buộc chặt mấy vòng. Lũ khỉ không cách gì mở được. Chừng ấy gạo chỉ đủ sống cầm hơi trở về.

(Còn nữa)

Bạn đang đọc bài viết Nhật ký tìm trầm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.