Thứ năm, 25/04/2024 14:20 (GMT+7)

Ngày Ngưu Lang Chức Nữ - những điều nên và không nên làm

MTĐT -  Thứ tư, 07/08/2019 10:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày Ngưu Lang Chức Nữ hay còn gọi là ngày Thất Tịch 7/7 âm lịch gắn liền với truyền thuyết về tình yêu của đôi trai gái khiến người đời cảm động đến tận hôm nay.

Tháng 7 âm lịch vẫn được người Việt gọi là tháng cô hồn với đủ điều cần kiêng kị như: tránh sát sinh, tránh xa những cuộc xung đột... Nhưng, trong tháng "tăm tối" này, có một câu chuyện tình yêu đẹp vẫn được người dân nhắc đến điểm sáng trong tháng 7, được lưu truyền từ ngàn đời nay, đó là chuyện tình Ngưu Lang Chức Nữ.

Chuyện tình có sức mạnh cảm hóa lòng người này bắt nguồn từ câu chuyện cổ tích có nhiều dị bản ở Việt Nam và Trung Quốc, gắn liền với các ngôi sao Ngưu Lang, Chức Nữ và dải Ngân Hà. Đây cũng là lời giải thích dân gian cho hiện tượng mưa ngâu vào đầu tháng 7 tại Việt Nam

Trong đó phiên bản được kể lại nhiều nhất là, tương truyền, Ngọc Hoàng có một vị thần chăn trâu tên Ngưu Lang vì say mê nhan sắc của một người phụ nữ phụ trách việc dệt vải tên Chức Nữ mà trễ nải công việc, để trâu đi lạc vào đền Ngọc Hư. Chức Nữ cũng vì say đắm tiếng tiêu của Ngưu Lang mà bỏ bê việc dệt vải.

Ngọc Hoàng tức giận đã chia cắt cặp đôi, vạch ra dòng sông rộng tên là sông Ngân rồi buộc mỗi người về một đầu sông. Họ nhìn nhau qua dòng sông thần rộng mênh mông, nước mắt ngập tràn, mong mỏi được đến bên nhau nhưng bị ngăn cấm.

Tình yêu vĩ đại của Ngưu Lang, Chức Nữ khiến Ngọc Hoàng cảm động. Thương tình, ngài cho phép họ mỗi năm được gặp nhau một lần vào đêm mùng 7 tháng 7 (âm lịch). Cũng từ đó, ngày 7/7 theo Lịch âm dương còn được gọi là ngày Ngưu Lang - Chức Nữ.

Nhưng, bấy giờ sông Ngân trên thiên đình không có một cây cầu nào bắc qua cho Ngưu Lang, Chức Nữ đến gặp nhau. Thấy vậy, Ngọc Hoàng ra lệnh đưa thợ mộc dưới trần gian lên thiên đình làm cầu.

Vì không thống nhất được cách làm, các thợ mộc thường xuyên cãi nhau. Đến kỳ hạn, cầu vẫn chưa làm xong, Ngọc Hoàng nổi giận, biến tất cả các thợ mộc thành quạ và ra lệnh, cứ đến ngày 7/7 âm lịch, những con quạ đó phải bay lên thiên đình, bắc thành cầu nối hai bờ sông Ngân cho Ngưu Lang, Chức Nữ gặp nhau, còn được gọi là cầu Ô Thước.

Xa cách nghìn trùng, phải đợi 1 năm mới được gặp người thương một lần nên khi tiễn biệt nhau, Ngưu Lang, Chức Nữ khóc rất nhiều. Nước mắt của họ rơi xuống trần gian tạo thành những cơn mưa dài không dứt mà sau này dân gian gọi là mưa ngâu. Từ đó, Ngưu Lang, Chức Nữ cũng được gọi với tên khác là ông Ngâu, bà Ngâu.

Lễ tình nhân phương Đông – trao gửi yêu thương

Ngày Ngưu Lang Chức Nữ tương truyền là ngày mà Ngưu Lang và Chức Nữ được đàn quạ bắc cầu Ô Thước để gặp nhau một lần trong năm. Vì thế người châu Á coi đây là ngày lễ tình nhân phương Đông – đại diện cho tình yêu gắn bó sâu sắc, thủy chung, một lòng một dạ.

Ngày lễ này được tổ chức khá lớn ở các quốc gia Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Hoạt động chủ yếu là những người có cảm tình với nhau sẽ hẹn hò, tỏ tình, tặng những vật phẩm ước hẹn và gửi tới nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Ý nghĩa của ngày lễ này là tôn vinh tình yêu chân chính, gìn giữ và lưu truyền sự trọng tình trọng nghĩa cho thế hệ trẻ ngày nay.

Cũng trong ngày này, các cặp đôi yêu nhau sẽ hẹn nhau cùng đi ngắm sao trời, xa rời ánh điện thành phố, tới nơi có thể nhìn thấy sao Ngưu Lang và sao Chức Nữ gặp nhau thì mối tình sẽ trọn vẹn, gặp nhiều may mắn và chung đường cho tới cuối đời.

Ngày Thất Tịch thường có mưa, gọi là mưa Ngâu – nước mắt của Ngưu Lang Chức Nữ sau bao ngày xa cách. Dân gian tin rằng, cùng người mình yêu đi dưới mưa Ngâu trong lễ tình nhân phương Đông thì dù cách xa tới mấy cũng sẽ quay lại tìm được nhau giữa cuộc đời bề bộn.

Ngày Ngưu Lang Chức Nữ - kiêng cưới hỏi, kị làm nhà

Theo tâm linh, trong ngày Ngâu tháng 7 âm lịch có hai việc lớn nhất thiết không nên tiến hành là cưới hỏi và làm nhà.

Hôn nhân và việc quan trọng của đời người, cưới hỏi là thủ tục nghi thức mà bất cứ nhà nào cũng đều rất chú trọng. Người xưa kiêng cưới vào Thất Tịch, kể cả ngày hai nhà gặp gỡ, làm lễ dạm ngõ, làm lễ ăn hỏi cũng không chọn vào dịp này nói riêng và tháng 7 âm lịch nói chung.

Về tâm linh, đây là ngày không may mắn bởi Ngưu Lang Chức Nữ tuy yêu nhau tha thiết nhưng vẫn phải chia xa, mang ý nghĩa ly biệt, không tốt lành cho đôi lứa. Họ đại diện cho tình yêu chân thật, ngày 7/7 âm lịch là lễ tình nhân đôi lứa hẹn hò nhưng họ lại không phải đôi vợ chồng hạnh phúc, tuyệt đối không thích hợp để cưới gả, làm các thủ tục liên quan tới cưới xin.


Về mặt thời tiết, tháng 7 mưa Ngâu, tiến hành cưới xin không những bất tiện cho cả hai bên gia đình, họ hàng làng xóm mà còn mang không khí ảm đảm, thiếu dương khí, thiếu sự tươi tắn tốt lành nên người xưa có tục kiêng. Tục ấy truyền lại cho tới ngày nay và tiếp tục được duy trì.

Làm nhà động thổ không động vào tháng 7 âm lịch là truyền thống của người Việt. Tháng 7 không những là tháng Ngâu, có ngày Thất Tịch mà còn là tháng cô hồn có Rằm Tháng 7 xá tội vong nhân, âm hồn vất vưởng, ma quỷ hoành hành, làm việc lớn dễ ảnh hưởng tới gia trạch, nhất là phần âm trạch.

Hơn nữa tháng 7 mưa nhiều, ngày Thất Tịch mưa nhiều gây khó khăn trong việc thi công, cản trở tiến trình làm nhà, ảnh hưởng tới chất lượng công trình nên người ta thường không chọn thời điểm này để xây dựng.

Ngày Ngưu Lang Chức Nữ là một truyền thuyết đẹp, ca ngợi tình cảm đôi lứa trung trinh vẹn toàn, là cảm hứng yêu cho tất cả những cặp đôi đang tay trong tay và cả cho những người tin vào tình yêu chân chính, sẽ tìm thấy cho mình một nửa phù hợp trong tương lai.

Người Việt có những tục truyền về điều nên và không nên làm trong dịp Thất Tịch, có điều mang tính khoa học, có điều mang ý nghĩa tâm linh. Ngày nay, phần lớn mọi người vẫn tuân thủ bởi quan điểm “có kiêng có lành” song cũng linh hoạt, tùy hoàn cảnh điều kiện cụ thể để xem xét cân nhắc, không còn quá câu nệ như xưa.

Bạn đang đọc bài viết Ngày Ngưu Lang Chức Nữ - những điều nên và không nên làm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới