Thứ năm, 25/04/2024 19:17 (GMT+7)

NCC Nguyễn Hùng Vĩ: 'Tục đốt vàng mã ngày càng trở nên thái quá'

MTĐT -  Thứ bảy, 03/03/2018 14:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bắt nguồn từ thời nguyên thủy với một ý nghĩa tốt đẹp là thể hiện yêu thương hiếu nghĩa với người đã khuất, nhưng đến nay tục đốt vàng mã đã ngày càng trở nên thái quá và rời xa mục đích ban đầu.

Trao đổi với NDĐT, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, đề nghị bỏ đốt vàng mã trong không gian thờ tự của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa đưa ra là rất cần thiết dù hơi muộn.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ .

- Thưa nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, nguồn gốc của tục hóa vàng mã trong dân gian xưa nay bắt nguồn từ đâu?

- Tục hóa vàng mã hiện nay có nguồn gốc rất xa xưa, nhằm mục đích gửi các đồ đạc vật dụng thông thường cho người chết, vì người ta quan niệm rằng người chết sang một thế giới khác cũng như thế giới của người đang sống, cho nên khi người đó sống, sử dụng cái gì, thì người ta chia một phần của những thứ đó táng theo. Thường là đồ thật như công cụ, binh khí, đồ trang sức, áo quần… Đến khi tôn giáo phát triển, người ta thấy điều đó không thực tế và phí phạm khi đồ thật phải mất nhiều công sức chế tác, cho nên những đồ dùng bằng các nguyên liệu khác dễ làm, dễ kiếm được thay thế. Thí dụ vòng tay bằng đá thì

được thay thế bằng đất, bằng cây, binh khí, trống đồng, đồ trang sức được đúc giả... Những thứ đồ cúng tế cho người chết này được gọi là minh khí. Ở phương Đông sau này khi kỹ thuật làm giấy thô sơ hình thành từ vỏ cây và phát triển lên, thì những đồ minh khí này cũng dần được thay thế bằng giấy…

Vào thế kỷ thứ 3, thứ 4, tục đốt vàng mã đã hình thành ở phương Đông, và phổ biến ở thế kỷ thứ 5 , thứ 7, và tất cả đều là phương thức có tính biểu trưng. Cũng tùy theo quan niệm gửi người sang thế giới bên kia thì họ làm mang tính biểu trưng. Trong quá trình xuất hiện vàng mã, có yếu tố tín ngưỡng, yếu tố mê tín, nhưng giàu tính biểu trưng, và là một phương thức tiết kiệm trong tục cúng tế cho người chết. Sau này, các thầy cúng của đạo giáo phát triển thành lễ, và trở thành một phong tục, tạp quán lâu đời ở phương Đông.

- Vậy dường như hiện nay phải chăng ý nghĩa của tục đốt vàng mã đã ít nhiều không còn giống với ban đầu, thưa ông?

- Trong quá trình phát triển, tục đốt vàng mã đang dần đi xa khỏi mục đích ban đầu tốt đẹp của nó, và đến bây giờ thì đã trở nên thái quá. Ngày xưa các cụ dạy “lễ bạc tâm thành”, đốt vàng mã là để con cháu nhớ đến tổ tiên, mong tổ tiên có được cuộc sống an lành ở thế giới bên kia, cầu mong và cũng là báo cho tổ tiên biết là con cháu sống yên ổn, ăn nên làm ra. Nhưng bây giờ ý nghĩa tốt đẹp đó đã nhường chỗ cho sự mê tín, cho rằng càng đốt nhiều càng được nhiều tài lộc, ganh đua nhau để đốt, “con gà tức nhau tiếng gáy”, nhà giàu có, nhà khó cũng cố theo, dẫn đến sự thái quá tràn lan trong toàn xã hội. Nhiều khi người ta quan niệm lễ vàng mã nhà mình phải to hơn nhà khác, nhưng tâm chưa chắc đã thành. Điều nguy hại nhất không phải là kinh tế, haymôi trường, mà là mê tín, và đang ngày càng bùng phát. Sự mê tín sẽ dẫn đến kém cỏi về mọi mặt.

- Mới đây, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đưa ra công văn số 31 gửi Ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nêu rõ: "Đề nghị chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa phật giáo Việt Nam”. Ý kiến của ông về sự việc này như thế nào?

- Đây là việc làm cần thiết, và đúng ra phải làm sớm hơn từ lâu rồi. Giáo lý của Phật giáo từ đầu là không tình trạng đó xảy ra, nhưng nhiều cơ sở thờ tự đã không mạnh mẽ và chặt chẽ trong việc hạn chế đốt vàng mã. Công văn này tuy muộn nhưng thà muộn còn hơn không, và chúng tôi đánh giá cao công văn đó.

- Tuy nhiên, cũng có người đặt ra vấn đề rằng, hiện tại ở hệ thống thờ tự Phật giáo của Việt Nam luôn có ban thờ Mẫu sau ban thờ Phật. Có thể hạn chế đốt vàng mã bên ban Phật nhưng lại khó cấm được người dân hóa vàng bên ban Mẫu? Vậy theo ông, việc hạn chế này có khả thi không?

- Về tính khả thi của công văn khi tục hóa vàng mã đã ăn sâu vào đời sống người dân hiện nay, tôi cho rằng, có thể áp dụng dần dần trong các không gian Phật giáo trước hết, vì ở đó có Hội Phật tử sẽ thuyết phục người dân, rồi tiếp đó là các không gian lịch sử, di tích thuộc sự quản lý của chính quyền, và các không gian công cộng như vườn hoa, hè phố, sân tập thể… Theo tôi, điều này là hoàn toàn khả thi.

– Xin cảm ơn ông.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đã nêu rõ quan điểm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về vấn đề này là hoàn toàn hoan nghênh và ủng hộ. Bà Trịnh Thị Thủy cho hay: “Tập tục đốt vàng mã là một nghi thức gắn với đời sống tín ngưỡng tâm linh của người dân từ bao đời nay. Trong những năm gần đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực tuyên truyền,thuyết phục, vận động để cộng đồng nhận thức đầy đủ để hạn chế đốt vàng mã trong đời sống đương đại. Bộ cũng đã có những văn bản hướng dẫn hoặc những quy định về việc đề nghị người dân khi tham gia lễ hội hoặc các hoạt động tại các cơ sở, di tích… hạn chế đốt vàng mã. Quan điểm của Bộ là hoàn toàn ủng hộ và đồng tình với công văn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc hạn chế đốt vàng mã trong các cơ sở tôn giáo của Phật giáo”.

Thứ trưởng cho biết, về phía cơ quan quản lý, Bộ cũng đã có trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ về việc hạn chế đốt vàng mã ở một số lễ hội cũng như di tích: “Đặc biệt, trong những năm gần đây có những di tích đốt quá nhiều vàng mã và dư luận đã có phản ánh gay gắt. Chúng tôi đã giao cho các cơ quan chuyên môn phối hợp với địa phương nghiên cứu để đề xuất một số giải pháp cụ thể. Một số nơi như Đền bà chúa Kho ở Bắc Ninh, chúng tôi đã có những chỉ đạo rất cụ thể để hạn chế đốt vàng mã và ở đây đã có những chuyển biến”.

Theo Báo Nhân dân

Bạn đang đọc bài viết NCC Nguyễn Hùng Vĩ: 'Tục đốt vàng mã ngày càng trở nên thái quá'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.