Thứ bảy, 20/04/2024 15:55 (GMT+7)

Nâng cao giá trị nghề thủ công mỹ nghệ và làng nghề

MTĐT -  Thứ ba, 25/12/2018 11:24 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hà Nội hiện có làng nghề và làng có nghề, chiếm gần 30 % tổng số làng nghề của cả nước. Bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng đòi hỏi làng nghề, doanh nghiệp làng nghề liên kết chặt chẽ để phát triển

Nghề thủ công truyền thống Việt Nam nói chung, ở Hà Nội nói riêng vốn có truyền thống từ lâu đời. Truyền thống đó luôn được gắn với những tên làng nghề, phố nghề và được biểu hiện bằng những sản phẩm thủ công truyền thống không chỉ là những vật phẩm sinh hoạt bình thường, mà còn là sự kết tinh của lao động vật chất và lao động tinh thần, nó được tạo nên bằng bàn tay tài hoa và óc sáng tạo của người thợ thủ công.

Nhiều sản phẩm truyền thống có tính nghệ thuật cao, mỗi sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật trong đó chứa đựng những nét đặc sắc và biểu trưng của nền văn hóa dân tộc mang sắc thái riêng, mức độ phát triển kinh tế, trình độ dân trí, đặc điểm nhân văn của dân tộc và đặc trưng của mỗi làng nghề truyền thống.

Đặc biệt, nghề thủ công mỹ nghệ là những di sản quý giá mà các thế hệ cha ông đã sang tạo ra và truyền lại cho các thế hệ sau như khi nhắc đến gốm sứ Bát Tràng, Lụa Vạn Phúc, Mây tre đan Phú Vinh, Sơn mài Hạ Thái, Khảm trai Chuyên Mỹ, gỗ mỹ nghệ Vân Hà.

Thành phố Hà Nội hiện có làng nghề và làng có nghề, chiếm gần 30 % tổng số làng nghề của cả nước. Các làng nghề đã, đang đóng góp quan trọng trong tạo việc làm, thu nhập cho người dân nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng đòi hỏi các làng nghề, doanh nghiệp làng nghề liên kết chặt chẽ để phát triển toàn diện.

Thông qua sản phẩm thủ công tinh xảo, được chế tác khéo léo, mang phong cách văn hóa riêng, các sản phẩm xuất khẩu của làng nghề góp phần củng cố, tăng cường và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, giới thiệu được nét đẹp văn hóa Việt Nam với văn hóa thế giới. Sản phẩm làng nghề truyền thống còn lan tỏa phát triển sang các vùng lân cận, phụ cận.

Bên cạnh đó, làng nghề là cả một môi trường văn hóa - kinh tế - xã hội và công nghệ truyền thống lâu đời. Môi trường văn hóa của làng nghề là khung cảnh của làng quê với cây đa, bến nước, sân đình, các hoạt động phường hội, phong tục tập quán, nếp sống đậm nét dân gian và chứa đựng tính nhân văn sâu sắc. Làng nghề là nơi bảo lưu những tinh hoa nghệ thuật và các kỹ thuật được truyền từ đời này sang đời khác. Trong quá trình phát triển, các làng nghề luôn gắn liền với sự phát triển của văn hóa dân tộc và từ lâu làng nghề đã làm phong phú thêm truyền thống của văn hóa Việt Nam.

Làng nghề sơn son thếp vàng, tạc tượng Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) đã nổi tiếng trong cả nước.

Không riêng Sơn Đồng, theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng, với số lượng làng nghề lớn, trung bình mỗi năm, sản xuất ở khu vực này mang lại giá trị ước đạt trên nghìn tỷ đồng. Một số làng nghề thủ công mỹ nghệ có doanh thu cao như: Làng nghề sơn son thếp vàng, tạc tượng Sơn Đồng (huyện Hòai Đức) đạt 2.850 tỷ đồng; làng nghề mộc Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) đạt gần 1.000 tỷ đồng; làng nghề gốm sức Bát Tràng (huyện Gia Lâm) đạt gần 2.000 tỷ đồng… Để có những thành quả này, các làng nghề Hà Nội đã thực hiện kết nối với nhau, cung cấp nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất. Đồng thời liên kết với làng nghề thủ công mỹ nghệ các tỉnh, thành phố khác để gia công, nâng cao giá trị sản phẩm…

Làng gốm Bát Tràng không chỉ nổi tiếng với sản phẩm gạch, gốm, mà còn nổi tiếng là làng học, làng khoa bảng, làng quê văn hiến. Thư tịch cổ bia ký còn ghi rõ, làng Bát Tràng có 364 người đỗ đạt nho học qua các kỳ thi của Nhà nước phong kiến. Đặc biệt, có 09 người đỗ tiến sĩ, trong đó có 01 trạng nguyên - Trạng nguyên Giáp Hải. Ông là người mở đầu cho danh mục đỗ đạt khoa bảng của làng Bát Tràng. Ở Bát Tràng hiện còn lưu giữ các di tích đình, đền, chùa, văn chỉ. Những công trình kiến trúc ấy cùng với sản phẩm sứ và người dân Bát Tràng thân thiện, mến khách để lại trong tâm trí các du khách trong nước và quốc tế tới thăm làng nghề những ấn tượng đẹp, khó quên.

            Mỗi làng dệt có thể nổi tiếng về một mặt hàng, như the của làng La, nhiễu của làng Mỗ, vải của làng Canh… nhưng nhìn chung đã là làng dệt đều có thể dệt thành thạo nhiều mặt hàng khác nhau:

      …. Lượt, là, lĩnh lụa, xuyến, lương,

    Ấy là thứ lụa mặc thường của ta.

Thứtrơn ,này lại thứ hoa,

                 Quế, vân, gấm, vóc, băng sa, cầu kỳ…

                            (Ca dao Hà Tây)

          Làng mạc ven sông Nhuệ, là những thôn làng dệt lụa, dệt vải truyền thống, trải qua bảy làng La: “Quê hương em ven dòng sông Nhuệ”, với câu hát thân thương “Quay quay cho gió cuốn vào tơ”… Vào đến cổng làng Vạn Phúc có một câu đối đã bị rêu phong che phủ nhiều mảng, nhưng vẫn còn đọc được “Khuyển phệ kê minh, cơ thanh viễn cận” có nghĩa là từ lúc chó sủa, gà gáy sáng đã nghe gần xa, là âm thanh vang lên từ những khung dệt, tiếng thoi đưa dìu dặt, lúc lại rộn ràng.

          Vạn Phúc có lụa “làng Vân” nổi tiếng, lại có “gấm” một mặt hàng cao cấp, dệt trên khung dệt đặc biệt gọi là “khung hoa”. Gấm nền lam điểm hoa chữ “thọ” nhiều kiểu, nhiều màu. Lụa vân mỏng hơn gấm, kiểu hoa và màu sắc có hình bướm, bông hồng, bông cúc, hạc trắng trong mây, con phượng, chữ thọ trên nền màu cá vàng, màu tím Huế, màu gụ hay màu nõn chuối…

          Nhắc đến lụa ở Việt Nam phải nói đến lụa vân  của làng Vạn Phúc - một làng nghề có truyền thống dệt lâu đời. Tương truyền tổ nghề dệt ở đây là bà Lã Thị Nga, một nữ thần đã khai sáng cho dân làng dệt .

Em về Vạn Phúc cùng anh

Áo lụa em mặc thêm thanh vẻ người

(Ca dao)

Những sản phẩm mây tre như tủ, giường, xa lông đặt trong bố cục có kiến trúc, không gian hợp lý, sẽ cho ta một cảm giác như đang sống giữa thiên nhiên. Một ưu điểm đặc biệt của mặt hàng mây, song là không những bền, đẹp, nhẹ mà chúng không bao giờ bị mọt.

Lúc ban đầu nghề thêu chủ yếu là thêu câu đối, trướng, nghi môn treo ở đình chùa và thêu các loại khăn chầu áo ngự. Ngày nay mặt hàng mỹ nghệ thêu rất phong phú, trên nền vải người thợ thêu đã tạo nên chim muông, hoa lá cỏ cây, đẹp về đường nét và màu sắc trên áo gối, khăn bàn, áo quần, bức hoành và cả truyền thần chân dung... Các mẫu thêu: Tùng hạc, uyên ương trong đầm sen, công múa bên bụi trúc... đã được trưng bày nhiều nơi trên thị trường thế giới và được khách quốc tế rất ưa thích.

Nghề thêu hiện đang được phát triển ở các huyện ThườngTín, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Chương Mỹ, quận Hà Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

Ngày xưa, quai nón được làm bằng mây hoặc lạt tre, tuy được vót rất mỏng và mềm nhưng xét về thẩm mỹ chưa đẹp, vẫn chưa mềm mại. Với sự phát triển của kỹ nghệ dệt vải quai nón được thay thế bằng một băng vải nhỏ, đủ màu sắc và rất mềm mại. Đây tuy là một chi tiết nhỏ nhưng đã tôn thêm nét duyên dáng cho người đội nón bội phần. Chiếc nón đã trở thành một biểu tượng trong trang phục của người Việt Nam đi vào thơ ca:

“Ai làm chiếc nón quai thao

Để cho anh thấy cô nào cũng xinh”

                                                   (Ca dao)

Ngày nay đề tài khảm trai thường chọn các di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng của đất nước như Chùa Một Cột, vịnh Hạ Long, các danh lam ở Huế, thành phố Hồ Chí Minh. Những sản phẩm độc đáo mang đậm nét truyền thống của Chuyên Mỹ đã làm say đắm và nhận được sự ngưỡng mộ của du khách gần xa. [1]

“Khảm trai trên gỗ trên đồng

Mà như khảm cả tấm lòng vào tranh”

                                                 (Ca dao)

Tuy vậy làng nghề Hà Nội vẫn còn những hạn chế, kìm hãm sự phát triển, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Hàng thủ công mỹ nghệ của Hà Nội đang rất yếu về khâu thiết kế mẫu mã sản phẩm; mỹ thuật bao bì còn đơn điệu; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của làng nghề còn nhỏ lẻ, hiệu quả chưa cao và khó khăn trong xử lý ô nhiễm môi trường...

 Nghệ nhân Phan Thị Thuận ở làng dệt Phùng Xá (huyện Mỹ Đức), đã dệt thành công sản phẩm lụa từ tơ sen cho biết, lụa tơ sen không chỉ mềm, mịn, mát, nhẹ như lụa tơ tằm mà còn có ưu điểm xốp, thấm nước, có mùi thơm nhẹ tự nhiên, dùng làm khăn quàng, quần áo thời trang... “Với giá thành cao, lụa tơ sen mở ra triển vọng cho nghề dệt ở Phùng Xá và nghề trồng sen. Tuy vậy, nhà sản xuất đang gặp khó khăn  trong quảng bá, tìm đầu ra cho sản phẩm và phát triển ngành sản xuất sợi từ tơ sen, tiến tới xây dựng thương hiệu lụa tơ sen Mỹ Đức”

Phát triển nghề, làng nghề phải gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp. Đây là hai nghành kinh tế mà trong quá trình phát triển có mối quan hệ chặt chẽ về lao động, nguyên liệu, thị trường, môi trường v.v... Giải quyết mối quan hệ mang tính chất vừa bổ trợ vừa cạnh tranh đó sẽ làm cho kinh tế xã hội ở nông thôn phát triển bền vững, quan hệ sản xuất được tăng cường đời sống của cư dân nông thôn được sung túc.

Phát triển nghề, làng nghề và dịch vụ nông thôn là động lực xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập, tăng sức mua của người dân, tạo sự chuyển dịch cơ cấu ngoại thành theo hướng công nghiệp hóa -  hiện đại hóa theo phương châm “ly nông bất ly hương”. Lựa chọn để phát triển một số ngành nghề và làng nghề theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, mang những nét văn hóa độc đáo riêng của địa phương và sử dụng nguồn lao động tại chỗ.

Phát triển làng nghề của thành phố phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế, xã hội, bảo tồn duy trì những di sản văn hóa truyền thống của địa phương, xử lý tốt môi trường.

Từ những quan điểm trên, mục tiêu phát triển nghề và làng nghề  Hà Nội tập trung vào những nội dung sau.

Mục tiêu chung: Phát triển các nghề trên địa bàn Hà Nội nhằm bảo tồn các giá trị truyền thống cuả dân tôc, chú trọng phát triển các sản phẩm thủ công thế mạnh của Hà Nội, có giá trị kinh tế cao như: gốm sứ, đồ gỗ, mây tre đan, sơn mài, khảm trai, dệt lụa, hàng mỹ nghệ...gắn sản xuất làng nghề với các hoạt động du lịch, văn hóa, lễ hội truyền thống, giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động nông nghiệp mất đất sản xuất do quá trình đô thị hóa nhanh. Đẩy mạnh phong trào mối xã phường có một sản phẩm tiêu biểu.

Việc duy trì và phát triển các phố nghề truyền thống khu vực nội thành, các nghề và làng nghề có nhiều tiêm năng phát triển du lịch, có cảnh quan và vị trí thích hợp liên kết với các tuyến du lịch theo quy hoạch của cả nước và của Thành phố Hà Nội để xây dựng và phát triển các vùng du lịc, văn hóa sinh thái kết hợp với các làng nghề.

Quán triệt quan điểm mục tiêu phát triển nghề và làng nghề, cần định hướng phát triển nghề và làng nghề Thành phố  Hà Nội theo hướng sau

Thị trường Với dân số hơn 90 triệu người trên cả nước thì đây là thị trường  lớn cho các sản phẩm của nghành nghề vốn đã rất quen thuộc với người tiêu dùng trong nước. Cùng với việc đời sống của người dân đang dần được nâng lên, nhu cầu sinh hoạt, trang trí nội ngoại thất, tư trang, đồ lưu niệm, đồ thờ cúng, v.v... cũng có xu hướng tăng lên.

Bên cạnh đó Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức thương mại Thế giới (WTO), Thị trường nước ngoại đã được mở rộng, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt nam nói chung và của Hà Nội nói riêng đã có mặt ở nhiều nước trên Thế giới. Trong đó có những thị trường có nhu cầu lớn, thường xuyên và phong phú về chủng loại, hàng thủ công mỹ nghệ là các nước EU, Nhật Bản, Mỹ, Nga, và các nước Đông Âu có nhu cầu lớn về đồ gốm sứ, đồ gỗ, đồ nội thất bằng mây tre, Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc, nhập khẩu nhiều đồ gỗ gia dụng, đồ gỗ mỹ nghệ, thêu ren, Trung Đông, Nam Phi, Nam Mỹ có nhu cầu về mặt hàng song mây, tre, trúc...

Du Lịch

Từ xa xưa Hà Nội là vùng đất “Tụ khí anh hoa” “Địa linh nhân kiệt” nay trở thành vùng “đất trăm nghề” với những địa danh và con người đã đi vào lịch sử, nên việc phát triển làng nghề, ngành nghề thủ công mỹ nghệ trên cơ sở của miền đất được thiên nhiên ban tặng với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử đã trở thành huyền thoại với bao địa điểm cho du lịch ở Hà Nội như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Thành Cửa Bắc, Hoàng thành Thăng Long, Thành Cổ Loa, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, chùa Hương Tích, chùa Thầy, chùa Tây Phương, đền Voi Phục, đền Quan Thánh v.v... đã trở nên hấp dẫn và là điểm hẹn của du khách trong và ngoài nước.

Ngoài các loại hình du lịch đã được tổ chức ở Hà Nội như du lịch sinh thái, du lịch tìm về cội nguồn, thì du lịch làng nghề trên địa bàn Hà Nội đã được tổ chức và phát triển khá mạnh như các tua du lịch đến với làng nghề gốm sứ Bát Tràng, làng nghề dệt, lụa Vạn Phúc, làng nghề thêu ren Quất Động, làng nghề sơn mài hạ Thái, làng nghề mây tre đan Phú Vinh, làng nghề điêu khắc tạc tượng Sơn Đồng..

Ngoài những lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và nét văn hóa dân tộc đặc sắc, làng nghề truyền thống cũng có sức hút đặc biệt đối với du khách bởi mỗi làng  lại gắn với một vùng văn hóa hay một hệ thống di tích lịch sử, văn hóa. Đến với làng nghề, du khách không chỉ ngắm cảnh quan mà còn được tham quan nơi sản xuất,trực tiếp được tiếp xúc  với những người thủ công, thậm chí còn được trực tiếp tham gia làm ra sản phẩm.

Về nguyên liệu xây dựng các vùng nguyên liệu vật liệu tập trung trên cơ sở thực hiện phân công lao động và chuyên môn hóa sản xuất, đồng thời cần phải tiêu chuẩn hóa các loại nguyên liệu để đảm bảo chất lượng sản phẩm và tiết kiệm cho sản xuất. Hình thành các chợ đầu mối cung cấp nguyên liệu cho làng nghề.

Về phát triển làng nghề gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc: Các nghề thủ công của Hà Nội từ lâu đã trở thành một bộ phận không tách rời với truyền thống văn hóa dân tộc. Truyền thống đó không chỉ thể hiện trên sản phẩm mà còn là cách sử dụng nguyên liệu thiên nhiên, cách chế tác và sử dụng công cụ lao động, các bí quyết nghề.v.v... Bản sắc truyền thống văn hóa dân tộc thể hiện trên sản phẩm thông qua màu sắc, hoa văn, hình dáng sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị và tạo sự khác biệt của sản phẩm thủ công và đó là lý do cơ bản để khách hàng lựa chọn và quyết định mua. Vì thế phát triển nghề thủ công không chỉ quan tâm đến các yếu tố kinh tế, kỹ thuật mà còn phải quan tâm đến các yếu tố văn hóa, nghệ thuật của sản phẩm. Ngoài ra phát triển nghề và làng nghề còn góp phần bảo tồn, tôn tạo và xây dựng các giá trị văn hóa truyền thống, các công trình văn hóa (như bảo tồn, tôn tạo khu phố cổ, làng cổ, làng văn hóa...) và lưu giữ những dấu ấn lịch sử của nghề (truyền thống nghề, tôn vinh tổ nghề...). Mặt khác đối với một số ngành nghề truyền thống lâu đời đã đang bị mai một, nếu không có điều kiện để phục hồi, phát triển trở lại (do điều kiện hạn chế về công nghệ, nguyên liệu, thị trường không còn nhu cầu...) cần phải nghiên cứu kỹ, nếu sản phẩm thực sự tiêu biểu có tính truyền thống văn hóa cao cần được hỗ trợ để lưu giữ lại nghề ở quy mô nhỏ, nhằm thu hút du lịch, phục vụ công tác bảo tàng, bảo tồn...

Về vốn: Thực hiện đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, như vốn tự có trong dân, từ vay ngân hàng, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước Trung ương và địa phương.v.v...[2]

Về kỹ thuật, công nghệ: Tăng cường nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ sản xuất của làng nghề, nhằm tăng chất lượng, số lượng sản phẩm, nhưng vẫn đảm bảo các giá trị truyền thống đặc trưng của làng nghề Hà Nội.

Về sử dụng lao động và đào tạo lao động: Sử dụng tốt nguồn lao động tại chỗ, hạn chế di dân tự do; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân địa phương. Thành lập trung tâm giới thiệu việc làm ở nông thôn để cung cấp các thông tin về việc làm cho người lao động, giúp người lao động tìm việc làm phù hợp với trình độ và khả năng nghề nghiệp của mình. Đa dạng hóa các hình thức dạy nghề theo nhiều ngành, nhiều cấp khác nhau, trên cơ sở lập kế hoạch về nhu cầu lao động cần được đào tạo trong từng ngành nghề. Hình thành đội ngũ doanh nhân có trình độ quản lý, trình độ tổ chức kinh doanh, tiếp thị sản phẩm, tạo mẫu mã sản phẩm tại các làng nghề.

Về phát triển cụm sản xuất làng nghề tập trung: Xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề tập trung đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể của Thủ đô; tạo mặt bằng cho các cơ sở và các tổ chức dịch vụ làng nghề, nâng cao sự phân công và hợp tác sản xuất giữa các cơ sở sản xuất với nhau, giữa các cơ sở sản xuất với các cơ sở dịch vụ; đồng thời có điều kiện xử lý ô nhiễm môi trường tập trung.

Về môi trường: phát triển, mở rộng sản xuất các làng nghề phải đảm bảo cân bằng sinh thái và bảo vệ môi trường, duy trì chất lượng sống khu vực dân cư tại địa phương có làng nghề. Nâng cao ý thức của người dân và trách nhiệm của các doanh nghiệp về bảo vệ môi trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bách khoa thư Hà Nội: Tập khoa học và công nghệ

2. Sở Công thương Hà Nội: Làng nghề Hà Nội.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển

Nguyên Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Nâng cao giá trị nghề thủ công mỹ nghệ và làng nghề. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất
WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ