Thứ bảy, 20/04/2024 07:44 (GMT+7)

Mỹ Đức: Kinh hoàng xác lợn chết, mang giòi bọ trôi nổi trên sông

PV -  Thứ sáu, 10/05/2019 14:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều lợn chết chưa rõ nguồn gốc bị vứt đầy các kênh mương khiến người dân xã Hồng Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội hoang mang lo lắng về bệnh dịch.

Gần đây, người dân ở xã Hồng Sơn, huyện Mỹ Đức (TP.Hà Nội) liên tục phát hiện nhiều xác lợn chết trôi dạt trên sông và cả kênh mương, một số xác lợn được bọc trong bao tải. Nhiều người chăn nuôi trên địa bàn đang lo lắng tình trạng này sẽ mang theo bệnh dịch, gây ô nhiễm nguồn nước, môi trường không khí và tạo thành ổ dịch có thể bùng phát lan rộng bất cứ lúc nào.

Xác lợn chết được vứt ở đồng lúa bờ sông và nổi trên kênh thủy lợi

Dù vậy, trên đoạn kênh ven đường tỉnh lộ 419, thuộc xã Hồng Sơn, huyện Mỹ Đức (cách UBND xã 1km) khu vực gần cầu Trung đoạn đi vào núi đồng Man, vào ngày 9/5/2019, PV Môi trường đô thị điện tử đã ghi nhận nhiều xác lợn chết tấp vào bờ kênh đang phân hủy. Cũng tại khu vực này, có nhiều bao tải chứa xác lợn nổi lềnh bềnh, ruồi nhặng bu bám. Đi dọc kênh về phía núi đồng Man (xã Hồng Sơn), chúng tôi ghi nhận có nhiều xác lợn chết trong bao tải trôi rải rác theo dòng nước hoặc được chất đống trong các bụi rậm.

Lợn chết, bốc mùi hôi thối được vứt tại mương nước dọc đường tỉnh lộ 419, cách UBND xã Hồng Sơn khoảng 1km.

Ông Trần Văn T. (ở thôn Bình Lạng, xã Hồng Sơn) cho biết: “Gần đây đi qua khu vực cầu Trung (TL419) ông hay nhìn thấy xác lợn cũng trôi lênh đênh trên các kênh mương này. Lợn nhỏ thì được bỏ vào bao tải, túi nilong lợn lớn thì thả nguyên con trôi sông. Nếu tình trạng này kéo dài người dân ở đây không ai còn dám sử dụng nước kênh để sinh hoạt hay sản xuất nữa”.

Dọc tuyến mương này, phóng viên nhận thấy hàng loạt xác lợn chết, nội tạ nổi trên mặt nước gây ô nhiêm môi trường.

Không chỉ có đoạn kênh đường tỉnh lộ 419, ghi nhận của PV vào sáng 9/5 tại khu vực núi đồng Man cũng có tình trạng nhiều xác lợn chết bốc mùi hôi thối, mang theo giòi bọ bị vứt tràn lan, nhiều xác lợn chết còn bị vứt ngay sát đồng lúa đang trong thời kỳ đổ đòng.

Cũng thông tin từ một người dân tên Đoàn ở thôn Trung, xã Hồng Sơn chia sẻ, tình trạng này đã diễn ra từ lâu, người dân ở đây cũng mong muốn UBND xã phải xử lý, theo dõi hàng ngày thì mới có thể giải quyết được tình trạng ô nhiễm nêu trên.

Lợn chết được vứt tại xóm 3, thôn Bình Lạng xã Hồng Sơn, Mỹ Đức, khu vực này là đường giao thông và sát bờ sông Mỹ Hà.

Chưa dừng lại ở khu vực này, tại khu vực xóm 3, thôn Bình Lạng, PV còn nhận thấy lợn chết còn được vứt ra khu vực bờ đê sông Mỹ Hà (khu hồ Quan Sơn), điều đáng nói lợn chết được vứt ngay triền đê và sát đường giao thông nơi có nhiều người và phương tiện giao thông qua lại.

Chính quyền "chưa nắm rõ" tổng đàn lợn của xã

Dù thực trạng lợn chết thối trôi lênh đênh trên các kênh mương, bờ sông ở xã Hồng Sơn huyện Mỹ Đức đang gây bức xúc và hoang mang cho người dân nhưng về phía chính quyền xã Hồng Sơn lại có cách giải thích khác.

Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, ông Trần Văn Duy - Phó chủ tịch UBND xã Hồng Sơn cho biết: Từ Tết, xã đã phải xử lý 2 vụ của xã khác, trong khi đó xã Hồng Sơn lại có địa điểm xử lý rác ở khu vực núi đồng Man.

"Các xã khác vận chuyển qua Hồng Sơn, trong đó có 1 trường hợp đến xã Hồng Sơn thì vứt luôn xuống mương, còn 1 trường hợp vận chuyển vào trong núi", lãnh đạo xã Hồng Sơn chia sẻ.

Đồng thời vị này cho rằng, do các xã khác không có địa điểm, chỉ có các điểm tập kết rác mà các xã tự xây dựng lên làm điểm trung chuyển cho nên để có điểm họ tập kết gia súc, gia cầm thì không có.

Lợn chết có cả ở khu vực đồng lúa tại khu đồng Man, xã Hồng Sơn.

Theo chỉ đạo của thành phố trong thời gian diễn ra dịch bệnh ở lợn, thành phố đã yêu cầu các đơn vị từ huyện tới cơ sở cần rà soát, thống kê nắm rõ số lượng lợn, trang trại. Tuy nhiên, Phó chủ tịch UBND xã Hồng Sơn cho rằng, "hiện xã có khoảng 20 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm".

Còn thống kê về tổng đàn lợn ông Duy nói, "Mình chưa nắm rõ chỗ này, số lượng chắc cũng lớn nhưng không nhiều như ở xã Lê Thanh, An Mỹ".

Được biết, đây là 2 xã tiếp giáp với xã Hồng Sơn.

Lợn chết chất đống gần đường giao thông, nó không được chôn lấp theo đúng quy định.

Chính quyền xã đã phớt lờ chỉ đạo của cấp trên?

Trong những năm qua, vấn đề "thiên tai, dịch họa" luôn được UBND thành phố quan tâm chỉ đạo các địa phương thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt Hà Nội lại là địa phương có tổng đàn vật nuôi lớn, đứng đầu cả nước, trong đó đàn lợn có gần 2 triệu con.

Ngày 22/2/2019, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã có Công điện khẩn cấp số 08/CĐ-UBND chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ để chủ động phòng, chống dịch bệnh...

Công điện yêu cầu các địa phương "thành lập ban chỉ đạo cấp huyện; tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn, các hộ chăn nuôi nghiêm túc thực hiện các quy định phòng chống dịch tả lợn châu Phi theo đúng chỉ đạo của Trung ương và thành phố; xây dựng kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp đối với dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý của đơn vị trong thực hiện phòng chống dịch tả lợn châu Phi". Ngay sau công văn này đó là hoạt loạt kế hoạch, chỉ thị, công văn hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh.

Chính quyền xã Hồng Sơn đã phớt lờ chỉ đạo của cấp trên?

Theo tìm hiểu của PV, sau khi xảy ra ổ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên. Thành phố đã tổ chức cuộc họp khẩn với các địa phương chiều 5-3, tại đây Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu yêu cầu các địa phương cần tích cực "ứng trực, tập trung lực lượng để thực hiện phòng chống dịch bệnh".

Các địa phương cần quản lý chặt chẽ các nguồn phát sinh dịch bệnh "kể cả bãi rác" lãnh đạo UBND thành phố cho rằng huyện nào mà "để ném lợn chết ra mương, ra sông" là lãnh đạo địa phương đó phải chịu "trách nhiệm", Cụ thể là người đứng đầu, "đồng chí chủ tịch" địa phương đó phải chịu "trách nhiệm".

Như vậy, với sự chỉ đạo chặt chẽ ở chính quyền thành phố thì những gì đang diễn ra tại xã Hồng Sơn, huyện Mỹ Đức khiến cho người dân hoài nghi về sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của người đứng đầu địa phương này. Trên thì chỉ đạo sát sao, quyết liệt phòng chống bệnh nhằm hạn chế thiệt hại do "dịch họa" cho người dân, còn dưới thì vẫn còn "lạnh"...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, đến nay bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 3.559 hộ ở 665 thôn, tổ dân phố tại 240 xã, phường thuộc 24 quận, huyện làm mắc bệnh, tiêu hủy 53.136 con lợn. Ở một số xã, phường đã qua 30 ngày lại tiếp tục phát sinh lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi như: Phú Thị (huyện Gia Lâm), Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai),… 

Sóc Sơn là địa phương duy nhất của Hà Nội đến nay đã phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 100% xã, phường, thị trấn, huyện Sóc Sơn đang dốc sức để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, giảm tối đa thiệt hại cho người dân. Tổng số lợn bị tiêu hủy là 16.718 con (chiếm 13,5% tổng đàn lợn của toàn huyện), trọng lượng trên 1.150 tấn.

Bạn đang đọc bài viết Mỹ Đức: Kinh hoàng xác lợn chết, mang giòi bọ trôi nổi trên sông. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...