Thứ bảy, 20/04/2024 20:52 (GMT+7)

“Lu” chống ngập tại Nhật Bản thực ra là gì?

MTĐT -  Thứ tư, 17/07/2019 15:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Rất nhiều công trình chống ngập khác ở các thành phố trên thế giới đều là những đường hầm, bể chứa khổng lồ, rất dài và rất lớn.

Thủ đô Tokyo của Nhật Bản hiện nay đang được chống ngập bởi một hệ thống đường hầm thoát nước với các “lu khổng lồ” đặt dưới lòng đất.

Hệ thống đường hầm thoát nước tại Tokyo, Nhật Bản với 5 bồn chứa nước

Trong phiên thảo luận chiều 13/7 về giải pháp chống ngập cho TP HCM, PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân – Trưởng Khoa Đô thị học (Trường đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP.HCM) đã có đóng góp về giải pháp chống ngập do mưa. Theo bà, chính quyền thành phố – bên cạnh các giải pháp công trình, phi công trình thì có thể ứng dụng từ văn hóa bản địa, trang bị cho mỗi nhà dân hoặc một cộng đồng những cái lu to, có tính thẩm mỹ để bà con phấn khởi, để có thể hứng bớt lượng mưa, điều đó góp phần giảm ngập do mưa.

Sau khi bị cộng đồng mạng phản ứng, đại biểu Xuân cho biết kinh nghiệm này từ Nhật Bản, Philippines, đã được áp dụng rất thành công tại Tokyo.

Vậy, những cái ‘lu” chống ngập ở Tokyo thực ra là gì?

Hệ thống đường hầm thoát nước tại Tokyo, Nhật Bản

Đó chính là Kênh thoát nước ngầm ngoài đô thị (MAOUDC) - công trình thuộc quyền quản lý của Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản.

Được gọi là đường hầm thoát nước hay đường hầm chống ngập, hệ thống Metropolitan Area Outer Underground Discharge Channel của Nhật được xây dựng tại Kasukabe, Bắc Tokyo. Đây là công trình xả nước ngầm lớn nhất thế giới, được xây dựng để giảm thiểu tràn nước của các kênh lạch và sông lớn của thành phố trong mùa mưa và bão.

Được hoàn thành trong giai đoạn (1993-2006) với số tiền 2,6 tỷ USD, MAOUDC là công trình chống ngập lụt nằm ở thành phố Kasukabe, tỉnh Saitama thuộc vùng ngoại ô thủ đô Tokyo, Nhật Bản.

Nó gồm 5 bồn chứa nước bê tông, mỗi bồn cao 65m, đường kính 32m, chuyển nước dọc theo một đường hầm dài 6,4km để chứa lượng nước mưa vượt khả năng chịu đựng của thành phố bên trên. 

Ngoài hệ thống bồn chứa này, công trình còn có thêm một bể chứa trung tâm dài 177m, rộng 78m và cao 25m với 59 trụ cột khổng lồ được kết nối với một tổ hợp 4 máy bơm sức mạnh tương đương động cơ máy bay Boeing 737, có thể bơm tới 200 tấn nước mỗi giây ra sông Edo.

Với địa hình thấp hơn mực nước biển, vùng này luôn hứng chịu nhiều trận ngập lụt trong thời gian dài. 

Để ngăn điều này tái diễn, giới chức Nhật Bản quyết định xây dựng MAOUDC để đưa nước lũ tới một đường hầm ngầm dẫn tới một con sông lớn. Theo số liệu trên trang web Chokotabi Saitama, MAOUDC giúp đất nước mặt trời mọc tránh được thiệt hại hơn 120 tỷ yen (hơn 1 tỷ USD) do ngập lụt.

Nhật Bản chọn thành phố Kasukabe làm nơi đặt MAOUDC vì thành phố này đã trải qua quá trình đô thị hóa, đạt điều kiện đặt kênh xả nước với không gian lớn dưới mặt đất.

Từ khi được hoàn thành vào năm 2006 cho đến nay, Tokyo chưa bao giờ bị ngập.

Những trụ cột khổng lồ tại Hệ thống chứa nước ngầm Tokyo (Ảnh: Wikipedia)

Khi hệ thống này không hoạt động, nó trở thành một điểm tham quan du lịch. Du khách đặt chỗ trước có thể tham gia vào tour miễn phí trong vòng 60-90 phút để được giới thiệu về lịch sử, lý do hình thành và cách thức vận hành của hệ thống. Tour sẽ có 3 lần trong ngày (từ thứ Hai đến thứ Sáu) và chỉ dành cho 25 người/ tour. 

Chuyến đi sẽ bắt đầu tại điểm hẹn RyuQkan. Hướng dẫn viên sẽ giới thiệu về lịch sử và lý do công trình được xây dựng bằng một bản đồ. 

Các thông tin chi tiết về mục đích và cấu trúc của công trình sẽ được cung cấp thêm bằng video và mô hình minh họa. Tại khu vực chỉ huy trung tâm, nhân viên sẽ giám sát công trình thoát nước hoạt động và tình hình thời tiết để cân nhắc việc chạy hay ngừng hoạt động.

Sau khi nắm rõ mục đích và cấu trúc của MAOUDC, du khách sẽ được dẫn tới bể điều tiết áp lực nước. Tại đây, vì lý do an toàn nên khách tham quan không thể đi giày cao gót hay xăng đan. 

Người dân và du khách có thể tới tham quan hệ thống này khi nó không hoạt động (Ảnh: Matcha JP)

Rất nhiều công trình chống ngập khác ở các thành phố trên thế giới đều là những đường hầm, bể chứa khổng lồ, rất dài và rất lớn.

Như tại Kuala Lumpur (Malaysia), đường hầm Stormwater Management and Road Tunnel, như tên gọi của nó, là một công trình kết hợp giữa nhiệm vụ thoát lũ và hầm đường bộ. Đường hầm dài 9,7km và rộng 13m được thiết kế làm hai tầng. Khi không có mưa, hai tầng công trình đều là đường cao tốc để xe cộ qua lại. Khi mưa vừa, tầng dưới của đường hầm sẽ hạn chế xe cộ, chuyển sang nhiệm vụ dẫn nước khỏi thủ đô Kuala Lumpur. Khi có mưa lớn, toàn bộ đường hầm sẽ làm nhiệm vụ thoát nước.

Bạn đang đọc bài viết “Lu” chống ngập tại Nhật Bản thực ra là gì?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

T.An (TH)

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hàng loạt nguy cơ sức khoẻ khi thời tiết nắng nóng
Cái nóng như thiêu đốt đem lại gánh nặng và các bệnh liên quan đến nắng nóng (nhiệt) thường là tăng thân nhiệt. Tăng thân nhiệt đề cập đến bất kỳ tình trạng nào mà cơ thể không thể duy trì nhiệt độ và xử lý nhiệt đúng cách.
Kon Tum quyết định huỷ gói thầu hơn 77 tỷ đồng
UBND tỉnh Kon Tum vừa đưa ra quyết định hủy thầu đối với Gói thầu số 03 trong Dự án Xác định ranh giới sử dụng đất, đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng sử dụng đất...
Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất