Thứ sáu, 29/03/2024 12:38 (GMT+7)

Hơn 900 giếng khơi trơ đáy, người dân khốn khổ chờ nước sạch

MTĐT -  Thứ ba, 12/03/2019 11:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hơn 900 hộ dân của 6/7 thôn thuộc xã Yên Thọ, huyện Yên Định (Thanh Hóa) đang sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Gần 2 tháng nay, toàn xã Yên Thọ (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) có tới 6/7 thôn (trừ thôn Xuân Thái) đang thiếu nước sạch nghiêm trọng. Ước tính, gần 1000 hộ dân với 4000 nghìn nhân khẩu đang sống trong tình cảnh sử dụng nước sinh hoạt nhiễm bẩn.

Trong thời gian chờ đợi các quan chức năng đưa ra biện pháp khắc phục, người dân nơi đây đã tự đào giếng khoan sâu hàng chục mét, với hy vọng tìm được chút nước sạch.

Tại thôn Tu Mộc 2, nằm phía ngoài đê cạnh sông Mã, đây là thôn bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất tại xã Yên Thọ. Theo người dân trong thôn cho biết, trước đây khi khoan giếng ở độ sâu từ 9 – 11 mét là có nguồn nước sạch để sử dụng. Nhưng nay khoan ở độ sâu như vậy vẫn không có nước, buộc phải khoan sâu hơn nhưng nước ở độ sâu hơn khi bơm lên sẽ mùi tanh, để qua đêm hoặc chỉ cần tác động vào sẽ “biến” thành màu tím than.

Để minh chứng những những phản ánh trên, tại chiếc giếng khoan nhà bà Trịnh Thị Tạo, người dân đã bơm nước vào một chậu nhỏ. Ban đầu khi nước mới được bơm lên trông màu trong, sạch nhưng khi rót một chút nước chè vào thì màu nước ngay lập tức chuyển sang màu tím than, đen xì.

Hơn 900 giếng khơi tại xã này đã cạn nước, trở cả đáy.

Qua tìm hiểu được biết, trung bình mỗi hộ phải đào 2-3 giếng khoan, có những hộ phải khoan đến 6 giếng, chi phí bỏ ra đến hàng trục triệu đồng để có nước sử dụng. Thế nhưng, dù nước giếng khoan đã được lọc nhiều lần mà chất lượng vẫn không đảm bảo; cực chẳng đã, họ phải xây bể chứa nước mưa hoặc đi bộ cách nhà vài cây số để mua nước về dùng.

Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Xuân Bình, Chủ tịch UBND xã Yên Thọ cho biết, theo thống kê tính đến ngày 04/03/2019, toàn xã có 922 hộ dân của 6/7 thôn lâm vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Các giếng khơi, giếng khoan bỗng nhiên cạn kiệt nguồn nước. Tình trạng này xuất hiện từ khoảng tháng 1/2019.

Nước sau khi bơm lên, rót 1 ít nước chè vào đã chuyển sang màu tím than, đen xì.

Theo ông Bình, trong khi chờ biện pháp giải quyết từ chính quyền cấp trên, các hộ dân đành hạn chế, tiết kiệm khi sử dụng nước. Khoảng 2 – 3 hộ khoan được một mạch nước sạch chia nhau sử dụng chung. Trao đổi về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên ông Bình cho biết, nhận định ban đầu có thể do hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra trên sông Mã suốt những năm qua hoặc do đập chắn ngang Nam sông Mã bị tháo bỏ nên nguồn nước dự trữ ở sông không còn.

Khi nhận được báo cáo của UBND xã Yên Thọ, phía UBND huyện Yên Định và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa đã về kiểm tra, đồng thời chỉ đạo thực hiện phương án mở cống dẫn nước từ kênh dẫn thuộc hệ thống tưới Bắc sông Chu - Nam sông Mã vào kênh nội đồng, nhưng tình hình vẫn không cải thiện.

Theo ông Bình, trong khi chờ biện pháp giải quyết từ chính quyền cấp trên, các hộ dân đành hạn chế, tiết kiệm khi sử dụng nước. Khoảng 2 – 3 hộ khoan được một mạch nước sạch thì chia nhau sử dụng chung.

Thực tế, không chỉ xã Yên Thọ xảy ra tình trạng trên, mà phía bên kia bờ sông Mã thuộc xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc cũng xảy ra tình trạng tương tự, khi các giếng khoan của nhiều hộ dân cũng cạn kiệt nguồn nước.

Tính đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng vẫn chưa kết luận được nguyên nhân chính thức về việc mất nước.

Xác nhận thông tin trên, ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ninh cho biết, thời điểm cuối năm 2018 trên địa bàn xã này có khoảng gần 200 – 300 hộ dân lâm vào tình trạng cạn kiệt nguồn nước sinh hoạt. Buộc họ phải khoan giếng mới sâu hơn so với những chiếc giếng cũ để tìm nguồn nước sạch. Đến thời điểm hiện tại, tình trạng trên mới cơ bản được khắc phục.

Nhiều người dân thôn Tu Mộc 2 (xã Yên Thọ) cho rằng, trước đây chưa bao giờ xảy ra tình trạng như hiện nay, từ khi có bãi tập kết cát ngay cạnh thôn khiến hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra rầm rộ. Đặc biệt là vào thời điểm ban đêm, cát tặc dùng thuyền lắp hệ thống giảm âm rồi thả những chiếc “vòi bạch tuộc” xuống đua nhau hút cát dẫn đến tình trạng cạn kiệt nguồn tài nguyên nước như hiện nay. Nếu cơ quan chức năng không có biện pháp ngăn chặn thì huệ lụy sẽ ngày một nghiêm trọng.

“Nếu muốn sử dụng nước thì hiện tại chúng tôi phải lọc qua nhiều công đoạn, từ bơm nước lên qua bể cát lắng. Sau đó lại thêm một lần qua máy lọc nước nhỏ thì mới dám sử dụng. Nhưng cũng phải tiết kiệm hết mức, mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, giúp bà con chúng tôi giải quyết khó khăn” - Anh Hồ Xuân Độ, thôn Tu Mộc 2 nói.

Trước thực trạng trên, đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa sớm tìm ra nguyên nhân, để có biện pháp giải quyết triệt để tình trạng trên giúp người dân ổn định đời sống.

Theo Công lý

Bạn đang đọc bài viết Hơn 900 giếng khơi trơ đáy, người dân khốn khổ chờ nước sạch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.

Tin mới