Thứ sáu, 29/03/2024 21:43 (GMT+7)

Hai lần lên đỉnh Phan-Xi -Păng

MTĐT -  Thứ ba, 03/09/2019 11:54 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Lần leo bộ,ngủ rừng; lần ngồi cáp treo lên đỉnh mái nhà Đông Dương.Hai lần lên là hai cảm xúc khác biệt.tôi mô tả lại các cảm xúc đó nhân hành trình tác nghiệp mới đây.

Leo Phan - xi - Păng mùa hoa đỗ quyên

20 năm trước ,việc chinh phục đỉnh núi Phan-xi -Păng chỉ dành cho những ai ưa chinh phục,khám phá và có tinh thần dũng cảm. Trừ những nhà chuyên môn như địa chất,du lịch hay người dân địa phương sống hai bên sườn dẫy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ ,không mấy ai lên được đỉnh núi cao 3.143m này...

Các nhà báo là một trong số ít những người hăng hái trong việc chinh phục Phan-Xi -Păng nhất. Không khẳng định nhưng hình như các phóng viên báo Thanh Niên là những người lên đỉnh và làm phóng sự về chinh phục Phan -Xi -Păng sớm nhất.

Những năm 2000,được sự cổ vũ và giúp đỡ của báo Lào Cai,đặc biệt anh Xương ,Tổng biên tập, anh Triển Phó Tổng biên tập ,chúng tôi tổ chức các đợt chinh phục. Công việc chuẩn bị khá công phu. Báo Thái Nguyên,Bắc Giang,Bắc Ninh bố trí chọn người ,yêu cầu rèn luyện bằng đi bộ,chạy buổi sáng trong 3 tháng. Riêng báo Thái Nguyên ,chúng tôi nhờ Ban bảo vệ sức khỏe tỉnh kiểm tra, sát hạch sức khỏe cho đoàn. Sáng âý,sau khi chạy 3 km,đo huyết áp,nhịp tim ổn mới được cho đi. Vậy mà cũng có vài phóng viên bị loại.

Những công trình mọc lên từng ngày 

Chúng tôi có mặt tại thị trấn Sa Pa chiều hôm trước,nghỉ ngơi ,tranh thủ kiểm tra tổng thể công tác chuẩn bị. Có 3 phương án hành quân. Phương án thư thả là ngủ túi ngủ trên rừng 3 đêm,2 đêm và 1 đêm. Phương án 1 đêm là đi tắt,hiểm trở, tốc độ nhanh. Đoàn có 20 người,chúng tôi thuê 5 trai bản Mông mang túi ngủ,thức ăn ...5h sáng thức giấc,ăn sáng, 6h xe chở 15km lên trạm kiểm lâm Trạm Tôn giáp đèo Ô Quý Hồ, rời xe bắt đầu leo bộ. Đến trưa tới điểm cao 1.800mét. Do đặt trước,chúng tôi có cơm nóng do dân sơn tràng nấu. Chặng này dốc chưa cao,vực chưa sâu,cuối xuân hoa đỗ quyên nở trắng rừng,cảnh đẹp và thơ mộng.

Cung này,Báo Lào Cai nhiều năm tổ chức thi chụp ảnh đẹp về loài hoa đỗ quyên rừng Hoàng Liên. Do không phải chịu áp lực thời gian nên nhẩn nha tìm hiểu chim muông ,cây thuốc,hoa thơm cỏ lạ chỉ có ở nơi này. Lần thi năm 2005,nhà báo Hoàng Thế Sinh ,Phó Tổng biên tập báo Yên Bái đã viết được bài bút ký cực hay đăng Tuần báo Văn Nghệ...Chúng tôi tham gia một đôi lần, tôi và một số anh em cũng chỉ lên đến bình độ 1.800 m này rồi quay lại Trạm Tôn,về lại Sa Pa .

Chuyến chinh phục ngày 27,28 tháng tư năm 2011, đoàn chúng tôi sau khi ăn cơm ở điểm cao 1.800 m 30 phút,lại tức tốc lên đường để lên điểm cao 2.800 trước khi đêm xuống.Chỉ 1000 mét nhưng đây là chặng đường vô cùng gian khổ: Vách đá cheo leo,nhiều đoạn phải bò tiến,bò lùi . Chiều xuống nhanh,sương mù sà xuống mặt, đường mòn trơn trượt , người leo kiệt sức. Đi tuyến 1 đêm này có đoạn phải bò lùi bên vực thẳm nên đã từng có du khách trượt chân rơi xuống vực.Điểm cao 2.800 là một rừng nứa thoai thoải .mặt đất nhão nhoét, lầy lội. Chúng tôi chui cả vào một chiếc lều bạt do công ty du lịch dựng tạm. Mỗi người một chiếc bánh mì và chai nước,mệt mỏi,dựa lưng nhau qua đêm cho đỡ rét . Đêm xuống,từng trận gió đỉnh núi cao thổi rát rạt, nhiệt độ xuống âm 1 độ...

Thương nhau, chúng tôi mời cả người nước ngoài,phượt thủ lẻ vào lều, nếu không họ chết cóng mất.Đêm dài rồi cũng qua.Đánh răng rửa mặt tại khe nước buốt giá, húp bát mì tôm mà nước sôi chỉ 70 độ nên nhai cứ sồn sột. Lại phải tức tốc leo ngay. Hơn 340 mét còn lại thử thách con người ghê gớm. Đỉnh núi cây cối thưa thớt ,chủ yếu cỏ tranh,gió lạnh cuồn cuộn. Lên đỉnh,tất cả chỉ dừng lại dăm bẩy phút chụp ảnh,gắn lô gô cơ quan vào một phiến đá rồi hò nhau xuống núi gấp. Việc chinh phục mái nhà Đông Dương như vậy là thành công .Độ 20 h thì trở lại đến Trạm Tôn.

Sa Pa vào mùa lúa chín, ảnh chụp từ cáp treo

Đường xuống gối mỏi,chân chồn, mấy người mệt lả, mấy cửu vạn người Mông phải dìu,phải cõng. Không khí của đoàn là hân hoan với việc vừa làm và tự hào một lần trong đời vượt qua thư thách lớn. Bao nhiêu băn khoăn,nghi ngại về khả năng của từng người về sức khỏe ,độ dẻo dai,về bệnh tật đều có thể giải thích được. Những bức ảnh được phóng to với dòng chữ đầy tự hào " Chinh phục Phan-Xi- Păng" trở thành kỷ niệm đáng nhớ của mỗi người...

Ngồi cáp treo, chỉ nên dùng từ du ngoạn

Sa Pa đã và đang thay đổi chóng mặt,đặc biệt tốc độ xây dựng đô thị. Từ trên cao nhìn xuống, không còn thấy những vạt rừng xanh ngăn ngắt,những ngọn cây sa mộc, sa mu như những ngọn tháp đậm nét của rừng ôn đới cũng mất dần.Mầu chủ đạo của Sa Pa bây giờ là trắng,xám ,mầu tro lạnh của những tòa nhà,công trình... Nội thị Sa Pa trật trội,ngột ngạt và chưa một ngày không có đào bới,san lấp,minh chứng cho sự chắp vá vá,thiếu quy hoạch,thiếu một phông văn hóa bản địa cần thiết và tối thiểu. Những trai gái ,những thiếu nhi người Mông địa phương bán đồ Su vơ nia là vòng bạc hay thổ cẩm do chính họ làm ra,nói tiếng Anh như gió -hướng dẫn viên du lịch nghiệp dư nhưng đã góp cho nơi này có nét riêng ...thấy vắng bóng.

Ga cáp treo cách trung tâm Sa Pa độ 8 cây số. Rất hoành tráng.Những người xây dựng nó đã tạo ra những cung bậc,lối dẫn để đến cửa lên xuống phức tạp như để nói rằng xứng đáng với đồng tiền,bát gạo Nhưng lại tạo cảm giác ta đang ở đô thị Âu châu nào đó. Dù ít cũng không thấy sắc thái vùng miền ở đó. Giá lên đỉnh ngót 1 triệu (cáp treo và tầu điện),lạnh lùng,vô cảm với người già, trẻ nhỏ. 35 người 1 ca bin,mất vài chục phút ,một đoạn đi bộ, ngồi một đoạn ngắn tầu điện,bước thêm đôi chục bậc,thế là lên đỉnh... Chụp hình nơi biểu tượng chủ quyền,xong đi về. Nhàn nhã,chóng vánh,tiện ích và hiện đại...nhưng không nhiều cảm xúc.

3 đường mòn đi bộ lên Phan-Xi -Păng xưa chắc bây giờ rừng đã xóa dấu vết. Chắc có còn cũng không nhiều người leo bộ. Khám phá về sự hùng vĩ,sự hiểm trở,sự đa dạng đến kinh ngạc của hệ sinh thái rừng nguyên sinh Hoàng Liên cũng không còn trong du khách...

Chúng tôi cho rằng những người quản lý Sa Pa,Lào Cai cần khôi phục lại những gì đã mai một của Sa Pa như đã nói ở trên.

Đi tìm một nốt trầm như bài bút ký nổi tiếng "Lặng lẽ Sa Pa" của nhà văn Nguyễn Thành Long xưa mà với ngày nay thật khó./.

Bạn đang đọc bài viết Hai lần lên đỉnh Phan-Xi -Păng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Phan Hữu Minh

Cùng chuyên mục

Tin mới