Thứ ba, 23/04/2024 18:14 (GMT+7)

Độc đáo chợ tem cổ lâu năm ở Hà Nội

Phan Kiều -  Thứ năm, 28/02/2019 14:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chỉ họp cố định vào mỗi sáng chủ nhật tại địa chỉ 160 Triệu Việt Vương (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhưng bất kể mưa gió hay bão giông, những con người đã trót “nặng tình nặng nghĩa” với tem bưu chính.

Gọi là chợ nhưng chỉ bó hẹp trong không gian vài mét vuông với một chiếc bàn đơn và dăm ba chiếc ghế, nhưng đây lại là nơi những người chơi tem đến để trao đổi, trò chuyện về tem, với ước mong có thêm những con tem độc đáo vào bộ sưu tập của mình.

Theo hoạ sĩ, nhà sưu tập tem Phạm Hào, người sáng lập chợ tem thì chợ được hình thành từ năm 2002, đến nay vừa tròn 17 năm.

Là hội viên trong Hội tem Hà Nội nhưng ông nhận thấy việc trò chuyện, trao đổi về tem của mọi người còn chưa thuận tiện. Được sự ủng hộ của nhiều người, ông đã quyết định biến không gian nhỏ trước quán cà phê của gia đình thành nơi để mọi người có thể thoải mái đến trò chuyện, tán gẫu và trao đổi tem.

Hoạ sĩ, nhà sưu tập tem Phạm Hào (bên phải) là người sáng lập ra chợ tem.

Lâu dần, mọi người biết và đến ngày một đông hơn, thậm chí cả những người chơi tem ở nhiều vùng miền cũng như du khách nước ngoài hay những người muốn tìm hiểu về tem đều tìm đến. Cái tên chợ tem cũng từ đó mà hình thành.

Chợ tem họp cố định vào sáng chủ nhật hàng tuần, lâu nhất cũng chỉ kéo dài đến đầu giờ chiều. Theo thông lệ đó, cho dù mưa bão, mọi người vẫn cố gắng tề tựu đông đủ. Ông Hào bông đùa: “Hoạ chăng trừ ngày mùng 1 Tết người ta mới không đến”.

Người chơi tem sẽ chia tem thành hai loại là “tem sống” và “tem chết”. “Tem sống” thường sẽ có giá trị cao hơn “tem chết”.

“Tem chết” là tem đã được sử dụng để dán lên bì thư hay có dấu mắt bò (loại dấu đóng hình tròn có in ngày tháng của bưu điện). Còn “tem sống” thì ngược lại, nghĩa là còn nguyên vẹn hình dáng tem bưu chính và chưa được sử dụng.

Mặt hàng đặc biệt được xem là “sự sáng tạo trên 4 cm²” lại mang những giá trị, ý nghĩa khác nhau với mỗi người chơi tem. Khi được đem ra trao đổi, giá trị của nó được định đoạt dựa trên sự đặc biệt và tiêu chí thuận mua vừa bán.

Người chơi tem đến chợ để trao đổi, tìm kiếm những con tem phù hợp cho bộ sưu tập của mình.

Trong làng chơi tem, một con tem có giá trị cao là những con tem vô cùng đặc biệt, khan hiếm và định giá của nó dựa trên sự đặc biệt đó. “Một con tem lỗi trong hàng nghìn con tem được in ấn vào một thời điểm nhất định chính là giá trị đặc biệt của nó, có những con tem có giá đến cả vài triệu đồng”, chú Hào chia sẻ.

Người chơi thường sưu tập tem theo bộ hoặc theo các chủ đề yêu thích. Những bộ tem hoặc chủ đề nào càng phổ biến thì những con tem đó càng quý hiếm và có giá trị cao.

Bác Nguyễn Tiến Đạt, 69 tuổi, cũng được mọi người coi là “cây đa cây đề” trong làng chơi tem cho rằng, tem có thể được xem là một hình thức truyền thông đặc biệt, “truyền thông giá rẻ” nhưng lại thực sự có hiệu quả cao trong việc quảng bá hình ảnh của đất nước đến với bạn bè quốc tế.

Với bác, khi nhìn vào một con tem, người ta có thể thấy được nét văn hoá, chính trị, các ngành nghề sản xuất của một đất nước, một vùng miền nào đó, đặc biệt là những con tem thể hiện các dấu mốc lịch sử trọng đại hay hình ảnh các anh hùng dân tộc.

Theo bác, với điều kiện thời tiết nóng ẩm như Việt Nam, nếu không được bảo quản cẩn thận, tem sẽ rất dễ bị mốc hoặc mối mọt do vi khuẩn xâm nhập. Vì vậy, người chơi tem hoặc phải mua máy móc bảo quản, hoặc phải đổi album lưu giữ tem thường xuyên. Điều đó đòi hỏi người chơi tem phải kiên trì, tỉ mỉ, và nó không dành cho những người “cả thèm chóng chán”.

Hình ảnh tem "chết" (có dấu của bưu cục) mang biểu tượng về môi trường trên một tấm bì thư.

Dẫu chỉ có tuổi thọ ngắn ngủi song những con tem dù còn “sống” hay đã “chết” vẫn hiên ngang thách thức thời gian. Nó là tấm danh thiếp đặc biệt của quốc gia, là biểu tượng cho cả một chặng đường phát triển của lịch sử dân tộc.

Những con tem được ví như những mảnh ghép lịch sử, văn hoá trên 4 cm² giấy đó đang được chú Hào, bác Đạt và nhiều người sưu tập tem khác âm thầm thu lượm từng ngày. Và chợ tem sẽ mãi là nơi họ gửi gắm khao khát bổ sung những mảnh ghép ấy vào bộ sưu tập của mình, cũng là để hoàn thiện bức tranh lịch sử về quốc gia dân tộc.

Bạn đang đọc bài viết Độc đáo chợ tem cổ lâu năm ở Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới