Thứ bảy, 20/04/2024 00:09 (GMT+7)

Đe, búa và cái nóng nghìn độ C trong làng rèn Đa Sỹ

Phan Kiều -  Thứ sáu, 26/04/2019 13:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Lò rèn làng Đa Sỹ (Kiến Hưng, Hà Đông) chưa bao giờ nguôi đỏ lửa và hết tiếng đe tiếng búa. Những ngày nóng như đổ lửa cũng là lúc làng rèn bước vào vụ “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”.

“Hôm nay nhiệt lên 39 độ đấy, liệu liệu mà làm kẻo ốm lại khổ”, tiếng bà Nhân nói với theo con trai khi thấy anh Đảng – con trai bà khệ nệ bê thúng thành phẩm tới cạnh máy sạt lưỡi dao.

Thường ngày, bà vẫn ngồi bên con trai và con dâu để vừa trông vừa coi cho đỡ nhớ nghề, nhưng mấy hôm nay bà chỉ ở trong nhà, thỉnh thoảng lại ngó qua khung cửa sổ xem các con làm việc.

Vì sợ bệnh cao huyết áp của bà tái phát nên anh Đảng không dám để mẹ ra ngoài. “Thanh niên còn không chịu được thời tiết này thì các cụ chống sao nổi”, anh vừa lau mồ hôi vừa đưa lưỡi dao vào máy.

Người thợ làng Đa Sỹ vẫn miệt mài làm việc dưới thời tiết nóng bức.

Bên lò lửa nóng rực lên đến cả nghìn độ C, cô Bạch và chồng đang phôi dao. Mồ hôi thấm ướt cả vạt áo nhưng tiếng đe búa của vợ chồng cô vẫn vang lên đều đều. Một tay chú Bân - chồng cô vẫn thoăn thoắt đưa phôi dao vào lò, tay còn lại cầm búa đe nhịp nhàng với vợ.

“Vất vả lắm, nhà có bao nhiêu quạt máy là lôi ra phục vụ công việc hết, nhưng cũng chẳng thấm vào đâu. Quạt đấy mà mồ hôi vẫn như tắm”, cô Bạch vừa nói vừa đưa tay quệt mồ hôi trên trán.

Nói đến làng rèn dao kéo Đa Sỹ (phường Kiến Hưng, Hà Đông), người ta nhớ ngay đến những con dao dùng ngót nghét mấy năm chưa hỏng. Người ta nể những con dao ấy một thì nể người thợ làm ­ra con dao ấy mười phần.

Năm nay, Hà Nội được dự báo đạt đến cái nóng “kỉ lục”, nền nhiệt đã tăng cao ngay khi chạm ngưỡng mùa hạ. Cái nghiệp rèn của người thợ làng Đa Sỹ vốn đã vất vả thì nay cũng theo đó mà bị “vạ lây”.

Thợ gọt cánh phải có kỹ thuật gọt khéo và đều thì dao Đa Sỹ mới sắc

Dưới cái nắng như đổ lửa, họ vẫn cặm cụi dập khuôn, phôi thép, quai búa một cách cẩn trọng, kì công trong “suốt tám giờ chân than mặt bụi”. Bây giờ ngoài nhiệt lửa, họ phải gồng gánh thêm cả nhiệt trời. Nhưng trong cuộc đấu tranh ấy, sự thách thức của nhiệt chẳng thể khiến cái tâm của người thợ lung lay, họ đã đáp trả lại bằng sự nhộn nhịp của tiếng đe, tiếng búa.

Khi anh Đảng còn chưa cầm chắc búa đe, khi bà Nhân còn phụ chồng rèn dao, khi chưa có máy sạt lưỡi dao, búa máy như bây giờ thì tất cả công việc đều phụ thuộc vào sức lao động của con người. Nhưng dẫu xưa hay nay, sự vất vả của người thợ cũng chẳng thuyên giảm, có chăng chỉ là sự khác biệt về số lượng thành phẩm làm ra mỗi ngày.

Người thợ rèn làng Đa Sỹ đang khắc dấu lên từng sản phẩm.

“Cái khổ thì thời nào cũng có, xưa thì làm được dăm ba chục cái một ngày là nhiều lắm rồi, bây giờ thì lên cả trăm chiếc. Có máy móc thì cũng bớt phải bỏ nhiều sức, chứ chả bớt khổ là bao”, bà Nhân lắc đầu giải thích.

Cho dù thời tiết khắc nghiệt đến đâu thì lò rèn làng Đa Sỹ vẫn đỏ lửa. Đó là minh chứng cho sự kiên định với nghề của những người thợ rèn làng Đa Sỹ, dù phải đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt.

Mệt mỏi, nhọc nhằn là vậy nhưng khi hỏi về chuyện bỏ nghề, họ đều kiên quyết: “Đời con, đời cháu mình thì chưa biết sao, nhưng đời mình gắn liền với nghề rèn rồi, cái nghề nó ngấm vào tận xương tuỷ thì sao bỏ dễ dàng được”.

Hơn 400 năm giữ lửa nghề cũng là hơn 400 lượt mùa hạ qua đi mà người thợ làng rèn Đa Sỹ đau đáu nỗi niềm: có khổ đến mấy cũng phải giữ nghề. Thế mới biết nghề nằm ở “tâm”, giữ được tâm với nghề thì chẳng sợ nghề “bỏ”.

Bạn đang đọc bài viết Đe, búa và cái nóng nghìn độ C trong làng rèn Đa Sỹ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...