Thứ bảy, 20/04/2024 04:32 (GMT+7)

Đắk Nông: Phát triển cà phê bền vững thân thiện với môi trường

Trần Quỳnh - Tiên Tri -  Thứ sáu, 27/12/2019 16:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Căn cứ vào điều kiện đất đai, khí hậu, đặc điểm sinh thái tự nhiên của cây cà phê và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm, tỉnh Đắk Nông đang định hướng phát triển cà phê bền vững thân thiện với môi trường.

Ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông đang áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh cà phê. Trong đó, tập trung cải tạo vườn cây, đầu tư thâm canh hợp lý và thực hiện các biện pháp sau thu hoạch, bảo đảm thân thiện với môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng giá trị tiêu dùng và xuất khẩu.

Đắk Nông có trên 118.800 ha cà phê, đứng thứ 3 toàn Tây Nguyên, trong đó có phần lớn diện tích vườn cây đã đưa vào kinh doanh với sản lượng đạt từ 220 đến gần 240 ngàn tấn sản phẩm/năm. Hàng năm, xuất khẩu cà phê đạt kim ngạch từ 300 đến trên 400 triệu USD, chiếm 80% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của địa phương. Sản xuất cà phê đóng góp trên 40% GDP của tỉnh; đã tạo công ăn việc làm cho trên 100.000 người trực tiếp sản xuất và trên 5.000 người làm việc có liên quan đến ngành cà phê.

Thời gian qua, tỉnh Đắk Nông phát triển cà phê quá nhanh và không theo quy hoạch. Diện tích cà phê trồng nhiều ở các huyện Đắk Song, Đắk Mil, Tuy Đức, Đắk R’lấp, Krông Nô là những vùng có hiều đất bazan thích hợp với loại cây công nghiệp này. Việc phát triển cây cà phê tự phát và rất nhanh dẫn đến tình trạng rừng bị tàn phá, thảm thực vật bị giảm sút, đất đai bị xói mòn, thiếu nguồn nước tưới, ảnh hưởng môi trường sinh thái, tác động bất lợi đến sự diễn biến thời tiết của toàn vùng. Với điều kiện đất đai và đặc điểm đất đai phù hợp bà con nông dân trong tỉnh sản xuất chủ yếu loại cà phê vối (Rubosta), một số ít hộ dân và doanh nghiệp trồng bằng loại cà phê chè Catimor. Chủ yếu cà phê được trồng bằng hạt, trong đó có trên 80% diện tích trồng lấy hạt giống từ những cây có năng suất cao. Đối với những vườn cà phê vối, sau khi đưa vào kinh doanh, trong vườn cây luôn có 10-20% số cây năng suất rất thấp, chỉ bằng từ 1/5 đến 1/3 năng suất bình quân của cả vườn cây. Do vậy, năng suất chung cả vườn cây thấp, tỉ lệ nhiễm bệnh cao, kích thước quả không đều, vườn cây chín không tập trung, chất lượng sản phẩm không cao, sức cạnh tranh trên thị trường yếu. Hiện nay, ở Đăk Nông có diện tích cà phê già cỗi nhiều và ngày càng gia tăng. Toàn tỉnh có trên 30% diện tích cà phê trồng trên 15 năm, việc cưa đốn tạo chu kỳ 2, thanh lý trồng lại ở những diện tích cũ gặp khó khăn, đặc biệt là bệnh hại rễ cà phê, trong khi đó việc phòng trừ dịch bệnh còn nhiều hạn chế.

Trong toàn tỉnh có 85% diện tích cà phê của dân, các chủ trang trai và 15% diện tích của các công ty, nông trường quốc doanh. Theo số liệu thống kê, phần lớn mỗi hộ dân có từ 0,4 đến vài hecta cà phê và chỉ có một số ít hộ có trên 5 ha cà phê, nhưng số này chỉ chiếm khoảng 5% số hộ sản xuất cà phê của tỉnh.

Nhiều hộ nông dân đã trồng xen cây ăn quả chất lượng cao như Bơ, che bóng trong vườn cà phê, vừa cải tạo sinh thái vừa cho thêm thu nhập.

Căn cứ vào điều kiện đất đai, khí hậu, đặc điểm sinh thái tự nhiên của cây cà phê và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm, tỉnh Đắk Nông đang định hướng phát triển cà phê bền vững thân thiện với môi trường. Đó là việc phát triển cà phê phải đạt năng suất cao, chất lượng tốt, sản xuất nông nghiệp gắn liền với các mặt kinh tế, xã hội, văn hoá, du lịch và bảo vệ môi trường. Trong nhiều năm, tỉnh đã chỉ đạo các doanh nghiệp và hộ nông dân chuyển đổi một số diện tích cà phê trên những vùng đất không phù hợp, thiếu nước tưới sang trồng một số loại cây khác phù hợp để da dạng hoá cây trồng. Hướng về lâu dài, tỉnh duy trì ổn định khoảng 115.000 ha để tập trung thâm canh. Trong đó, chủ yếu quy hoạch đầu tư sản xuất theo hướng sản xuất chuyên canh cà phê có chứng chỉ, có trách nhiệm và thân thiện với môi trường. Ngành nông nghiệp tỉnh đang tập trung cải tạo, trẻ hoá một số vườn cây trong đó đặc biệt chú trọng đến biện pháp cưa đốn cây cà phê kém chất lượng rồi ghép chồi mới bằng các dòng vô tính chọn lọc để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; lồng ghép mô hình sản xuất cà phê bền vững có hiệu quả và thực hiện các chương trình sản xuất cà phê theo chứng chỉ 4C, UTZ...

Hiện nay, nhiều hộ nông dân áp dụng hình thức sản xuất tiến bộ, sử dụng phân vô cơ, hữu cơ vi sinh, hạn chế phân vô cơ và không dùng hoá chất bảo vệ thực vật; đồng thời thực hiện quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trong sản xuất cà phê. Với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, các hộ nông dân, chủ trang trại đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh, thực hiện bón phân cân đối, trồng cây che bóng và đai rừng chắn gió nhằm cải tạo sinh thái. Nhiều hộ nông dân đã trồng xen một số cây che bóng là cây ăn quả chất lượng cao như sầu riêng hạt lép, cây hồ tiêu bám cây che bóng trong vườn cà phê, vừa cải tạo sinh thái vừa cho thêm thu nhập.

Ngành thương mại tỉnh đang tích cực xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm cà phê, tăng cường việc tiếp thị, giới thiệu sản phẩm trên các thị trường quốc tế. Việc áp dụng quản lý chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn ISO 9001-2000, sản xuất hàng hoá theo tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam đã được nhiều doanh nghiệp thực hiện. Các cuộc bình chọn sản phẩm đạt tiêu chuấn "Chất lượng Vàng Việt Nam", "Quả cầu Vàng Việt Nam" đã được tiến hành hàng năm, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Hiện nay, ngành cà phê Đắk Nông đang xây dựng chính sách hỗ trợ khuyến khích tổ chức các hộ nông dân nhỏ lẻ tập hợp thành nhóm sản xuất, câu lạc bộ, hợp tác xã để thực hiện liên kết “bốn nhà”, tập trung đầu tư kỹ thuật, sản xuất có chứng chỉ, có trách nhiệm, có thương hiệu với chất lượng bảo đảm đáp ứng cho tiêu dùng và xuất khẩu.

Bạn đang đọc bài viết Đắk Nông: Phát triển cà phê bền vững thân thiện với môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...