Thứ bảy, 20/04/2024 04:29 (GMT+7)

Chuyện tử tế:​ Người nhặt rác không công

MTĐT -  Thứ hai, 05/08/2019 10:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều năm qua, ông Nguyễn Thương ở khối phố Phước Trạch, P.Cửa Đại (TP.Hội An, Quảng Nam) bỏ công đi nhặt rác, góp phần làm sạch môi trường.

Ông Thương kể, khi đang còn “khỏe như voi” với cái nghề đầu bếp tại một khách sạn ở Hội An, một hôm bất ngờ ngã bệnh do tai biến tưởng chừng không thể qua nổi. Thế rồi, như có phép màu, sau 1 năm chống chọi, bệnh tình thuyên giảm. Từ một người khỏe mạnh, là trụ cột gia đình, thế mà giờ phải nằm nhà khiến ông cứ thấp thỏm, chân tay ngứa ngáy khó chịu. Nghĩ vậy, ông cố gượng dậy, tập luyện đi tới đi lui.

“Thấy tôi khỏe ra, gia đình ai cũng mừng. Còn tôi, lúc ấy cứ muốn vượt ra khỏi cổng nhà, muốn đi xa hơn”, ông hồi tưởng.

Vậy là cứ vào tầm 2 - 3 giờ sáng, ông trốn vợ con, dậy đi tới đi lui ngoài đường chủ yếu tập thể dục cho khỏe. Người khỏe rồi, ông lại nghĩ phải "làm cái gì đó" khi thấy trước ngõ, trên đường và xung quanh khu phố mình ở sao nhiều rác quá... “Vậy là tôi sắm chiếc xe đạp, cột thêm 2 cái bao, đạp tà tà đi... nhặt rác. Nhặt đầy thì chở về đổ đúng nơi rác thải để bên công ty môi trường chở đi”, ông Thương nói.

Trong số rác thải bị vứt bừa bãi ven đường, có cả chai nhựa, lon bia...; ông gom lại, để dành rồi bán, cũng gọi là "có thu nhập”!

Ông Nguyễn Thương chuẩn bị chiếc xe đẩy đi nhặt rác. Ảnh: H.T.

Từ chối nhận tiền hỗ trợ

“Hồi đó, bà con trong khu phố thấy tôi sáng sáng dắt xe đi nhặt rác ai cũng kêu tôi bị điên nặng rồi. Thực ra bà con thấy mình đau ốm vừa tỉnh dậy, họ thương mình nên mới nghĩ vậy. Chứ họ không nghĩ rằng tôi muốn góp một tay để làm cho phố xá sạch hơn”, ông Thương tâm sự.

Khu vực P.Cửa Đại là nơi có nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khách Tây khách Việt tới lui đông đúc... nên ông nghĩ môi trường sạch đẹp hết sức cần, để giữ chân du khách. “Mình không làm được việc gì lớn cho quê hương, thì cũng góp chút ít công sức gọi là”, ông nói ngắn gọn.

Dần dà khi thấy số lượng rác người dân vứt ra đường nhiều hơn, người đàn ông 59 tuổi Nguyễn Thương gom góp ít tiền rồi gọi con rể đóng giúp chiếc xe đẩy, bên trong để 2 cái thùng, thủ sẵn một số bao tải và mở rộng địa bàn lượm rác "không công". Thấy ông làm việc “bao đồng”, lãnh đạo UBND P.Cửa Đại gặp gỡ “đánh tiếng” để giúp ông một khoản kinh phí nho nhỏ, nhưng ông từ chối. “Tôi nói với mấy anh ở phường là việc tôi làm cũng bình thường, không có gì to tát. Mấy anh nên để dành kinh phí này giúp người khác vất vả hơn”, ông Thương nói.

UBND P.Cửa Đại lắp camera giám sát hành vi vi phạm môi trường. Ảnh: K.T.

Ông Nguyễn Thường, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh P.Cửa Đại, cho hay việc làm của ông Thương đã được bà con khen ngợi, là nghĩa cử cao đẹp để mọi người noi theo. Ông Lê Công Sỹ, Chủ tịch UBND P.Cửa Đại, cũng khẳng định những gì ông Thương đã và đang làm giúp cho phố phường thêm sạch sẽ, qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường sống xanh, sạch đẹp.

Lắp camera giám sát hành vi xả rác

Ngày 31/7, UBND P.Cửa Đại (TP.Hội An) cho biết đã tiến hành lắp đặt 8 camera giám sát hành vi xả rác không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường tại khu vực xung quanh bờ kè Cửa Đại. Đây là phường đầu tiên ở TP.Hội An lắp camera giám sát và xử phạt hành vi xả rác.

Ông Lê Công Sỹ, Chủ tịch UBND P.Cửa Đại, cho biết việc đưa vào vận hành, giám sát các hành vi vi phạm liên quan đến môi trường bằng camera góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân. “UBND P.Cửa Đại sẽ xử phạt những trường hợp vi phạm, nặng nhất từ 5 - 7 triệu đồng”, ông Sỹ nói.

Theo Thanh Niên

Bạn đang đọc bài viết Chuyện tử tế:​ Người nhặt rác không công. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...