Thứ năm, 25/04/2024 16:08 (GMT+7)

Chủ tịch Hà Nội: Sẽ xử phạt người ra đường không có lý do chính đáng

MTĐT -  Thứ sáu, 03/04/2020 21:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu các phường xã, quận huyện từ ngày mai (4/4) tăng cường kiểm tra xử phạt những trường hợp không thuộc diện được đi ra ngoài đường.

Theo TTO đưa tin, chiều 3/4, chủ trì họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, nhấn mạnh đây là giai đoạn rất quan trọng với thành phố, nếu qua được 15 ngày tới, những nguy cơ lây nhiễm sẽ giảm đi rất nhiều.

"Nếu người dân vẫn tiếp tục ra đường, chỉ 10% dân số không thực hiện cũng có thể đổ bể kế hoạch cách ly, giãn cách xã hội. Quan trọng nhất hiện nay phải ở trong nhà, nếu không có việc cần thiết thì không ra đường" - ông Chung nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại phiên họp chiều 3/4

Chủ tịch thành phố đặc biệt lưu ý đến trường hợp là người già, càng phải cố gắng không ra đường, tuyệt đối không ra đường trong hai tuần tới.

"Ngay ngày mai (4/4), các đơn vị quận, huyện, phường xã tổ chức lực lượng đi kiểm tra, xử phạt tất cả những người đi ra ngoài đường mà không đúng các nội dung được cho phép, không đúng các trường hợp cần thiết được ra khỏi nhà, phải phạt tất cả những trường hợp này" - ông Chung quán triệt.

Những trường hợp được ra ngoài đường thực hiện theo chỉ thị của Thủ tướng, đó là những trường hợp cần thiết như đi mua lương thực, thực phẩm, thuốc men…

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng chỉ đạo đóng tất cả các công viên trên địa bàn thành phố, yêu cầu người dân không đến công viên tập thể dục, mà chỉ tập luyện ở nhà.

"Nếu qua được ngày 15/4, trước mắt là ngày 9/4, khi đó nếu giảm số ca mắc mới có thể tạm yên tâm; nếu không, để bùng phát sẽ rất phức tạp. Chính vì vậy, công tác cách ly tại nhà, hạn chế ra ngoài đường là rất quan trọng với thành phố" - ông Chung nói.

"Trong những ngày qua, đại bộ phận người dân chấp hành tốt, nhưng vẫn còn một bộ phận vẫn ra công viên, vẫn ra ngoài đường khi không cần thiết.

Tôi đề nghị mọi người ở nhà tối đa, ngay mai thứ bảy và chủ nhật cũng không ra đường, trừ trường hợp cần thiết đi mua sắm lương thực, thực phẩm, thuốc men.

Mọi người dân phải hạn chế tới mức tối đa ra ngoài đường, nếu thành phố yên lặng một tuần nữa mới hi vọng không phải dùng đến Bệnh viện dã chiến Mê Linh, nếu không sẽ rất khó khăn" - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung kêu gọi.

Phát hiện công dân Thụy Điển dương tính với nCoV khi bị tai nạn, đi cấp cứu

Cũng tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu báo cáo kỹ về con số 3.082 người nhập cảnh trước 0h ngày 14/3, trước 0h ngày 18/3 và trước 0h ngày 21/3.

Việc không rà soát kỹ rất nguy hiểm và Chủ tịch UBND dẫn chứng: “Vừa mới có trường hợp 1 người nước ngoài, trú tại một khách sạn ở Lâm Du, Bồ Đề, quận Long Biên, từ 22/3. Sau đó, người này đi ra đường và bị ngã. Xe cấp cứu đưa vào viện huyết học, xét nghiệm dương tính với Covid 19”.

Báo cáo Chủ tịch UBND TP về trường hợp này, quận Long Biên cho biết, đây là người có quốc tịch Thụy Điển, sinh năm 1956; nhập cảnh từ 1912/2019, nằm ngoài đối tượng theo dõi lấy mẫu.

Khi nhập cảnh, trường hợp này ở 90 An Dương Vương, Phú Thượng, Tây Hồ; sau đó có đi một số địa điểm và đến 22/3 thuê ở tại Sao Hotel; trả phòng vào ngày 30/3.

Ngày 26/3, người này có bị tai nạn và được cấp cứu 115 đưa vào bệnh viện Việt Pháp, chữa trị tại đây, sau đó có quay về khách sạn.

Ngày 31/3, người này có hiện tượng chảy máu mũi và khách sạn có đưa vào bệnh viện Đức Giang; ngày 1/4, được đưa sang bệnh viện huyết học và được xét nghiệm dương tính với Covid -19.

Chủ tịch UBND TP thông tin thêm, trường hợp này nhập cảnh vào Việt Nam ngày 19/12/2019 qua cửa khẩu Mộc Bài và đã đi rất nhiều nơi trước khi về Hà Nội ngày 123/2020 và nhấn mạnh: “Trường hợp này vẫn nằm trong diện phải rà soát. Nhưng cách mà chúng ta rà soát lại chỉ nhìn vào thời điểm nhập cảnh mà không chú ý thời gian quay lại”.

Từ trường hợp này, Chủ tịch UBND TP nêu 2 giả thiết: Thứ nhất, trường hợp này ủ bệnh từ trước; khi về Hà Nội từ ngày 12/3 đến khi phát bệnh là 20 ngày.

Chủ tịch UBND TP đặc biệt nhấn mạnh về giả thiết thứ hai: “Trường hợp này về Hà Nội đi lại rồi bị lây nhiễm Covid -19 trên địa bàn thành phố, như vậy là rất nguy hiểm. Nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng là rất lớn. Các điểm đi, đến và người tiếp xúc với người này ở quận Tây Hồ, Long Biên, cấp cứu 115, Bệnh viện Đức Giang, Viện Huyết học… đều phải cách ly”.

Chủ tịch UBND TP nhận định, thời gian tới, sẽ có thể có thêm nhiều ca nhiễm mới. Bởi thế giới đã tổng kết 65% các ca dương tính với Covid -19 đều không có biểu hiện bên ngoài.

Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh: “Các đồng chí phải lưu ý tất cả các trường hợp có yếu tố người nước ngoài; đi từ vùng dịch về; có yếu tố Bạch Mai; ho sốt… thì tất cả các cơ sở khám chữa bệnh phải đặc biệt lưu ý, phải cách ly lấy mẫu xét nghiệm ngay lập tức. Bài học ở bệnh viện Hồng Ngọc còn nguyên giá trị".

Những trường hợp thực sự cần thiết ra ngoài theo Chỉ thị 16

Ngày 3/4, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chỉnh phủ về phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu:

1. Thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội theo đúng yêu cầu của Chỉ thị số 16/CT-TTg, bảo đảm giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng. Nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết:

a) Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác;

b) Các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn,…

c) Làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở nêu tại mục 2 văn bản này.

Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá 2 người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m.

2. Nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu,…); cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ... được tiếp tục hoạt động. Người đứng đầu các cơ sở nêu trên chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch, trong đó có các biện pháp:

a) Thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư phòng, chống dịch theo quy định, khuyến cáo của cơ quan y tế;

b) Yêu cầu người lao động khai báo y tế, tuân thủ các biện pháp hạn chế di chuyển, tiếp xúc, giao tiếp;

c) Tạm dừng các hoạt động không cấp bách, giảm mức độ tập trung người lao động;

d) Tổ chức, quản lý chặt chẽ việc đưa đón người lao động (nếu có) đến nơi làm việc bảo đảm ngăn ngừa rủi ro lây nhiễm dịch bệnh.

Trường hợp không bảo đảm các yêu cầu nêu trên thì phải dừng hoạt động. Cơ quan y tế địa phương hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc phòng, chống dịch tại các cơ sở nêu trên.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định và công bố công khai loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình phải tạm đình chỉ hoạt động.

Bạn đang đọc bài viết Chủ tịch Hà Nội: Sẽ xử phạt người ra đường không có lý do chính đáng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng

Tin mới

Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.