Thứ sáu, 29/03/2024 12:54 (GMT+7)

Bắc Ninh: Những bí mật chưa biết tại 'thủ phủ' sản xuất khẩu trang

Thùy Dung - Trung Hiếu -  Thứ sáu, 28/02/2020 08:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngừng sản xuất do thiếu nguyên liệu, nhưng vẫn thải ra ngoài môi trường hàng nghìn chiếc khẩu trang lỗi mỗi ngày. Những miếng vải trắng, mút xốp mỏng bỗng dưng được “phù phép” hóa khẩu trang.

Vào thủ phủ khẩu trang

Xã Xuân Lai (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) được biết đến là thủ phủ sản xuất khẩu trang lớn ở miền Bắc. Thời điểm dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Covid -19 đang hoành hành, nhu cầu khẩu trang của người dân rất cao nhưng rất khó khăn trong việc thu mua, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có mặt tại xã Xuân Lai và ghi nhận hoạt động sản xuất tại đây.

Theo quan sát của PV, được mệnh danh là "thủ phủ" thì những tưởng địa điểm sản xuất sẽ được xây dựng quy mô hoành tráng nhưng ở đây lại trái ngược hoàn toàn. Hình ảnh mà PV ghi nhận được chỉ là những chiếc máy may nhỏ lẻ nằm ở các nhà dân, trên nền nhà bày la liệt vải trắng, mút, xốp...

Trao đổi với PV, một người dân nhận may khẩu trang từ nhà xưởng cho biết: “Ở đây phần lớn các nhà xưởng làm khẩu trang vải đều không trực tiếp làm tại xưởng mà đều làm như vậy (người dân nhận về may – PV)”.

Trước nhu cầu gia tăng của thị trường, không chỉ khẩu trang y tế, mà giờ đây khẩu trang vải cũng đang dần trở thành khan hiếm. Trao đổi với PV, một người dân tiếp tục chia sẻ: “Khẩu trang này đa số các công ty đặt trước, bây giờ người ta cần số lượng lớn, vậy nên khẩu trang này cũng đang hiếm. Như trước đây mỗi cái khẩu trang tôi chỉ nhận được mấy trăm đồng thôi, nhưng giờ công tăng lên gấp 5 lần 1 cái được hơn 1.000 đồng.”

Khẩu trang được người dân nhận về tự làm tại nhà. Vải và mút xốp cắt vứt la liệt dưới sàn nhà không đảm bảo yêu cầu.

Khi PV đề cập đến nguyên liệu sản xuất liệu có được đảm bảo hay không, người dân cho biết thêm: “Đây, vải vẫn trắng, còn mút xốp để cắt ra thì trông nó vàng như vậy thôi. Mút xốp ở trong, còn vải bọc ra ngoài, dày dặn như vậy, có gì đâu mà không đảm bảo”.

Để rõ hơn về quy trình sản xuất những chiếc khẩu trang vải này, PV đã tiếp cận một xưởng sản xuất ngay gần đó. Tuy nhiên, khi PV chỉ nhắc đến 2 từ “khẩu trang” chủ cơ sở đã nhanh chóng xua đuổi và kéo cửa lại, kèm theo lời nói: “Ở đây không có khẩu trang gì cả”.

Chủ xưởng khẳng định không có khẩu trang, thế nhưng những gì PV ghi nhận được tại xưởng có rất nhiều cuộn mút xốp to, những bao vải màu, vải trắng chất thành từng đống.

Bí mật sản xuất?

Theo quan sát và ghi nhận của PV, các xưởng sản xuất khẩu trang tại Xuân Lai vẫn hoạt động bình thường với tiếng máy chạy liên tục, nhưng tất cả cửa cổng của các khu sản xuất đều đóng kín. PV mạnh dạn tiếp cận một địa điểm sản xuất để tìm hiểu thì bất ngờ có người ngăn lại. Người này cho biết: “Xưởng không còn làm nữa do không có nguyên liệu sản xuất".

Những người đến mua khẩu trang đều phải là khách quen.

Sau một hồi trò chuyện, biết  nhóm PV là khách đến thu mua khẩu trang số lượng lớn, người đàn bà kia mới hiện nguyên hình là một "cò" bán khẩu trang. Người này đã cập nhật đầy đủ thông tin, giá cả của mỗi thùng khẩu trang y tế. Được biết, giá khẩu trang y tế tăng giảm theo giờ, theo từng ngày. Đỉnh điểm mỗi thùng khẩu trang y tế 50 hộp có những lúc lên tới 25 – 27 triệu đồng.

Cũng từ “cò” này chúng tôi được biết: “Giờ vào làng đợi mấy ngày cũng không có khẩu trang y tế đâu, vì tầm này khách lạ xưởng không bao giờ bán cho. Ngay cả giao hàng cho khách quen, cũng phải có người canh cho, xưởng mới dám mở, giao xong hàng đóng lại ngay, chính quyền làm gắt lắm”.

Sau khi cập nhật xong giá cả, thấy chúng tôi tỏ vẻ lưỡng lự, “cò” tiếp tục nói: “Không mua nhanh thì hết, tôi chỉ gom được 1, 2 thùng thôi. Ngày mai quay lại khéo trả 25 triệu 1 thùng cũng chẳng có mà bán”.

Không chỉ các “cò”, tại các cửa hàng trong làng khẩu trang cũng cập nhật giá cả và hỏi rất rõ “lai lịch” của những khách hàng có ý hỏi mua khẩu trang y tế.

Bà H. chủ một cửa hàng tạp hóa trong làng cho biết: “Muốn mua khẩu trang y tế bây giờ khó lắm. Như nhà em chú tôi mở xưởng, khách quen đến tận nơi, hộ đóng gói đến tận đêm mới lấy được 1 thùng. Còn những khách mua được đều là khách quen và phải đặt hàng từ mấy ngày trước thì may ra mới lấy được”.

Đúng như những gì mà “cò” và người bán tạp hóa chia sẻ. Mặc dù các xưởng đã “cửa đóng then cài” thế nhưng xe tải, xe con vẫn đi lại tấp nập ra vào, thậm chí ở dãy ghế phía sau, Pv còn phát hiện nhiều thùng khẩu trang. Trước những thắc mắc về việc xe cộ vẫn đi lại tấp nập tại đây, người bán tạp hóa lại tiếp tục chia sẻ: “Ôi, khách khứa gì đâu, toàn người buôn khẩu trang thôi. Thậm chí những xe tải kia, đa số cũng toàn chở khẩu trang hết ý chứ...”, bà H. bật mí.

Mặc dù chủ các xưởng tại đây đều khẳng định xưởng đã đóng cửa do không có nguyên liệu để sản xuất khẩu trang y tế. Tuy nhiên, PV lại bắt gặp 1 người đàn ông kéo hàng nghìn chiếc khẩu trang y tế lỗi trên chiếc xe đẩy đem đổ tại bãi đất trống gần chợ Xuân, xã Xuân Lai.

Hàng nghìn chiếc khẩu trang y tế lỗi chưa được gắn quai cài được đổ ngoài môi trường mỗi ngày.

Ngay sau khi đổ, người đàn ông này đã nhanh chóng châm lửa đốt toàn bộ số khẩu trang lỗi trên. Khiến khói đen nghi ngút, mùi ni lông nồng nặc ô nhiễm cả 1 vùng.

Khói bốc đen nghi ngút từ đống khẩu trang y tế lỗi gây ô nhiễm môi trường.

Bằng mắt thường khó có thể xác định được lớp bên trong của khẩu trang được làm bằng vải kháng khuẩn hay giấy bình thường.

Chiếc khẩu trang y tế 4 lớp được làm từ 3 lớp vải mỏng bên ngoài và 1 lớp tựa như giấy ăn.

Để người tiêu dùng có thể sử dụng những chiếc khẩu trang đảm bảo, nhất là trong mùa dịch bệnh, Bộ Công thương đã gửi văn bản liên hệ các nhà sản xuất khẩu trang sử dụng nguyên liệu đảm bảo yêu cầu theo Thông tư 21/2017/TT-BCT. Và cũng chính thời điểm dịch Covid – 19 bùng phát mạnh, những tiểu thương đã đẩy mức giá khẩu trang y tế lên 25 – 27 triệu/1 thùng.

Những tưởng với mức giá cao “ngất trời” thì khách hàng sẽ có được những chiếc khẩu trang y tế đảm bảo. Thế nhưng, với chiếc khẩu trang y tế 4 lớp được làm từ 3 lớp vải mỏng bên ngoài và 1 lớp tựa như giấy ăn có đang sản xuất đúng với quy chuẩn và đảm bảo chất lượng? Chính quyền địa phương có biết đến những hoạt động “ngầm” tại làng khẩu trang này hay không?

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.

Kiểm soát chặt chất lượng

Trong bối cảnh dịch bệnh do virus Covid -19 có diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cùng lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh đi kiểm tra tình hình sản xuất khẩu trang y tế tại một số công ty và công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra tại huyện Gia Bình. Trực tiếp đến thăm, kiểm tra tình hình sản xuất khẩu trang y tế tại đây, ông Phong đề nghị các Công ty huy động lao động, máy móc, phát huy tối đa công suất nhằm cung cấp phục vụ nhu cầu của nhân dân, đảm bảo đúng quy chuẩn và không tăng giá. Sở Y tế, Cục Quản lý thị trường phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan thường xuyên quan tâm và kiểm soát chặt chất lượng cũng như giá bán khẩu trang trên thị trường. 


Bài tiếp: Khan hiếm khẩu trang ở làng sản xuất khẩu trang 

Bạn đang đọc bài viết Bắc Ninh: Những bí mật chưa biết tại 'thủ phủ' sản xuất khẩu trang. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Khúc giao mùa tháng Ba
Mộc miên thắp lửa đỏ trời///Lúa chiêm trong nắng xanh ngời chân mây///Giấc mơ lả cánh cò bay///Cố hương ơi! Những mê say cuối chiều.
Bài thơ: Khúc giao mùa
Mùa như gọi nỗi niềm về gõ cửa///Bất chợt thương, bất chợt nhớ một thời///Khi hoa Xuân dịu sắc trắng chơi vơi///Quyện hương bưởi, hương chanh bay lặng lẽ.
Bài thơ: Gái quê...
Không còn chân lấm tay bùn///Gái quê giờ cũng "ai phôn" cả rồi///Tự phong "Hoa hậu", "Hoa khôi"///Quần đen, nón lá... em tôi chẳng cần

Tin mới