Thứ năm, 25/04/2024 16:59 (GMT+7)

Xử lý tiếng ồn “loa kẹo kéo”: Trách nhiệm thuộc về ai?

MTĐT -  Thứ bảy, 11/07/2020 17:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 11/7, tại kỳ họp lần thứ 20 của HĐND TP.HCM khóa IX, các đại biểu đã chất vấn Giám đốc Sở Văn hóa thể thao Huỳnh Thanh Nhân về vấn đề hát karaoke "loa kẹo kéo" gây ồn ào.

Theo báo Tuổi trẻ, phát biểu tại kỳ họp, đại biểu Tăng Hữu Phong - trưởng Ban Văn hóa xã hội - cho rằng việc hát karaoke bằng loa thùng, loa kéo hiện nay đang trở thành vấn nạn, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, cuộc sống người dân. Ông Phong đề nghị Sở Văn hóa thể thao TP cần có hướng khắc phục triệt để vấn nạn này.

Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Huỳnh Thanh Nhân. Ảnh: SGGP.

Ông Huỳnh Thanh Nhân - Giám đốc Sở Văn hóa thể thao cho biết, thời gian qua sở đã thành lập các đoàn thanh tra kết hợp với các quận huyện kiểm tra tiếng ồn, kiến nghị đến các đơn vị để xử lý vi phạm tiếng ồn.

Tuy nhiên, ông Nhân cho biết Sở Văn hóa thể thao không có chức năng đo tiếng ồn; việc xử phạt tiếng ồn theo quy định là trách nhiệm của Sở Tài nguyên - Môi trường, Công an TP và trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Bà Nguyễn Thị Lệ - chủ tịch HĐND TP.HCM - cho rằng hiện nay các cơ quan xử lý vấn đề tiếng ồn chưa thống nhất, chưa có sự liên kết. Bà Lệ yêu cầu các sở, ngành làm rõ trách nhiệm về việc xử lý vi phạm tiếng ồn; cần đưa hành vi này vào bộ quy tắc ứng xử cộng đồng để nhắc nhở, xử lý cũng như nâng cao việc liên kết của các đơn vị để xử lý triệt để.

Liên quan đến vấn đề này, theo báo Tiền phong, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết, cơ quan chức năng đã thực hiện kiểm soát tiếng ồn từ 22h đêm đến 6h sáng ở các khu dân cư. Trong 6 tháng đầu năm đã xử lý được 46 trường hợp với mức xử phạt từ 100-300 nghìn đồng.

“Mức xử phạt này có thấp nhưng đây cũng là một giải pháp để chúng ta chấn chỉnh ngay ban đầu trong việc gây tiếng ồn trong khu dân cư”, ông Nguyễn Toàn Thắng nói và cho biết thêm, đối với các nguồn gây ra tiếng ồn lớn, Chính phủ có nghị định 155 quy định ngành Tài nguyên và Môi trường cùng với các cơ quan có thẩm quyền đo tiếng ồn để xử lý.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng trả lơi chất vấn. Ảnh: SGGP.

Phát biểu thêm, bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Uỷ ban MTTQ nêu: “Tại các cuộc họp tổ dân phố, khu phố, người dân thường xuyên phản ánh việc hàng quán, tiệc tùng mở karaoke làm phiền gia đình mình. Chúng ta không thể ép buộc người dân trong hoạt động tinh thần, ý kiến của MTTQ là cần có biện pháp để người dân nhận thấy không nên làm phiền người khác, đặc biệt tại các khu dân cư san sát nhau, chi phối hoạt động của người dân rất lớn”.

Theo bà Châu, vụ việc mới đây tại huyện Bình Chánh dẫn đến án mạng nguyên do xuất phát từ tiếng ồn karaoke. Điều này cho thấy có sự bức xúc âm ỉ kéo dài, liên tục , khiến người dân dễ bị ức chế. Bà Châu cho rằng, nghị định 167 chỉ nhắc nhở ban đêm, trong khi việc gây tiếng ồn kéo ban ngày cũng ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Để xử lý vấn đề này, chính quyền cần có sự đồng thuận của người dân, đưa quy định về sử dụng loa kéo hát karaoke vào Hương ước, Quy ước của khu dân cư để có sự tôn trọng nhau. Nếu người dân không chịu tuân thủ thì chính quyền các cấp mới xem xét xử lý hành chính theo quy định pháp luật.

Trước ý kiến trả lời của đại diện các sở ban ngành, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM cho biết đại diện các sở ban ngành chưa giải trình rõ trách nhiệm của mình, trách nhiệm của các cơ quan chưa thống nhất nhau mặc dù có liên ngành, có phối hợp kiểm tra.

Từ đó bà Nguyễn Thị Lệ đề nghị Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao TPHCM với vai trò thường trực trong Ban chỉ đạo liên ngành văn hóa xã hội, chủ trì phối hợp với các sở ban ngành rà soát lại các quy định, cũng như bổ sung thêm vào các bộ tiêu chí như tiêu chí ứng xử văn hóa trong cộng đồng.

Đồng thời hướng dẫn các sở ban ngành, quận huyện xử lý vấn nạn này một cách thống nhất. “Trước hết chúng ta cần làm tốt tuyên truyền, vận động người dân có văn hóa ứng xử trong cộng đồng để cùng nhau xây dựng khu phố văn hóa. Trên cơ sở đó có các hướng dẫn liên quan đến quy định pháp luật để có giải pháp xử lý phù hợp, triệt để hơn”, bà Nguyễn Thị Lệ yêu cầu.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Xử lý tiếng ồn “loa kẹo kéo”: Trách nhiệm thuộc về ai?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.