Thứ ba, 23/04/2024 21:12 (GMT+7)

Vụ sai phạm đường 500 tỷ ở Huế: Kỷ luật nhiều cá nhân liên quan

Nguyễn Hiền -  Thứ năm, 28/02/2019 08:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế vừa quyết định xử lý kỷ luật hàng loạt cá nhân liên quan đến những sai phạm tại dự án đường Quốc phòng, kinh tế Nam Đông – A Lưới.

Ngày 27/2, trao đổi với Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, ông Phan Văn Quang – Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cho biết vừa ra quyết định xử lý hàng loạt cán bộ và Đảng ủy quân sự tỉnh này vì liên quan đến sai phạm tại dự án đường quốc phòng, kinh tế Nam Đông - A Lưới.

Theo đó, về xử lý tập thể, Ban Thường vụ Đảng ủy Quân sự tỉnh Thừa Thiên – Huế nhiệm kỳ 2010 – 2015 bị khiển trách do thiếu theo dõi, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện dự án để chủ đầu tư và ban quản lý (BQL) dự án trên từ năm 2010 – 2015 thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định trong quản lý dự án đầu tư, xây dựng.

Tuyến đường quốc phòng, kinh tế Nam Đông - A Lưới (Tỉnh lộ 74) bị đình trệ, nham nhở.

Hậu quả để lại là công trình kém chất lượng, nhiều đoạn đường bị hư hỏng nặng không sử dụng được, gây lãng phí lớn và thất thoát ngân sách Nhà nước. Vi phạm này đã làm ảnh hưởng không tốt đến tổ chức Đảng, của quân đội và tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy quân sự tỉnh.

Cùng với tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy Quân sự tỉnh nhiệm kỳ 2010 – 2015 bị xử lý, nhiều cá nhân sai phạm cũng đã bị kỷ luật. Cụ thể, ông Trần Đình Phòng - nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên- Huế (Chủ đầu tư Dự án Tỉnh lộ 74) bị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên- Huế kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.

Cụ thể, ông Trần Đình Phòng - nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh (Chủ đầu tư Dự án Tỉnh lộ 74) và ông Ngô Tăng Định - nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh (hiện giữ chức Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh) bị Ban Thường vụ Tỉnh ủy kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.

Ông Phòng và ông Định bị kỷ luật do chủ quan, thiếu trách nhiệm, dẫn đến chưa kịp thời tham mưu giúp Ban Thường vụ Đảng ủy quân sự tỉnh trong việc lãnh đạo, chỉ đạo trên lĩnh vực đầu tư, xây dựng và quản lý dự án; triển khai thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định trong quản lý dự án đầu tư, xây dựng dẫn đến công trình kém chất lượng.

Đối với trường hợp của ông Nguyễn Hồng Sơn - hiện là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy quân sự tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, đang được Tỉnh ủy Thừa Thiên- Huế tiếp tục xem xét trách nhiệm liên quan.

Máy móc, vật liệu xây dựng vứt lăn lóc, bỏ không, gây lãng phí.

Ngoài ra, các ông Phạm Lệ Thúy (Trưởng ban Tài chính Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, thành viên Ban quản lý Dự án Tỉnh lộ 74 từ năm 2002 – 2007), Trần Đức Thành (trợ lý công binh Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, thành viên Ban quản lý Dự án Tỉnh lộ 74 phụ trách công tác kỹ thuật từ năm 2002 - 2009), Lê Quang Bình (Chánh Văn phòng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành viên Ban quản lý Dự án Tỉnh lộ 74 từ 2002 đến 2012) và Phạm Quảng Bình Long (nhân viên kế toán Ban Tài chính Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành viên Ban quản lý dự án từ năm 2009 đến 2012) bị Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thừa Thiên- Huế kỷ luật bằng hình thức khiển trách.

Tuy nhiên, do quá thời hiệu xử lý nên UBKT Tỉnh ủy TT-Huế không quyết định thi hành kỷ luật Đảng đối với những trường hợp bị khiển trách trên.

Như Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã đưa tin, đường kinh tế - quốc phòng Nam Đông - A Lưới (còn được gọi là đường 74) giai đoạn 2 có chiều dài khoảng 50 km nối liền hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong chiến tranh, đường 74 là con đường quan trọng trong liên lạc, vận chuyển quân giới của bộ đội ta. Đường này sau đó do chịu ảnh hưởng của lũ lụt nên bị lấp, không đi lại được. Thế nên, vào năm 2011, Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng lại con đường này.

Nhiều đoạn đường, hạng mục chưa thi công hoàn thành. đã vô tình tạo ra cơ hội cho các đối tượng vận chuyển lâm sản khai thác trái phép.

Tuyến đường dự kiến sẽ được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 5 miền núi với kết cấu mặt đường bê tông xi măng và bê tông nhựa. Toàn bộ dự án xây dựng mới gồm 12 cầu, trong đó 2 cầu lớn và 10 cầu trung với tổng mức đầu tư 537,3 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Thời gian thi công từ năm 2011 đến 2015.

Sau khi hoàn thành, đây được xem là một trong những công trình giao thông huyết mạch, quan trọng nhất nối liền giữa hai huyện Nam Đông và A Lưới, có ý nghĩa chiến lược cho phát triển giao thông nông thôn, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và phục vụ quốc phòng, an ninh tại địa bàn và trong khu vực. Thế nhưng, thi công được một thời gian thì dự án bỗng dừng lại.

Tuy nhiên, trên thực tế con đường này đến nay vẫn nham nhở, chưa thể sử dụng bởi nhiều đoạn đường, hạng mục chưa thi công hoàn thành. Chính vì vậy, tuyến đường đã vô tình tạo ra cơ hội cho các đối tượng vận chuyển lâm sản khai thác trái phép.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Bạn đang đọc bài viết Vụ sai phạm đường 500 tỷ ở Huế: Kỷ luật nhiều cá nhân liên quan. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới