Thứ sáu, 19/04/2024 22:14 (GMT+7)

Vietracimex đang san ủi trên di chỉ khảo cổ 3.500 năm ở giữa Thủ đô

Văn Chương -  Thứ tư, 13/11/2019 09:12 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Giới khảo cổ và người dân vô cùng bức xúc Công ty cổ phần Thương mại xây dựng Việt Nam (Vietracimex) san bằng khu vực gò Dền Rắn và gò Mỏ Phượng thuộc Di chỉ khảo cổ Vườn Chuối tại huyện Hoài Đức.

Di chỉ khảo cổ 3.500 bị san ủi: Xem thường lịch sử?

Mấy ngày qua, giới khảo cổ học và người dân trên cả nước bức xúc trước thông tin khu di chỉ khảo cổ 3.500 năm tại Hoài Đức, Hà Nội đang có nguy cơ biến mất trước việc một doanh nghiệp san lấp mặt bằng.

Theo đó, khu di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối thuộc địa phận làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, có tổng diện tích 19.000 m2, được khai quật lần đầu tiên vào năm 1969. Khu vực Vườn Chuối gồm ba gò: Vườn Chuối, Dền Rắn và Mỏ Phượng.

Ngày 22/10, các nhà khảo cổ có báo cáo sơ bộ kết quả khai quật Di chỉ Vườn chuối do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, trong đó đánh giá rất cao giá trị của di chỉ. Tuy nhiên, mấy ngày qua, việc chủ đầu tư san ủi trên khu vực này khiến các chuyên gia, giới khoa học lo lắng.

Ông Võ Nhật Thăng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Vietracimex. Ảnh Tuổi trẻ.

Bởi phía Tây gò Vườn Chuối nằm trong phạm vi mở đường quy hoạch vành đai 3,5 của thành phố. Trong tháng 10/2019, Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng Vietracimex tiến hành xây dựng đường nội bộ và san nền khu đô thị đã xâm phạm vào khu vực di tích phân bố ở các gò Mỏ Phượng (san lấp toàn bộ di tích), Dền Rắn (diện tích san lấp vào phạm vi di tích khoảng 50%) và làm đường nội bộ vận chuyển vật liệu ở phía Nam gò Vườn Chuối. Hiện tượng đào trộm cổ vật xảy ra ở di chỉ Vườn Chuối diễn ra một cách công khai sau khi đoàn khai quật khảo cổ vừa dừng khai quật.

Được biết, Vietracimex tiền thân là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, được thành lập năm 1999, trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải. Ông Võ Nhật Thăng trước đó được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại Tổng công ty. Ông Thăng được dư luận biết đến sau khi thâu tóm 93,37% cổ phần của Vietracimex khi Tổng công ty này được cổ phần hóa.

Năm 2007, tỉnh Hà Tây (trước kia) đã giao cho Tổng Công ty cổ phần Thương mại Xây dựng Việt Nam (Vietracimex) dự án xây dựng Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch với tổng diện tích 145,8 ha bao trùm lên cả khu Vườn Chuối. Tháng 7/2018, đơn vị thi công đã đổ phế thải lấp toàn bộ khu di chỉ khảo cổ.

Vẫn không bị dừng thi công

Ngày 12/11, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội có văn bản số 4220 gửi UBND TP Hà Nội về kết quả sơ bộ thăm dò, khai quật di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội).

Theo đó, Sở VHTT khẳng định Vườn chuối là địa điểm khảo cổ thời tiền sử phân bố trên các gò đất ở thôn Lai Xá, Kim Chung, Hoài Đức. Khu Vườn chuối đã trải qua 9 lần khai quật nghiên cứu khảo cổ và xác định đây là phực hệ chi cư trú-mộ tang phát triển liên tục qua các thời kỳ Đồng Đậu – Gò Mun – Đông Sơn thuộc thời tiền sử, sơ sử miền Bắc nước ta.

Địa điểm Vườn chuối vào danh mục kiểm kê di tích của thành phố và tổng hợp tư liệu lập hồ sơ xếp hạng di tích. Ảnh facbook Di chỉ Vườn Chuối.

“Địa điểm Vườn chuối vào danh mục kiểm kê di tích của thành phố và tổng hợp tư liệu lập hồ sơ xếp hạng di tích”, văn bản của Sở VHTT nêu rõ.

Tuy nhiên, cũng trong văn bản này bất ngờ Sở VHTT chỉ cho rằng chủ đầu tư xây dựng đường 3.5 và khu đô thị Thăng Long 9 trong quá trình thi công cần phối hợp với các cơ quan văn hóa, UBND huyện Hoài Đức, UBND xã Kim Chung theo dõi và dừng thi công khi phát hiện di tích để thông báo cho các cơ quan chuyên môn xử lý di tích theo Luật Di sản.

Con đường chủ đầu tư san lấp chỉ cách khu khảo cổ vài bước chân. Ảnh Facbook Di chỉ khảo cổ.

Trao đổi với PV, một chuyên gia khảo cổ (đề nghị không nêu tên-PV) khẳng định: “Gò Mỏ Phượng đã bị san lấp toàn bộ chưa hay còn 10% di chỉ ở đây còn có thể khai quật được ? Gò Dền Rắn còn 50% chưa bị san ủi. Trong trường hợp này, những phần còn lại phải yêu cầu công ty xây dựng dừng thi công ngay để khai quật khảo cổ tiếp chứ không thể vừa thi công vừa xem có cổ vật không thì báo cáo như kiến nghị của Sở”.

Vị này nói thêm, công văn của Sở VHTT là sai vì biết rất rõ khu vực này có di tích, di vật rồi. Đơn vị san lấp ủi cả hố khai quật khảo cổ. Theo Luật thì phải dừng thi công từ lâu. Công văn này thực vẫn “tiếp tay” cho chủ đầu tư thi công trên vùng có di chỉ khảo cổ, tức là phá hại di tích. Hơn nữa, làm sao nhà đầu tư thi công mà lại phát hiện “bảo vật quốc gia” ở dưới lòng đất?

Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin!

Bạn đang đọc bài viết Vietracimex đang san ủi trên di chỉ khảo cổ 3.500 năm ở giữa Thủ đô. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...