Thứ sáu, 29/03/2024 18:35 (GMT+7)

Giảm thuế để hỗ trợ xuất khẩu xi măng

MTĐT -  Thứ ba, 01/08/2017 16:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo số liệu của Hội Vật liệu xây dựng, trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng sản lượng xi măng của toàn ngành đạt 31,02 triệu tấn, giảm 5,72% so với cùng kỳ năm 2016; tổng lượng tiêu thụ xi măng và clinker đạt 38,25 triệu tấn, tăng 4%.

Trong đó, tổng lượng xi măng tiêu thụ nội địa đạt 28,7 triệu tấn, tương đương với mức tiêu thụ trong 6 tháng đầu năm 2016. Cả nước đã xuất khẩu được 9,5 triệu tấn xi măng và clinker trong 6 tháng, thu về 330,8 triệu USD, tăng cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2016, với mức tăng tương ứng là 19,9% và 12,4%.


Sản xuất xi măng tại nhà máy xi măng Hải Phòng.

Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cũng có kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Xây dựng về việc áp dụng thuế xuất khẩu 5% và thuế VAT đối với mặt hàng xi măng clinker xuất khẩu.

Theo VNCA, với giá xuất khẩu clinker, xi măng của Việt Nam và các nước trong khu vực như hiện nay, sự cạnh tranh gay gắt chỉ nằm trong mức chênh lệch từ 0,5-1USD/tấn. Kể từ khi áp dụng 2 Nghị định 100/2016/NĐ-CP và 122/2016/NĐ-CP, mỗi tấn clinker và xi măng xất khẩu của Việt Nam đang gánh thêm chi phí thuế từ 4-7 USD/tấn.

Theo đó, các doanh nghiệp đang phải bù lỗ cho những tấn hàng xuất khẩu để giữ thị trường và uy tín với bạn hàng, đặc biệt với những thị trường và bạn hàng đã ký kết hợp đồng dài hạn. Ngoài ra, giá bán sau áp thuế xuất khẩu sẽ cao hơn hẳn các đối thủ trong khu vực khiến cho các đối tác, bạn hàng, khách hàng đang mua xi măng, clinker của nước ta sẽ phải từ bỏ thị trường Việt Nam, chuyển hướng sang mua của các thị trường khác trong khu vực có sự ổn định và giá bán cạnh tranh hơn.

Về lâu dài, nếu áp dụng thuế xuất khẩu 5% và không được khấu trừ thuế VAT đầu vào sẽ dẫn đến hậu quả nặng nề cho ngành xi măng khi sự chậm hàng, ế ẩm và bế tắc từ hoạt động xuất khẩu. Hệ quả là các doanh nghiệp xi măng sẽ ồ ạt giảm giá, khuyến mại để đưa hàng chục triệu tấn xi măng, clinker quay lại thị trường nội địa, ngay lập tức sẽ gây ra sự hỗn loạn của thị trường xi măng trong nước, phá giá, cạnh tranh không lành mạnh, giành giật lẫn nhau và cuối cùng có thể dẫn đến việc giải thể, phá sản hoặc bán công ty.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với mức thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng xi măng Việt Nam hiện nay sẽ làm tăng chi phí, khó cạnh tranh với các loại xi măng của Trung Quốc và các nước trong khu vực. Vì vậy, Bộ đã báo cáo Chính phủ để sớm trình Quốc hội xem xét, sửa đổi quy định này, bảo đảm tính khoa học, phù hợp với thực tế và góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Từ ngày 01/7/2016, theo Nghị định số 100/2010 và Nghị định số 209/2013 của Chính phủ quy định, sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên khoáng sản, công và chi phí năng lượng chiếm 51% giá thành sản xuất trở lên được xếp vào đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT); không được khấu trừ VAT đầu vào. Cùng với đó, kể từ tháng 9/2016, tại Nghị định số 122/2016 của Chính phủ quy định, vật tư, nguyên liệu... có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên sẽ chịu thuế suất thuế nhập khẩu 5%.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc không được khấu trừ VAT đầu vào và chịu thuế suất thuế xuất khẩu 5% sẽ khiến chi phí xuất khẩu xi măng, clinker (nguyên liệu đầu vào sản xuất xi măng) có thể tăng lên. Với xi măng là khoảng 7,5 USD/tấn, với clinker là khoảng 4,5 USD/tấn. Việc tăng chi phí này khiến xuất khẩu xi măng của Việt Nam khó cạnh tranh với xi măng Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và Nhật Bản... ảnh hưởng rất lớn đến cung cầu xi măng trong nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị Bộ Tài chính, nghiên cứu, xem xét báo cáo Chính phủ, Quốc hội cho phép khấu trừ thuế VAT đầu vào và giảm thuế xuất khẩu xuống mức thấp hơn để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Hiện tượng cung vượt cầu đã đặt các DN sản xuất xi măng trước sự cạnh tranh gay gắt cả về chất lượng và giá thành trong việc tiêu thụ sản phẩm, không chỉ ở thị trường xuất khẩu mà còn ở cả thị trường tiêu thụ nội địa. Trước đó, năm 2016, sản lượng xuất khẩu xi măng và clinker của Việt Nam chỉ đạt 14,73 triệu tấn, tương đương 561 triệu USD. Sản lượng này đã giảm khoảng 6% so với năm 2015 và không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra là xuất khẩu 16-17 triệu tấn sản phẩm xi măng trong năm 2016.

Đặc biệt, sau một thời gian phát triển nóng, thị trường xi măng Trung Quốc hiện dư thừa khoảng 670 triệu tấn, càng làm cho sự cạnh tranh về giá bán trên thị trường xuất khẩu của xi măng Việt Nam đã khó khăn càng thêm nhiều áp lực. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch sản xuất của các DN xi măng. Tại các thị trường xuất khẩu truyền thống như Philippines và Bangladesh, việc tiêu thụ sản phẩm xi măng của các DN Việt Nam cũng đang gặp khó khăn do sự cạnh tranh khốc liệt về giá thành.

VNCA cho biết, tổng công suất ngành xi măng đã lên tới 86 triệu tấn, trong khi khả năng tiêu thụ của thị trường nội địa cả năm 2017 dự kiến chỉ khoảng 60 triệu tấn. Như vậy, 26 triệu tấn xi măng dư thừa đang phải tìm đường xuất khẩu và trong 3 năm tới ngành xi măng sẽ dư thừa khoảng 36-47 triệu tấn.

Trước thực trạng này, Chủ tịch VNCA Nguyễn Quang Cung nhấn mạnh, các doanh nghiệp trong ngành cần quan tâm đến đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm bằng việc hợp lý hóa quy trình vận chuyển để tiết kiệm thời gian, chi phí. Bên cạnh đó, doanh nghiệp xi măng phải chuyên nghiệp hơn trong hoạt động, từ khâu sản xuất đến phân phối, tiêu thụ, bán hàng, chăm sóc khách hàng để hướng tới xuất khẩu bền vững.

Chủ trương của Nhà nước ta là đẩy mạnh xuất khẩu xi măng, clinker. Theo Quyết định phê duyệt quy hoach phát triển VLXD số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng thì trong giai đoạn đến năm 2030, xi măng và clinker Việt Nam cần xuất khẩu 20-30% tổng công suất hàng năm mới ổn định thị trường. Hiện Bộ Tài chính đang nghiên cứu Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các Luật về thuế, trong đó có quy định sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo Báo Xây dựng

Bạn đang đọc bài viết Giảm thuế để hỗ trợ xuất khẩu xi măng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới